Tuesday, February 23, 2016

Về môn lịch sử tự chọn

 ...Những mâu thuẫn giữa chính sách giáo dục của CS và tính chất môn lịch sử không bao giờ có thể giải quyết được nếu chế độ CS còn tồn tại trên đất nước Việt Nam. Chỉ khi nào đảng CSVN và chế độ CSVN bị giải thể, thì lịch sử Việt Nam mới được giải thoát, khỏi bị kềm kẹp, khỏi bị sửa đổi, bóp méo, và khi đó lịch sử mới tái hiện đầy đủ như quá khứ oai hùng của dân tộc đã diễn ra. Khi đó, môn lịch sử trong trường học mới tự do, trong sáng, trung thực và trở lại vị trí xứng đáng mà mọi người trông đợi...

*

Ngày 5-8-2015, bộ Giáo Dục và Đào Tạo Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam công bố “Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể”. Dự thảo chương trình nầy khá ôm đồm, trong đó có một môn học gây tranh cãi ồn ào từ mấy tháng nay là môn lịch sử ở bậc trung học, được bản dự thảo chương trình của bộ GD-ĐT đề nghị chuyển đổi từ một môn học bắt buộc thành môn tích hợp ở cấp trung học cơ sở (THCS) và môn tự chọn ở cấp trung học phổ thông (THPT). Cấp THCS là cấp 2, tương đương trung học đệ nhất cấp thời Việt Nam Cộng Hòa. Cấp THPT là cấp 3, tương đương trung học đệ nhị cấp thời VNCH.

Nhiều nhà giáo, nhiều nhà nghiên cứu sử, kể cả các sử gia trong nước, cho rằng làm như thế là hạ giá môn lịch sử, đứng ra tổ chức hội thảo và mời chức sắc bộ GD-ĐT đến thảo luận. Ngày 15-11-2015, tại Hà Nội, cuộc hội thảo mang tên “Môn lịch sử trong giáo dục phổ thông”, diễn ra cuộc tranh luận giữa một bên là đại diện bộ GD-ĐT, và bên thứ hai là các nhà nghiên cứu sử học, các giáo viên trung học. Cuộc hội thảo đi đến kết quả là “sư nói sư phải, vãi nói vãi hay” (tục ngữ).

Quốc hội Hà Nội cũng vào cuộc. Sau nhiều cuộc thảo luận, quốc hội Hà Nội đưa ra quyết định ngày 27-11-2015, yêu cầu bộ GD-ĐT tiếp tục giữ môn lịch sử là môn học độc lập trong chương trình trung học như cũ. Tuy nhiên quyết định của quốc hội Hà Nội không phải là quyết định cuối cùng. 

Cuộc tranh luận về bộ môn lịch sử hiện nay ở trong nước xoay quanh chuyện là nên sắp môn lịch sử trung học vào môn học bắt buộc hay môn học tích hợp hoặc tự chọn? Như thế, các giáo viên, các nhà nghiên cứu sử học, chỉ thảo luận cách thức giảng dạy bộ môn lịch sử ở bậc trung học như thế nào, mà không đi vào điểm căn bản cốt yếu của vấn đề là vì lý do sâu xa nào đưa đến việc bộ GD-ĐT chuyển môn lịch sử từ một môn học bắt buộc thành môn học tích hợp hoặc tự chọn? Nguồn gốc của vấn đề là ở đó.

Chính sách giáo dục cộng sản

Hồ Chí Minh (HCM), Mặt trận Việt Minh và đảng Cộng Sản (CS) cướp chính quyền và lập chính phủ đầu tiên ngày 2-9-1945. Bộ trưởng Giáo dục là Vũ Đình Hòe. Chương trình giáo dục lúc đầu vẫn theo chương trình Hoàng Xuân Hãn của chính phủ Trần Trọng Kim. Hồ Chí Minh cải tổ chính phủ lần thứ ba ngày 3-11-1946, thì Nguyễn Văn Huyên làm bộ trưởng giáo dục, Nguyễn Khánh Toàn làm thứ trưởng. 

