Monday, January 2, 2017

Chữ, Nghĩa và sự trong sáng của tiếng Việt

Giang Phúc Đông Sơn  ...Nhiều lúc tôi cảm thấy rất bực mình hoặc rủa thầm trong bụng khi gặp phải những chữ như: Cặp đôi, bức xúc, hồ hởi, phấn khởi, hoành tráng, khẩn trương, ùn tắc, 9 tháng tuổi… và vô số những từ khác, kể không hết. Những từ mà theo tôi là vô nghĩa, tối tăm, dư thừa hoặc cường điệu… đã được không những báo chí, phương tiện truyền thông, truyền hình trong nước mà ngay cả ở hải ngoại sử dụng bừa bãi, vô ý thức. Không kể đến những trường hợp nhằm mục tiêu chính trị, sử dụng chữ nghĩa cho những ý định đen tối, xin liệt kê ra đây một số từ thường gặp sau trong báo chí, truyền thanh, truyền hình… dưới chế độ CSVN sau năm 1975, theo tôi là dư thừa hoặc tối nghĩa...

*

Cách đây khoảng hơn 6 tháng, tôi cùng một số bạn thời trung học, trong một buổi họp mặt trường cũ, có thảo luận về sự trong sáng của tiếng Việt. Cuộc nói chuyện không đi đến đâu vì chúng tôi không phải là những học giả hoặc người nghiên cứu về ngôn ngữ Việt. Chúng tôi không có tài liệu, công trình nghiên cứu nào làm căn bản để thống nhất được nền tảng ngôn ngữ, nói rõ hơn là tiêu chuẩn làm trong sáng cho tiếng Việt. Bài viết do đó chỉ là những nhận định cá nhân với sự hiểu biết hạn hẹp về tiếng Việt.

Hầu như ai sống trong miền Nam từ nhỏ đều nhận thấy từ sau tháng 4 năm 1975 miền Nam bắt đầu xuất hiện một thứ tiếng Việt chói tai, khó hiểu. Nguyên do là dân miền Nam bắt đầu phải sử dụng ngôn ngữ của kẻ chiến thắng.

Với chủ trương văn hóa, văn nghệ, giáo dục phải phục vụ mục tiêu chính trị, chế độ Hà Nội áp đặt một chính sách giáo dục nặng về tuyên truyền cho chủ nghĩa CS. Trường học, truyền thông, báo chí… nhất nhất đều phải chạy theo sự chỉ đạo của đảng cộng sản VN, đầu mối của mọi sự phá sản, gây nên thứ ngôn ngữ rắc rối, tối tăm, lổn nhổn như một chén cơm đầy sạn.

Chủ trương, chính sách giáo dục này chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngôn ngữ Việt Nam hiện nay. Nó đã bị Hán hóa, được du nhập, sử dụng, phát triển, sáng tạo... tùy tiện không theo một qui luật, khuôn khổ rõ ràng.

Không ai có thể phủ nhận rằng ngôn ngữ là một phần của văn hóa. Ngôn ngữ nào cũng thế, bất kể là tiếng Anh, Pháp, Đức, Á Rập… đều phát triển theo thời gian, theo nền văn minh của nhân loại. Hàng năm có thêm một số từ mới xuất hiện cũng như có một số chữ, không mất đi nhưng ít còn được sử dụng. Tiếng Việt cũng thế.

Là một người sống ở nước ngoài hơn nửa đời, nhưng vẫn theo dõi tình trạng đất nước, vẫn đọc sách, báo tiếng Việt dù không thường xuyên.

Nhiều lúc tôi cảm thấy rất bực mình hoặc rủa thầm trong bụng khi gặp phải những chữ như: Cặp đôi, bức xúc, hồ hởi, phấn khởi, hoành tráng, khẩn trương, ùn tắc, 9 tháng tuổi… và vô số những từ khác, kể không hết. Những từ mà theo tôi là vô nghĩa, tối tăm, dư thừa hoặc cường điệu… đã được không những báo chí, phương tiện truyền thông, truyền hình trong nước mà ngay cả ở hải ngoại sử dụng bừa bãi, vô ý thức.

Không kể đến những trường hợp nhằm mục tiêu chính trị, sử dụng chữ nghĩa cho những ý định đen tối, xin liệt kê ra đây một số từ thường gặp sau trong báo chí, truyền thanh, truyền hình… dưới chế độ CSVN sau năm 1975, theo tôi là dư thừa hoặc tối nghĩa:

- Cặp đôi: Đã cặp sao còn đôi? Một cặp thì không thể là 3 hay 4. Một cặp tình nhân chứ không ai nói một cặp đôi tình nhân.

- Vụ việc. Đã là vụ lại còn việc. Sao không nói đơn giản việc này hay vụ này?

- Phao cứu hộ: Chỉ riêng chữ phao đã có nghĩa dùng để cấp cứu, làm nổi dưới nước. Thêm chữ cứu hộ vào để làm gì?

- Cơ bản. Nói cái gì cũng chêm vào chữ cơ bản, nghĩa là sao?

