Sunday, December 13, 2015

'Đảo ma' giữa biển Nhật Bản


Lan Phương, BBC Tiếng Việt, tường thuật từ Nagasaki / 2015-12-12



Đảo Hashima nằm cách cảng Nagasaki 19km, từ xa như một chiếc tàu chiến
Nằm giữa vùng biển ngoài tỉnh Nagasaki (Nhật Bản), đảo Hashima, thường được dân địa phương gọi là “Tàu chiến” (Gunkanjma) vì vẻ ngoài đe dọa giữa biển khơi với màu xám của hơn 40 năm bị bỏ hoang. BBC giới thiệu hình ảnh những khu vực du khách không được đặt chân tới trên hòn đảo này.
'Đảo ma' của kỷ nguyên công nghiệp
Mùa đông tại thành phố cảng Nagasaki, ông Baba Hironori, thuyền trưởng của chiếc tàu câu cá nhỏ đưa tôi ra đảo nói: “Tôi đánh cá và đưa khách đi lại ở đây 40 năm rồi. Màu sắc của hòn đảo không thay đổi, chỉ có màu xám của bê tông.”



Tòa nhà màu đỏ từng là văn phòng trung tâm, với khu vực hành lang 100m duy nhất cho người tham quan bước vào
Nhìn từ bờ, hòn được phủ bởi nhiều khối nhà cao tầng, đài quan sát và công sự mỏ than như một chiếc tàu chiến khổng lồ giữa biển. Từ hình dạng đó, dân địa phương gọi hòn đảo này là Gunkanjma - hay “Đảo Tàu Chiến”
Đảo Gunkanjima trước đây là tài sản của tập đoàn Misubishi. Đảo được thành lập năm 1887, là mỏ khai thác một túi than dưới đáy biển ngoài khơi Nagasaki. Vào thời điểm đó, hòn đảo là biểu tượng của cuộc công nghiệp hóa thần kỳ tại Nhật Bản. Chỉ với một diện tích rộng 6,3 hectare, Gunkanjima đã có đến 71 tòa nhà, cao ốc, dây chuyền mỏ than. Thời đỉnh cao có lúc "tàu chiến" chứa đến hơn 5.200 người dân sinh sống lâu dài như một thành phố thực sự.



Trên đỉnh cao nhất của hòn đảo là dinh thự của những quản lý cao cấp thời còn khai thác than
Anh Mizuta Yoshinori, một nhân viên văn phòng phát triển du lịch và văn hóa thành phố Nagasaki kể: "Nhưng từ năm 1974, người ta bắt đầu rời đảo về đất liền vì không còn than nữa. Họ quay về bờ sống, và hòn đảo được tập đoàn Misubishi trao lại cho thành phố Nagasaki." – Từ khi Mizuta lớn lên, hòn đảo đã chính thức trở thành một tượng đài “chết” nằm im lìm ngoài khơi cảng Nagasaki.
Khi dẫn tôi đi len lỏi giữa những tòa nhà, Mizuta chỉ vào một tòa nhà thấp, bị sụt nhẹ xuống dưới, xung quanh còn dấu vết của những khối than nhỏ vương vãi. Đó chính là cửa hầm xuống mỏ than còn sót lại trên đảo. Cầu thang xuống còn nguyên vẹn, nhưng bên dưới hầm đã bị sụt, mặt đất cũng lún xuống thấp hơn rất nhiều xung quanh.
Người tò mò muốn đến đảo chơi có thể đi vòng quanh trên một đoạn lan can ngắn chừng 100m vừa được xây mới lại. Takeuchi Asako, một thanh niên sống ở Nagasaki nói: “Tôi đã ra hòn đảo này ba, bốn lần. Chỉ được đi trên đoạn hành lang này và ở chừng 30 phút là phải rời đảo.”



Băng tải than còn nguyên dấu tích, 15,7 triệu tấn than đã được khai thác từ khu mỏ này
Ở trung tâm đảo, người ta vẫn có thể thấy một hàng cột cao xếp song song vẫn sừng sững, là băng tải than khổng lồ hướng ra cảng. Thời còn hoạt động, các khối than khai thác từ đáy biển lên được chọn lọc lại, đưa đến băng tải rồi xuống các tàu vận chuyển vào bờ.
Ông Mori Tawara, một phóng viên Nhật kỳ cựu mô tả: “Cô thấy không, ở đây không hề có cây xanh.” Dù hiện nay, nhiều chỗ bỏ hoang trên đảo tróc bê-tông ra đã có cỏ mọc lên, nhưng trong những bức ảnh cũ, phần lớn hòn đảo tuyệt đối không hề có cây xanh.
Những cư dân sống trên đảo từng nghĩ đến việc trồng rau trên sân thượng để có màu xanh. Thời đó, họ mang đất từ bờ và trên đảo lên các sân thượng tòa nhà, trải ra và trồng rau. Trong thông tin lưu lại từ phòng văn hóa Nagasaki, đấy có thể được xem là một trong những vườn cây trên mái nhà đầu tiên được trồng tại Nhật Bản.