Nguyễn Khánh Toàn, người Thừa Thiên, sinh năm 1905, vào học Trường Cao Đẳng Sư Phạm Hà Nội năm 1923, rời trường năm 1926, không được cấp bằng tốt nghiệp vì theo lời Toàn, nhà trường cho rằng Toàn chống chính phủ. Năm 1928 Toàn đi Pháp, rồi qua Nga, vào học ở Học viện Thợ thuyền Đông phương (Université des travailleurs d’Orient) từ năm 1928 đến năm 1931, có tên Nga là Minin, có vợ Nga. Sau đó, Toàn ở lại Liên Xô, phụ trách việc giúp đỡ những học sinh Việt Nam mới đến. (Vy Thanh, KYTB Lò đào tạo cán bộ sách động của Quốc Tế Cộng Sản, tập 1, California: 2013, tt. 477-483.) Năm 1939, Nguyễn Khánh Toàn cùng Nguyễn Ái Quốc (HCM) qua Trung Hoa, cùng đến Diên An, căn cứ của CS ở bắc Trung Hoa. Toàn ở lại Diên An, đến năm 1946 mới trở về Việt Nam. (Hoàng Văn Chí, Từ thực dân đến cộng sản [nguyên bản Anh văn], Mặc Định dịch, Paris: 1962, tt.79-81.)

Tuy chỉ là thứ trưởng, nhưng Nguyễn Khánh Toàn là người du nhập và áp dụng chính sách giáo dục từ Liên Xô vào Việt Nam. Đó là chính sách “giáo dục phục vụ chính trị” do bộ trưởng Giáo dục Liên Xô là Kalenikov (?) đưa ra. (Theo lời kể của những nhà giáo lão thành, đã từng tham dự khi còn trẻ, khóa huấn luyện chương trình cải tổ giáo dục năm 1946 của Nguyễn Khánh Toàn.) 

Chính sách giáo dục phục vụ chính trị, phục vụ đảng là chính sách giáo dục nền tảng của đảng CSVN, được áp dụng từ năm 1946 cho đến ngày nay, không thay đổi. Điều nầy dễ hiểu vì dưới chế độ CS, không phải chỉ riêng ngành giáo dục, mà tất cả các ban ngành đều phải phục vụ đảng. Hai ví dụ nổi tiếng là “quân đội ta trung với đảng…” (lời HCM), hoặc “công an nhân dân chỉ biết còn đảng còn mình” (khẩu hiệu hiện nay của ngành công an CS). 

Phát biểu tại lớp học tập chính trị các giáo viên cấp 2 và cấp 3 miền Bắc, dạy từ lớp 6 đến lớp 12, tại Hà Nội ngày 13-9-1958, HCM nói: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người.” (Báo Nhân Dân ngày 14-9-1958.) Câu nầy được nhà trường Bắc Việt Nam (BVN) xem là tư tưởng vĩ đại về giáo dục của HCM, thật ra được HCM dịch lại lời của Quản Trọng thời Xuân thu (722-479 TCN) bên Trung Hoa: "Nhất niên chi kế mạc như thụ cốc; thập niên chi kế mạc như thụ mộc; chung thân chi kế mạc như thụ nhân." (Kế hoạch một năm không gì bằng trồng lúa; kế hoạch mười năm không gì bằng trồng cây; kế hoạch trọn đời không gì bằng trồng người.) (Quản Tử, chương “Quyền tu”.)

Như thế, HCM và đảng CSVN thấy rõ tầm chiến lược đường dài quan trọng của ngành giáo dục. Quân đội và công an đều phải trung thành với đảng CS, vậy dứt khoát giáo dục cũng phải trung thành với đảng CS. Giáo dục phục vụ chế độ, có nghĩa là đảng CS đặt sẵn cái cày trước con trâu. Trâu ơi! Cứ thế mà tiến bước theo con đường xã hội chủ nghĩa.

Giáo dục phục vụ chế độ nghĩa là giáo dục phải có tính đảng; giáo viên phải vững chắc lập trường đảng, giáo khoa phải đầy đủ tính đảng. Nền giáo dục phục vụ chế độ nhắm đào tạo những con người hồng (đảng tính) hơn chuyên (chuyên môn), đồng thời là những con người biết vâng lời đảng CS, hơn là biết suy nghĩ độc lập. 

