Wednesday, July 5, 2017

Những dấu hiệu rạn nứt trong hệ thống chính trị Trung Cộng trước khi sụp đổ

Nguyễn Cao Quyền (Danlambao) - Tập Cận Bình hy vọng rằng việc đàn áp giới bất đồng chính kiến và tham nhũng sẽ củng cố sự cai trị của đảng. Nhận định này không sai. Tuy nhiên nếu ông làm quá tay thì chắc chắn sẽ dẫn tới một kết cục bi thảm.

Hiện nay các nhà quan sát về tình hình chính trị tại Trung cộng đang chú ý đến một sự suy giảm và phân rã của chế độ. Kể từ khi biến cố Thiên An Môn xảy ra vào năm 1989 nhiều người đã khẳng định rằng sự sụp đổ của chế độ là không thể nào tránh khỏi. Nhưng nếu xét kỹ về mọi khía cạnh, thì người ta thấy là qua thời gian đã có một và đổi thay, nên sự phân tích cũng cần có một vài thay đổi.

Chế độ cộng sản Tàu sẽ không kết thúc lặng lẽ. Sự băng hà của nó sẽ kéo dài và hỗn độn trong bạo lực. Có thể nói thế là vì chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình đã hơi quá tay. Ông đã chọc con dao sát thủ của ông quá sâu vào giới chóp bu của đảng, của chính phủ, của quân đội và của giới tài phiệt.

Ta hãy xen xét năm dấu hiệu rạn nứt của đảng cộng sản Tàu và những nét tổn thương rõ rệt của chế độ.

Đầu tiên là sự chuẩn bị tháo chạy của giới tinh hoa Trung cộng

Giới tinh hoa Trung cộng từ lâu đã chuẩn bị và đã sẵn sàng chạy trốn hàng đoàn, nếu sự rạn nứt của hệ thống không thể hàn gắn. Theo thăm dò của viện HURUN (Thượng Hải) thì 64% của giới giàu có, 393 các nhà tỷ phú và triệu phú đều đã di cư hoặc đang lên kế hoạch để làm việc đó. Người giàu Trung cộng gửi con đi học ở nước ngoài với những con số kỷ lục. Những con số này là những bản cáo trạng về chất lượng của hệ thống giáo dục trong nước Tàu hiện tại.

Người giàu Trung cộng đua nhau sang Mỹ mua bất động sản bất chấp giá cả. Hàng ngàn phụ nữ Tàu mang thai đua nhau sang Mỹ đẻ con để lấy quốc tịch Hoa Kỳ rồi lại về nước chờ đợi ngày di cư thật sự. Khi giới thượng lưu của một nước hành động như vậy thì đó là dấu hiệu của sự thiếu niềm tin vào chế độ.

Thứ hai là tự do không có và áp lực chính trị gia tăng

Các áp chế chính trị vốn đã bao phủ nước Tàu kể từ năm 2009 đã bị Tập Cận Bình tăng cường đáng kể vào năm 2012. Ủy ban Trung ương đã gửi một lệnh hà khắc vào năm 2013, gọi là văn bản số 9, xuống hệ thống tổ chức đảng, ra lệnh cho các chi bộ đảng thanh lọc tất cả những gì gọi là “giá trị phổ quát” mà phương Tây tán dụng, bao gồm: dân chủ lập hiến, xả hội dân sự, tự do báo chí, tự do kinh tế kiểu mới (neoliberal economies).

Một chính phủ ổn định và tự tin sẽ không thiết lập một chiến dịch đàn áp như vậy. Đó là một sự lo lắng và bất an sâu sắc của nhóm lãnh đạo Trung Nam Hải.

Thứ ba là sự giả trá càng ngày càng lên cao và hiện ra rõ nét

Sân khấu của sự giả trá, vốn đã lan tràn khắp cơ thể chính trị của Trung cộng trong những năm qua, ngày càng hiện lên rõ nét. Giấc mơ Trung Hoa của Tập Cận Bình đã hết “ăn khách”. Tuy các quan chức cộng sản vẫn giả vờ tuân thủ nhưng rõ ràng là công tác tuyên truyền đã mất đi sức mạnh của nó. Vốn liếng lý luận cộng sản đã cạn kiệt.

Những cuốn sách nhỏ của Tập Cận Bình viết để lấy lại niềm tin đại chúng, và viết để “cho không” vẫn không mấy ai tìm đọc. Những chồng sách cao ngất để tại nhà sách của Trường đảng Trung ương vẫn nằm y nguyên vì ít ai sờ tới.

Thứ tư là tham nhũng đã trở thành bất trị

Chiến dịch chống tham nhũng “đả hổ diệt ruồi” của Tập Cận Bình là lâu bền và nghiêm khắc nhất từ xưa tới nay những vẫn không loại bỏ được vấn đề. Không loại bỏ được là vì tham nhũng đã ăn sâu bắt rễ vào hệ thống độc đảng, hệ thống ban phát bổng lộc, ăn sâu vào một nền kinh tế thiếu minh bạch, một nhà nước không cai trị bằng pháp luật.

Chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình thật ra chỉ là một cuộc thanh trừng có chọn lọc. Họ Tập dùng các thái tử đảng làm vây cánh nên đã bị mỉa mai và chửi rủa khắp nơi trong xã hội Trung cộng hiện nay.

Thứ năm là không có cải cách chính trị

Nền kinh tế Trung cộng với các quan điểm phương Tây đều nằm kẹt không có lối thoát. Từ ngày Tập lên cầm quyền các gói cải cách vẫn nằm yên trên bệ phóng. Các nhóm lợi ích đầy quyền lực và các giới chức địa phương ở quá xa thường ngăn chặn việc triển khai các gói cải cách này.

