Friday, May 13, 2011

Mâm mồi các cụ

Thất Sỹ (danlambao) - ... Em thấy bọn tham nhũng là bọn tham lam, ăn bẩn - pháp luật phải xử thế nào cho đúng thói tham tục của nó! Chú định xử thế nào?... Cho nó ăn c...! Úi dùi ui! Tội này nặng thì tử hình. Xử theo cách của chú á? Có người muốn đấy!...

*

Làng Đuồi hôm nay có đám giỗ đến là to. Ngay từ hôm kia, rạp đã được dựng lên trên khoảng sân rộng bằng một sân bóng đá - bốn dãy to, rộng, xanh, đỏ. Buổi tối hôm đó, nhạc đã xập xình, người ra vào tấp nập. Ngày hôm qua, dụng cụ nấu nướng, bát chén đã được tập kết đầy đủ. Đám này có lẽ phải đến trăm mâm.

Nguyên là: Anh Dương Tiến (tên khai sinh là Dương Tõ, người làng gọi là cu Tõ) đang công tác ở Hà Nội, hôm nay làm giỗ đầu cho ông thân sinh là Dương Lõ. Anh làm giỗ to để trả nghĩa bà con vì khi ông thân sinh mất, bà con chòm xóm phải lo hậu sự, còn anh đang bận công tác ở nước ngoài, không về kịp.

Anh Dương Tiến là con duy nhất của ông Lõ, ông Lõ là con duy nhất của cụ Mõ - tên thực của cụ là gì, chẳng ai biết, nhưng vì cụ làm mõ nên mọi người cứ gọi là thằng mõ rồi quên luôn tên. Cụ Mõ không có vợ, cụ ôm đâu về một thằng bé đỏ hỏn để nuôi, rồi thăng bé cứ thế lớn, mũi dài lòng thòng, mọi người gọi là cu lõ, rồi cũng thành tên. Ông Lõ cũng có vợ, nhưng bà vợ này chỉ kịp sinh cho ông một đứa con trai rồi bỏ đi luôn khi con còn bé tý. Không nỡ vứt bỏ cái vần của nhà nên ông đặt tên con là Tõ - Dương Tõ.

Cậu Tõ được ông bố cho ăn học đầy đủ, lên đến phổ thông trung học thì đươc gửi lên tỉnh học. Tuy học hành chẳng ra sao nhưng cậu lại được con gái ông cấp tỉnh yêu. Cô con gái vừa gầy vừa đen, có lẽ trên đời chẳng còn ai có thể gầy hơn, đen hơn được nữa. Rồi khi tốt nghiệp PTTH thì cậu được ông bố vợ tương lai gửi cả hai đứa sang học bên Tây. Khi hai vợ chồng cậu ở Tây về thì ông bố vợ đã bố trí đầy đủ cho vợ chồng cậu biệt thự, công việc ngay tại Hà Nội. Như thế cậu đã là người thành đạt.

Thực khách được mời gồm cả từ cấp thôn đến cấp tỉnh, từ trong họ đến ngoài làng. Món ăn được kết hợp trung ương với địa phương tức là món gì ở đây không có thì được chở từ Hà Nội ra. Cứ 4 người được xếp một mâm, điều này ở đây chưa có tiền lệ.

Ta hãy nhập vào một mâm có các ông: Hội, Đồng, Phiếm, Luận - Đây có vẻ như là mâm tinh tuý nhất làng:

- Ông Hội: Người đã từng học đại học ở Liên Xô khoảng năm sáu mấy, chỉ vì sưu tầm nhiều chuyện tiếu lâm tây mà bị tống cổ về nước. Ông ở quê và vớ việc gì làm việc ấy - từ sửa đài, tivi, xe máy đến dạy học.

- Ông Đồng: Bộ đội, đã từng tham gia từ cuối cuộc chiến tranh chống Pháp đến đầu cuộc chiến tranh chống Mỹ - nghĩa là: Khi chống Pháp ông còn nhỏ làm giao liên ở xã, lúc đủ tuổi đi bộ đội chống Mỹ, ông nhập ngũ và bị thương ngay khi bắt đầu vào chiến trường.

- Ông Phiếm: Có bà vợ giỏi buôn bán từ gánh hàng xén bà đã phát triển thành cửa hàng tạp hoá to nhất đầu chợ.