Nói trắng ra, nền giáo dục dưới chế độ CS, từ đại học xuống tới mẫu giáo, không được độc lập mà phải phục vụ đảng, nghĩa là lệ thuộc hoàn toàn vào chủ trương chính trị của đảng CS.

Xin chú ý là giáo dục phục vụ chế độ thì tất cả các bộ môn trong chương trình giáo dục, đều phục vụ chế độ, trong đó có môn lịch sử. Cộng sản Việt Nam rất chú trọng đến ngành lịch sử nói chung và môn lịch sử trong trường học nói riêng. Môn lịch sử trong trường học được CS dùng để tuyên truyền về chủ nghĩa CS, về phong trào CS Việt Nam, về các lãnh tụ CS, đặc biệt về HCM, về hoạt động và thành quả của đảng CSVN từ khi thành lập năm 1930 cho đến ngày nay, nhứt là giai đoạn từ khi giành được chính quyền năm 1945 cho đến thành công năm 1975… 

Chính sách giáo dục nầy về sau được củng cố thêm bằng luật số 11/1998/QH10 của Quốc hội Hà Nội, áp dụng từ ngày 2-9-1998, theo đó: “...Nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục xã hội chủ nghĩa có tính nhân dân... lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng.”

Lịch sử theo định hướng Xã hội chủ nghĩa

Lịch sử là những hoạt động của loài người, đã xảy ra trong quá khứ của loài người, liên hệ đến đa số loài người. Vì là những sinh hoạt đã xảy ra trong quá khứ, nên không ai có thể ngược dòng thời gian để sửa đổi quá khứ, nghĩa là không ai có thể sửa đổi được lịch sử.

Môn lịch sử, sử học, hay sử ký trình bày lại quá khứ loài người như quá khứ đã xảy ra, hay cố gắng trình bày quá khứ càng trung thực càng tốt. Muốn trình bày quá khứ trung thực, đúng sự thật đã xảy ra, thì yếu tố tối cần thiết đầu tiên cho người viết sử là tự do ngôn luận, tự do tư tưởng mới có thể viết được sự thật lịch sử.

Chỉ mới ngang đây, bắt đầu xuất hiện hai mâu thuẫn lớn giữa chính sách giáo dục CS với môn lịch sử: 1) Một bên là giáo dục (trong đó có môn lịch sử) phục vụ đảng, phục vụ chế độ CS, còn một bên là trình bày quá khứ trung thực như quá khứ đã xảy ra, trung lập, không sửa đổi, không phục vụ ai cả. 2) Chế độ CS là chế độ độc tài, toàn trị, chuyên chế, không có tự do, trong khi muốn trình bày trung thực quá khứ thì phải có tự do ngôn luận, tự do tư tưởng.

Dưới chế độ CS độc tài toàn trị bưng bít, để giải quyết hai mâu thuẫn nầy, CS chỉ cần một động tác rất dễ dàng và đơn giản là CS không cần sự thật quá khứ, mà để phục vụ đảng, thì CS tùy tiện viết lại lịch sử, sửa đổi lịch sử theo nhu cầu của đảng CS. Nói cách khác, lịch sử của CS không phải là sự thật quá khứ, mà là thứ lịch sử theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tức là lịch sử biên tập lại theo quyết định của đảng CS, nhằm tuyên truyền và làm lợi cho CS.

Có khi vì nhu cầu tuyên truyền, CS bịa đặt ra những câu chuyện dối trá rồi đưa vào lịch sử, như chuyện “Lê Văn Tám”. Người sáng tác chuyện Lê Văn Tám là sử gia hàng đầu của CS là Trần Huy Liệu. Trước khi chết năm 1969, Trần Huy Liệu hối hận, nhờ sử gia Phan Huy Lê cải chính khi nào có cơ hội. Phan Huy Lê đã cải chính điều nầy tại Hà Nội vào tháng 2-2005, xác nhận chuyện Lê Văn Tám không có thật. (Người Việt Online, 20-3-2005.) Tuy đã được cải chính, sách giáo khoa sử CS đến nay vẫn còn ca ngợi “anh hùng”Lê Văn Tám...