Năm vết nứt rạn nói trên chỉ có thể hàn gắn thông qua các cải cách chính trị. Nếu Bắc Kinh không nới lỏng sự kiểm soát chính trị của họ thì không bao giờ Trung cộng có thể trở thành một xã hội sáng tạo và một nền kinh tế tri thức.

Tình hình chính trị của nước Tàu hiện nay

Tập Cận Bình thuộc thế hệ lãnh đạo cộng sản thứ năm. Kể từ Mao tới nay, chưa có một lãnh đạo nào lại thâu tóm nhiều quyền lực vào trong tay bằng họ Tập. Tại Trung cộng bây giờ, những nhà tranh đấu ôn hòa cho một xã hội dân sự cũng bị nghiêm trị, nên phải im tiếng, Tập được gọi là “hoàng đế mới” của thời hiện đại.

Chiến dịch “Đả hổ diệt ruồi” đã gieo sợ hãi và gây bất ổn tâm lý trong các đảng viên từ thấp đến cao. Hàng trăm quan liêu tham nhũng đã bị tù tội và hàng trăm tỷ đô la tham nhũng đã bị tịch thu. Một tướng có nhiều uy danh là Từ Tài Hậu đã bi tống giam. Một chính khách có thế lực nhất nhì trong nước tên Chu Vĩnh Khang cũng bị tóm cổ và đem ra xét xử. Dưới danh nghĩa diệt trừ tham nhũng Tập có thể làm bất cứ điều gì để loại những phần tử cạnh tranh.

Sự xuất hiện của Tập Cận Bình được coi như một “bước ngoặt” vì ông đã xóa bỏ mô hình “lãnh đạo tập thể” của Đặng Tiểu Bình. Theo mô hình này các quốc sách phải được thông qua do sự đồng thuận của chín ủy viên trong Ban Thường Vụ Bộ Chính Trị rồi mới được đem ra thi hành, nhưng mô hình này giờ đây đã bị Tập bác bỏ.

Sáu cơ quan cao nhất trong Bô Chính trị đã được Tập tái cơ cấu năm 2012. Tập cầm đầu cả sáu cơ quan đó. Nhờ đó mà Tập đã loại được kẻ cựu thù nguy hiểm là Bạc Hy Lai. Tập không chỉ nói mà còn hành động.

Trong khi lời khuyên của Đặng Tiểu Bình là cả nước phải “ẩn mình để chờ cơ hội” vẫn còn văng vẳng bên tai thì Tập tin rằng những năm tháng ẩn mình đã qua rồi. Tập muốn cùng với Mao và Đặng họp thành một bộ ba lãnh tụ vĩ đại được nhân dân Trung Hoa và cả thế giới muôn đời kính phục.

Tính kiêu ngạo của Hán Tộc

Điểm qua lịch sử của Tàu ta thấy tham vọng nói trên của Tập Cận Bình là một tham vọng hồ đồ. Tham vọng này là di căn của bệnh kiêu ngạo Hán Tộc. Tính này là một cố tật đã kìm hãm dân tộc Tàu không cho họ phát triển thành một cường quốc của thế giới.

Qua các triều đại của lịch sử Tàu ta thấy tính kiêu ngạo Hán tộc là nguồn gốc của chiến tranh. Chiến tranh liên tục từ đời này qua đời khác nên kinh tế không phát triển được và đất nước liên tục bị nghèo đói lạc hậu. Cuối cùng bi Tây Phương xâu xé.

Khi Mao Trạch Đông có cơ hội giải phóng và thống nhất đất nước thì cũng chỉ vì cái tật xấu ấy mà Mao đã giết chết 60 triệu sinh linh và làm tiêu tan đất nước. Đặng Tiểu Bình tuy có khôn ngoan vực lại được nền kinh tế nhưng cái tính kiêu ngạo đó vẫn giữ không cho Trung cộng thoái khỏi gông cùm độc trị để trở thành dân chủ. Hồ Cẩm Đào thông minh đưa ra sách lược cứu vãn tình thế nhưng sách lược này lại đang bị Tập Cận Bình xé bỏ.

Trong mấy thập niên gần đây, Hoa Kỳ và các nước phương Tây ồ ạt ̣đầu tư vào Hoa Lục vì nghĩ rằng khi nền kinh tế khá giả thì Trung cộng sẽ ly khai với chế độ cộng sản. Tuy nhiên việc đó vẫn chưa xảy ra. Dư luận sốt ruột cho rằng đây là một sai lầm lớn vì Mỹ đã nuôi Trung Cộng cho béo để họ trở thành mối đe dọa nguy hiểm cho toàn thế giới.

Tuy nhiên, nếu căn cứ vào những nghiên cứu vững chắc hơn thì phải nói rằng còn khá lâu Trung cộng mới trở thành đối thủ của Hoa kỳ. Tập Cận Bình, dù tham vọng có lớn đến đâu cũng không có đủ thời gian để thực hiện. Tập còn rất nhiều việc ở trong nước phải làm trước khi bành trướng ra nước ngoài. Việc nhắm vào thế siêu cường là một việc làm hơi vội vã và nước Tàu chưa đủ khả năng để làm việc đó.

Tập còn phải học đi học lại nhiều hơn nữa bài học về sự sụp đổ của Liên Sô. Hãy chú trọng nhiều hơn vào việc làm cho nhân dân Hoa Lục có một nếp sống văn minh hơn để khỏi bị thế giới khinh bỉ. Đó là một việc phải làm ngay phù hợp với sức người có hạn. Những việc vượt quá sức mình hãy để cho các thế hệ tiếp theo phụ trách.

05.07.2017

0 comments:

Powered By Blogger