Wednesday, November 1, 2017

Ông Phạm Sỹ Quý đã "hạ độ cao" ngoạn mục như thế nào?

Phương Trạch (Danlambao) - Trường hợp ông Phạm Sỹ Quý, cựu Giám đốc Sở TN&MT Yên Bái vừa qua, không phải là cú hạ cánh khẩn cấp, mà chỉ là hạ độ cao và chuyển làn bay. Cách chức GĐ Sở TN7MT, nay ông Quý sang làm Phó Văn phòng HĐND tỉnh Yên Bái, giúp việc cho bà chị thân yêu của mình. Cái biệt tài của đảng ta là ở chỗ, một công chức sai phạm, bị hạ cấp, bây giờ lại làm người đại diện của dân. Như thế mới đúng quy trình chứ. Với chức vụ này, dân gian hay gọi là “ngồi chơi xơi nước”. Nhưng với tài biến hóa như Phạm Sỹ Quý, nếu biết “phấn đấu đúng quy trình”, thì ngoi lên mấy hồi.

*

Trong ngành hàng không, vì những lý do đặc biệt, nhiều khi người điều khiển máy bay (phi công) phải cho máy bay hạ cánh khẩn cấp xuống một sân bay nào đó, nhằm bảo vệ an toàn cho máy bay, hành khách và phi hành đoàn.

Cũng có những trường hợp máy móc bị hỏng hóc đột xuất, hay một nguyên nhân đặc biệt nào đó, nên phi công không thể điều khiển máy bay hạ cánh được như ý muốn, mà phải nhắm mắt cho máy bay đáp xuống một cánh đồng, một dòng sông hay một bãi biển nào đó. Những trường hợp như vậy, tỷ lệ sống sót rất thấp.

Còn trường hợp bị khủng bố hay máy bay chết máy trên trời, thì tất cả đều tan xác.

Trường hợp ông Phạm Sỹ Quý, cựu Giám đốc Sở TN&MT Yên Bái vừa qua, không phải là cú hạ cánh khẩn cấp, mà chỉ là hạ độ cao và chuyển làn bay. Cách chức GĐ Sở TN7MT, nay ông Quý sang làm Phó Văn phòng HĐND tỉnh Yên Bái, giúp việc cho bà chị thân yêu của mình. Cái biệt tài của đảng ta là ở chỗ, một công chức sai phạm, bị hạ cấp, bây giờ lại làm người đại diện của dân. Như thế mới đúng quy trình chứ.

Với chức vụ này, dân gian hay gọi là “ngồi chơi xơi nước”. Nhưng với tài biến hóa như Phạm Sỹ Quý, nếu biết “phấn đấu đúng quy trình”, thì ngoi lên mấy hồi.

Hãy nhìn Võ Đình Thường, từ một tay Đại úy CSGT, do ăn bẩn nên đã mấy lần kỷ luật. Vậy mà chỉ 14 năm sau, anh ta chẳng những đã “chui” lại vào CSGT, mà con leo lên làm lãnh đạo, làm Phó Phòng CSGT tỉnh Đồng Nai với hàm Thượng Tá.

Nay anh này đang trổ tài lãnh đạo bằng cách bảo kê cho trạm BOT Biên Hòa, nơi có cổ phần của con gái và bố vợ mình. Anh ta đã biến mối quan hệ dân sự giữa người dân và nhà đầu tư tư nhân, trở thành việc quốc gia, bằng việc huy động lực lượng tinh nhuệ nhất của tỉnh Đồng Nai để đe dọa lái xe và giúp trạm BOT thu tiền.

Về sai phạm của ông Phạm Sỹ Quý. Chúng ta hãy xem, sau khi công bố kết luận thanh tra, ông Phạm Trọng Đạt - Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ), đã nói những gì?

“Với những nội dung kết luận trên, Tổng Thanh tra kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái chỉ đạo xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với những vi phạm của gia đình bà Huệ về hành vi xây dựng sai phép, không phép trên khu đất của gia đình tại tổ 42, phường Minh Tân, thành phố Yên Bái và việc tự làm đường giao thông trên đất nông nghiệp đã trả lại Nhà nước, bảo đảm phù hợp với quy hoạch đô thị thành phố Yên Bái”…

Và UBND tỉnh Yên Bái có trách nhiệm "Tổ chức kiểm điểm, có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm minh đối với ông Phạm Sỹ Quý về vi phạm trong việc kê khai tài sản thu nhập; kê khai tài sản không chính xác, thiếu trung thực. Những vi phạm của ông Phạm Sỹ Quý đến mức phải thi hành kỷ luật một cách nghiêm minh” (1).

