Tuesday, May 31, 2011

Chủ nợ làm gì để 'siết nợ Vinashin'


BBC - Đối với các chủ nợ nước ngoài cho Vinashin vay, việc đòi nợ nhiều khả năng sẽ phải gây sức ép để chính phủ Việt Nam can thiệp, đó là thông điệp đưa ra trong bài viết được Financial Times trích dẫn lấy từ debtwire.com, trang chuyên về thông tin thị trường nợ.

Nợ được nói đến là khoản 600 triệu đôla Vinashin đi vay qua trái phiếu được Credit Suisse dàn xếp hồi 2007, với khoản trả lần đầu 60 triệu đôla đã đáo hạn hồi tháng 12 năm ngoái mà Vinashin chưa thanh toán.

Bài viết ra ngày 31 tháng Năm lưu ý rằng để tạo sức ép chính trị có kết quả, giới chủ nợ nước ngoài cần phải hiểu một điều:

Đó là về mặt kỹ thuật chính phủ Việt Nam không nợ nần gì cả.

Giới chủ nợ biện luận rằng “thư hậu thuẫn” của chính phủ là sự đảm bảo ngầm để Vinashin đi vay với lãi suất thấp.

Vinashin kinh doanh với sự hậu thuẫn của cả chính phủ và các tổ chức của Đảng.

Về cơ bản các chủ nợ có thể khiến Vinashin không thể nào kinh doanh được ở nước ngoài

Một luật sư

Họ cũng nói rằng mặc dù nhà nước chủ động tái cơ cấu hoạt động của Vinashin nhưng chính phủ đã rũ bỏ trách nhiệm đối với nợ của tập đoàn.

Các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Vinashin và giới chủ nợ diễn ra với tốc độ rùa bò.

Vậy làm các chủ nợ, vốn dại dột tới mức cho Vinashin vay tiền theo với lãi suất đi vay thấp kể như mức cho chính phủ vay, phải làm gì có thể được thanh toán?

“Sách nhiễu chính phủ Việt Nam", một luật sư có kinh nghiệm đại diện cho các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được trích dẫn nói.

"Chính phủ luôn luôn nói với mọi người là chúng tôi cởi mở cho kinh doanh ".

“Ngay cả Thủ tướng Chính phủ khi đi cùng các công ty nhà nước quảng bá cho đầu tư luôn nói rằng Việt Nam có môi trường thân thiện với các nhà đầu tư." Luật sư này nói.

Sách nhiễu ‘bài bản’

Bài viết nói Vinashin là dự án "gà nhà" của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Bài viết trích dẫn ba luật sư khác nhấn mạnh rằng “điểm cốt yếu là phải dùng các biện pháp sách nhiễu đúng đắn bởi vụ này chưa có tiền lệ tại Việt Nam”.

Khoản tiền Vinashin vay được điều chỉnh bởi luật của Anh, và trong khi phán quyết ở nước ngoài khó có thể thi hành tại Việt Nam, nơi Vinashin có tài sản, thì giới chủ nợ có thể can thiệp hoặc thậm chí giữ các khoản tiền chuyển khoản ở nước ngoài hoặc giữ thư tín dụng, một trong các những luật sư nói.

"Về cơ bản các chủ nợ có thể khiến Vinashin không thể nào kinh doanh được ở nước ngoài," luật sư này nói thêm.

Giảm thiểu thiệt hại đối với khoản vay của Vinashin đòi hỏi phải áp dụng tới những biện pháp sách nhiễu chính phủ Việt Nam thông qua con đường pháp lý cùng lúc tránh việc khiêu khích không cần thiết.

Chiến lược mà giới chủ nợ áp dụng vào lúc này không chỉ mang tính quyết định rằng họ được hay mất bao nhiêu, mà chiến lược này còn tạo ra một tiền lệ cho các nhà đầu tư trong tương lai bỏ tiền vào thị trường Việt Nam, nơi phát triển nhanh nhưng cũng là các thị trường chưa qua những phép thử trên thực tế.

Bài viết cũng cho hay một số chủ nợ đã sử dụng truyền thông để bày tỏ quan điểm rằng việc Vinashin không trả được nợ sẽ làm giới đầu tư nước ngoài tránh xa nền kinh tế do nhà nước kiểm soát.

Tuy nhiên, một số giao dịch gần đây cho thấy các công ty Việt Nam vẫn đi vay được nếu có được các hợp đồng vay được cơ cấu hợp lý.

Bài viết trích dẫn trường hợp PetroVietnam đi vay 904 triệu đôla hồi tháng Tư và Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai phát đi vay thông qua trái phiếu để huy động 90 triệu đôla vào tháng Năm.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2011/05/110531_vinashin_ creditors.shtml

0 comments:

Powered By Blogger