- Ông Luận: Lão nông tri điền, họ hàng nghiêng cả làng nước nghĩa là họ nhà ông ở xã này đông lắm, nhiều lắm.

Cũng xin giới thiệu: Xã này là xã Mạnh Dương, một xã suýt nữa thì được phong anh hùng. Một phần đất phía đông của xã đã thành sân gôn, một phần đất phía tây của xã sắp thành rì sọt.

Mâm của ông Hội bắt đầu vào cuộc, ông Hội nâng chén:

- Nào, mời các ông, ta cầu cho ông Lõ được yên lành nơi chín suối.

Hết tuần rượu đầu, ông Đồng lên tiếng:

- Bác Hội này, bác từng học ở Liên Xô, hẳn bác biết vì sao CNXH ở bên đấy tự nhiên đổ sập?

Ông Hội thong thả tiếp lời:

- Cái thời của tôi được đi học nước ngoài chủ yếu là theo chủ nghĩa thành phần, cho nên có một số cái đầu đất cũng được đem đi đào tạo, đào tạo xong thì những cái đầu đất trở thành những cái niêu đất đeo bằng về nước. Còn cái nhà mà đổ chẳng qua là do nền móng yếu. Có nhà cách mạng đã nói: Cách mạng như một cơn lũ, nó cuốn phăng tất cả mọi thứ trên đường đi của nó. Có điều trong những cái bị cuốn đi ấy, có cái cần phá, có cái cần giữ. Bây giờ, có lẽ bên ấy họ đang xây lại cái cần giữ. CNXH ra đời khi thế giới đang khủng hoảng các loại chủ nghĩa nên lúc đầu nó có ưu việt. CNXH lại do những người vĩ đại nghĩ ra, nhưng nhân dân không vĩ đại như các vị ấy, họ như cái cây, rễ mọc đến đâu thì cây phát triển đến đấy, có thể cây mới tốt cành xanh lá được.

Ông Luận gàn:

- Thôi, nói chuyện Liên Xô với CNXH xa xôi quá, nó đổ thì đã đổ rồi. Em hỏi các bác chứ cái vụ PMU18, lúc đầu ông Quắc cho bắt ông Tiến, lúc ông Tiến được tha thì ông Quắc lại bị khởi tố, thế thì ai đúng, ai sai?

- Lúc đầu ông Quắc đúng, ông Tiến sai - lúc sau ông Tiến đúng, ông Quắc sai!

- Bác cứ đúng đúng, sai sai lộn tùng bậy cả lên, em chẳng hiểu ra sao cả.

- Thì tôi biết thế, tôi phổ biến thế!

Ông Phiếm góp vào:

- Cái chuyện tham ô, tham nhũng thì ở xã mình có mà đầy. Cái vụ lấy đất làm sân gôn đấy! Người của bên dự án, người được nhận đền bù suốt ngày thậm thụt ở nhà ông chủ tịch xã, ông ấy ăn cả hai mang, ai chả biết - rồi tay công an xã, cứ ở đâu có đánh nhau, trộm cắp là sấn vào như con kền kền ăn xác thối, rồi lại êm xuôi cả, chẳng ai bị xử lý gì!

Ông Hội can:

- Này chú, chống tham nhũng thì chú cứ nói, đừng chỉ đích danh mà công an xã bắt chú ngay đấy!

- Tội gì mà bắt tôi?

- Tội làm lộ bí mật xã gia!

Vẫn hay có ý kiến chẳng giống ai, ông Hội tiếp:

- Theo tôi thì ở ta làm gì có tham nhũng. Đấy, mấy cái vụ báo chí, dư luận làm rùm beng lên, tưởng bắt được con voi, nhưng sau một hồi điều tra thì hoá ra đấy chỉ là con chuột - rõ là dư luận vẽ chuyện!

Ông Luận tiếp:

- Em thấy bọn tham nhũng là bọn tham lam, ăn bẩn - pháp luật phải xử thế nào cho đúng thói tham tục của nó!

Ông Phiếm hỏi:

- Chú định xử thế nào?

- Cho nó ăn c...!

- úi dùi ui! Tội này nặng thì tử hình. Xử theo cách của chú á? Có người muốn đấy!