Như vậy là mọi tội trạng hầu như đều trút lên đầu bà Huệ, vợ ông Quý. Còn ông Phạm Sỹ Quý chỉ “vi phạm trong việc kê khai tài sản thu nhập chưa chính xác, thiếu trung thực ". Tóm lại, việc xử lý kỷ luật đối với ông Phạm Sỹ Quý là “hạ tầng công tác” và chuyển sang công tác khác. Như kiểu trước đây đi buôn lá chít, chổi đót, thì nay chuyển sang nấu rượu nuôi heo vậy.

Điều này rất phù hợp với quan điểm chỉ đạo của ông TBT Nguyễn Phú Trọng. 

Ngày 12/10/2017, khi tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, Tây Hồ trước kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV, TBT Nguyễn Phú Trọng nói: “Tại Hội nghị T.Ư 6 đã thống nhất quan điểm phải bình tĩnh xem xét tất cả các mặt, biện chứng với các yếu tố lịch sử, cụ thể và phát triển, phải xem xét toàn diện, phát triển nhìn về tương lai chứ không phải “đánh cho một đòn chết tươi”, hay “đập cho người ta không ngóc đầu dậy được”… “Những vụ việc được xử lý trong thời gian qua, cuối cùng tất cả đều tâm phục khẩu phục. Thậm chí, người bị kỷ luật còn cảm ơn: “Các đồng chí thi hành kỷ luật tôi rất đúng”… “Công cuộc phòng chống tham nhũng trước đây là đánh từ vai xuống, nhưng giờ đánh trên đầu nhiều hơn” (2). 

Phải thừa nhận cái bản tính thật thà đến ngô nghê, lú lẫn của ông Trọng khi đưa ra những phát ngôn này. Với câu nói: “Công cuộc phòng chống tham nhũng trước đây là đánh từ vai xuống, nhưng giờ đánh trên đầu nhiều hơn”, chửng tỏ trước đây ông Trọng không dám đụng đến bọn quan tham cao cấp. Chứng tỏ công cuộc chống tham nhũng chỉ là trò hề. Chỉ dám đánh bọn không phải “phe ta”.

Ai là những kẻ “tâm phục khẩu phục” và cám ơn ông Trọng? Người đầu tiên phải là Đinh La Thăng.

Có thể nói, trong số hàng trăm bọn quan tham cao cấp lâu nay, thì Đinh La Thăng là bậc thầy. Nhà báo Osin Huy Đức đã có hàng loạt bài viết, phanh phui những chiêu trò vơ vét của con người này để quyết tâm diệt cho bằng được. Thế nhưng, việc kỷ luật đối với Đinh La Thăng chỉ như phủi ruồi, gãi ghẻ ngoài da.

Đến nay cứ mỗi lần họp QH, ông Đinh La Thăng vẫn cứ mũ cao áo rộng, xênh xang trên diễn đàn, làm cho nhà báo Huy Đức tức đến ói máu.

Về thành tích tham nhũng của Đinh La Thăng, đã được UBKT TƯ chỉ ra như sau: “Trong báo cáo của UB Kiểm tra đã nhắc đến những dự án đầu tư thua lỗ của Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) giai đoạn 2009-2011 khi ông Đinh La Thăng giữ vai trò Chủ tịch”.

Theo đó: “Tổng lỗ lũy kế hợp nhất của toàn công ty lên tới 3.274 tỷ đồng. Ngoài ra, lãnh đạo PVN chỉ đạo góp vốn vượt mức quy định vào OceanBank, trái quy định của luật Các tổ chức tín dụng, gây thiệt hại 800 tỷ. Dự án xơ sợi Đình Vũ – Hải Phòng đắp chiếu. Một loạt dự án nghìn tỷ được phê duyệt dưới thời ông Đinh La Thăng làm lãnh đạo PVN đến nay phải lâm cảnh thua lỗ, đắp chiếu, dừng hoạt động, có dự án đầu tư dở dang. Loạt dự án nhiên liệu sinh học dang dở.

