Ở Nha Nang (xã Mường Ải, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) cái đói, cái nghèo đang chạy rần rật ngự trị trong xương cốt của người dân bản từ năm này sang năm khác như một định mệnh. Nghèo, đói đã thành cái nếp truyền kỳ, nối ngôi và như “món ăn đặc sản” không thể thiếu ở vùng đất này.
Khe Nậm Típ chạy dọc xương sống bản Nha Nang trơ đá. Nước đục ngầu nhưng cạn. Miếng ăn dễ kiếm bao đời nay của dân bản Khơ Mú (Bản Nha Nang 100% người dân tộc Khơ Mú) là con ốc, con cá… nay cũng không còn.
Rủ nhau… đói!
Phò Bá Ngầm 15 tuổi nhưng nhỏ thó đứng ở đầu bản bên khe Nậm Típ. Ngầm bảo: “Không có ốc. Có cá đâu. Chịu thôi. Nước giết cá rồi”. Hỏi nhà trưởng bản Nha Nang, Ngầm nhanh nhảu: “Bản ta mà”. Rồi cậu nhảy thót lên xe chúng tôi chỉ đường.
Ông Xeo Phò Ngũ, trưởng bản Nha Nang thấy Ngầm dẫn khách lạ mắt nhìn chăm chú. Sau cái bắt tay thật chặt của người miền núi, câu chuyện về cái đói ở bản và trước hết là tại nhà ông Ngũ hiện hữu. “Bản này đói hết. Từ ra tết nay là đói. Dân ta đói cả mà nhà ta cũng hết gạo rồi”, trưởng bản buông lời. Bố mẹ ông Ngũ sinh được 7 người con thì do đói, trình độ học vấn mà chết 3 chỉ còn lại 4. Giờ mấy anh em sống ở gần nhau nhưng nhà nào cũng đói.
“Đói hết. Mấy đứa em tui cũng đói nói ai. Cũng không biết kiếm cái gì mà sống cho qua ngày giáp hạt đây”, lời nói của trưởng bản như cứa vào lòng.
Nói đoạn trưởng bản Nha Nang đứng phắt dậy chỉ tay về phía nhà đối diện, rồi cả nhà phía xa xa mà rằng: “Đấy nhà Xeo Phò Soa, rồi Moong Mẹ Đà... Chúng nó là em tao. Cũng đói hết. Mấy tháng nay rồi”.
“Chữ hiếu” trong… đói!
Chuyện đói đang say sưa, người đàn bà có cái tên Moong Mẹ Đà sang nhà ông Ngũ. Theo tục của người Khơ Mú thì con gái khi về nhà chồng phải lấy họ chồng. Thế nên em gái của ông Ngũ mới mang tên họ Moong theo chồng.
Nhà bà Đà chỉ ở gần nhà trưởng bản Ngũ mấy bước chân. Đói nhưng vẫn thấy ba bốn chị em ngồi túm tụm chuyện to nhỏ. Thấy lạ, mẹ Đà giải thích: “Nhà ta cũng hết gạo rồi. Cái thằng chồng đang vào rừng kiếm ăn. Ta ở nhà không biết làm chi cả. Mấy đứa con ta cũng đói lắm. Chẳng biết ăn gì mà sống”.
Tại Nha Nang ai ai cũng đói nên việc san sẻ giúp đỡ nhau là không thể. Đói nhưng trình độ học vấn thấp nên chẳng ai biết làm gì ngoài trông chờ vào vụ lúa. Theo giải thích của bà Moong Mẹ Đà thì đói là vì dân bản mỗi năm chỉ có 1 vụ lúa. Năm 2010 do nắng hạn nên hầu như dân bản đều bị mất mùa. Nhà nào đạt năng suất thì cũng chỉ được hơn 1 tấn lúa so với những năm trước là 3 tấn.
Ông Xeo Phò Thiện: “Ta ăn gạo xuôi không quen đâu |
Đói là thế nhưng chuyện anh em góp lúa nếp cho cha ăn ở nhà ông trưởng bản khiến ai cũng sướng cái bụng.
Ông Xeo Phò Thiện (82 tuổi-Cha ông Ngũ) ngồi bên mẹt (hay cái Nia đựng lúa người xuôi) đựng lúa nếp chưa được làm sạch mà nói: “Lúa nếp các con góp đấy. Ta ăn gạo xuôi không quen đâu. Chỉ ăn gạo Khâu niêu (Tiếng Khơ Mú gọi gạo nếp) thôi. Hết gạo nhưng các con ta góp cho”.
Biết cha đã ở cái tuổi “gần đất xa trời”, lại không ưng cái gạo ở dưới xuôi nên mặc dù đói, các anh em của ông trưởng bản cũng góp một người một ít để cho cha ăn. “Ta và con ăn gì cũng được. Nhưng một buổi phải nấu cho cha ăn một nồi nhỏ gạo nếp thôi. Nhưng cũng sắp hết rồi”, trưởng bản Xeo Phò Ngũ tâm sự.
“Đói thúi ruột”!
