Author: Bùi Văn Phú | Source: BBC | Posted on: 2017-11-19 |
Chuyến thăm Việt Nam vừa qua của Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa rõ đã gặt hái được kết quả ra sao để quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam phát triển hơn nữa, nhưng đã ít nhiều tạo ra lo lắng cho một số người Việt sinh sống tại Mỹ.
Lo lắng là vì một phần trong việc phát triển quan hệ hai nước, ngoài thương mại, quốc phòng và giáo dục thì một vấn đề cũng được Hoa Kỳ quan tâm là người nhập cư ở Mỹ, trong đó có nhiều người Việt, mà phía Mỹ muốn trục xuất về Việt Nam. Họ là những người chưa có quốc tịch Mỹ mà vi phạm pháp luật.
Việc này đã được phía Mỹ nêu lên với đối tác Việt Nam trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào tháng Năm vừa qua.
Liên quan đến chính sách trục xuất người Việt từ Mỹ, từ đầu năm năm 2008, sau gần 10 năm thương thảo, hai quốc gia đã ký Biên bản Ghi nhớ (Memorandum of Understanding) đồng ý trao trả người Việt về lại Việt Nam.
Theo giới chức di trú Mỹ, trong quan hệ song phương với các nước thì việc nhận người bị trục xuất khỏi Mỹ là điều bình thường, nhưng Việt Nam, cùng với Trung Quốc và Cuba, là những nước rất ít muốn nhận người bị tòa di trú Mỹ ra lệnh trục xuất trở lại nguyên quán.
Trong suốt một thập niên qua, có rất ít người Việt bị Mỹ trục xuất đã được Việt Nam nhận.
Một tấm áp phích giới thiệu chương trình tư vấn di trú theo diện DACA cho người Việt ở San Jose, California vào năm 2016
Qua chuyến thăm Mỹ hồi tháng Năm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và chuyến đi Việt Nam vừa qua của Tổng thống Donald Trump, việc nhận người bị Mỹ trục xuất đã được đưa lên bàn thảo luận.
Một tấm áp phích giới thiệu chương trình tư vấn di trú theo diện DACA cho người Việt ở San Jose, California vào năm 2016
Biên bản Ghi nhớ 12/7/1995: Mốc quan trọng
Theo thỏa thuận hai bên ký vào năm 2008, Việt Nam chỉ đồng ý nhận lại người Việt đã vào Mỹ sau ngày 12/7/1995, là ngày Hoa Kỳ và Việt Nam chính thức nối lại bang giao. Người Việt đến Mỹ trước thời hạn đó không nằm trong diện bị trao trả.
Gần đây, từ sau khi Donald Trump lên làm tổng thống và có những thay đổi trong chính sách di dân, đã có nhiều hành động của chính quyền Mỹ khiến một số người Việt lo lắng và quan tâm.
Số người Việt bị cơ quan ICE (Immigration and Custom Enforcement, tức cơ quan thi hành luật di trú và kiểm soát cửa khẩu) bắt giam trở lại đã gia tăng nhiều trong vài tháng qua. Họ là những người có án hình sự và trước đây được tòa di dân cho tự do tạm để ra đời làm việc hay chăm sóc gia đình.
Theo thông tin của SEARAC (Trung tâm Tác vụ Đông Nam Á), một cơ quan vận động cho quyền lợi người Mỹ gốc Đông Nam Á có trụ ở Thủ đô Washington và văn phòng ở Thủ phủ Sacramento, bang California thì trong tài khóa 2016 Hoa Kỳ đã trục xuất 35 người về Việt Nam.
Cũng theo cơ quan này, trong tháng Chín vừa qua Mỹ đã trao cho Hà Nội danh sách 95 người bị trục xuất để yêu cầu Việt Nam tiến hành thủ tục nhận lại trước cuối năm nay. Tuy nhiên cho đến nay Hà Nội vẫn chưa đưa ra bình luận nào về sự kiện này.
Chính quyền Trump đã đưa ra nhiều thay đổi trong chính sách di dân, từ xây tường ở biên giới phía nam Hoa Kỳ, cấm dân từ 6 nước đông người Hồi giáo vào Mỹ cho đến việc rút lại sắc lệnh DACA cho trẻ vị thành niên theo cha mẹ nhập cư vào Mỹ được tạm cư hợp pháp, cùng lúc cơ quan ICE gia tăng việc bắt giam những di dân bất hợp pháp hay có tiền án.
Trục xuất hay không?
Theo số liệu của Migration Policy Institute, Viện Nghiên cứu về Chính sách Di dân, thì trong số 1 triệu 300 nghìn người gốc Việt tại Mỹ có khoảng 116 nghìn người cư trú bất hợp pháp.
Con số người Việt trong diện bị trục xuất và hiện bị giam giữ hay đặt dưới sự quản chế của cơ quan di trú Mỹ là gần 8 nghìn người.
Trong những tuần qua ICE đã đưa vào trại giam trên toàn nước Mỹ khoảng 200 người gốc Việt và Campuchia, là con số mà báo San Jose Mercury News đưa ra hôm 9/11/2017.
Thông tin trên mạng xã hội Facebook do nhóm PIVOT (The Progressive Vietnamese American Organization, Tổ chức Người Mỹ gốc Việt Tiến bộ) đưa ra cho biết hiện có khoảng 40 người Việt bị giam trong nhà tù Stewart, ở thành phố Lumpkin, bang Georgia. Nhiều nhà hoạt động cộng đồng và luật sư gốc Việt đã vào thăm họ, giúp đỡ về pháp lý cũng như về mặt vật chất và tinh thần. Luật sư Phi Nguyễn, một thành viên của PIVOT, đã vào nhà tù Stewart
nhiều lần trong thời gian gần đây và có viết trên FB là cô đã gặp tù nhân qua Mỹ từ năm 1975, tiếng Anh rành hơn tiếng Việt, nhưng chưa có quốc tịch Mỹ.