Trong số 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả, đầu tư dở dang, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam “đóng góp” rất nhiều dự án. Ngoài dự án xơ sợi Đình Vũ - Hải Phòng, 3 dự án nhiên liệu sinh học đang gặp khó khăn là ethanol Dung Quất (Quảng Ngãi), dự án Ethanol Phú Thọ, Ethanol Bình Phước”(3).

Ngoài ra, thời ông Đinh La Thăng làm Bộ trưởng GTVT, cũng là thời kỳ hàng trăm BOT liên tục mọc lên từ Nam chí Bắc. Đây là công trình hút máu dân một cách và hợp pháp và trắng trợn nhất của các nhóm lợi ích.

Với hàng loạt sai phạm như trên, vậy mà Đinh La Thăng chỉ lột chiếc áo ngoài cho có lệ. 

Đúng là Đinh La Thăng cần phải hết sức cám ơn ông Trọng.

Việc xử lý kỷ luật Phạm Sỹ Quý, đảng và nhà nước làm “rất nghiêm minh, rất bình tĩnh, rất biện chứng với các yếu tố lịch sử”.

Thế mà có người còn nói, kỷ luật như kiểu cao dán chữa ung thư, như gãi ghẻ ngoài da. Thậm chí có người còn nói, tài sản của vợ chồng ông Phạm Sỹ Quý còn lớn hơn cả ông "vua Mèo" Vương Chí Sình ngày xưa. Rằng ông Quý không đủ tiêu chuẩn để bố trí làm cán bộ lãnh đạo được, dù đó chỉ là chức trưởng thôn v.v... Thế mà TTCP không tìm ra được gia đình ông Quý tham nhũng như thế nào thì quá tồi.

Không biết họ còn muốn làm gì ông này nữa?

Hãy nghe ông Phạm Trọng Đạt giải thích:

“Đoàn thanh tra đã yêu cầu ông Phạm Sỹ Quý giải trình về những tài sản của mình và gia đình biến động theo năm. Theo đó, ông Quý có giải trình tài sản đang sở hữu gồm phần lớn khoản vay ngân hàng và bạn bè lên tới 19 tỉ đồng. Trong đó, chi phí đầu tư xây dựng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây nhà, làm trang trại là hơn 7 tỉ đồng. Đối với việc gia đình ông Quý vay ngân hàng như thế nào, trả lãi và gốc hằng tháng ra sao không thuộc thẩm quyền của Thanh tra Chính phủ”.

Vì TTCP không có quyền truy nguồn gốc của khối tài sản của ông Quý, nghĩa là không có quyền đụng đến tác giả của những tờ giấy vay tiền mượn vàng kia, kể cả hồ sơ vay ngân hàng(4).

Nói trắng ra, việc thanh tra tài sản của ông Phạm Sỹ Quý thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của tỉnh Yên Bái. Nhưng để cho “trung thực và khách quan”, tránh dư luận bàn ra tán vào, nên lãnh đạo tỉnh Yên bái đã mượn bàn tay của TTCP vẽ ra bản kết luận nói trên.

Cái nhạy bén của bà Phạm Thị Thanh Trà là ở chỗ, khi “biệt phủ” của ông Quý đã bị dư luận và báo chí tung hê bung bét ra rồi. Bà đành cho ông Chủ tịch tỉnh lên tiếng yêu cầu TTCP vào cuộc để ra vẻ khách quan, không cục bộ. 

Điều này đã được ông Đỗ Đức Duy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái nói ra khi trả lời báo chí: “Lẽ ra việc này thuộc trách nhiệm của UBND tỉnh Yên Bái. Tuy nhiên, vì đối tượng thanh tra là em trai Bí thư Tỉnh ủy nên để đảm bảo yếu tố khách quan, minh bạch, UBND tỉnh Yên Bái đã có công văn đề nghị Thanh tra Chính phủ vào cuộc cho minh bạch, khách quan. Tỉnh Yên Bái sẽ nghiêm túc thực hiện kiến nghị được nêu trong kết luận thanh tra trên cơ sở tuân thủ đúng quy định pháp luật và phù hợp thực tiễn khách quan của tỉnh này”(5).

Vì bà thừa biết rằng, “đường nào rồi cũng về La Mã”.

Qua đó chứng tỏ nội dung của bản kết luận này đã được viết ra theo sự chỉ đạo của ai.

