Trần Bảo Như (Danlambao) - “Hãy để lịch sử phán xét” là câu thường được nói khi có những mâu thuẫn về suy nghĩ, quan điểm về một nhân vật, một sự kiện… Khi còn nhỏ, tôi thường tự hỏi “lịch sử” là gì mà có thể quyết đoán đúng sai đến vậy? Chẳng phải lịch sử cũng là do con người viết hay sao. Lớn hơn chút nữa, tôi còn thấy “lịch sử”được viết bởi phe thắng cuộc nữa, vậy thì làm sao mà “lịch sử” phán xét được?
Đến giờ thì tôi đã hiểu được “lịch sử” thật đáng nể. Đó là phán xét qua thời gian, hàng trăm năm, hàng thế kỷ, bởi con người, không chỉ những người đương thời trong cuộc, mà cả những thế hệ sau, khi các bí mật, diễn tiến, nguyên nhân và hậu quả đều được phơi bày với thời gian.
Tổng thống Ngô Đình Diệm là một nhân vật gút mắc của lịch sử. Phía CS đối địch người “phán xét” đã đành, mà chính cả phía QG sau đảo chính, nắm quyền, cũng đã tung ra biết bao “phán xét” dùng làm biện chứng cho việc họ làm. Nhưng đến giờ, thời gian đã hơn nửa thế kỷ sau những thăng trầm, tôi tin rằng người công chính và sáng suốt thật có thể tìm thấy từ “lịch sử” câu trả lời chính xác về nhân vật Ngô Đình Diệm.
Chín năm chấp chánh của Tổng thống Ngô Đình Diệm, bắt đầu từ khởi điểm khó khăn nhất, binh quyền trong tay các “sứ quân”, các phe phái tranh chấp, một triệu di dân miền Bắc cần cứu trợ, ổn định … Chỉ sau thời gian ngắn đã là những năm miền Nam an bình, đầy thịnh vượng. Văn thi ca phát triển tự do và phong phú. Để đến giờ đó là những chứng tích khách quan nhất, phản ánh đời sống tự do, thanh bình, an cư lạc nghiệp của dân chúng miền Nam vào thời đó.
Cuộc chiến Quốc – Cộng. Cuộc chiến có người Mỹ tham chiến đã sụp đổ và thất bại với mất mát xương máu của hai miền và của chính người Mỹ. Kết cuộc miền Nam đã mất vào tay CS. Kết cuộc này khiến tôi suy nghĩ. Nếu Tổng thống Ngô Đình Diệm còn là vị thuyền trưởng, có một hiệp ước đồng minh, viện trợ với Mỹ như ý sách; chính phủ VNCH hoàn toàn độc lập tự quyết trong việc lèo lái, thì con thuyền Quốc Gia có thể đã không chìm đắm. Ngài và cố vấn Ngô Đình Nhu với viễn kiến luôn cố tránh một cuộc chiến tương tàn mà Việt Nam sẽ là chiến trường nơi súng đạn của hai khối tự do và cộng sản đọ sức nhau trên xương máu người dân Việt. Chung cục, cho dẫu với cuồng vọng nhuộm đỏ miền Nam, làm tay sai cho Quốc Tế Cộng Sản của Hồ Chí Minh, miền Nam có không tránh được chiến tranh đi chăng nữa, thì người lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa phải được hoàn toàn quyết định và điều động là yếu tố cơ bản để chiến thắng cuộc chiến.
Tiếc thay, có những kẻ bị tham vọng quyền lực làm mờ mắt, hoặc tự bản thân họ không có viễn kiến đủ, đã không thấy điều này.
Sau đảo chính, miền Nam rơi vào hỗn loạn chính trị. Quyền lực chuyển hết tay này qua tay khác suốt 4 năm, kế hoạch Ấp Chiến Lược bị dẹp bỏ, tạo những lỗ hổng quyết định cho cộng sản trà trộn, lũng đoạn hệ thống chính quyền cũng như xã hội. Quân đội Mỹ và đồng minh phải đổ vào tiếp ứng. CSBV có thể trương cao biểu ngữ “Chống Mỹ Cứu Nước” một cách danh chính ngôn thuận, đúng như Tổng thống Ngô Đình Diệm đã từng lo ngại cho chính nghĩa của miền Nam.
