Sunday, January 1, 2017

Quyết tâm chiếm đoạt tinh thần nhân dân được chăng???

Tự do Ngôn luận - So sánh với mọi chế độ độc tài từng hiện hữu trong lịch sử nhân loại, chế độ Cộng sản nổi bật lên như một chế độ toàn trị, nghĩa là thống trị toàn diện, tất cả, không trừ bất cứ thực thể đất nước hay con người nào, thực thể vật chất hay tinh thần nào, thực thể chính trị, kinh tế hay văn hóa nào. Nhiều nhà nghiên cứu đã tóm tắt sự thống trị toàn diện của chế độ CS trong 3 điểm: chiếm đoạt tinh thần (ý thức con người), chiếm đoạt vật chất (tài nguyên đất nước) và/để chiếm đoạt quyền lực (một mình cai trị quốc gia, tiến tới cai trị thế giới). Chương trình vĩ đại này đã được khởi thảo bởi thiên tài tội ác Lénine rồi được đào sâu, mở rộng, áp dụng thực tế bởi những thiên tài tội ác khác như Stalin, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh, Tito, Ceaucescu, Zhivkov, Honecker, Castro...

Trong một bài xã luận gần đây, chúng tôi có đề cập tới việc chế độ CS chiếm đoạt vật chất, tức toàn bộ đất đai tài nguyên của quốc gia bị nó thống trị, khiến nhân dân phải vùng dậy, gây ra vấn đề không phải tranh chấp đất đai mà là tranh đấu đòi lại quyền sở hữu thứ bất động sản quan trọng này. Hôm nay chúng tôi bàn đến việc CS chiếm đoạt tinh thần, tức là khống chế tư tưởng, tâm tình của mọi con người và mọi tổ chức trong xã hội, khiến nhân dân phải phản ứng mãnh liệt, nhân vụ Đảng hội (tên đúng nhất cho cái Quốc hội ở Ba Đình) mới ban hành Luật tín ngưỡng tôn giáo hôm 18-11-2016 (có hiệu lực từ đầu năm 2018, để có giờ bắt nhân dân học tập) và nhân vụ Hội Nhà báo Việt Nam hôm 16-12 công bố 10 qui định đạo đức nghề nghiệp mà người làm báo phải cam kết và có trách nhiệm thực hiện (có hiệu lực từ đầu năm 2017).

1- Luật Tín ngưỡng Tôn giáo 2016 (với 9 chương 68 điều so với Pháp lệnh Tôn giáo 2004 chỉ có 6 chương 41 điều) nếu đọc kỹ sẽ thấy đúng là sự đúc kết kinh nghiệm đối phó với các Giáo hội kể từ Pháp lệnh, nâng cao mức độ cưỡng bức của chính sách đàn áp tôn giáo từ nhà cầm quyền và đáp ứng mưu đồ kiểm soát chặt hơn đối với các Giáo hội đang ngày càng tích cực đòi hỏi các quyền tự do cho mình và cho Dân. Quả thế, trong Nhận định và Góp ý cho Dự thảo Luật này (gởi nhà nước ngày 4-5-2015), Hội đồng Giám mục VN đã thẳng thừng nhận định về nó như sau: “chưa làm rõ mục đích của luật, vì luật được tạo ra nhằm đảm bảo quyền con người, tạo sự bình đẳng cho các tổ chức, cá nhân có cơ hội đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước, đem lại bình an cho xã hội cùng cộng đồng dân tộc… có những điều luật chỉ nhằm mang lại quyền lợi cho nhà cầm quyền mà quên đi quyền lợi của người dân… không công nhận sự “tồn tại” hợp pháp của một tổ chức tôn giáo trước pháp luật VN, qua việc không công nhận tổ chức tôn giáo là một “pháp nhân” (nay thì đã cho tư cách pháp nhân, nhưng là pháp nhân “phi thương mại”)?!? Tựu trung, dự luật “đi ngược lại với quyền tự do về tín ngưỡng và tôn giáo… đi ngược lại với Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế”. Kết luận, Hội đồng GMVN đã yêu cầu soạn lại Luật này.