Loại lịch sử theo định hướng xã hội chủ nghĩa chỉ có thể phổ biến trong không gian bưng bít dưới chế độ độc tài. Tại Bắc Việt Nam từ 1954 đến 1975, ngoài sách vở, báo chí, tài liệu của CS, không có bất cứ nguồn sách vở, tài liệu, báo chí nào khác, để so sánh, đối chiếu, nên CS ưa viết gì thì viết, vẽ vời rồng rắn tự do trong các sách giáo khoa sử CS.

Hơn nữa, “giáo khoa là pháp lệnh”. Thầy cô giáo không được giảng dạy ra ngoài giáo khoa. Học sinh nhắm mắt học theo giáo khoa, không được bàn cãi. Nếu có người, nhất là những người lớn tuổi, phát hiện giáo khoa sử CS không đúng sự thật, cũng đành phải im tiếng, vì lên tiếng phê bình sách giáo khoa là bị ghép tội chống đảng, phản động, và sẽ bị tù tội... (Kinh nghiệm vụ Nhân Văn-Giai Phẩm làm cho mọi người khiếp sợ.)

Việc soạn thảo và in sách giáo khoa được kiểm soát chặt chẽ. Những người soạn sách phải là đảng viên có lập trường CS vững vàng và sách giáo khoa phải được duyệt xét thật kỹ càng trước khi in. Ngoài ra, để kiểm soát đời sống văn hóa quần chúng, CS độc quyền phân phối giấy in, quốc doanh các nhà in, các phương tiện truyền thông, đài phát thanh, báo chí, sách vở, văn học, nghệ thuật, điện ảnh, giải trí, và hoàn toàn không có một tạp chí tư nhân.

Ảnh hưởng của thời cuộc

Sau biến cố năm 1975, chiếm được Nam Việt Nam (NVN), CS tiếp tục bế quan tỏa cảng, thống trị đất nước một cách chặt chẽ. Nhà cầm quyền CS tịch thu, tiêu hủy toàn bộ sách vở, báo chí NVN mà CS kết tội là “văn hóa đồi trụy”. Ngoài việc bắt quân nhân công chức chế độ Cộng hòa đi tù dài hạn không tuyên án, CS còn bắt bớ, tù đày những nhà văn hóa, những văn nghệ sĩ NVN không theo CS, đóng cửa những nhà xuất bản, đưa vào quốc doanh những nhà sách, những nhà in. Chủ đích của CS là xóa bỏ toàn bộ nền văn hóa NVN, giống như vào thế kỷ 15, nhà Minh xóa bỏ văn hóa Đại Việt.

Dầu CS dốc hết sức tiêu diệt văn hóa NVN, nhưng CS vẫn bất lực trong việc triệt tiêu di sản văn hóa NVN. Di sản văn hóa NVN gồm hai phần: 1) Di sản văn hóa dân tộc cổ truyền được bảo tồn và lưu truyền ở NVN sau năm 1954, mà ở BVN bị CS tiêu diệt. 2) Nền văn hóa mới từ Âu Mỹ du nhập và phát triển trong 21 năm tự do dân chủ ở NVN. Chính di sản văn hóa NVN lan truyền trên toàn quốc làm thay đổi xã hội sau năm 1975.

Ngoài ra, còn có thêm các yếu tố thời cuộc mới, cũng giúp cho dân chúng Việt Nam, dầu bị CS kềm kẹp, vẫn tự học hỏi và thay đổi nếp sống, nâng cao nhận thức chính trị, văn hóa.

Đó là sau biến cố năm 1975, phong trào di tản rồi vượt biên ra nước ngoài lánh nạn CS càng ngày càng rầm rộ. Người Việt ra nước ngoài tập hợp thành cộng đồng người Việt hải ngoại hết sức năng động khắp nơi trên thế giới. Sau một thời gian ổn định cuộc sống ở nước ngoài, người Việt hải ngoại chẳng những gởi tiền, gởi hàng hóa, thuốc men về cứu trợ gia đình, bà con, mà còn chuyển nhiều thông tin, kiến thức, sách báo, tài liệu văn hóa, chính trị, lịch sử về nước.

