Mạc Lâm (RFA) - Phiên tòa xét xử 7 nghi can bị Nhà nước Việt Nam buộc tội đã chấm dứt tại tòa án tỉnh Bến Tre lúc 7 giờ rưỡi tối 30 tháng 5 -2010. Kết quả xét xử bất công. Luật sư bào chữa bị lôi đi bêu riếu ngoài đường
Đó đang là những câu hỏi lớn cần đặt ra cho hệ thống tư pháp Việt Nam và tỉnh Bến Tre. Mặc Lâm phỏng vấn LS Huỳnh Văn Đông, một trong ba luật sự đại diện các bị cáo trong phiên tòa ngày hôm nay.
Toà né tránh vấn đề Trường Sa Hoàng Sa
Trứơc tiên luật sư Đông cho biết:“Tôi nhận lời bào chữa cho hai bị cáo, chị Trần Thị Thúy và anh Phạm Văn Thông. Phiên tòa bắt đầu khoảng 8 giờ sáng nay và kết thúc vào lúc 7 giờ 30 tối. Và đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến hình ảnh một phiên tòa mà công chức nhà nước cũng như tòa án làm việc quá giờ hành chính. Tôi không hiểu là vì lý do gì trong khi cứ theo tình hình của phiên xử thì có thể kéo dài trong hai ngày 30 và 31, nhưng mà họ đã cố làm để cho tới 7 giờ 30 tối thì kết thúc”.
Mặc Lâm : Luật Sư đưa ra lập luận như thế nào để bào chữa cho những người bị buộc tội là tham gia đảng Việt Tân?
LS Huỳnh Văn Đông : Tôi yêu cầu bên có thẩm quyền phải đưa ra một bẳng chứng cụ thể và rõ ràng bằng văn bản khẳng định rằng Việt Tân là một tổ chức phản động và chống nhà nước. Và thứ hai nữa là danh sách những tổ chức phản động đó có tồn tại ở Việt Nam hay không để cho công dân Việt Nam biết mà không tham gia vào nhằm mục đích lật đổ chính quyền. Và thứ ba là tàng trữ những tài liệu có nội dung như vậy, tàng trữ và phát tán nếu có thì nó không xâm hại tới lợi ích quốc gia.
Mặc Lâm : Trong bản cáo trạng có ghi rõ những người này tàng trữ và phát tán các tài liệu có ghi chữ TS-HS-VN, xin luật sư cho biết những chữ này nói về việc gì và tác hại của nó theo như Viện Kiểm Sát cáo buộc ra sao?
LS Huỳnh Văn Đông : Khi tôi trình bày vấn đề HS-TS-VN thẳng ra đó là chữ viết tắt của Hoàng Sa– Trường Sa – Việt Nam thì theo quan điểm của tôi những hành vi đó, hành động đó là đáng biểu dương, thì vị đại diện Viện Kiểm Sát lại lập luận rằng những người tàng trữ và phát tán những tài liệu như thế là chống nhà nước và phản động. Khi đó chúng tôi muốn làm rõ vấn đề này, về vấn đề 6 từ ngữ đó, khi nói về Hoàng Sa –Trường Sa thì tôi có cảm giác và tôi thấy rõ là tòa án cũng như Viện kiểm sát muốn né tránh và không cho chúng tôi trình bày. Cho nên họ yêu cầu công an đưa tôi ra ngoài, nhưng họ lôi tôi ra không phải là lôi một cách bình thường.
LS bị giải đi, công an bỏ chạy
Mặc Lâm : Luật Sư vừa nói là Công an đã lôi kéo ông, xin ông diễn tả rõ hơn được không?
LS Huỳnh Văn Đông : Lôi ở đây là khi bước ra khỏi phòng xử án thì người ta đã dẫn giải tôi đi, đi quanh khu vực tại chợ với mục đích mà tôi có cảm tưởng giống như người ta muốn bêu riếu cá nhân tôi để cho mọi người thấy. Người ta dẫn tôi đi lòng vòng vào những con hẻm này nọ và tôi hỏi “Giờ dẫn tôi đi đâu?” thì người ta bảo là dẫn về Phường 3, nhưng mà thực sự chúng tôi chưa thấy mặt mũi cái trụ sở phường 3 nó nằm ở đâu thì đến một con hẻm cũng khá xa, người ta thả tôi ở đó rồi bỏ chạy. Tôi phải dùng cái từ “bỏ chạy” bởi vì từng tốp từng tốp công an và bảo vệ dân phố leo lên xe dọt lẹ vào những con hẻm khác bỏ đi và để một mình tôi ở đó. Tôi thấy hành động đó của công an Bến Tre hết sức là nực cười.
Mặc Lâm : Sau kết quả này có thể thân chủ của ông sẽ xin phúc thẩm, liệu nếu phiên phúc thẩm tiếp tục xử tại Bến Tre nữa thì sự thể sẽ ra sao?
LS Huỳnh Văn Đông: Việc tham gia ở phiên tòa phúc thầm nếu có và làm thủ tục ở Bến Tre thì chắc chắn tôi sẽ bị cản trở. Vấn đề phúc thẩm không thuộc thẩm quyền của tòa án tỉnh Bến Tre. Nó thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân tối cao tại TP.HCM. Tuy nhiên chúng tôi sẽ trao đổi lại với đại diện của hai thân chủ của tôi, xem vấn đề này như thế nào.
Mặc Lâm : Cuối cùng xin Luật Sư cho biết cảm tưởng của ông đối với phiên tòa ngày hôm nay.
Che đậy sự thật
LS Huỳnh Văn Đông : Cảm tưởng của tôi là tôi thấy rằng tòa án đã cố dựng lên một phiên xử gọi là mang tính công khai và dân chủ, cái biểu hiện đó nó không che đậy được mắt người khác. Người ta muốn che đậy một sự thật mà đa số dân Việt Nam yêu nước muốn nói lên, đó là sự bành trướng của Trung Quốc đối với chủ quyền của Việt Nam. Điển hình là khi mà chúng tôi nhắc đến những vấn đề như vậy thì hậu quả mà tôi đã nhận là như thế nào rồi, như tôi đã trình bày vừa rồi.
Mặc Lâm : Xin cám ơn Luật Sư. Quý vị vừa nghe cuộc phỏng vấn LS Huỳnh Văn Đông về phiên tòa ngày 30 tháng 5 xét xử 7 người bị buộc tội âm mưu lật đổ chế độ. Kết quả bản án như sau:
Mục sư Dương Kim Khải bị kết án 6 năm tù và 5 năm quản chế.
Bà Trần Thị Thúy 8 năm tù và 5 năm quản chế.
Ông Nguyễn Thành Tâm 2 năm tù và 3 n ăm quản chế
Mục sư Dương Kim Khải, bà Trần Thị Thúy và ông Nguyễn Thành Tâm, ba người bị buộc tội là thành viên của Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng, gọi tắt là Việt Tân.
Bốn người còn lại thì ông Phạm Văn Thông chịu nặng nhất với bản án 7 năm tù và 5 năm quản chế.
Ông Nguyễn Chí Thành 2 năm tù và 3 năm quản chế.
Ông Cao Văn Tỉnh 5 năm tù và 4 năm quản chế.
Và cuối cùng là bà Phạm Thị Hoa 2 năm tù giam và 3 năm quản chế. Theo cáo trạng thì tất cả những người trên đây bị kết tội âm mưu lật đổ chế độ theo điều 79 Bộ Luật hình sự Việt Nam.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/verdicts-7-dissidents-05312011103612.html
0 comments:
Post a Comment