- Hoa hậu X, Y, Z… sở hữu một thân hình cao 1 mét 78, vòng 1, 2, 3…. Chữ sở hữu thường chỉ dùng để nói về tài sản của một người, không dùng để nói về thân thể con người, nhưng cũng chỉ dùng trong trường hợp muốn nhấn mạnh. Sao không dùng động từ Có một cách đơn giản, dễ hiểu?

- Bị hại: Nạn nhân. Chữ nạn nhân có nghĩa rộng và đầy đủ hơn dùng được trong mọi trường hợp. Chữ bị hại do viết tắt từ chữ người bị hãm hại nên trở thành khô khốc dù không tối nghĩa. Khi một người bị tai nạn, có thương tích hoặc chết, chữ bị hại sẽ không thể dùng được.

- Đáp án. Trong một chương trình đố vui. Một câu hỏi có 3 câu trả lời, người điều khển chương trình gọi là 3 đáp án. Chứ đáp án có một ý nghĩa cho một vấn đề to lớn và hoàn toàn mang âm hưởng Tàu.

- Nội y: Tại sao lại phải dùng chữ khó vậy? Đây chỉ là thứ quần áo lót/đồ lót của đàn ông hay đàn bà.

- Triều cường: “Triều cường làm ngập đường phố Hà Nội.” Tại sao không dùng chữ nhẹ nhàng và dễ hiều hơn “Nước dâng cao làm ngập đường phố Hà Nội.”

- Các thiết bị siêu trường siêu trọng: Các thiết bị nặng và dài. Các thiết bị quá nặng và quá dài.

- Xe container: Xe vận tải hạng nặng, xe tải hạng nặng.

- Các container: Các kiện hàng, thùng hàng

- Bunker/Boong- ke: Hầm trú ẩn.

- Người tham gia giao thông: Thay vì đơn giản dùng chữ Người đi đường.

- Blog: Trang tin chuyên đề / trang chuyên đề. Blogger: Người viết trang chuyên đề.

- Audio- visual: Âm thanh & hình ảnh / phần âm thanh & hình ảnh.

- Trái cherry to, đỏ mọng… Xin nhắc khéo báo phapluattp.vn rằng cherry là trái anh đào.

- Mát-xa (Massage): Đấm bóp, nghề đấm bóp.

- Ảnh nude: Ảnh khỏa thân, lõa thể.

- Hot girls: Gái ăn mặc hở hang, khiêu dâm.

- Ăn mặc hot: Ăn mặc hở hang, khiêu dâm.

Ảnh hot: Ảnh có cảnh khiêu dâm hoặc gái ăn mặc hở hang, khiêu dâm.

Bản nhạc ấy hot lắm: Bản nhạc đang được ưa chuộng.

Thị trường đang hot: Thị trường bán rất chạy (trái với ế ẩm)

Top ten: Mười… đứng đầu. Mười hạng đầu.

Logo: Huy hiệu.

Mít-tinh: Cuộc biểu tình, buổi tập họp.

Tiêm vaccine: Chích ngừa, chủng ngừa.

Logic: Thuận lý, hợp lý, lý đương nhiên (không cần tranh biện).

Clip: đoạn băng, đoạn thu hình ngắn. Mỹ định nghĩa clip: “A short part of a movie or television program…”

Chế độ lương thực 9kg, 13kg...: Chữ chế độ chỉ dùng để nói về guồng máy chính quyền. Theo tự điển Khai Trí Tiến Đức, chế độ là phép tắc của một triều đình. (người viết thỉnh thoảng cũng mắc phải lỗi này vì vô tình).

Một tình trạng tệ hại nữa là dùng tĩnh từ làm danh từ, danh từ làm động từ..., hoặc nói, viết rút ngắn, cắt bớt chữ rất tối nghĩa.

Tôi được đọc một số truyện kiếm hiệp được in lại trong nước sau này, không hiểu người dịch có máu lai Tàu hay có óc nô lệ mà trong truyện Anh Hùng Xạ Điêu, có đoạn nói về Hoàng Dung bị rơi xuống biển có câu sau: "Hoàng Dung thủy tính cực cao nên dù rơi xuống nước vẫn không hoang mang..."

Tại sao không viết đơn giản: Hoàng Dung bơi lội rất giỏi nên dù rơi xuống nước...?

Viết như thế vừa thuần Việt, vừa dễ hiểu cho độc giả, không khô khốc, lổn nhổn... Không Hán cũng chẳng Việt như câu trong truyện.

Nhớ lại cách đây khoảng hơn một năm, có một bài viết của Hiệu Minh trên Danchimviet.info với tựa Chuẩn Đúp đăng lại của RFA tiếng Việt. Câu này dùng để nói thì được, nhưng viết lên cho người đọc thì không nên vì nó ngô nghê. Tôi hiểu chữ Chuẩn là do cắt bớt từ chữ tiêu chuẩn, Đúp là phiên âm từ tiếng pháp Double.

