Saturday, February 20, 2016

Tương lai Biển Đông mờ mịt sau Thượng đỉnh Mỹ-ASEAN (15-16/02/2016)

Thượng đỉnh Mỹ-ASEAN vừa kết thúc sau hai ngày hội thảo, TT Obama và các nhà lãnh đạo ASEAN cùng cam kết với tuyên bố chung gồm 17 nguyên tắc chánh yếu “hướng dẫn sự hợp tác giữa chúng ta, giữa ASEAN và Hoa Kỳ cùng tiến về phía trước”, thì bên kia bờ Thái Bình Dương Trung Cộng đã bố trí hai đơn vị phi đạn địa không ngay trên đảo Phú Lâm (Woody island) trong quần đảo Hoàng Sa; ngoài ra theo hình ảnh vệ tinh cho thấy TC đang tiến hành hoạt đông bồi đắp đảo tại nhiều địa điểm và một bãi đáp trực thăng đang được thi công.

Sự kiện hiển nhiên cho thấy TC không ngừng xây đắp đảo và hoạt động gia tăng quân sự hóa trên Biển Đông, điều mà Tổng thống Obama ngay tại hôi nghị Sunnylands 16/2 cùng với các nhà lãnh đạo ASEAN vừa đưa ra một loạt nguyên tắc, dù không trực tiếp nhưng ai cũng biết là một thông điệp “cứng rắn” cho Bắc Kinh, trong đó ông thúc giục các bên tranh chấp giải quyết hòa bình, tôn trọng quy trình pháp lý, ngoại giao, không cần tới đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực, phù hợp với những nguyên tắc được thừa nhận của luật pháp quốc tế và Công ước Quốc tế về Luật Biển 1982 (UNCLOS); hội nghị cũng kêu gọi duy trì an ninh hoà bình và ổn định trong khu vực, tôn trọng quyền tự do lưu thông trên biển, trên không, và thương mại hàng hóa hợp pháp không bị ngăn trở (UNCLOS 1982) cũng như không quân sự hoá trên Biển Đông.

Với đà này, TC sẽ tăng tốc độ triển khai quân sự hoá các đảo nhân tạo trong quần đảo Hoàng Sa rồi Trường Sa, và TC rồi sẽ hoàn tất hệ thống phòng ngự và yểm trợ hoạt động quân sự trên khắp Biển Đông.

Chính Tập Cận Bình từ lúc tóm thâu quyền bính (2013) với cuồng vọng bành trướng đại Hán, không còn dấu giếm sách lược chiếm lấy Biển Đông: “Đường chín đoạn và các đảo trong Biển Nam Trung Hoa là thuộc sở hữu của Trung Quốc từ thời cổ đại”và tự coi Biển Đông là ao nhà của họ, họ tự cho quyền đơn phương bồi đắp các đảo nhân tạo, xây dụng cơ sở hạ tầng, tăng cường quân sự hoá dưới những hình thức khác nhau, và gần đây họ cho ba phi cơ đáp xuống một hòn đảo mà họ vừa bồi đắp.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong buổi trao đổi bên lề hội nghị, với tư thế là đại diện nhà cầm quyền CSVN và là thành viên của ASEAN, đề nghị với TT Obama"nên có tiếng nói mạnh mẽ và những hành động thiết thực hơn, hiệu quả hơn để yêu cầu chấm dứt các hoạt đông làm thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông, đặc biệt là việc xây dựng các đảo với qui mô lớn, chấm dứt ngay việc quân sự hoá Biển Đông..." Ông Dũng cũng lập lại lập trường của Việt Nam là mọi quốc gia liên can đến việc tranh chấp chủ quyền phải tôn trọng và nghiêm túc thực hiện các điều khoản đã ký kết trong DOC và nhanh chóng hoàn tất đàm phán để đạt được COC. (Trích từ RFA 16/2/2016); ông Dũng không nêu tên đối tượng, nhưng ai cũng biết là ông muốn ám chỉ Bắc Kinh; TT Obama cũng đã nhận lời mời của TT Dũng thăm Việt Nam, dự trù vào tháng Năm; cũng nên nhắc là ông Dũng đang ở trong tình trạng lame duck (vịt què) mà Nguyễn Phú Trọng dự định khóa sổ đồng chí mình vào tháng Ba, thay vì vào giữa năm nay.

TT Obama cho biết trong hội nghị, các nhà lãnh đạo ASEAN và ông đã thảo luận cần có những bước đi cụ thể nhằm làm bớt đi tình trạng căng thẳng nơi Biển Đông gồm có việc ngưng các hoạt động xây đắp đảo, những xây cất mới và quân sự hoá nơi có tranh chấp. Nhưng không thấy TT Obama trình bày những kế hoạch mới nào. Dựa vào luật pháp quốc tế, các chiến dịch tuần tra do Hải quân Hoa kỳ ở Trường Sa hay gần đây ở Hoàng Sa khi chiến hạm vào bên trong vùng 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn, tỏ ra chưa đủ áp lực hoặc thay đổi được thái độ ngang ngược của TC; tuy nhiên ông Obama khẳng định Hoa Kỳ sẽ tiếp tục các hoạt động tuần tra trên biển, trên không, hoạt đông bất cứ nơi nào, phù hợp với luật pháp quốc tế. Và Hoa Kỳ ủng hộ các nước khác có hành động tương tự. Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Hạm đội 7, hoan nghinh các lực lượng hải quân trong khu vực, các quốc gia Ấn độ, Nhựt Bản tham gia các cuộc tuần tra, kể cả Biển Đông, dù hoạt động riêng rẽ hay tuần tra chung.

