Source: BBC | Posted on: 2017-11-26 |
Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam ông Nguyễn Phú Trọng đang có những chỉ đạo 'quyết liệt' chống tham nhũng và làm sạch các tổ chức Đảng, theo truyền thông Việt Nam
Việc nhà lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam yêu cầu khẩn trương đưa vụ án Trịnh Xuân Thanh ra xét xử cho thấy ban lãnh đạo Việt Nam đã chấp nhận hy sinh đối ngoại để xử lý đối nội, một ý kiến nhà phân tích thời sự nói với BBC hôm thứ Bảy.
Hôm 25/11/2017, truyền thông chính thức từ Việt Nam đưa tin Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu các cơ quan chức năng của Việt Nam 'tập trung' và 'khẩn trương' đưa vụ án này cùng vụ việc tại Tập đoàn dầu khi Việt Nam (PVN) liên quan Ngân hàng Đại dương (Ocean Bank) ra xét xử lần lượt trong năm 2017 và đầu quí một năm 2018.
"Tổng Bí thư yêu cầu các cơ quan chức năng phải tập trung, khẩn trương để đưa các vụ án, đặc biệt là vụ án Trịnh Xuân Thanh và vụ góp vốn 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) vào Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại dương (Oceanbank) ra xét xử lần lượt trong năm 2017 tháng 1/2018 và đầu tháng 2/2018 theo đúng quy định của pháp luật," báo Tiền Phong cho hay.
"Theo đó, vụ án Trịnh Xuân Thanh gồm hai vụ có liên quan gồm: Thứ nhất là vụ Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm phạm tội "Tham ô tài sản", "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí (PVC).
"Thứ hai là vụ án "Tham ô tài sản" xảy ra tại Công ty cổ phần Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land) liên quan đến Trịnh Xuân Thanh và một số đối tượng khác."
Bình luận về động thái này, từ Sài Gòn, Tiến sỹ kinh tế Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội nhà báo Độc lập Việt Nam, nói:
"Với việc công khai công bố việc xử án Trịnh Xuân Thanh, nói theo một số đánh giá trước đây trong nội bộ, dường như ông Nguyễn Phú Trọng chấp nhận trả giá đối ngoại để giải quyết đối nội.
"Và như vậy không biết mối quan hệ đối với nhà nước Đức của Việt Nam trong thời gian tới sẽ như thế nào? Bởi vì chúng ta biết cho tới nay, thứ nhất vào tháng 10/2017, Đức đã tạm thời đình chỉ đối tác chiến lược với Việt Nam, vào tháng 11, Đức hủy bỏ quyền miễn trừ cán bộ ngoại giao Việt Nam trong việc đi công tác ở Đức.
"Có nghĩa là tất cả cán bộ ngoại giao Việt Nam đều phải xin visa nếu muốn đến Đức, thay vì trước đó không cần phải xin visa. Và cũng có một động thái là châu Âu trong tháng 11 đã rút thẻ vàng đối với hàng hải sản của Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu và còn có thể còn các vụ việc khác nữa.
"Tôi tự hỏi là với việc công bố vụ án Trịnh Xuân Thanh thì ông Nguyễn Phú Trọng đang suy nghĩ gì? Và ông có tiếp tục chấp nhận những hậu quả rất có thể xảy ra trong thời gian tới hay không?
"Và theo những thông tin mà tôi biết được trong thời gian gần đây, thì cho tới nay Việt Nam hoàn toàn vẫn chưa có một động thái nào để thỏa mãn và đáp ứng những điều kiện, những yêu cầu và những đòi hỏi của phía Đức liên quan vụ Trịnh Xuân Thanh," ông Phạm Chí Dũng nói với Bàn tròn điểm tin tức cuối tuần của BBC Tiếng Việt.
Chạy đua với Đức và châu Âu ?
Tổng bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng vừa yêu cầu và chỉ đạo các cơ quan chức năng của Việt Nam 'tập trung' và 'khẩn trương' đưa vụ án Trịnh Xuân Thanh ra xét xử.
Từ Berlin, Cộng hòa Liên bang Đức, nhà báo Lê Trung Khoa, Chủ biên báo mạng ThờiBáo.de đưa ra bình luận với BBC:
Tổng bí thư ĐCSVN Nguyễn Phú Trọng vừa yêu cầu và chỉ đạo các cơ quan chức năng của Việt Nam 'tập trung' và 'khẩn trương' đưa vụ án Trịnh Xuân Thanh ra xét xử.
"Thực ra việc ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tuyên bố ngày hôm nay về việc phải đưa vụ án Trịnh Xuân Thanh ra xét xử vào năm 2018, tức là khoảng tháng 2, tôi thấy có lẽ đây là việc mà ông ấy đang cố chạy đua với phía Đức và châu Âu.