Gia đình trị? Thủ tướng Ngô Đình Diệm khi mới về nhận chức, không có quân đội, không ngân sách, tứ phía là đảng phái chia rẽ, chống đối… Ngay cả người Mỹ cũng “wait and see” (chờ xem) ngài có thể trụ nổi trước khi ra mặt ủng hộ. Tổng thống luôn phải tìm người tài để giúp sức, nếu không có anh em thì còn có ai có thật tâm và dũng khí đủ để “gánh” việc, cứu nước trong bối cảnh đó? Khi trở thành Tổng thống, ngài đã dùng người em thân cận nhất, Ngô Đình Nhu, làm cố vấn trong việc trị nước, chứ không bổ nhiệm quyền cao, chức trọng như Bộ trưởng, thủ tướng với dinh thự, bổng lộc cao sang để trục lợi. Tôi sau khi đọc được Chính Đề Việt Nam của Tùng Phong Ngô Đình Nhu càng nhận thấy ông có những kiến thức uyên bác về chính trị, một tầm nhìn xa rộng sắc bén, hơn hết là hoài bão xây dựng một Việt Nam dân hùng, nước mạnh. Tổng thống Ngô Đình Diệm đã không chọn ông làm cố vấn vì ông là bào đệ của mình. Ông xứng đáng hơn ai hết là bộ óc của đệ nhất Cộng Hòa. Bà Ngô Đình Nhu được bầu vào Quốc Hội, tổ chức phong trào Phụ Nữ Liên Đới, chủ xướng luật một vợ một chồng, cũng phát xuất từ thành ý góp phần xây dựng một xã hội lành mạnh, cởi bỏ hủ tục đa thê của thời phong kiến. Ông Ngô Đình Cẩn ở miền Trung cũng không nắm giữ bộ nào, chỉ với danh vị tượng trưng “cố vấn chỉ đạo,” có nhiều móc nối với những nhân vật, chính khách, hầu hết là nhắm vào mục đích diệt cộng. Ông Ngô Đình Thục là Giám mục được sắc phong qua hệ thống Roman Catholic, không do tổng thống. Và các vị giám mục có ảnh hưởng lớn và được giáo dân tôn trọng là điều thông thường trong xã hội, nhất là xã hội miền Nam thời bấy giờ.
Mỹ với nền Dân chủ Pháp trị lâu đời thì tổng thống vẫn toàn quyền trong việc chọn người cho bộ nội các của mình. Robert Kennedy là Bộ trưởng Quốc phòng trong thời tổng thống John Kennedy, nhưng không hề có xét nét nào về “gia đình trị.”
Sau hết, các anh em của Tổng thống không ai dùng quyền chức để tham nhũng, làm giàu, vinh thân phì gia, mà dùng tài sức để gánh vác công việc chung với anh, đả cộng, bài phong. Vì vậy, những lời chỉ trích về “gia đình trị,” cần được rút lại. Không thể có suy nghĩ “kỳ thị” người trong một gia đình là không được tham gia chính quyền. Quyền công dân, quyền tham gia giúp nước phải được đặt lên hàng đầu.
Kỳ thị tôn giáo? Đã có hàng trăm bài viết phù và chống vấn đề này. Nhưng có ba điểm sau thuộc về “sự kiện” (facts), không thuộc ý kiến/tranh luận xin nêu ra để người đọc tự kết luận:
1. Báo cáo của phái đoàn Liên Hiệp Quốc về kỳ thị tôn giáo dưới thời tổng thống Ngô Đình Diệm đi đến kết luận sau: "Những tố cáo đệ trình lên Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc nhằm chống chính quyền Ngô Đình Diệm không đứng vững sau khi phái đoàn điều tra một cách khách quan. Không hề có kỳ thị cũng như đàn áp tôn giáo cũng không hề có sự đụng chạm đến tự do tín ngưỡng. Không thể có một cách nào khác để phán đoán những dữ kiện thực tế, những va chạm giữa một hệ phái, mà không phải là toàn thể cộng đồng Phật tử Việt Nam với chính quyền Ngô Đình Diệm hoàn toàn có tính cách chính trị.”
2. Được giải thưởng Leadership Magsaysay 10.000 dollars, tổng thống Diệm đã im lặng gửi tặng phần thưởng này lại cho Đức Dat lai lama, với lý do “Đức Đạt Lai Lạt Ma, vị lãnh tụ và là biểu tượng của tinh thần tranh đấu bất khuất để bảo vệ niềm tin, bảo vệ tôn giáo, bảo vệ dân tộc ngài, đang gặp hoạn nạn, phải sống lưu vong, cần nhiều sự giúp đỡ.”
3. Các tướng lãnh, và quan chức trong chính phủ đệ nhất Cộnh Hoà là những tín đồ Phật giáo nhiều hơn là Thiên chúa giáo.
Một gia đình với ba anh em bị thảm sát, không còn chút quyền lực, ảnh hưởng, mà cho đến nay, hơn nửa thế kỷ sau người dân Việt khắp nơi vẫn tự tổ chức lễ tưởng niệm, thương tiếc thì phải chăng đó chính là “lịch sử phán xét”?
Vận mệnh oan nghiệt và đau thương của Tổng thống Ngô Đình Diệm đã gắn liền với vận mệnh Việt Nam từ đó. Trong thành kính, tiếc thương, ca khúc này được thực hiện cho ngày lễ tưởng niệm Tổng thống và các chiến sĩ trận vong mà ca sĩ Lâm Dung và tôi, mới thực hiện xong.
Thơ là Người, xin được kết bài viết về Tổng thống với bài thơ của ông.
Nỗi Lòng
Gươm đàn nửa gánh quẩy sang sông
Hỏi bến: thuyền không, lái cũng không!
Xe muối nặng nề thương vó Ký
Đường mây rộng rãi tiếc chim Hồng
Vá trời lấp biển người đâu tá?
Bán lợi mua danh chợ vẫn đông!
Lần lữa nắng mưa theo cuộc thế
Cắm sào đợi khách, thuở nào trong?
Ngô Đình Diệm - 1953
0 comments:
Post a Comment