Hội nghị trong phần đúc kết, ASEAN và Hoa Kỳ khẳng định “cam kết mạnh mẽ cho một khu vực trật tự nơi đó luật lệ và chuẩn mực quốc tế được bảo vệ”. Triển vọng có một quan điểm thống nhất của các nước ASEAN chống TC về các động thái thay đổi nguyên trạng Biển Đông có bề khó khăn khi một vài lãnh đạo như ông Hun Sen của Campuchia ngồi ghế thủ tướng từ năm 1985 lại lệ thuộc nặng nề vào Bắc Kinh, do đó dễ bị ảnh hưởng; nguyên tắc sanh hoạt của ASEAN dựa trên sự đồng thuận chỉ cần chủ tịch luân phiên Hunsen “phủ quyết” mà thông cáo chung thượng đỉnh ASEAN 2012 bị kẹt. Một nước nhỏ như Campuchia lại biết dùng thế đòn bẩy dựa vào Trung Cộng để làm khó dễ Hoa Kỳ mà lại nhận sự nâng đỡ của Tây Phương. 

Hôi nghị cũng nghĩ tới phản ứng ra sao về phán quyết của Tòa Án Trọng tài Thường Trực (PCA) trong vụ Phi Luật Tân kiện TC dự trù vào tháng Năm (2016) về yêu sách phi lý về ”đường chín đoạn”; nếu có một tuyên bố chung về phán quyết của Hoa Kỳ và ASEAN thì sức ép lên TC mạnh hơn; nhưng TC đã nhiều lần bác bỏ thẩm quyền của PCA trong vụ kiện của Phi Luật Tân, chắc gì họ sẽ chấp hành phán quyết của Toà; nhưng theo RFI ngày 17/2 Hoa Kỳ và E.U cảnh cáo Bắc Kinh nên tôn trọng phán quyết của Toà án; và theo UNCLOS về các thực thể mới/các đảo nhơn tạo không thể có quy chế pháp lý của đảo thực thụ, nơi mà Hoa Kỳ thực hiện chiến dịch tuần tra gần các đảo này, khiến Bắc Kinh phản đối. Ngoại trưởng Phi cho biết nếu thắng kiện Phi sẽ chủ động thảo luận song phương với Trung Quốc. Vụ kiện này là thí dụ điển hình cho mọi thành viên ASEAN trong đó có Viêt Nam quyền tiếp cận tòa trọng tài quốc tế trong tranh chấp chủ quyền.

Một vài nước ASEAN hoan nghênh sự hiện diện của Hoa Kỳ như là môt yếu tố cân bằng chống lại hành vi quyết đoán của Trung Cộng ở trong vùng lãnh thổ tranh chấp ở Biển Đông; nhưng một số không muốn làm phật lòng Bắc Kinh, thật ra vì quyền lợi chồng chéo với Trung Cộng. Trong lúc chỉ có bốn nước trong ASEAN gia nhập TPP, thì cả khối ASEAN 10 nước đã tham gia đàm phán vào RCEP (Regional Comprehensive Economic Partnership) do TC điều động. Với tình trạng xáo trộn kinh tế, thị trường chứng khoán chao đảo, tăng trưởng xuống dốc, dự trữ ngoại tệ bốc hơi, tài phiệt đỏ bỏ nước, liệu Tập Cận Bình còn đủ sức thực hiện một Vòng đai một Con Đường hay tiến hành “Ngân hàng đầu tư hạ tầng cơ sở Á châu” (AIIB) để lôi cuốn ASEAN về với mình?

Trong quyết tâm trở về châu Á, Obama đã thành công cùng ASEAN bắt tay nâng cao quan hệ đối tác chiến lược (11/2015) với Chương trình hành động ưu tiên hoàn tất trong năm năm (2016-2020) và Obama trước khi rời nhiệm sở cũng đã thực hiện được một thượng đỉnh đặc biệt Mỹ-ASEAN (2/2016) ngay trên đất Hoa Kỳ, để định chế hóa mối quan hệ Hoa Kỳ với các nước Đông Nam Á và chuyển giao cho tổng thống kế nhiệm tiếp nối các chương trình còn dang dở hay tiếp tục (chiến lược tái cân bằng, TPP). Tuy nhiên dù là siêu cường thế giới gồm cả châu Á Thái Bình Dương, trong bảy năm TT Obama đã không chận đứng được các hoạt động thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông và đôi khi còn bị TC coi thường lời cảnh cáo; (Thủ tướng Dũng đã đề nghị với TT Obama nên có tiếng nói mạnh mẽ hơn, và có hành động hữu hiệu hơn!) Trong cách tiếp cận dân chủ nhân quyền với các nước ASEAN, chính quyền Obama được điểm son là hỗ trợ Miến Điện chuyển biến từ quân phiệt vào tiến trình dân chủ hoá; nhưng nhiều nước dân chủ thụt lùi: Thái Lan, Mã Lai, Campuchia. Sultan Brunie thì rất độc tài, CSVN và CS Lào thì vừa độc tài vừa toàn trị…