Chợt tiếng chuông điện thoại trong túi ông Phiếm reo vang, ông vội cầm máy, a lô mãi mà chẳng nghe được gì, bực mình, ông vứt cạch cái điện thoại cạnh mâm. Ông Đồng thấy thế xỏ xiên:

- Vứt mẹ cái điện thoại của chú đi! Cái máy như của chú, ở nước ngoài người ta bán cho chó, xã mình nhập về cả đống, vừa phát vừa cho mai vẫn chưa hết kia kìa.

Ông Phiếm hỏi ông Luận:

- Thằng con trai ông xin vào tổ thầu của xã đã xong chưa?

- Em cũng chưa biết thế nào, nhưng phải vai vế lắm mới được.

- Thì họ nhà ông trong xã, chân nào chả có, lo gì không được. Tôi nói cho ông biết chứ, cái chỗ ấy được lắm đấy, nó bao thầu hết các công trình của xã.

Ông Đồng xen vào:

- Ôi dào! Tổ thầu ấy nó làm đường hỏng đường, xây cầu - cầu sập. Thế mà uy tín của nó ngày càng cao. Vừa rồi, huyện gọi nó lên làm công trình của huyện đấy. Kiểu làm ăn của nó là: "Thằng dưới bóp d.. thằng trên - thằng trên trùm mền cho thằng dưới" cứ thế mà phát triển. Vừa rồi nó còn không thèm nhận công trình đường dây, trạm điện cho xóm dưới nữa cơ.

Ông Hội cũng góp vào:

- Đấy là kiểu làm mình làm mẩy của kẻ quyền thế, dưng mà ngu - để mấy thằng thầu xã bên nó mà nhảy vào thì có mà toi xơi!

Không khí tự nhiên trầm lắng lại. Mấy mâm bên cạnh, bọn thanh niên sau mấy hồi zô-zô đến hụt hơi khản cổ cũng đã im tiếng.

Ông Luận khẽ khọt:

- Em thấy thời nay sao mà lại có người ác quá chó: Mẹ cắt chân tay con, bảo mẫu hành hạ trẻ, con đánh mẹ, con giết bố - khiếp, em nghe mà rợn cả người.

Ông Hội giải thích:

- Đấy là cái sự xuống cấp về đạo đức - nhưng thực ra, cái gì cũng lôi thôi cả - như giáo dục thì cải tiến cái lùi, bác sỹ thì thất đức, giao thông thì hỗn loạn, công trình này nọ xây xong thì hỏng, thì đập phá.

Trầm ngâm một lát rồi ông tiếp:

- Hôm nọ, ra Hà Nội, tôi thấy trụ sở "Tạp chí cộng sản" cũng mở sàn giao dịch chứng khoán. Đây có lẽ là sự liên minh của hai nhà: Chính trị và kinh tế. Thực ra sự liên minh này đã có từ lâu: Như trong nhà có một người làm quan chức thì có các doanh nghiệp người nhà làm sân sau cho các vị ấy. Chắc sự liên minh ấy không phải vì lợi ích của nhân dân. Xét cho cùng thì nhân dân là người khổ nhất - khi đất nước lâm nguy thì đem xương máu ra để bảo vệ, khi đất nước hoà bình thì đem mồ hôi nước mắt ra để xây dựng. Nhưng dưới cái nhìn của kẻ thống trị thì dân chúng chỉ là mọt đám đông ngu dốt. Ngày xưa, người dân làm ra được đặc sản gì trước hết phải dâng vua, rồi vua cho cái gì thì được cái ấy. Ví dụ cái anh trồng xoài dâng vua, rồi được vua ban cho một quả xoài - Thế là gia phả, sử sách truyền lại việc ấy đến mấy đời. Xét cho cùng thì sự thống trị nào cũng đứng trên sự hèn nhát, dốt nát của kẻ khác. Lịch sử công bằng hơn vì đã đặt nhân dân đúng vị trí.

Ông Luận bắt đầu tham gia thời sự:

- Em thấy nông dân mình phải biết ơn ông Kim Ngọc - vì cái sự khoán ruộng của ông ấy nông dân ta mới được mở mày mở mặt.