Điều này giải thích tại sao, với kế hoạch ban đầu thời gian thanh tra là 45 ngay. Nhưng TTCP phải hoãn tới hoãn lui tới 5 lần. Mãi tới chiều ngày 23/10/2017, nghĩa là sau khi HNTƯ 6 kết thúc hơn chục ngày, TTCP mới công bố kết luận này.

Thời gian trước đó, bà Bí thư phải hoạt động như con thoi, chạy tới chạy lui giữa Hà Nội và Yên Bái, gặp gỡ ông này ông nọ để dàn xếp vụ này cho êm.

Và phải chở bà Bí thư Tỉnh ủy dự họp HNTƯ 6, để nghe ngóng tình hình nội bộ đấu đá và kết quả ra sao.

Qua kết quả của HNTƯ6, cho thấy cuộc chiến tranh giành quyền lực giữa các phe phái trong đảng hiện nay ác liệt biết chừng nào.

Phe ông Trọng mặc dù bầm gan tím ruột và quyết rửa hận Ba X. Muốn nhân chiến dịch đốt lò này sẽ tống khứ nhiều đệ tử Ba X vào lò. Nhưng vì không thể nuốt được đối thủ, nên đành phải vuốt bụng chịu hòa hoãn, chờ cơ hội khác đánh tiếp.

Việc bổ nhiệm hai chức danh mới vào thành viên chính phủ, là Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể, và Tổng TTCP Lê Minh Khái, đều là đệ tử của Ba X, chứng tỏ ông Trọng phải thỏa hiệp để phân chia quyền lực.

Đó cũng chính là lý do vì sao, trong diễn văn bế mạc Hội nghị TW6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói rằng, "Từ nay trở đi, bất cứ trường hợp nào mà vi phạm kỷ luật, chúng ta phải xử lý nghiêm, làm nghiêm từ trên xuống dưới để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng". 

Cái mà bà Phạm Thị Thanh Trà cố tình kéo dài thời gian công bố kết luận thanh tra để chờ đợi, chính là câu này đây. Điều đó có nghĩa là, vụ Phạm Sỹ Quý không thuộc nhóm “từ nay trở đi”.

Vì vậy những Vũ Huy Hoàng, Đinh La Thăng, Võ kim Cự, Trịnh Văn Chiến… có thể yên tâm gối cao đầu mà ngủ với cái kết luận ấy.

Nói trắng ra là, một chế độ độc tài đảng trị, không thể chống được tham nhũng. Chế độ này tiếp tục đẻ ra tham nhũng, và tiếp tục dung dưỡng cho bọn tham nhũng. Vì thế, cựu Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đã nói toạc ra rằng, tham nhũng ở Việt Nam trong những năm qua có tính chất ổn định(6).

Tuy rằng ông Phạm Sỹ Quý là người cầm vô lăng, nhưng người thực sự điều khiển chuyến bay này lại là bà Phạm Thị Thanh Trà, Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái.

Đây được coi là cú hạ độ cao tương đối ngoạn mục, làm tốn kém thời gian và giấy mực của biết bao nhiêu người nhảy vào… bình loạn.

Như một vở kịch, cuối cùng thì vỡ diễn cũng phải hạ màn. Dàn đồng ca rồi cũng nghỉ chơi. Khán giả ra về thì bàn tán râm ran, kẻ khen người chê, kẻ cười người mếu. 

Họ chỉ biết ông TTCP Phạm Trọng Đạt, người sau 5 lần trì hoãn, cuối cùng cũng đưa ra được cái kết luận “công minh, khách quan”, với câu vuốt đuôi “Yên Bái không làm nhẹ được đâu”. 

Họ chỉ biết biết ông Chủ tịch Yên Bái Đỗ Đức Duy, người đề nghị TTCP về thanh tra cho khách quan, và hứa chấp hành nghiêm kết luận TT. 

Nhưng ít người để ý đến người cầm chiếc “đũa thần” chỉ huy “dàn nhạc” này là bà Phạm Thị Thanh Trà, Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái.

Có lẽ, vua hề Sác Lô nếu sống lại cũng phải ngã mũ bái phục tài năng diễn xuất của các quan Yên Bái cũng như các quan Thanh Tra.

Đúng là

“Đàn bà dễ có mấy tay
Đời xưa mấy mặt đời này mấy gan”.



_____________________________________

Chú thích:

0 comments:

Powered By Blogger