Cũng sau năm 1975, CS áp dụng chính sách kinh tế chỉ huy, làm cho đất nước càng ngày càng nghèo đói, kiệt quệ. Để tự cứu mình, từ năm 1985, CS bắt đầu thay đổi. Lúc đầu, sự thay đổi khá chậm chạp, nhưng rồi nhanh dần.

Vì muốn hội nhập vào dòng sống quốc tế hiện đại, CS đành phải dần dần mở cửa rộng hơn. Công nghệ truyền thông thế giới tràn vào Việt Nam; mạng lưới thông tin quốc tế (Intermet) bao trùm trời đất. Dù CS cố gắng bưng bít, dựng lên những bức tường lửa, luồng gió văn hóa tự do dân chủ từ nước ngoài càng ngày càng xâm nhập Việt Nam.

Do ảnh hưởng của các yếu tố trên đây, dân chúng trong nước dần dần tự mở rộng hiểu biết, tiếp thu thêm nhiều điều mới lạ, càng ngày càng khám phá thêm nhiều sự thật lịch sử, càng phát hiện thêm những dối trá, lừa bịp trong tài liệu, giáo khoa sử của CS.

Lịch sử theo định hướng XHCN bị phá sản

Trong khi trình độ hiểu biết của dân chúng và của sinh viên, học sinh được âm thầm nâng cao, nhà cầm quyền CS vẫn giữ lối tuyên truyền cũ, vẫn tiếp tục giảng dạy môn lịch sử theo kiểu phục vụ đảng CS, và theo sách giáo khoa (pháp lệnh) do CS soạn thảo.

Theo chương trình, cấp THCS thi tốt nghiệp cuối năm lớp 9, và cấp THPT thi tốt nghiệp cuối năm lớp 12. Hai lớp nầy cách nhau ba năm, nhưng học cùng giai đoạn lịch sử từ năm 1930 là năm đảng CS được thành lập cho đến năm 2000. Tuy cùng giai đoạn, chương trình lớp 12 mở rộng nhiều hơn so với lớp 9.

Vì là chương trình thi tốt nghiệp lấy bằng cấp, nên giáo viên phải dạy kỹ và học sinh phải học kỹ giai đoạn nầy. Trải qua hai kỳ thi (lớp 9 và lớp 12) nên giai đoạn nầy được dạy kỹ và học kỹ hai lần. Đảng CS được thành lập năm 1930 nên CS rất chú trọng đến giai đoạn nầy.

Trong giai đoạn nầy, ngoài chiến tranh 30 năm từ 1946 đến 1975, CS còn có hai cuộc chiến quan trọng mà CS gọi là chiến tranh “Bảo vệ biên giới Tây Nam” tức chiến tranh Cambodia năm 1978; và chiến tranh “Bảo vệ biên giới phía Bắc” tức chiến tranh chống Trung Cộng xâm lược năm 1979. Cả hai cuộc chiến nầy gây hậu quả trầm trọng cho người Việt. (Đã có nhiều sách báo viết đến.)

Điều đáng nói là sách Lịch sử lớp 12 viết về giai đoạn nầy, do bộ GD-ĐT soạn và in lần thứ sáu năm 2014, tt. 206-207, trình bày cả hai cuộc chiến quan trọng trên chỉ trong 23 dòng chữ, kể cả tiểu đề, chiếm khoảng 2/3 trang sách. (Cũng trong sách nầy, trận Điện Biên Phủ năm 1954 chiếm 6 trang; trận Sài Gòn năm 1975 chiếm 5 trang.)

Còn chuyện Trung Cộng xâm lăng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì sách không viết đến. Điều nầy có nghĩa là CSVN tránh nói đến vì đã nhượng hai quần đảo nầy cho TC.

