Tuesday, September 11, 2018

Giáo dục XHCN sẽ tự xóa sổ chế độ

Mai Thanh Truyết (Danlambao) - Ngày 5/9 vừa qua là ngày khai giảng niên học 2018-19 ở Việt Nam. Đã 43 năm kể từ ngày CSBV tiến chiếm miền Nam, thu về một mối dưới ánh “hào quang quang vinh” của đảng, tình trạng giáo dục vẫn không thay đổi, nghĩa là những hình ảnh trong ngày tựu trường ở những vùng xa như thầy trò cùng leo đồi - lội sông - vượt suối như những hình ảnh minh họa dưới đây.

Nhưng mỗi năm, vẫn có những sự kiện mới trong ngày này, đặc biệt trong năm nay có thêm sự kiện mới nữa. Đó là: 

- Hàng năm vẫn phát hành hàng loạt sách giao khoa “mới” đề phân phối (thực ra là bán) tiêu tốn hàng chục ngàn tỷ ngân sách quốc gia, và vỗ béo cho hàng ngàn “cán bộ giáo dục”. Sách mới nhưng nội dung vẫn cũ vẫn còn những lỗi phạm phải mà không hề có sửa chữa; 

- Điểm mới năm nay có thêm bộ tự điển tiếng Việt... lai Tàu của Bùi Hiền; 

- Và loạt sách đánh vần “kiểu mới” (văn minh và khoa học gấp vạn lần kiểu đáng vần cũ!) áp dụng cho lớp 1. 

Đó chính là giáo dục xã hội chủ nghĩa siêu việt! 

Đề tìm hiểu thêm, người viết lần lượt trình bày hai nền giáo dục ở miền Nam trước đây (1955-1975) và hiện tại sau 43 năm dưới sự cai trị của CSVN. 

Lãnh vực giáo dục của hai nền Cộng Hòa ở Miền Nam 

Vào năm 1958, một đại hội giáo dục toàn quốc (từ vĩ tuyến 17 trở vào) đã nghiên cứu và chấp nhận 3 nguyên tắc căn bản định hướng cho nền giáo dục Việt Nam lànhân bản, dân tộc, khai phóng. Và định hướng giao dục này được ghi rõ trong hiến pháp thời bấy giờ. 

a. Nền giáo dục Việt Nam phải là một nền giáo dục nhân bản, tôn trọng giá trị thiêng liêng của con người, lấy chính con người làm cứu cánh, và như vậy nhằm mục đích phát triển toàn diện con người; 

b. Nền giáo dục Việt Nam phải là một nền giáo dục dân tộc, tôn trọng giá trị truyền thống, mật thiết liên quan đến những cảnh huống sinh hoạt như gia đình, nghề nghiệp, đất nước và bảo đảm hữu hiệu cho sự sinh tồn và phát triển của quốc gia; 

c. Nền giáo dục việt Nam phải có tính cách khai phóng, tôn trọng tinh thần khoa học, phát huy tinh thần dân chủ xã hội, thâu thái tinh hoa các nền văn hóa thế giới. 

Đến năm 1970, thêm một nguyên tắc khác được đem vào làm chuẩn cho nền giáo dục Miền Nam. Đó là lấy sự tôn trọng tinh thần khoa học - như các quốc gia tân tiến trên thế giới - làm nền tảng cho mọi sự tiến bộ giáo dục tại Việt Nam. 

Từ đó, giáo dục Miền Nam đã có những bước đi vững chắc trên nền tảng củaNhân bản - Dân tộc - Khai phóng - Khoa học. Đây chính là kim chỉ nam giúp cho nền giáo dục Miền Nam liên tục thăng tiến, nâng cao phẩm chất giáo dục quốc gia, và tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên Miền Nam trở thành những thành viên ưu tú của đất nước trong suốt thời kỳ 1958-1975. 

2. Còn tình trạng giáo dục Bắc Việt & Việt Nam sau ngày 30/4/1975 thì sao? 

Về giáo dục nông thôn trước năm 1975, trình độ trung bình của thanh niên vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long ở lớp tuổi từ 14 đến 25 là lớp 7.5 theo thông kế của UNESCO. Cũng trong thời điểm này, trình độ của lớp tuổi trên ở Đồng Bằng Sông Hồng là 5.5. Hiện tại (2016), tình trạng đã đảo ngược, trình độ ở ĐBSCL là 5.0 và ĐBSH là 7.0

Vì vậy, việc làm cấp bách cho Việt Nam tương lai là phải đặt trọng tâm vào việc kiến thiết lại hệ thống giáo dục miền ĐBSCL, đồng thời với việc cải thiện hệ thống y tế công cộng của vựa lúa rất quan trọng này của cả nước. 

Phải chăng đây là chính sách cào bằng và triệt hạ người dân miền Nam. Các trường học, ngoài việc thiếu thốn phòng ốc và tài liệu học tập (ngoại trừ các sách giáo khoa từ chương một chiều hạn chế tinh thần suy nghĩ độc lập và sáng tạo của học sinh) thậm chí không có nơi cho học sinh tiểu tiện. Học sinh phải nín tiểu, nín tiêu... tạo thành một hiện tượng trường ốc có một không hai trên thế giới? 

- Về nước uống cho học sinh hầu như không được để ý đến, học sinh phải nhịn khát. Nhiều nơi được các nhà thiện nguyện ngoại quốc và người Việt tỵ nạn giúp đỡ các bình lọc nước... nhưng các bình lọc này chỉ hiện diện ở trường học một thời gian ngắn rồi biến mất về nhà của... cán bộ. 