Việt Nam gia nhập hiệp hội ASEAN năm 1995 cũng là năm Hoa Kỳ thiết lập bang giao với kẻ thù nay đã trở thành bạn, sau khi phản bội và bán đứng đồng minh VNCH gây nên thảm trạng Ngày Quốc Hận 30-4-1975. Cách đánh giá tiến bộ nhân quyền ở Việt Nam của Hoa Kỳ với mắt nhắm mắt mở miễn sao đối tác tiềm năng Việt Cộng được vào WTO, được nâng cao quan hệ đối tác toàn diện, được tham gia đàm phán TPP; đối với nhơn dân, với các tổ chức nhơn quyền quốc tế, tình trạng dân chủ nhơn quyền ở Việt Nam thuộc vào hạng tồi tệ trên thế giới. Trong 7 năm cầm quyền, bao nhiêu nhà đấu tranh dân chủ, già trẻ, các nhà tu đòi tự do tôn giáo, các nhà đấu tranh cho nhơn quyền bì tù đày đánh đập, tống xuất. Tại Đại hội 12 tháng Giêng năm nay, Đảng CSVN lại bầu Nguyễn Phú Trọng làm tổng bí thư, một nhơn vật thân Bắc Kinh, giáo điều, bảo thủ tiếp tục thực hiện chế độ độc tài độc đảng, toàn trị, đầu óc đặc sệt tư tưởng Mác Lê thì phong trào đấu tranh dân chủ còn đối phó với nhiều thách thức.

Thượng đỉnh Sunnylands không mang lại kết quả thực tế khả quan trong vấn đề Biển Đông. Nhưng bất hạnh cho đất nước, chính CSVN là kẻ làm mất đất mất rừng, mất biển, và đưa Việt Nam vào vòng lệ thuộc Bắc Kinh trên mọi mặt. thực tế mà nói, trong tình thế hiện tại chỉ có siêu cường Hoa Kỳ mới đủ sức đối trọng với tham vọng của Bắc Kinh, Hoa kỳ có quyền lợi quốc gia ở Biển Đông. Nhưng ý chí và quyết tâm của dân tộc Việt Nam mới là yếu tố chánh trong đấu tranh giành lại chủ quyền, độc lập, và sự vẹn toàn lãnh thổ, lãnh hải.

Tại thượng đỉnh Sunnylands, nói về Biển Đông, Hoa Kỳ tái khẳng định quyền tự do hàng hải trong khu vực theo luật pháp quốc tế, Hoa Kỳ giúp các đồng minh và đối tác thân cận ASEAN phát triển khả năng phòng vệ lãnh hải. Công việc đấu tranh dân chủ là việc của toàn dân, quốc nội, hải ngoại, là việc của chúng ta. “Hoa Kỳ không có kế hoạch lật đổ chế độ Hà Nội (Ted Osius) và Obama lẽ ra không cần nói với Nguyễn Phú Trọng là Hoa Kỳ tôn trọng thế chế CHXHCNVN (thượng đỉnh Trọng-Obama 7/2015) nhưng chỉ vì ông “muốn lên dây cót” cho môt nguyên thủ quốc gia không đủ tiêu chuẩn chính danh, trong thể chế đảng cử dân bầu.

Đất nước cần sự thay đổi toàn diện mới mong giải quyết mọi vấn đề bế tắc của đất nước..

Toàn dân trong nước và hải ngoại giữ vững ý chí và quyết tâm đấu tranh cho một Viêt Nam tự do, dân chủ, pháp trị và thịnh vượng.

21.02.2016


___________________________________

Tài liệu tham khảo:

- Sunnylands Summits Provides opportunity to Bolter US-Southeat ASIA Ties by Murray Hubert CSIS

- US and EU warn China to respect South China ruling By David Brunnstorm Reuter 17/2/2016

- Strongmen to Predominate at Obama’s SE Asia Summit by Mattew Pennington, AP Feb 15/2016

- Southeast ASIA’s Murky Future Clouds Obama’s Sunnylands Summit by Richard Cronin THE DIPLOMAT Feb 12/2016

- Joint Statement on the ASEAN-US Summit Strategic Partnership The White House 21/11/2015

- Tuyên Bố Sunnylands của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-ASEAN posted on tdvmail group.

0 comments:

Powered By Blogger