Người dân bị truy tố về tội vượt biên sau khi bị Úc cưỡng ép hồi hương
Sydney, ngày 24 tháng Năm năm 2016 - Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu rằng chính quyền Việt Nam cần hủy bỏ ngay lập tức mọi cáo buộc liên quan đến hành vi vượt biên trái phép đối với những “thuyền nhân” bị Úc trả về. Phía Úc cần ngay lập tức yêu cầu hủy bỏ vụ án, vì Việt Nam đã cam kết không trừng phạt những người di dân bị trả về.
Dự kiến vào ngày 26 tháng Năm năm 2016, Tòa án Nhân dân Thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận sẽ xử vụ án Nguyễn Đình Quý, 42 tuổi, cùng vợ là Huỳnh Thị Kiều, 39 tuổi, bà Trần Thị Lụa, 37 tuổi, và ông Nguyễn Minh Quyết, 35 tuổi, về tội “tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép” theo điều 275 bộ luật hình sự. Nếu bị kết án, họ có thể phải chịu mức án tù lên tới bảy năm.
Trong hai vụ riêng biệt vào tháng Tư và tháng Bảy năm 2015, hải quân Úc đã chặn hai chiếc tàu trên biển đang di chuyển vào nước Úc và trả lại tất cả các hành khách cho phía Việt Nam. Trong cả hai vụ, Việt Nam đảm bảo với chính phủ Úc rằng sẽ không trừng phạt những người này về hành vi vượt biên. Tuy nhiên, những người đi trên hai chuyến tàu này đã bị bắt giữ, câu lưu, truy tố và –đối với vụ tháng Tư năm 2015 – bị kết án theo điều 275.
“Việt nam đã trắng trợn nuốt lời hứa với chính phủ Úc về việc không truy tố những thuyền nhân bị trả về,” bà Elaine Pearson, Giám đốc phụ trách Úc của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Phía Úc cần yêu cầu chính quyền Việt Nam ngay lập tức hủy bỏ mọi cáo buộc và trả tự do cho những người này.”
Ngày mồng 1 tháng Bảy năm 2015, bốn bị can và 42 người khác, bao gồm cả nam giới, phụ nữ và trẻ em, trong đó có em nhỏ nhất mới 4 tuổi, rời Việt Nam trên một con tàu từ thành phố Phan Thiết. Ngày 21 tháng Bảy, chính quyền Úc chặn thuyền và bốn ngày sau đó trả họ về Việt Nam theo đường hàng không.
Hai trong số những người hồi hương này kể với Tổ chức Theo dõi Nhân quyền rằng, trước khi bị trao trả về Việt Nam, một đại diện di trú Úc nói với họ rằng sẽ không ai bị bắt giam hay đi tù, rằng chính quyền Việt Nam sẽ tạo điều kiện cho họ có việc làm và con cái họ được đi học. Khi tới sân bay Tân Sơn Nhất, một quan chức Việt Nam khẳng định với cả đoàn trước mặt đại diện của lãnh sự Úc rằng sẽ không ai bị bắt hay bị tù. Tuy nhiên, sau khi chính quyền Việt Nam đưa đoàn về tới địa phương cư trú, công an đưa Trần Thị Lụa, Nguyễn Đình Quý và Nguyễn Minh Quyết tới một nhà khách không rõ địa chỉ ở Phan Thiết và giữ họ ở đó suốt 24 ngày mà không có văn bản truy tố hay cho phép họ tiếp xúc với luật sư.
Ngày 18 tháng Tám, công an chính thức bắt giữ Trần Thị Lụa, Nguyễn Đình Quý và Nguyễn Minh Quyết. Huỳnh Thị Kiều cũng bị truy tố nhưng được tại ngoại. Theo báo chí nhà nước và bản cáo trạng, Trần Thị Lụa và Huỳnh Thị Kiều đã “rủ rê, lôi kéo người thân, họ hàng và người quen biết” đi cùng chuyến tàu. Nguyễn Đình Quý bị cáo buộc đã chuẩn bị con tàu và Nguyễn Minh Quyết bị cáo buộc làm tài công.
Sau hơn hai tháng bị tạm giam, Trần Thị Lụa được cho bảo lãnh tại ngoại từ đầu tháng Mười Một vì có vấn đề về sức khỏe trong khi tạm giam. Sức khỏe Nguyễn Minh Quyết cũng xấu đi nhiều trong thời gian tạm giam; ông bị đột quỵ, bị liệt hai chân và được cho tại ngoại từ tháng Ba năm nay. Nguyễn Đình Quý hiện vẫn bị giam giữ từ tháng Tám năm ngoái.
Một người trong gia đình nói với Tổ chức Theo dõi Nhân quyền rằng Nguyễn Đình Quý có vấn đề về tim, phổi và dạ dày, và trong thời gian gần đây, bị đau cả hai chân. Vợ ông có đơn bảo lãnh xin cho ông được tại ngoại chữa bệnh, nhưng chính quyền từ chối đơn của bà.
Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, điều kiện trong các nhà tù, trại tạm giam ở Việt Nam nổi tiếng là tồi tệ. Những người bị giam, giữ không được chăm sóc sức khỏe đầy đủ và chữa bệnh tử tế. Tháng Tư năm 2014, blogger Đinh Đăng Định, 51 tuổi, chết không lâu sau khi được ân xá và phóng thích khỏi nhà tù. Ba tháng sau đó, nhà hoạt động Huỳnh Anh Trí, 42 tuổi, chết chỉ sáu tháng sau khi mãn án 14 năm tù. Theo một bản báo cáo của Bộ Công an, trong thời gian từ tháng Mười năm 2011 đến tháng Chín năm 2014, có 226 vụ tử vong tại nơi tạm giam, giữ, trong đó nguyên nhân chủ yếu là bệnh tật và tự tử.
“Chính quyền Việt Nam xét xử bốn bị can về tội rời khỏi Việt Nam trái phép, tức là vi phạm quyền cơ bản của họ về tự do rời khỏi đất nước theo công pháp quốc tế,” bà Pearson phát biểu.
Quyền được rời khỏi một quốc gia, kể cả đất nước mình, được bảo đảm trong Tuyên ngôn Toàn cầu về Nhân quyền và Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị, đã được Việt Nam ký kết năm 1982.
Ngoài những người nêu trên, chính quyền Việt Nam còn truy tố những người khác về hành vi rời khỏi đất nước. Ngày 22 tháng Tư năm 2016, Tòa án Nhân dân Thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận đã kết án Trần Thị Thanh Loan ba năm tù, chồng bà là Hồ Trung Lợi hai năm tù, Nguyễn Thị Liên ba năm tù và Nguyễn Văn Hải hai năm tù theo điều 275 của bộ luật hình sự.
Theo báo chí nhà nước, ngày mồng 7 tháng Ba năm 2015, bốn người này tổ chức chuyến tàu mang 46 đàn ông, phụ nữ và trẻ con rời cảng La Gi ở tỉnh Bình Thuận để đi Úc. Hai tuần sau đó, lực lượng hải quân Úc đã ngăn chặn và giữ tàu của họ trên biển. Ngày 18 tháng Tư năm 2015, chính quyền Úc trao trả những hành khách này về Việt Nam. Theo một người hồi hương, đại diện di trú Úc nói với họ trên tàu rằng chính quyền Việt Nam sẽ không bắt giữ hay bỏ tù ai cả, ngược lại sẽ tạo điều kiện cho con cái họ đi học và hòa nhập cộng đồng. Sau đó, một nhân viên an ninh Việt Nam lên tàu, có sự chứng kiến của đại diện Úc, đón mừng và xác nhận với đoàn rằng không ai sẽ bị bắt hay bị bỏ tù cả.
Trong tháng Năm năm 2015, đại diện lực lượng biên phòng Úc báo cáo trước một phiên điều trần của Ủy ban Dự toán Thượng viện rằng chính phủ Úc đã nhận được cam kết bằng văn bản rằng những thuyền nhân Việt Nam này sẽ không phải chịu “bất kỳ sự trừng phạt nào về hành vi rời khỏi Việt Nam trái phép.” Chính phủ Úc đã không đưa ra tuyên bố chính thức nào về các đợt tố tụng vừa qua hay phiên xử sắp tới. Theo Ban Việt ngữ Đài BBC, Lãnh sự quán Úc ở Thành phố Hồ Chí Minh từ chối bình luận về phiên tòa với lý do “chỉ xử lý các vụ việc liên quan tới công dân Úc.”
“Bỏ tù những người khốn cùng phải rời bỏ đất nước của chính mình là hành động vừa độc ác vừa trái luật,” bà Pearson nói. “Chính quyền Việt Nam chẳng mất gì khi miễn tố những người này, và phía Úc nên gây sức ép để Việt Nam làm như vậy.”
Để biết thêm các báo cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền về Việt Nam, vui lòng truy cập:
Để biết thêm thông tin, vui lòng liên hệ:
Ở Sydney, Elaine Pearson (tiếng Anh): +61-400-505-186 (di động); hoặcpearsoe@hrw.org. Twitter: @pearsonelaine
Ở San Francisco, Brad Adams (tiếng Anh): +1-347-463-3531 (di động); hoặcadamsb@hrw.org. Twitter: @BradMAdams
Ở Bangkok, Phil Robertson (tiếng Anh, tiếng Thái): +66-85-060-8406 (di động); hoặc robertp@hrw.org. Twitter: @Reaproy
John Sifton (tiếng Anh): +1-646-479-2499 (di động); hoặc siftonj@hrw.org. Twitter: @johnsifton
HRW gửi Danlambao
0 comments:
Post a Comment