- Hiện tại, nước uống cho học sinh, bàn ghế, phấn viết, và nhiều dịch vụ khác đều nằm trong chi phí mà phụ huynh phải trả trước tri con em được vào lớp. Trong lúc đó, hiến pháp XHCN có ghi rõ ràng là “giáo dục trung tiểu học là cưỡng bách và miễn phí”

Bây giờ nếu nhìn vào xã hội hiện tại, chúng ta có thể hình dung một cách rõ ràng, qua báo chí cộng sản, trên các mạng lưới, hình ảnh thầy gạ dâm trò để nâng điểm cao hay cho biết đề thi, cảnh học sinh lớp 9 dở trò dâm ô với nhau trong khi cô giáo đang giảng dạy trên bảng, và hàng vạn tệ nạn khác xảy ra hàng ngày trên khắp các nẻo đường Việt Nam từ thành thị đến thôn quê. 

Một thí dụ về Trường Nữ Trung học Gia Long trước 1975 và Trường Nguyễn Thị Minh Khai sau 1975: “Nội dung học tập của học sinh hai trường Gia Long và Minh Khai cũng hoàn toàn khác, đặc biệt là trong lĩnh vực lịch sử và luân lý”. Con người xuất thân từ trường Gia Long có khái niệm về dân chủ, về chính thể tam quyền phân lập rõ ràng hơn. Còn học sinh Minh Khai thì coi chính sách độc đảng toàn trị là mô hình cai trị toàn hảo. Vì vậy mà sự hình thành nhân cách và lý tưởng của con người được đào tạo từ hai trường Gia Long và Minh Khai cũng hoàn toàn khác. (Trích Sổ Tay Ký Thiệt kỳ 129). 

Bây giờ hãy thử so sánh từng điểm của nền giáo dục trước năm 1975 với hiện trạng “giáo dục” ngày hôm nay, dưới chế độ CSVN, chúng ta thấy gì? 

a. Nhân bản: Nhân bản thời xã hội chủ nghĩa là tự do đàn áp, tra tấn và “cướp ngày”; 

b. Dân tộc: Dân tộc trong nghĩa Hán tộc đại đồng, chữ Tàu phải nằm trong chương trình giáo dục phổ thông; 

c. Khai phóng: còn có nghĩa là khai thông biên giới và chỉ tiếp cận với một văn minh duy nhất là văn minh của Hán tộc; 

d. Và Khoa học: là khai thác, tận dụng tối đa sức lao động của người dân để cung phụng cho lý tưởng “đại đồng” của chủ nghĩa, tức là toàn đảng cùng giàu cùng hưởng thụ. 

Vậy chính sách giáo dục quốc gia của Miền Nam trước 1975 khác xa HOÀN TOÀN giai đoạn giáo dục của xã hội chủ nghĩa hôm nay về căn bản và kết quả! 

3. Thay lời kết 

Qua những nhận định trên, chúng ta thấy sự khác biệt của hai nền giáo dục đặt trên căn bản xã hội pháp trị và xã hội chủ nghĩa đã đưa “đầu vào” (học sinh) và “đầu ra” (kết quả học tập) như thế nào rồi. 

Vì vậy, bằng bất cứ giá nào mọi người dân Việt trong và ngoài nước cần phải xóa tan cơ chế chuyên chính vô sản của xã nghĩa CSVN hầu mang lại một chính sách giáo dục đúng đán cho các thế hệ Việt về sau. 

Và điều này cần phải hành động cấp bách. 

Và, một Việt Nam DÂN CHỦ PHÁP TRỊ tương lai cần phải có một nền giáo dục đặt nặng vào các mục tiêu sau: 

a. Giúp cho thanh niên thu thập được nền văn hóa phổ thông, đồng thời chuẩn bị cho họ bước vào các ngành chuyên môn ở bậc đại học và kỹ thuật. 

b. Khuyến khích việc học ngoại ngữ, chú trọng đến các sinh hoạt hội đoàn để học sinh quen sống tập thể, có tinh thần tháo vát, biết giúp ích mọi người, đồng thời rèn luyện những đức tính cần thiết cho đời sống thực tế của một công dân tương lai. 

c. Đặc biệt chú ý đến vấn đề sức khỏe của học sinh và phát động phong trào thể dục thể thao toàn quốc, nhằm thực hiện mục tiêu “Một tinh thần minh mẫn trong một thân thể tráng kiện”. 

d. Và nhất là đề cao môn đạo đức học và công dân giáo dục hầu tạo dựng một tầng lớp thanh niên ưu tú về khoa học, đạo đức, và ý thức công dân để kiến thiết quốc gia. 

Nếu sự áp dụng chính sách quốc gia giáo dục của hai nền Cộng Hòa ở Miền Nam được sáng suốt thi hành, và đặt trọng tâm trên nền tảng Nhân bản - Dân tộc - Khai phóng - Khoa học, thế vào toàn bộ hệ thống giáo dục băng hoại của chế độ hiện hành, thiết tưởng một Việt Nam trong tương lai sẽ thoát khỏi sự thụt lùi trong một vài thập niên hậu Cộng sản. 

(Trích trong sách Giải pháp cho Việt Nam)

11.09.2018

0 comments:

Powered By Blogger