"Phía Đức họ đang truy nã đối tượng, người chủ mưu để đưa vụ việc này ra ánh sáng và càng ngày phía Đức càng có những bằng chứng cụ thể và điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến cộng đồng Việt Nam tại Đức cũng như các doanh nghiệp.
"Ví dụ vừa rồi một số lịch làm việc của các thống đốc của các bang của Đức đã được định trước sẽ về Việt Nam để làm việc về kết nối đầu tư, về hỗ trợ hợp tác phát triển, nhưng tất cả đều bị đình chỉ lại. Tức là họ đã phải từ chối những lịch đó, bởi vì họ phải đợi những quyết định của chính phủ liên bang trong thời gian tới.
"Điểm nữa là những hoạt động của cơ quan đại diện là Đại sứ quán Việt Nam hiện nay ở Đức là rất khó khăn và gần như là bị đóng băng đối với phía Đức vì gần như không một cơ quan nào ở Đức tiếp vị Đại sứ ở đây nữa. Bởi vì họ biết trong quá trình điều tra họ cũng phải tuân thủ pháp luật, tuân thủ cơ quan tổng công tố liên bang của Đức."
Và ông Lê Trung Khoa nói thêm: "Hiện nay quả thực Việt Nam trong hoàn cảnh này đang gặp những khó khăn rất lớn về công tác đối ngoại với châu Âu và đặc biệt với Đức thông qua việc Viện công tố Liên bang Đức đã nói rằng đây là vụ bắt cóc và họ có đầy đủ bằng chứng, điều này sẽ dẫn đến những hậu quả rất nặng nề đối với kinh tế Việt Nam đặc biệt là hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đang rất mong đợi sau khi hiệp định TPP đã bị Mỹ rút ra.
"Ông Nguyễn Phú Trọng trong phần nhiệm kỳ này đã cố gắng làm việc là đưa ông Trịnh Xuân Thanh ra xét xử, nhưng phía Đức vẫn luôn luôn yêu cầu và đòi hỏi là ông Trịnh Xuân Thanh phải được xét xử dưới một định chế pháp luật luật là nhà nước pháp quyền và có sự giám sát, tham dự của các phóng viên cũng như của quan sát quốc tế.
Quan hệ Việt - Đức từng ở mức được cho là 'nồng ấm' trước khi xảy ra vụ việc tranh cãi liên quan ông Trịnh Xuân Thanh mà nhà nước Đức giữ quan điểm cho rằng đã xảy ra vụ 'bắt cóc' vi phạm nghiêm trọng chủ quyền CHLB Đức cũng như luật pháp Đức và EU.
Quan hệ Việt - Đức từng ở mức được cho là 'nồng ấm' trước khi xảy ra vụ việc tranh cãi liên quan ông Trịnh Xuân Thanh mà nhà nước Đức giữ quan điểm cho rằng đã xảy ra vụ 'bắt cóc' vi phạm nghiêm trọng chủ quyền CHLB Đức cũng như luật pháp Đức và EU.
"Điều này thực ra là khó hơn việc trao trả ông Trịnh Xuân Thanh," vị khách mời Bàn tròn điểm tin cuối tuần từ Berlin phát biểu, trên quan điểm riêng.
Hôm 15/11, báo mạng VietnamNet từ Việt Nam cũng tường trình về động thái mới của nhà lãnh đạo đảng của Việt Nam, tờ báo viết:
"Hôm nay, tại Hà Nội, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã họp dưới sự chủ trì của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo để thảo luận, cho ý kiến về tiến độ, kết quả đạt được và những khó khăn, vướng mắc trong điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án, xác minh một số vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo."
Về 'phương hướng sắp tới', tờ báo mạng này cho biết thêm một số chi tiết:
"Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất kế hoạch để kết thúc điều tra, truy tố, xét xử 15 vụ án, 8 vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm trong năm 2017 và quý I/2018.
"Trong đó yêu cầu các cơ quan chức năng phải tập trung, khẩn trương để đưa ra xét xử đúng quy định của pháp luật, các vụ án: Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm phạm tội "Tham ô tài sản", "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC); vụ án "Tham ô tài sản" xảy ra tại Công ty cổ phần Bất động sản điện lực dầu khí Việt Nam (PVP Land) liên quan đến Trịnh Xuân Thanh và một số đối tượng khác;
"Vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" liên quan đến việc góp vốn 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) vào Ngân hàng Thương mai cổ phần Đại dương (Oceanbank) (vụ án thuộc giai đoạn II vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm); vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm phạm tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại 4 Ngân hàng," vẫn theo tường thuật của tờ báo mạng từ Việt Nam.
----------
0 comments:
Post a Comment