Thursday, December 10, 2015

Đà Nẵng ‘mạnh tay’ với người Trung Quốc



Người Trung Quốc chờ lên máy bay tại sân bay Tân Sơn Nhất ở thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh chụp ngày 15/5/2014).

VOA / 2015-12-10
Đà Nẵng đã trục xuất 64 người Trung Quốc làm việc “chui”, trong bối cảnh có nhiều quan ngại về việc công dân nước này đang “nắm” nhiều khu đất mang tính “chiến lược” ở thành phố.
Truyền thông trong nước hôm 9/12 đưa tin, những người bị buộc phải rời Việt Nam sang Đà Nẵng với visa du lịch, và mỗi người đã bị phạt gần 1.000 đôla.
Trước đó, quan chức thành phố ở miền Trung cũng cho rằng tình trạng người Trung Quốc nhập cảnh bằng đường du lịch để làm việc trái phép “đang gây nhiều phức tạp cho công tác quản lý nhà nước”.
Tin này được loan đi ít lâu sau khi quan chức địa phương thừa nhận đã phát hiện 71 cá nhân là người Việt đứng tên mua 137 lô đất trên địa bàn thành phố cho người Trung Quốc.
Khu vực mà người Trung Quốc mua chủ yếu nằm trên đường Võ Nguyên Giáp – Trường Sa, gần một căn cứ quân sự của quân khu 5.


Một trong những khách sạn của người Trung Quốc nằm đối diện khu du lịch Silver Shores trên đường Võ Nguyên Giáp, Đà Nẵng

Chị Thu Diễm, một người dân Đà Nẵng, nói với VOA Việt Ngữ rằng tình trạng này đang khiến nhiều người lo ngại. Chị nói thêm:
“Người Trung Quốc bây giờ họ mua đất ven biển rất là nhiều. Họ mua đất ở trong này nhiều nhưng đa số là mua theo tên của người Việt Nam, chứ không mua theo tên của người Trung Quốc. Người ta đã “chui” thì làm sao mà nắm rõ được. Người Trung Quốc họ mua đất chắc là muốn chiếm dụng đất của Việt Nam thôi. Người ta mua đất của mình, thông qua chính người dân của mình, và người ta sử dụng, chiếm dụng các vị trí đất đấy để làm những việc không có lợi cho mình thì tất nhiên mình phải bức xúc chứ?”
Quan chức địa phương được dẫn lời nói rằng những khu đất hiện do người Trung Quốc nắm giữ là “những vị trí nhạy cảm liên quan đến an ninh, chính trị, quốc phòng”.
Anh Thành Tâm, một người dân Đà Nẵng khác, cho VOA Việt Ngữ biết rằng người Trung Quốc chủ yếu tập trung ở khu vực ven biển, gần sân bay quân sự Nước Mặn.
Ông Trương Duy Nhất, blogger hiện sinh sống ở Đà Nẵng, nhận định rằng tình trạng người Trung Quốc “núp bóng”, mua đất như vậy “đúng là một mối lo”.
Ông cũng nói thêm rằng chính quyền đang bị đặt vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Ông nói với VOA Việt Ngữ:
“Chính quyền họ nhận ra rồi đấy, nhưng mà bây giờ để ngăn chặn tình trạng này thì cũng khó. Người ta có tiền người ta mua, sao cấm người ta được? Tên người Việt Nam mà. Thực ra, trên dưới 200 khu nền đất ven biển, dọc theo sân bay Nước Mặn ở quận Ngũ Hành Sơn thì nói là đứng tên Việt Nam, chứ đa phần là của người Trung Quốc. Một số khu bây giờ họ xây resort, xây khách sạn, xây nhà cao tầng, và chữ Tàu nó làm cả khu sống động lên rồi.”
Trong khi đó, hôm nay, báo chí trong nước đưa tin, hội đồng nhân dân Đà Nẵng đã “né” trả lời thẳng câu hỏi liên quan tới các vụ mua đất này.
Trong buổi họp hôm nay, 10/12, khi được cử tri bày tỏ bức xúc về hiện tượng người Trung Quốc “giấu mặt” để mua nhà đất, ảnh hưởng tới an ninh, quốc phòng thành phố, ông Trần Thọ, Chủ tịch Đà Nẵng, được trích lời nói rằng vấn đề này hơi "nhạy cảm" nên sẽ trả lời bằng văn bản sau.
Bình luận trên trang web của VOA tiếng Việt, một độc giả từ Sài Gòn viết rằng người Trung Quốc đang “Tàu hóa thành phố Đà Nẵng” và đưa người đổ dồn về thành phố này “theo chiến lược 3 mặt giáp công: trên không, trên biển và trên đất liền khi có chiến tranh xảy ra”.
Trong khi đó, blogger Trương Duy Nhất cho rằng không chỉ có Đà Nẵng vấp phải vấn đề người Trung Quốc tràn sang. Nhà bất đồng chính kiến từng bị cầm tù nói:
“Một số vùng nhạy cảm như Hà Tĩnh, như bauxite Tây Nguyên, tất cả các dự án bây giờ rơi vào tay của các doanh nghiệp Trung Quốc hết. Ngoài Hà Tĩnh, họ xây dựng một vùng Trung Quốc, toàn là Trung Quốc. Họ xây cả chùa chiền, đền đài họ thờ trong đó nữa. Cái đó là cái mình phải lo, mình phải đặt dấu hỏi.”
Một số nhà phân tích nói với VOA Việt Ngữ rằng người Việt quan ngại về ý đồ của Trung Quốc, nhất là khi quốc gia láng giềng khổng lồ không che giấu tham vọng thâu tóm biển Đông, trong bối cảnh tinh thần bài Bắc Kinh vẫn chưa có dấu hiệu “nguội” bớt.

0 comments:

Powered By Blogger