Đó là cái cách mà trưởng bản Nha Nang, ông Xeo Phò Ngũ nói về cái đói của thế kỷ trước. “Bấy giờ đói thúi ruột. Đói 3-4 tháng liền, đến củ sắn cũng không có mà ăn”, ông Ngũ vẽ lại cảnh đói xưa.
Tuổi thơ của ông Ngũ gắn liền với những cái đói gay gắt của những năm 1982, 1984, 1992, 1994. Đường vào Nha Nang lúc ấy còn hoang vu. Có đường đi được là do những đôi chân của dân bản đằn lên theo ngày tháng để thành mòn. Để ra đến thị trấn Mường Xén (Trung tâm huyện Kỳ Sơn) phải mất hơn nửa ngày đường nếu thời tiết thuận lợi.
“Hết gạo vì vụ mùa mất. Không có ăn đành chui lủi vào rừng, xuống khe suối kiếm được cái gì thì ăn cái đó. Có tiền nhưng để mua được gạo cũng phải ra thị trấn cũng mất 1 ngày cả đi cả về. Ngày ấy không thuận lợi đâu. Nên nhiều nhà mất con cũng vì đói. Đói kéo đến bệnh tật, thuốc men thì không có nên dân làng điêu đứng. Nhà ta có 7 anh em mà chết 3 cũng vì thế đấy”, trưởng bản Ngũ đôi mắt buồn thăm thẳm nhớ.
Bé Phò Y Xờm liếm chiếc bát còn dính đôi hột cơm |
Quay lại cái đói của năm 2011, trưởng bản Nha Nang chỉ tay về phía bé gái chừng 4 tuổi đứng bên anh trai Phò Bá Ngầm mà rằng: “Nó là Phò Y Xờm. Em thằng Ngầm đấy. Đói. Khổ. Chỉ tội trẻ con thôi”.
Lia mắt nhìn, Xờm chỉ mặc một chiếc áo, mặt lấm lem, đôi tay cáu bẩn ôm cầm chiếc bát nhựa. Trong bát còn dính đôi hột cơm. Xờm lấy thìa xúc xúc nhưng chẳng được. Bỗng Xờm ôm cả bát đưa lên miệng liếm lấy hạt cơm ăn một cách ngon lành!
Nhà của bé Y Xờm cách nhà trưởng bản Ngũ mấy nóc nhà. Ông Phò Nghịa (42 tuổi) là ông nội Y Xờm ngồi bó gối trước nhà. Chuyện trò, Phò Nghịa không biết tiếng Kinh. Qua lời phiên dịch, ông Nghịa chỉ nhắc đi nhắc lại từ đói. Hỏi ông trước đây nhà mình có đói không? “Đói chứ. Đói hết. Giờ cứ đói”, Phò Nghịa nói bằng tiếng Khơ Mú (Có người dịch lại bằng tiếng Kinh). Bố mẹ ông Nghịa đã mất, ông ở với người con trai và các cháu.
Cái đói như một định mệnh cứ chạy rần rật từ đời của cha ông, giờ lại truyền cho chắt. Lia mắt vào phía trong nhà, bếp than tắt lạnh như thể không buồn đỏ lửa. Mẹ của Y Xờm địu trên lưng đứa em nhỏ ngồi xổm, tay dùng thìa xúc vào nồi cơm trống không. Bước chân nhẹ của khách sát bên mà bà không hay như thể mọi thứ bây giờ đối với người mẹ này là miếng ăn. Chị không nói chuyện, lặng yên địu con vào vào trong buồng.
Theo ông Xeo Phò Ngũ, Trưởng bản Nha Nang, bản có 36 hộ, phần lớn là người dân tộc Khơ Mú thuộc các họ Moong, Cụt, Phò, Xeo, Lữ, Hoa. Phần lớn các hộ đều hộ nghèo. Vụ mùa năm 2010, lúa vẫn mọc nhưng đến lúc đơm bông thì nắng hạn. Nên mất mùa đến 70%, dân bản sinh ra đói. Từ thành phố Vinh lên thị trấn Mường Xén của huyện biên giới Kỳ Sơn (Nghệ An) gần 300 cây số nhưng đi hơn 5 tiếng đồng hồ. Vậy nhưng từ thị trấn này vào “cổng trời” xã Mường Ải chỉ chừng 45 cây số nhưng cũng phải đi xấp xỉ gần 3 tiếng đồng hồ bằng xe khách nếu thời tiết thuận lợi. Đường xá cách trở là thế nên việc kiếm cái ăn của dân bản cũng gặp hết sức khó khăn. Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An đã phân bổ gần 4 ngàn tấn gạo (Do Chính phủ hỗ trợ theo QĐ số 731 ngày 17/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ) cho 9 huyện là: Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu và Quế Phong để hỗ trợ các gia đình thiếu đói trong thời kỳ giáp hạt năm 2011, mỗi khẩu 15kg gạo |
Trọng Đức
http://bee.net.vn/channel/1988/201105/doi-o-cong-troi-1800548/
0 comments:
Post a Comment