Sau ngày bầu cử quốc hội 13 chưa đầy tuần, một thằng bạn đang là giáo viên sử của một trường cấp 3, alô rủ tôi đi nhậu. Lạ! Cái thằng “tháo giày” lúc nào cũng ngăn nắp áo bỏ trong quần, tay xách cặp táp, luôn từ chối các buổi tiệc tùng nhậu nhẹt – sao đột nhiên lại rủ nhậu cơ chứ ?
Ngồi chưa nóng ghế, nó thì thào, khác hẳn với giọng điệu sang sảng của một giáo viên dạy sử thường có :
- Thoát rồi mày ạ !
- Thoát gì ?
- Tổng kết rồi. Nghỉ hè rồi.
- Ơ, cái anh nhà giáo này hay thật đấy! Năm học nào lại không tổng kết, niên khóa nào lại không đến kỳ nghỉ hè. Thoát là thoát thế nào ?
Nó uống 1 hơi cạn luôn chai bia, hít vô thở ra mấy lần mới nghiêm giọng kể :
Tao nói thoát, không phải là thoát gánh nặng của một giáo viên. Mà là, thoát một trời câu hỏi đau đầu nhức óc của bọn học trò. Mình dạy sử, giáo án bắt buộc phải bám sát sách giáo khoa, hết chiến công này đến chiến công kia. Mặt trận Tây Nguyên ta diệt được vô vàn địch bất tận xe tăng ti tỉ máy bay. Mặt trận Huế… Mặt trận … Một cánh tay thập thò xin phát biểu.
- Thưa thầy, thế mặt trân Biển Đông ta trắng tay à ?
Rồi đứa khác :
- Hoàng Sa – Trường Sa vẫn được thầy cô dạy là thuộc chủ quyền Việt Nam ta, sao em thấy trên internet thì đầy rẫy thông tin nguy biến, hôm này thì Tàu bắt bớ ngư dân, hôm kia Tàu lại giở trò bẩn mà chẳng thấy Đảng ra quyết định gì đối phó lại chúng, chẳng thấy báo chí công khai nói năng gì ạ ?
Tiếp đứa khác :
- 12 năm mài ghế nhà trường, em nghe biết bao tấm gương yêu nước thương nòi, hy sinh quên mình, học thuộc lòng bao nhiêu là áng văn thơ đấu tranh như Bình Ngô đại cáo, Hịch tướng sĩ, Lời kêu gọi toàn dân kháng chiến của chủ tịch Hồ Chí Minh. Thế mà suốt bấy lâu nay, bọn Tàu với dã tâm xâm lược nước ta vẫn phè phởn. Vì thời đại chúng ta hôm nay hèn nhát hơn cha ông mình xưa chăng ?
Lại đứa khác :
- Hơn năm trước, nhà nước bắt bớ những người biểu tình đấu tranh vì “Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam”, là cớ làm sao ? Vì nhà nước có đấu pháp gì hay à ?
Vân vân vân vân… Trùng trùng điệp điệp câu hỏi bọn thanh niên 15-17 tuổi đưa ra. Trả lời chúng thì có khi cháy giáo án, bị kiểm điểm. Không trả lời thì cảm thấy mình quá nhục nhã, kém cỏi, không xứng đáng đứng trên bục giảng.
- Những câu hỏi như thế quả thật rất khó cho một anh giáo quèn như mày. Cả Tổ quốc này còn chưa đưa ra câu trả lời dứt khoát được huống hồ vài cá nhân lặt vặt chúng ta. Nhưng, kết thúc khóa học rồi, tạm nghỉ “làm thầy” 3 tháng rồi có thật là mày thoát được những bức xúc khẩn thiết ấy không ?