Đó là giai đoạn lịch sử 1930-2000. Còn lịch sử Việt Nam trước đó, tức từ khi lập quốc đến năm 1930, thì được CS sắp vào chương trình các lớp không thi, tức các lớp 6, 7, 8 (PTCS) và 10, 11 (PTTH). Giai đoạn nầy lâu dài hơn, lại là thời kỳ tổ tiên chúng ta chống Trung Hoa để giành độc lập và bảo vệ độc độc lập. Cộng sản lơ là giai đoạn nầy, chẳng những vì đảng CS chưa thành lập, mà còn vì những chiến công vang dội của tổ tiên chúng ta làm kinh động Trung Hoa, và nhất là nuôi dưỡng và hun đúc tinh thần chống ngoại xâm Bắc phương của người Việt Nam..

Các em học sinh càng ngày càng nhận chân rõ những dụng ý trong nội dung môn sử phục vụ chế độ nên đâm ra chán học môn sử, chứ không phải vì các em không thích học môn sử. Sử gì mà khi nào CS cũng thắng, địch cũng thua; chỉ biết ca tụng Liên Xô, TC một cách lạ lùng.

“Ta nhất quyết đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sỹ,
Hình như đấy là niềm tin, ý chí và tự hào.
Mường tượng rằng trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ,
Sự ngây thơ đẹp tuyệt vời và ngờ nghệch làm sao…”
(Việt Phương, “Cuộc đời như vợ của ta ơi”, tập thơ Cửa mở.)
[Việt Phương từng là thư ký riêng của Phạm Văn Đồng.]

Khi chưa cải tổ, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông gồm bốn môn thi bắt buộc là ngữ văn, toán, ngoại ngữ, và một môn tự chọn trong số các môn còn lại: vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý. Có nhiều nơi, nhất là ở thành phố, rất ít học sinh chọn thi môn sử. Ví dụ trong năm 2015 ở Sài Gòn, trường Bùi Thị Xuân (quận 1), trong 630 học sinh dự thi THPT chỉ có 9 em chọn thi môn sử; trường Lê Thị Hồng Gấm (quận 3), có 400 học sinh dự thi THPT, thì chỉ có 10 em chọn thi môn sử. Trường Long Trường (quận 9), trong 540 học sinh chỉ có 20 em chọn thi môn sử. (BáoVnExpress, trong nước ngày 8-5-2015.)

Từ đó, nhà trường CS gặp nhiều khó khăn trong việc dạy môn lịch sử. Khó khăn đầu tiên là nền tảng chính sách giáo dục CSVN hiện nay trong nước vốn được minh định bằng luật số 11/1998/QH10 của Quốc hội Hà Nội, áp dụng từ ngày 2-9-1998: “...Nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục xã hội chủ nghĩa có tính nhân dâ... lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng.”

Thực tế ngày nay ai cũng biết chủ nghĩa Mác-Lênin đã lỗi thời và bị đào thải từ sau biến cố Đông Âu năm 1990-1991. Ngày 25-1-2006, quốc hội Âu Châu họp tại Strasbourg (Pháp) lên án chủ nghĩa CS là tội ác chống nhân loại. Còn “tư tưởng Hồ Chí Minh”, thì chính HCM xác nhận “Không, tôi không có tư tưởng ngoài chủ nghĩa Mác- Lê nin.” (Nguyễn Văn Trấn, Viết cho Mẹ & Quốc hội, Nxb. Văn Nghệ [tái bản], California, 1995, tt. 150-152. Nguyễn Văn Trấn là một cán bộ CS cao cấp ở miền Nam.)

Sinh viên, học sinh không còn tin chủ nghĩa Mác-Lênin và biết rõ HCM không có tư tưởng, nhưng nhà cầm quyền CS lại không chịu thừa nhận thực tế nầy, mà vẫn “kiên định lập trường”, bắt học sinh phải học. Làm sao học sinh không chán ngấy?

Càng ngày càng nhiều sự thật lịch sử được đưa ra ánh sáng, như chuyện về HCM, về Nhân Văn-Giai Phẩm, về Cải cách ruộng đất, về cuộc tấn công NVN... Vì vậy học sinh lại càng nghi ngờ tính cách trung thực, khách quan của giáo khoa sử CS.