Bản Khoản 2, Điều 2 trong Biên bản Ghi nhớ năm 2008 ghi người Việt đến Hoa Kỳ trước 12/7/1995 không nằm trong diện bị trục xuất
Trong những bố ráp gần đây, ICE đã bắt giam người có án với tòa di trú, dù họ đến Mỹ trước hay sau cột mốc thời gian 12/7/1995.
Bản Khoản 2, Điều 2 trong Biên bản Ghi nhớ năm 2008 ghi người Việt đến Hoa Kỳ trước 12/7/1995 không nằm trong diện bị trục xuất
Tất cả những tù nhân đang bị giam trong nhà tù Stewart có phải đối diện với việc bị trục xuất về Việt Nam? Theo luật sư Phi Nguyễn là có.
Với chính sách di dân mới của Tổng thống Trump, và trong viễn cảnh quan hệ Mỹ-Việt ngày càng phát triển nhiều mặt trong chiều hướng tiến đến "đối tác toàn diện", vấn đề di dân Việt ở Mỹ bất hợp pháp hay có án cũng đã được giới chức hai bên bàn luận và đang gây hoang mang.
Theo Luật sư Nguyễn Hoàng Duyên từ San Jose, California thì chuyến đi của Tổng thống Trump nếu bên trong hậu trường có những thảo luận về chính trị, ngoại giao giữa hai nước như thế nào, kết quả ra sao thì hiện nay chưa rõ. Nhưng luật về di trú liên quan đến người Việt vẫn không có thay đổi.
Ông nói: "Theo tinh thần của Biên bản Ghi nhớ ký giữa Hoa Kỳ và Việt Nam ngày 22/1/2008 thì những ai đến Mỹ định cư hợp pháp, như qua diện tị nạn hay diện thẻ xanh trước ngày 12/7/1995 thì Việt Nam sẽ không nhận về nếu có bị Mỹ trục xuất."
Liên quan đến ICE bắt người gần đây, luật sư Duyên nói những sự kiện đó tạo ra khủng hoảng tâm lí nhiều hơn và chỉ để mọi người biết là Hoa Kỳ dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Trump đã có những thay đổi trong chính sách di dân.
Về danh sách 95 người cần trục xuất mà Hoa Kỳ mới đưa cho Việt Nam, luật sư Duyên cho biết không thể căn cứ vào đó mà nói là sẽ có hàng nghìn người Việt sẽ bị trục xuất.
Là một luật sư, ông cho biết: "Nếu tới Mỹ hợp pháp trước ngày 12/7/1995 thì có bị bắt cũng bị giam vậy thôi, chứ không có việc bị đưa lên máy bay trả về Việt Nam. Bị giam trong nhà tù di trú vài tháng rồi cũng sẽ được thả."
Dự luật nhập cư RAISE của Hoa Kỳ sẽ 'siết chặt hơn'?
Ông cho biết đến lúc này cũng chưa có thay đổi về luật, bản thỏa thuận giữa Hoa Kỳ và Việt Nam năm 2008 vẫn còn giá trị.
Dự luật nhập cư RAISE của Hoa Kỳ sẽ 'siết chặt hơn'?
Những ai đến Mỹ sau ngày 12/7/1995, nếu bị bắt thì nên nhờ luật sư lo hồ sơ. Theo luật sư Duyên, vì ngay trong thỏa thuận đó cũng có những khoản khoan hồng để khỏi bị trục xuất như vì lí do nhân đạo, gia đình hợp nhất, tư cách tốt trong thời gian được tự do tạm.
Còn luật sư Nguyễn Quốc Lân từ Quận Cam, California đưa ra nhận định rằng trước sau gì Hà Nội cũng nhượng bộ Hoa Kỳ và sẽ nhận những người bị trục xuất, tuy không ào ạt nhưng từ từ.
Cũng theo lời ông: "Trong thỏa thuận năm 2008 không ghi phạm nhân với những tội nào sẽ bị trục xuất. Lệnh trục xuất là quyết định của chánh án di dân và không nhất thiết chỉ có những ai phạm tội như cướp của, giết người mà ngay cả những người với tội bạo hành trong gia đình, hay say rượu lái xe tái phạm nhiều lần cũng có thể bị tòa ra lệnh trục xuất."
Trong quá khứ Việt Nam đã từng nhận lại những người Việt từ nước ngoài trở về: cuối năm 1975 nhận 1500 người di tản trở về trên con tàu Việt Nam Thương Tín, đầu thập niên 1990 nhận hàng vạn người vượt biển hồi hương từ các trại tị nạn Đông Nam Á.
Ngày nay, số phận của nhiều nghìn di dân Việt tại Mỹ đang được đem ra thương thảo trong quá trình phát triển quan hệ hai nước, trong lúc có những thay đổi về chính sách di dân của Tổng thống Trump.
Tương lai của họ sẽ ra sao tùy thuộc vào quyết định của Hà Nội trong những ngày tháng tới.
Bài viết phản ánh quan điểm và văn phong của tác giả là một nhà báo tự do hiện sống tại vùng Vịnh San Francisco, California.
------------
0 comments:
Post a Comment