Nhiều tổ chức tôn giáo lẫn dân sự khác và nhiều cá nhân trong lẫn ngoài nước cũng đã đóng góp ý kiến vào các dự thảo đưa ra trước tháng 11-2016, trong thiện chí và ước vọng làm cho nó mang tính cách văn minh và dân chủ hơn. Nhưng phải nói xem ra chỉ có Hội đồng Liên tôn -quy tụ nhiều chức sắc của 5 Tôn giáo lớn nhắm mục đích tranh đấu cho Tự do Tôn giáo và Dân chủ Nhân quyền tại Việt Nam - là thấy được bản chất chế độ nên đã hoàn toàn bác bỏ Luật Tín ngưỡng Tôn giáo trong một Kháng thư viết hôm 22-10-2016, với những lập luận mạnh mẽ: 

“1- Chế độ cai trị hiện thời tại VN là chế độ CS với hai tính chất nổi bật: vô thần và toàn trị. Vô thần CS là vô thần tranh đấu, quyết tâm xóa bỏ hoàn toàn ảnh hưởng của Tôn giáo trên xã hội khi hoàn toàn bất lực xóa bỏ sự hiện hữu của Tôn giáo trong quốc gia. Toàn trị là kiểm soát, lũng đoạn để công cụ hóa mọi cá nhân và tập thể, mọi tổ chức và định chế, mọi thế lực và ảnh hưởng, mà đặc biệt là thế lực tôn giáo và ảnh hưởng tâm linh, để đảng CS muôn năm lãnh đạo và nhà nước CS muôn năm cai trị. 2- Mọi luật lệ xuất phát từ chế độ độc tài toàn trị CS đều không ngoài mục đích kiểm soát, lũng đoạn và công cụ hóa nói trên. Nên cho dù có đưa ra cho toàn thể nhân dân, mọi giai tầng xã hội đóng góp ý kiến cho có vẻ dân chủ, rốt cuộc đảng và nhà cầm quyền CS vẫn biên soạn các luật lệ (từ cao xuống thấp) hoàn toàn theo ý muốn độc đoán của họ và hoàn toàn nhằm mục đích tối hậu của họ: củng cố chế độ độc tài đảng trị. Hiến pháp 2013 là ví dụ rõ nhất. Luật Tín ngưỡng Tôn giáo cũng không nằm ngoài ý đồ thâm độc này. 3- Mọi Giáo hội đều là những tổ chức xã hội dân sự độc lập và mọi tín đồ đều là những công dân bình đẳng. Họ có các quyền và nghĩa vụ như mọi tổ chức và mọi công dân khác. Những quyền và nghĩa vụ này được xác định trong Hiến pháp và các bản văn dưới luật hình thành theo tinh thần tự do dân chủ, phù hợp với các Công ước quốc tế về Nhân quyền. Thành ra một luật riêng cho các Giáo hội và cho các Tín đồ là chẳng hề cần thiết, là trắng trợn kỳ thị, bộc lộ não trạng coi Tôn giáo như kẻ thù và chủ ý coi Tôn giáo cần phải bị chế ngự. Tại các nước dân chủ văn minh, chỉ có những thỏa ước giữa chính phủ và một Giáo hội nào đó về đất đai tài sản hay văn hóa giáo dục chẳng hạn”

Và Hội đồng Liên tôn đã thẳng thắn kết luận: 

“Khoác vào ách tròng cổ đó [tức Luật Tín ngưỡng Tôn giáo] là liều mình tự đánh mất danh dự của một con người có phẩm giá, của một cộng đồng sống đức tin, là chấp nhận được thí ban những tự do tôn giáo phụ tùy (xây dựng cơ sở, tổ chức lễ hội, đi ra nước ngoài…) và bị tước đoạt những tự do tôn giáo cơ bản (độc lập trong điều hành, tự quyền trong sinh hoạt, truyền đạo ra xã hội, giáo dục thanh thiếu niên, có phương tiện truyền thông riêng, có tín đồ tham gia hàng lãnh đạo chính trị…). Chấp nhận Luật Tín ngưỡng Tôn giáo là tiếp tục góp phần dung dưỡng chế độ vô thần độc tài toàn trị!”

2- Hội Nhà Báo VN hôm 16 tháng 12 có công bố “10 qui định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam”. Đây là một trong những hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương IV khóa XII của cộng đảng về “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.

Đúng theo bản chất của chế độ là lèo lái, khống chế mọi tư tưởng và tâm tình của con người, để chúng hoàn toàn quy về đảng, phụng sự đảng, củng cố sự cai trị của đảng, nên điều đầu tiên trong cái mang tên “Đạo đức nghề nghiệp của người làm báo” là “trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc VN xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của đảng CS” với lý do (trấn an lương tâm) và mục đích (lường gạt trí não) là “vì lợi ích của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân, góp phần nâng cao uy tín, vị thế VN trên trường quốc tế”. Và điều thứ mười, chốt lại lần cuối cho chắc ăn, là phải “cam kết thực hiện những qui định đã nêu ra vì đó là bổn phận, nguyên tắc hành nghề, lương tâm và trách nhiệm của báo chí trong nước”. Cao cả vậy ư!?!

