Hồn Nhiên (Danlambao) - Dù muốn dù không, chúng ta cũng phải nhắc đến một nghề cao quý, cái nghề “đưa đò” của các thầy cô giáo. Đưa hết thế hệ này đến thế hệ kia. Ngày xưa, để thi đậu vào trường sư phạm, người giáo viên phải học về tất cả từ phong cách đến diễn đạt, sao cho mỗi người giáo viên khi đứng trên bục giảng, phải luôn là tấm gương sáng cho các em học sinh noi theo. Người đào tạo hiền nhân cho đất nước phải là người hoàn hảo, không một chút tì vết. Người ta chấm từ bước đi, cách ăn nói, cách đối nhân xử thế giữa những anh em đồng nghiệp với nhau, chưa nói tới với nhân quần, xã hội.
Dĩ nhiên, đạo đức là thước đo nhân cách của người giáo viên. Mà khi nói tới phạm trù đạo đức, phải là đạo đức truyền thống của dân tộc Việt, chứ không phải thứ “đạo đức cách mạng”, đạo đức Hồ Chí Minh” như cộng sản vẫn tuyên truyền. (Tôi sẽ đào sâu thêm ý nghĩa thật sự của chữ Cách Mạng trong một bài viết khác, riêng trong bài viết này, tôi xin dành riêng để nói về phẩm chất của người giáo viên).
Ông bà ta xưa hay có câu: “Phú quý sinh lễ nghĩa, bần cùng sinh đạo tặc”, tôi không nghĩ những câu này đúng trong bối cảnh xã hội hiện nay. Thử nhìn vào nết ăn nết ở của những cậu ấm, cô chiêu thời nay, họ có lễ nghĩa không? Hay họ được cha mẹ nuông chìu sống trong một môi trường thác loạn, xa xỉ vất hàng đống tiền vào những quán bia ôm hay xập xình trong thứ âm nhạc nhầy nhụa ở các quán bar, vũ trường thâu đêm suốt sáng? Họ được thừa hưởng một thứ giáo dục gì mà thành hình những phong cách nửa người nửa ngợm như vậy? Lại có thêm một câu thành ngữ khác để bào chữa cho họ: “Cha mẹ sanh con, trời sanh tánh”, trời nào sanh tánh nhỉ? Nếu cha mẹ lưu tâm tới con cái, đã không lao vào làm giàu, đẻ cho con mặc tình sống theo bản năng của chúng. Một nền giáo dục tốt cho dù không khiến họ trở thành hiền tài, nhưng chí ít cũng không biến họ thành những con người vô cảm.
Tôi nhớ như in hình ảnh của một người giáo viên dạy văn sau khi bị ép nghỉ dạy vì có một lý lịch “xấu”, đó là cô giáo Mai ở xóm tôi. Cô vốn là một người trầm lặng, ít nói. Đứng lớp, cô lúc nào cũng nói năng chừng mực, phong cách đĩnh đạc, nhẹ nhàng. Cô hay chú ý tới những học trò nghèo mà có ý chí tiến thân. Đặc biệt, không một học trò nào bị cô trách phạt khi phạm lỗi. Học trò của cô sau khi đỗ đạc thành tài vẫn luôn nhớ tới cô và siêng năng thăm hỏi khi có dịp về thăm quê.
Sau năm 75, thế sự xoay vần, cô bị bắt buộc phải bỏ dạy mặc dù cô rất yêu nghề. Giai đoạn năm 1978, 79, 80, người ta thấy cô chở trên xe đạp ọc ạch những thùng nước cơm xin của hàng xóm về nuôi heo, trông dáng vẻ cô gầy đi, hốc hác, làn da chai sần, sạm nắng. Cô không còn là một thần tượng đối với các em học trò nữa rồi!
Tôi tin rằng đã có rất nhiều thầy cô giáo sau năm 75 cũng lâm vào tình trạng như cô, bởi cộng sản chủ trương “Hồng Hơn Chuyên”, họ không bao giờ tin dùng những người có tài mà không có một nhân thân dính dáng tới đảng, bác. Tôi cũng thấy vài người được giữ lại, gọi là giáo viên “lưu dung”, đó là những giáo viên dạy giỏi những môn tự nhiên như toán, lý, hóa, tuy nhiên, những giáo viên “lưu dung” này không được xét vào biên chế, nghĩa là không có một chút quyền lợi gì để được hưởng những kỳ nghỉ phép hay lãnh thưởng. Đây chính là sự phân biệt đối xử rất man rợ mà chỉ có trong một xã hội được cho là “ưu việt” nhất hành tinh hiện nay.
Thốt nhiên tôi muốn đọc lại 2 câu thơ, mà tôi không nhớ tác giả của nó là ai:
Chở bao nhiêu đạo, thuyền không khẳm
Đâm mấy thằng gian, bút chẳng tà”
California, Nov.20, 2017
0 comments:
Post a Comment