Ông Hội hưởng ứng:

- Đúng quá, ông ấy là người tìm ra "con đường xưa em đi" và mạnh dạn áp dụng cái cũ.

- Bác nói như phủ nhận công lao của người ta!

- Không, tôi muốn nói cái cơ chế thời ấy, nó bảo thủ đến mức không nhận ra đâu là lợi ích, đúng sai.

Cuộc tranh luận tạm ngưng khi xuất hiện một cậu thanh niên từ mâm bên cạnh sang tự giới thiệu:

- Cháu là anh vợ của chú Tiến nhà này, xin phép được mời các bác một chén!

Mọi người cùng nâng chén, cậu thanh niên tiếp lời:

- Thế hệ của các bác là thế hệ hai lần oanh liệt vì đã đánh thắng hai đế quốc to, cũng là thế hệ đầu tiên của công cuộc xây dựng CNXH. Các bác cũng biết để có được ngày hôm nay, chúng ta đã phải chịu bao gian khổ hy sinh, còn những tiêu cực như các bác nói, chỉ là mặt trái của xã hội, rồi ta sẽ khắc phục được để đưa đất nước tiến lên sánh vai các cường quốc năm châu!

Ông Phiếm đế luôn:

- Mặt trái to hơn mặt phải, có mà sánh bằng mồm!

Ông Hội từ tốn:

- Cảm ơn cậu đã cho chúng tôi một bài học mà chúng tôi đã thuộc lòng từ khi cậu chửa sinh ra.

Cậu thanh niên tiu nghỉu cầm chén về chỗ.

Ông Hội hỏi:

- Cậu này làm gì ấy chỉ?

Có người trả lời:

- Cậu ấy làm ở ban tuyên huấn tỉnh.

- À, ra thế, ở đời có những người cứ nói mà không hiểu mình nói gì, nói với ai - nhưng lại cứ muốn người khác phải nghe, phải tin mình. Nào là ta đã có những thành tựu vĩ đại, tiến bộ vượt bậc, nhưng nhìn ra xung quanh thì ta chẳng bằng ai. Xem như người Nhật ấy, chỉ cần 15 năm ra khỏi cuộc chiến, người ta đã làm ra được những sản phẩm tiên tiến. Còn ta, hơn 30 năm đi tắt đón đầu mà vẫn chẳng làm được cái gì nên hồn. Chẳng lẽ con người Việt Nam thông minh, kiên cường là thế ư? Tôi có thằng cháu học ở Mỹ về, làm ở trung tâm ứng dụng phương pháp khả thi. Khi có đề án đúng chuyên môn của nó thì người ta lại giao cho một ông bằng rởm, tiền cứ lấy, kết quả chẳng ra đâu vào đâu, báo cáo vẫn có. Thằng cháu tôi nó cứ mặc kệ. Tôi bảo nó: "Cháu làm thế là phải, vì xung quanh cháu có nhiều kẻ sâu mọt, mình nói ra điều phải, chắc gì người ta đã nghe mà có khi còn bị hại vì những kẻ sâu mọt thường hay ghen ghét, đố kỵ".

Ông Đồng tán dương:

- Bác này cả đời bị đuổi khỏi biên chế, mà cũng có vẻ có kinh nghiệm làm việc nhà nước gớm nhỉ.

Ông Luận nhắc ông Phiếm:

- Đằng kia có cái hòm công đức để tu sửa đình làng đấy, giàu có như bác cũng nên đóng góp một ít.

Ông Hội tiếp lời:

- Ừ, bây giờ cứ có chùa chiền, di tích là lại có trùng tu, tôn tạo - chả bù cho thời cải cách - cứ đình chùa, di tích là dang tay đập phá. Nếu hai việc ấy xảy ra trong cùng một thế hệ thì chắc đấy là thế hệ bị thần kinh; nhưng cũng may: việc đập phá là một thế hệ, việc tôn tạo là thế hệ khác cho nên tất cả đều sáng suốt không có ai bị thần kinh cả.

Ông Phiếm khề khà buôn chuyện:

- Cái tay chủ tịch xã này tài không, đức không, được người dân kể xấu như hát hay, lên huyện họp thì ăn nói ngô nghê - thế mà chuyen này vẫn được đề cử, nghe nói là khả năng trúng cử rất cao đấy!