Các tòa nhà được xây trong trong thời đại phát triển công nghiệp ở Nhật giờ vẫn còn nguyên vẹn
Cả hòn đảo Gunkanjima là một khối bê tông khổng lồ. Một khu căn hộ bảy tầng màu xám đậm hơn các khối nhà còn lại gần như còn nguyên vẹn hoàn toàn. Tòa nhà được xây từ năm 1916, có thể nhìn thấy rõ khi người ta đứng trên bờ. Ông Tawara nói với tôi: “Nó là tòa nhà đặc biệt nhất hòn đảo, là tòa nhà đầu tiên tại Nhật Bản xây bằng chất liệu bê tông chịu lực. Tính tới nay, đây là kết cấu bê tông chịu lực cũ nhất vẫn còn nguyên vẹn. Nagasaki chưa từng tu bổ hay gia cố gì với nó đâu.”
Có rất nhiều tòa nhà khác đã được xây dựng theo thời gian khi dân số của đảo Gunkanjima tăng lên, thêm nhiều người lao động đổ về hòn đảo mưu sinh.
Càng về phía đông bắc của hòn đảo, số lượng khối nhà càng dày đặc chen nhau, cho thấy hơn 100 năm dài tồn tại, người ta đã đổ đến và mưu sinh ngày một nhiều trên đảo.
Mizuta nói: “Ban đầu, dân đảo dùng nước biển và lọc lại để thành nước uống. Đến năm 1957, cuối cùng đã có đường ống dẫn nước ngọt ngầm dưới đáy biển đến đảo. Nhưng dân đảo chỉ được dùng nước ngọt để uống, còn đi tắm vẫn phải dùng phòng tắm công cộng lấy nước biển dùng.”
... Sự sống mới từ đảo chết



Sau lưng anh Mizuta là trường học trên đảo, với bảy tầng cho hai cấp học
Gần mép đảo phía đông bắc, nơi có thể đứng nhìn thấy vực biển trước mặt, năm 1893, tập đoàn Misubishi đã xây dựng trường học đầu tiên ngay trên rặng đá lởm chởm.
Bốn tầng đầu tiên là trường tiểu học, từ tầng 5 – 7 là khu vực trường trung học, thư viện, phòng học nhạc. Vì được xây ngay trên rìa rặng đá và phần gia cố, sau khi bị bỏ hoang, móng của trường học bắt đầu sụt suống, lộ ra phần nằm chênh vênh ngay dưới lòng nước biển.



Móng của trường học đã lộ ra và ngập trong nước
Mizuta ngăn cản không cho tôi bước vào ngôi trường. Anh nói: “Từ năm ngoái, bên trong bị sụt xuống, nhân viên chúng tôi phải luôn mang bảo hộ khi vào trong và mọi sự viếng thăm đều bị cấm.”
Bên hông ngôi trường, hai bức tranh bằng gạch màu ghép còn tươi nguyên trên tường đập chắn đảo. Đó là hai hình ảnh có màu sắc duy nhất tồn tại giữa hàng chục khối nhà chen vai nhau với đủ sắc độ của màu xám.



Hai bức tranh tường cuối cùng học sinh ghép từ gạch màu trước khi rời đảo
Asako sờ vào từng viên gạch dang dở còn đặt bên dưới thềm. Cô nói: “Tôi đã nghe vài người trong Nagasaki kể là trước khi hòn đảo đóng cửa, trẻ em đã làm hai bức tranh để tạm biệt hòn đảo. Đây là lần đầu tiên tôi được thấy chúng!”
Trước đây, dân địa phương gần như lãng quên hòn đảo hoàn toàn sau 40 năm không còn sự sống hay hoạt động gì trên đó. Ông Hironori chuyên lái tàu đưa người ra đảo nói: “Nhiều người nước ngoài tò mò đã tìm cách lên đảo tham quan. Nhưng rất ít dân địa phương theo tàu ra đảo.”
“Suốt 40 năm đó, tôi đã nhìn thấy hòn đảo thay đổi hình dạng. Nó đặc biệt thay đổi hình dạng rất nhanh khoảng 20 năm gần đây vì nhiều khối nhà bị lún sụp xuống.”



Hòn đảo được bao quanh hoàn toàn bằng đập bê tông chắn sóng
Tháng Bảy 2015, bất ngờ Gunkanjima lọt vào danh sách di sản thế giới của UNESCO. Hòn đảo đã gặp phải nhiều phê phán khi nộp đơn vào danh sách di sản, vì nơi này được cho là đã có thời sử dụng lao động cưỡng bức trong Chiến tranh thế giới II.
Đứng giữa những khối nhà còn nguyên như một biểu tượng công nghiệp hấp dẫn khó cưỡng lại từ hơn 100 năm trước, tôi kinh ngạc khi cố tưởng tượng ra hơn 5000 thợ mỏ và gia đình họ đã sống trong một thành phố bê tông giữa biển ra sao, giữa những tòa nhà và đường kính hòn đảo chỉ đi chừng 30 phút là hết.
Thời đó, người ta đứng trên đê biển và nhìn sóng đánh vào bờ đá ngoài đập, như một cách giải trí hiếm hoi giữa giờ tan ca...

---------

0 comments:

Powered By Blogger