Giáo khoa sử CS luôn luôn bôi đen, mạ lỵ địch thủ chính trị của BVN, là NVN hay Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Sách sử CS cho rằng VNCH là “ngụy quân, ngụy quyền”, nhưng ngày nay, thực tế cho thấy VNCH đã tận tình chiến đấu để bảo vệ độc lập dân tộc, bảo vệ tự do dân chủ và bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ. Gần đây, một người Hà Nội đã viết như sau: “Người ta gọi các anh là “quân ngụy”,/ Bởi các anh là lính Việt Nam Cộng Hòa./ Nhưng tôi gọi các anh là liệt sĩ,/ Bởi các anh ngã xuống vì Hoàng Sa.” (Phan Duy Kha, 14-1-2014,http://phanduykha.wordpress.com.)

Thêm một chuyện nữa. Trong chiến tranh 1946-1975, Trung Cộng (TC) viện trợ mạnh mẽ cho CSVN. Sau năm 1975, CSVN chạy theo Liên Xô, nhưng Liên Xô sụp đổ năm 1991. Cộng sản quay qua đầu phục TC. Trung Cộng giúp CSVN duy trì quyền lực, nhưng ép CSVN ký hiệp ước nhượng ải Nam Quan, nhượng biển, nhượng đảo cho TC. Trung Cộng trở thành quan thầy của CSVN. 

Trong khi đó, lịch sử Việt Nam là lịch sử chống ngoại xâm phương bắc, tức chống Trung Hoa xâm lăng. Lịch sử Việt Nam đã hun đúc tinh thần chống ngoại xâm mạnh mẽ nơi nhân dân Việt Nam, đến nỗi ngày 29-12-2014, bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh phải than lên rằng: “Tôi thấy lo lắng lắm, không biết tuyên truyền thế nào, chứ từ trẻ con đến người già có xu thế ghét Trung Quốc.”(Phát biểu của bộ trưởng Phùng Quang Thanh ngày 29-12-2014. Tin báo chí trong và ngoài nước ngày 30-12-2014.) 

Chỉ cần vài ví dụ thật đơn giản trên đây, cũng đủ thấy chẳng những ngành giáo dục mà cả chế độ CS rất lúng túng, khó khăn khi lịch sử đích thực của tổ tiên Việt Nam được phổ biến rộng rãi. 

Rượu cũ bình mới

Để giải quyết những khó khăn trên đây, bộ GD-ĐT/CS cải tổ chương trình trung học, đưa ra“Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể”, theo đó bộ GD-ĐT đề nghị chuyển đổi môn lịch sử từ một môn học bắt buộc thành môn tích hợp và môn tự chọn.

Về lịch sử tích hợp, ở cấp THCS (cấp 2, tương đương trung học đệ nhất cấp), môn lịch sử được tích hợp với các môn khác, nghĩa là không phải là học môn sử riêng biệt như chương trình cũ, mà là một hình thức mới, kết hợp và lồng ghép lịch sử với một số môn liên hệ vào nội dung chủ đề các bài học.

Về lịch sử tự chọn, ở cấp THPT (cấp 3, tức trung học đệ nhị cấp), ngoài các môn học bắt buộc là toán, ngữ văn [Việt văn], ngoại ngữ, công dân với tổ quốc, học sinh được tự chọn một môn trong số các môn học còn lại là lịch sử, địa lý, hóa học, sinh học, vật lý…

Trong cả hai trường hợp, dự thảo chương trình mới chỉ thay đổi cách dạy môn lịch sử ở trường học, và tránh không đả động gì đến đến điều quan trọng cốt yếu là chủ trương giáo dục phục vụ chính trị, nghĩa là môn lịch sử vẫn phải lệ thuộc vào đường lối chính sách của đảng CS, tuyên truyền cho đảng CS. 

Làm như thế, học sinh được âm thầm tách xa khỏi môn sử, vì ở cấp THCS, môn sử được kết hợp với các môn khác; còn ở cấp THPT, học sinh gần đến tuổi trưởng thành, bắt đầu chú ý đến thời sự, hiểu biết rộng rãi hơn, không thích môn lịch sử phục vụ chế độ, thì có con đường khác để học, không vướng bận chuyện học sử.