Ông Hội lại tiếp mạch xã luận:

- Thì cơ chế thế, con người thế. Bây giờ một người được kết nạp Đảng, có mấy người khen đấy là người tốt? Một người được đề bạt, có mấy người khen đấy là người giỏi? Dân chúng là người lựa chọn chính xác nhất nhưng quyền của người ta chỉ là hình thức nên người ta mặc kệ. Còn mấy kẻ cơ hội qua được hai cái cửa ấy thì cứ thế mà thăng tiến.

Ông Đồng nhắc nhở:

- Nói như bác thì một con bò đeo hai cái mác ĐH và ĐV nó cũng làm xếp được đấy nhỉ ?

Ông Hội không có thói quen trả lời vặt, vẫn tiếp dòng suy tư của mình:

- Như cái vụ cảnh sát giao thông ăn tiền, dân đã biết từ lâu, đến khi có mấy nhà báo dũng cảm vào cuộc thì mấy vị chức trách mới làm ra vẻ giật mình. Đấy là một quy trình ngược. Nếu như việc này tự trong ngành phát hiện, xử lý thì mới là quy trình thuận, dân người ta mới tin tưởng ở hiệu năng của bộ máy. Mà xem ra quy trình ngược ở ta không phải là ít. Điều này làm cho trong xã hội thiếu sự tin tưởng. Rồi như trong xã mình, dân xóm Đông thì suốt ngày cắm trại ở sân gôn, dân xóm Đoài thì cắm trại ở rì sọt. Thế thì làm gì có sự ổn định? Một xã hội thiếu niềm tin và không ổn định thì có đất cho lưu manh và đĩ điếm liên tục phát triển.

- Bác nói quá, lưu manh đĩ điếm thì chỉ có số lượng nhất định nó mới làm ăn được chứ!

- Tôi nói lưu manh đĩ điếm là sự ô nhiễm tính cách, có kẻ nhiễm thói lưu manh mà không biết mình lưu manh, nhiễm thói đĩ điếm mà không biết mình đĩ điếm, hoặc có biết nhưng lại coi đó là bình thường - đấy là nhân tố làm hỗn loạn xã hội.

Ông Đồng thấy chuyện đã lâu, cỗ đã tàn bèn can:

- Thôi bác, ta dừng câu chuyện ở cái đoạn lưu manh đĩ điếm của bác để cỗ sau ta bàn tiếp.

Nhưng ông Hội chẳng muốn thôi, đột nhiên ông mang vẻ mặt rất nghiêm trang, giọng nói trở nên trịnh trọng như kẻ nhập đồng:

- Thưa các ngài, hôm nay ta họp nội các ở đây để giải quyết những vấn đề rất trọng đại. Một là: bệnh tham nhũng đã ăn vào đến cao hoang, để trừ bệnh này theo tôi ta nên áp dụng binh pháp Tôn tử: lấy ác trừ ác, nghĩa là lấy tham nhũng trừ tham nhũng. Đề nghị các ngài tham gia vào phương án này! Hai là nạn mua quan bán chức đang diễn ra phổ biến, điều này thậm vô lý bởi quan tước là sắc phong của nhà nước mà tiền lại rơi vào túi bọn mua chui bán lủi.Theo tôi, để trừ tệ nạn này ta nên đấu giá tất cả các chức vị, tiền thu vào ngân khố. Ghế nào trống, ta thu 100%. Ghế có người, ta thu 50%, người đang ngồi phải nộp, nếu không nộp ta thu của người mua 100%, trả cho người ấy 50% tiền bán chỗ. Làm như vậy nội các của ta sẽ được tiếng là minh bạch. Ý kiến của các ngài thế nào?

Cả ba ngài thành viên nội các chân đất mắt toét đang ngồi quanh mâm rượu đồng thanh hô:

- Thuận ý!

- Cám ơn các ngài! Mời các ngài giải tán.

Mọi người lục tục ra về, khi qua cổng, ông Phiếm thấy cậu Tõ đứng khoanh tay vẻ kính cẩn, ông rẽ vào khen một câu chiếu lệ:

- Cậu làm như thế này là chí hiếu đấy!

Thất Sỹ (danlambao)

0 comments:

Powered By Blogger