- Giới trẻ ngày nay, không chỉ có game với những thói hư tật xấu như báo chí vẫn đưa tin giật gân để câu khách hoặc để lấp chỗ trống. Tao nhận thấy qua 10 năm dạy sử, tinh thần dân tộc là một thứ của cải hiếm hoi mà tổ tiên ông bà để lại cho các thế hệ hôm nay thừa hưởng. Thứ của cải duy nhất, lớn lao và bền bỉ. Bất cứ đứa học trò nào, dù học giỏi hay dở, dù là đoàn viên thanh niên xuất sắc hoặc hạnh kiểm kém – hễ nghe đến Trường Sa Hoàng Sa là đồng loạt hào hứng, khí thế bừng bừng như đang ra trận. Chúng chuyền tay nhau đọc các mẩu tin in từ mạng internet, từ vụ các bloggers bị bắt cho đến các vụ Tàu bắt bớ ngư dân ta. Chúng thầm thĩ với nhau : 1/ Hạn chế xài hàng Tàu hết sức có thể, 2/ Cập nhật tin tức “lề trái” để không lạc hậu, 3/ Đánh động lương tâm cha mẹ, thầy cô và bất kỳ người lớn nào về vấn đề biên giới, biển đảo… Tình cảm và tinh thần của bọn học trò rất chân thành và tươi sáng. Lớp trung niên, già cả thường quên mất thời trẻ trung của họ : biết đau nỗi đau mất nước, biết phẫn nộ trước những bất công xã hội, biết xấu hổ trước những kém cỏi của dân tộc mình,… Giới trẻ nhìn nhận mọi vấn đề xuyên suốt một cách logic, đơn phương, đôi khi ngây thơ, cực đoan và sẵn sàng lao theo cái “chân lý” mà chúng nghĩ. Hơn ngàn năm nô lệ giặc Tàu Tây, cha ông ta không để mất nước – phải chăng chính là nhờ biết tận dụng sức trẻ làm xương sống cho mọi hoạt động đấu tranh chống ngoại bang ? Tao tin rằng, Việt Nam thời đại này cũng sẽ không để bị mất gốc, mất nước nếu nhà cầm quyền chịu khó nhìn vào bọn trẻ như một tấm gương.
- Mày nói với tao thì được, chứ đừng ăn nói với mấy đồng nghiệp, đồng chí của mày giọng điệu ấy mà mang họa vào thân nhé.
- Thì vậy.
- Thế bữa trước, mày bầu ai vào quốc hội khóa này ?
Tôi chưa bao giờ thấy trán của thằng bạn mình nhăn nhiều như thế. Nó thở dài thườn thượt.
- Bọn học trò tao làm phép tính : Cả nước có 91.438 điểm bầu cử x Ít nhất 1 triệu đồng/ điểm bầu cử = 91.438.000.000. Sao không để số tiền lớn ấy mà xây cầu làm đường, hoặc để mua vũ khí mà bảo vệ đất nước ?
- Mày thấy chúng nói có lý không ?
- Ấy ấy nên tao phải vội vội vàng vàng bịt miệng chúng lại: Đừng, đừng bao giờ phát ngôn linh tinh thế nhé. Các trò bị kỷ luật, thầy cũng mất việc luôn. Thầy van các trò…
Đưa thằng bạn đã khật khưởng trở về nhà nó mà lòng dạ tôi rối bời. Đâu là lối thoát cho nó ? Đâu là lối thoát cho tôi ? Đâu là lối thoát cho cả dân tộc Việt Nam trước hiểm họa xâm lược ?
Đảng Cộng sản Việt Nam đang là nhà cầm quyền duy nhất – hãy cứ giữ lấy vị trí này bằng cách Hãy phát động ngay lập tức một Tổng phong trào toàn dân chuẩn bị chiến đấu chống bọn xâm lược Trung Quốc. Chỉ cần một phát pháo khai hỏa từ Hà Nội, tôi tin rằng con tàu Cộng sản sẽ thả được một cái neo chắc chắn vào lòng nhân dân đang bất ổn: Yêu nước và quyết tử giữ nước.
Sợ gì mất biển? Lo gì mất ghế?
Sài Gòn, 26/05/2011
Sunday, May 29, 2011
PHIẾM SAU NGÀY BẦU CỬ
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
0 comments:
Post a Comment