Ngay lập tức, theo đài Á châu Tự do ngày 28-12-2016, bảng quy định trời đánh này đã gặp phải phản ứng mãnh liệt của những nhà báo còn có lương tâm, vốn hiểu rằng phóng viên, ký giả là tôi tớ cúa sự thật chứ không phải là công cụ của chế độ, của cộng đảng. Chẳng hạn ông Trần Ngọc Quang, từng làm cho báo của Bộ Y tế và báo đảng tỉnh Phú Yên nhưng nay là một nhà báo độc lập, đã phát biểu: “Cái này là qui định của một hội nhà báo đang ăn lương của đảng CS. Làm báo theo cái lối o bế như vậy nó mâu thuẫn với đạo đức nghề nghiệp. Nhà báo là những cần ăng-ten của xã hội, phải dự báo được cho toàn xã hội những cái nhạy cảm nhất. Đó là sự phát hiện tất cả những cái gì trái với đạo lý, trái với chân lý. Còn nếu cứ làm báo theo cách chỉ đạo, làm báo theo cái lối đó thì tất cả đều qua kiểm duyệt hết. Hội Nhà Báo VN nằm trong một số những tổ chức mà đảng lập ra, làm báo mà lại là đảng viên CS thì đấy là việc họ qui định với họ. Người ta không thích nghe nói thẳng nói thật vì nó trật lỗ tai, nói thẳng với đảng góp ý với đảng thì đảng không nghe, đấy là bi kịch của một đất nước”.

Đối với ông Bùi Văn Bồng, nguyên trưởng đại diện báo Quân Đội Nhân Dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thì bộc bạch: “Không cho cá nhân tự thân đưa ra một cách sống hay một lối sống hay cách diễn đạt tư tưởng gì cả mà cứ phải áp đặt từ trên xuống dưới, đưa vào một khuôn phép chung chung, theo tôi rất vô nghĩa. Một nhà báo luôn luôn phải tôn trọng sự thật, phản ánh đúng sự thật khách quan, đúng thực tế cuộc sống. Cái thứ hai là nhà báo phải có quan điểm tư tưởng để tự chủ nêu ra những vấn đề mà không chịu sự áp đặt náo khác. Đó là quyền tự do báo chí, tự do tư tưởng, tự do hành nghề của nhà báo”. 

Phần nhà báo Võ Văn Tạo, từng cộng tác với nhiều tờ lớn như Tuổi Trẻ, Thương Mại, Nông Thôn Ngày Nay, VietnamNet, Lao Động, Kinh Tế Sài Gòn và hiện là thành viên Hội Nhà báo Độc lập, một tổ chức xã hội dân sự, cũng nhận định rằng: “Ở các nước khác, tiêu chuẩn đầu tiên và cốt lõi của nghề báo là trung thực, khách quan, công bằng. Việt Nam thì khác, buộc phải trung thành với đảng với chủ nghĩa xã hội, những cái thứ mà lâu nay đã cũ rích rồi, không hợp với xu thế phát triển của nhân loại văn minh. Điểm lại thì hệ thống CS bao giờ cũng coi trọng công tác tuyên truyền. Báo chí theo quan niệm của đảng chỉ là công cụ tuyên truyền của đảng thôi chứ không phải là báo chí theo chuẩn mực chung của thế giới được”.

Một lần nữa, chúng ta nhận thấy rằng đứng trước nguy cơ bị đào thải vì quá bất công và bất lực, quá tàn ác với nhân dân mà hèn với giặc Tàu, quá chồng chất những sai lầm và tội ác, đảng Việt cộng đang cố sức vùng vẫy như con thú dữ quẫy đuôi trước giờ sắp chết vì bị một nhát dao/phát súng trí mạng. Trên thực tế, đảng đang gia tăng cướp bóc tài sản như đất đai của nông dân, tiền bạc của toàn dân (qua những thua lỗ khổng lồ và tham nhũng trắng trợn của các công ty nhà nước lẫn đảng viên cán bộ và qua vụ đổi tiền nếu nó thực sự xảy ra), gia tăng đàn áp những công dân ái quốc chỉ mong cứu nước cứu dân khỏi bao nguy nàn, chỉ muốn cho dân cho nước được nhiều điều lợi (hai án tù khủng khiếp 13 và 12 năm dành cho các ông Trần Anh Kim và Lê Thanh Tùng mới đây và việc tăng lệnh tạm giam cho Ls Nguyễn Văn Đài là những thí dụ)… Trên lý thuyết, đảng tiếp tục đưa những luật lệ và quy định trời đánh nói trên đây hòng dập tắt mọi đòi hỏi về công lý và sự thật, về nhân quyền và nhân quyền. Nhưng có dập tắt nổi không khi cơn bão/ngọn sóng biểu tình, khởi kiện của toàn dân đang chực bùng nổ để thanh toán cái chế độ khốn nạn nhất lịch sử Dân tộc này?

Xã luận bán nguyệt san Tự do Ngôn luận số 258 (01-01-2017)

Ban Biên Tập

0 comments:

Powered By Blogger