Đây là một diệu kế kín đáo của bộ GD-ĐT trong việc cải tổ chương trình trung học lần nầy, vừa duy trì môn lịch sử phục vụ chính trị theo chủ trương của đảng CSVN; vừa làm phai lạt môn sử, lại mở một lối đi khác cho những học sinh không thích học môn lịch sử phục vụ chính trị. Các em không thích môn sử nầy, thì các em có sẵn con đường tránh đi chỗ khác, cho được việc đảng, khỏi thắc mắc.

Lúc đó, bộ GD-ĐT và nhà trường CS sẽ có lý do chính đáng để đổ lỗi cho học sinh: Học sinh không học môn lịch sử là do học sinh tự quyết định, là vì học sinh thích học các môn khác hơn, là vì học sinh có năng khiếu các môn khác hơn, hoặc là vì các môn khác dễ học hơn môn sử …, chứ không phải vì lỗi về cách giảng dạy của nhà trường, hay lỗi của chương trình môn lịch sử do bộ GD-ĐT đưa ra, hay lỗi tại bản chất môn lịch sử phục vụ chính trị làm cho học sinh chán ghét. Thâm thúy đến thế là cùng.

Kết luận

Chủ trương chính sách giáo dục của chế độ CS là giáo dục phục vụ chính trị, phục vụ đảng CS. Nhiệm vụ của nền giáo dục CS đã được khẳng định rõ ràng chắc nịch như thế, không tranh cãi và không bao giờ thay đổi. Từ năm 1945, CS nhiều lần thay đổi chương trình giáo dục, nhưng chỉ thay đổi cách thức tổ chức các lớp trung tiểu học (hệ 10 năm, hệ 12 năm), chứ không thay đổi nội dung giảng dạy, không thay đổi chính sách giáo dục, và luôn luôn duy trì môn lịch sử theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Các sách sử CS hay giáo khoa sử CS, dù ai viết, luôn luôn cùng một luận điệu, một kết luận như nhau, chỉ thay đổi từ ngữ và hành văn mà thôi.

Nói cho cùng, dưới chế độ CS lịch sử theo định hướng xã hội chủ nghĩa chỉ là bản tường thuật hay bản báo cáo hoạt động và thành tích của đảng CS. Cũng có thể nói, lịch sử theo định hướng xã hội chủ nghĩa là loại bánh mà Chế Lan Viên đã viết: "Chưa cầm lên nếm, anh đã biết là bánh vẽ". (Bánh vẽ - trích Di cảo của Chế Lan Viên). Học sinh chán ăn bánh vẽ, chán đọc báo cáo, chứ học sinh không chán môn lịch sử.

Chủ trương giáo dục phục vụ chính trị tự bản thân đã làm giảm nhẹ giá trị của bộ môn lịch sử, làm cho lịch sử không còn trung thực, thiếu khách quan. Chắc chắn thầy cô giáo, những nhà nghiên cứu sử trong nước dư biết điều nầy, nhưng vì yêu sử, yêu nghề, lại ở vào cảnh “cá chậu chim lồng”, không thể lên tiếng nói thẳng, đành phải gắng sức vớt vát được phần nào hay phần ấy. Thầy cô giáo, các nhà nghiên cứu sử quan tâm, hội thảo như thế nào cũng vô ích. Có nói cũng dư thừa. Đàn gãy tai trâu mà thôi.

Những mâu thuẫn giữa chính sách giáo dục của CS và tính chất môn lịch sử không bao giờ có thể giải quyết được nếu chế độ CS còn tồn tại trên đất nước Việt Nam. Chỉ khi nào đảng CSVN và chế độ CSVN bị giải thể, thì lịch sử Việt Nam mới được giải thoát, khỏi bị kềm kẹp, khỏi bị sửa đổi, bóp méo, và khi đó lịch sử mới tái hiện đầy đủ như quá khứ oai hùng của dân tộc đã diễn ra. 

Khi đó, môn lịch sử trong trường học mới tự do, trong sáng, trung thực và trở lại vị trí xứng đáng mà mọi người trông đợi. (Trích Lịch sử sẽ phán xét, sẽ xuất bản tháng 6-2016.) 

22.02.2016

0 comments:

Powered By Blogger