Tôi cũng đã coi một số phim của Âu Mỹ, được phụ đề tiếng Việt, thú thật, rất bực mình và nhiều khi không hiểu vì nhưng lời phụ đề ngây ngô, ngớ ngẩn, sai văn phạm rất nhiều. Thí dụ:

Trong cuốn phim Django Unchained của Mỹ được phụ đề tiếng Việt có câu như sau:

- Trình bắn của cậu khá lắm.

Câu phụ đề khiến tôi vừa bực mình vừa buồn cười, nhưng nghĩ ngay ra là người dịch muốn nói rằng "Trình độ bắn của cậu khá lắm".

Không ai nói khả năng tác xạ là trình độ. Chữ Trình độ chỉ dùng nói về sự hiểu biết, kiến thức, không nói về khả năng. Đã sai mà còn cắt bớt chữ.

Một thí dụ khác gây ra một trận cười, chế nhạo là chữ "Tâm Tư" được phổ biến trên Net và báo chí hải ngoại. Chữ "Tâm Tư" là danh từ, được Phùng Quang Thanh, bộ trưởng quốc phòng của chế độ CSVN biến thành động từ khi tuyên bố: “Không cho lên tướng là anh em tâm tư lắm".

Có người nhận xét rằng nguyên nhân chính yếu là do sự độc tài của chế độ CS, kiểm soát tất cả mọi sự thông tin, báo chí, truyền thanh, truyền hình… nên từ trên xuống dưới các báo chí, đài… rập một kiểu mẫu sử dụng ngôn từ khô khan, tăm tối, sặc mùi tuyên truyền chính trị, tuy nhiên người dân có cách sử dụng ngôn ngữ của riêng họ. Hơn thế nữa tiếng Việt vốn nghèo về từ ngữ. Dù chính bản thân đôi khi cũng mắc phải những lỗi lầm về sử dụng ngôn từ do thói quen bị tiêm nhiễm bởi thứ ngôn ngữ nô lệ, nghe, đọc hàng ngày - người viết chỉ đồng ý phần nào với nhận xét này.

Để có thể giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, những ký giả, phóng viên báo chí, nhân viên đài phát thanh, truyền hình trong nước… có thể sử dụng nhưng từ đơn giản, dễ hiểu, chính xác hơn mà vẫn giữ nguyên được tinh thần bản tin, bài báo… không sợ vi phạm luật pháp. Tệ hại hơn nữa là có nhiều ký giả, phóng viên báo chí, truyền thanh, truyền hình ở nước ngoài không hề bị lệ thuộc hay gò bó bởi kiểm duyệt cũng rập khuôn, sử dụng ngôn từ y như trong nước.

Tại sao vậy? Tôi đem vấn đề ra hỏi một số người vốn là ký giả, phóng viên… Họ lý luận rằng viết như vậy cho người trong nước dễ đọc, họ quen đọc như thế rồi, viết khác họ sẽ không đọc.

Đúng là lý luận của những người… lười biếng, thiếu suy nghĩ, vô trách nhiệm.

Là những người làm việc truyền thông, ký giả, phóng viên… ở hải ngoại (không kể những người trong nước vì họ bị lệ thuộc, kiểm soát bởi cán bộ chính trị đảng CSVN) thấy được những sai, trái trong việc sử dụng tiếng Việt, thay vì lên tiếng chấn chỉnh hoặc không bắt chước, lại đơn giản dùng theo với lý luận trên, nhiều người còn tệ hại, lố bịch hơn nữa là bắt chước quá đáng.

Chúng ta nên nâng cao trình độ dân trí của người dân lên, hay hạ thấp trình độ văn hóa xuống cho phù hợp với sự hiểu biết của họ?

Hầu hết những người cộng sản Việt Nam lãnh đạo đất nước, trong quá khứ cũng như hiện tại đều thuộc loại ít học, ngu dốt, nhưng rất tự cao tự đại và mang nặng tinh thần nô lệ.

Họ cũng có mục đích xóa bỏ hoàn toàn nền văn hóa, giáo dục nhân bản của miền Nam trước năm 1975.

Do đó, họ chủ trương một nền giáo dục thui chột, ngu dân, một văn hóa lai căng theo Tàu nhằm xóa bỏ sự trong sáng của tiếng Việt đễ dễ dàng làm tay sai cho Tàu cộng.

Nếu những nhà ngôn ngữ học, những người có trách nhiệm về văn hóa, giáo dục Việt Nam (trong và ngoài nước) không có những hành động cụ thể chống lại chủ trương nô lệ văn hóa của nhà cầm quyền Hà Nội, và nếu chế độ CSVN còn tiếp tục tồn tai thì ngôn ngữ Việt rồi sẽ bị Hán hóa hoàn toàn một ngày nào đó.

Ông cha ta, dù cả ngàn năm nô lệ giặc Tầu, vẫn sáng tạo ra chữ Nôm để không bị lệ thuộc văn hóa Bắc phương. Chúng ta là những kẻ hậu sinh, chẳng lẽ lại tiếp tay với lũ bạo quyền tay sai cam tâm xóa bỏ nền văn hóa nhân bản mà tiền nhân đã đổ biết bao xương máu để giữ gìn?

03.01.2017

0 comments:

Powered By Blogger