Friday, February 26, 2016

Tại sao Việt Tân không kiện A.C Thompson, Richard Rowley, PBS ra tòa?

Thạch Đạt Lang / 25-2-2016


Vụ kiện cáo giữa báo Người Việt và Sài Gòn Nhỏ kết thúc cuối năm 2014 đã khiến cho bà Hoàng Dược Thảo sau mấy chục năm làm báo, trắng tay vì phải bồi thường 3 triệu đô la và một triệu rưỡi tiền phạt. Tháng 4 năm 2015, bà Hoàng Dược Thảo, chủ nhiệm Sài Gòn Nhỏ khai phá sản, tháng 2 năm 2016, báo Người Việt tiếp thu trụ sở báo SGN, coi như trừ một phần vào tiền phạt và tiền bồi thường.
Đây không phải là lần đầu tiên và chắc chắn sẽ không là lần cuối cùng người Việt hải ngoại kiện cáo, đem nhau ra tòa về những tội danh vu khống, chụp mũ, sỉ nhục nhau…
Bài học vu khống, chụp mũ cộng sản, sỉ nhục nhau trong cộng đồng người Việt hải ngoại dường như là một bài học khó thuộc. Khó thuộc vì thiếu hiểu biết, vì ngoan cố, coi thường luật pháp hay còn lý do nào khác như tranh ăn, thù hận cá nhân…? Câu trả lời dành cho những người liên hệ.
Một chuyện gây tranh luận ồn ào mới đây về sự vu khống, nhục mạ xẩy ra vào tháng 11.2015 là chuyện cuốn phim Terror in Little Sàigòn.
Có đúng là khi thực hiện cuốn phim Terror in Little Sài Gòn, hai ký giả Thompson, Rowley và đài truyền hình PBS đã có mục đích vu khống, chụp mũ Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam là thủ phạm trong các vụ sát hại những ký giả Việt Nam trong thập niên 80 và đầu thập niên 90, đồng thời bôi nhọ cộng đồng NVTNCS là môt cộng đồng hiếu chiến, dã man?
Sự việc tưởng chừng sẽ bùng nổ lớn với những lời tuyên bố hăm dọa đưa ra tòa, những bài viết đã kích, những cuộc phỏng vấn những người liên hệ, lên án, giải ảo, giải thật phim Terror in Little Sàigòn trên đài truyền hình Calitoday, báo Người Việt online, những cuộc họp kêu gọi, kích động cộng đồng tham gia phản đối cùng với sự tham gia của TNS Janet Nguyễn, tiểu bang California bằng một lá thư gửi đài ProPublica… cuối cùng đã lặng lẽ chìm xuồng.
Mục đích của bài viết này là đưa ra những nguyên nhân (phỏng đoán) mà đảng Việt Tân, ông Nguyễn Xuân Nghĩa, Hoàng Cơ Định, Đỗ Hoàng Điềm… đến giờ phút này không dám kiện Thompson, Rowley, PBS ra tòa.
Việc đúng, sai của sự phỏng đoán còn chờ thời gian trả lời. Nếu sự việc chìm xuồng, nghĩa là không có tòa tiếc gì cả giữa Việt Tân, Nguyễn Xuân Nghĩa với Thompson, Rowley xẩy ra trong vòng vài ba năm thì (coi như) phỏng đoán của người viết là đúng.
Trong phạm vi bài viết này, chỉ nói đến vấn đề vu khống, chụp mũ Mặt Trận QGTNGPVN. Những hình ảnh liên quan đến diễn hành ngày 30.04, ngày quân lực 19.06 của cộng đồng NVTNCS trong phim, theo nhận định của người viết, không đủ yếu tố buộc tội người thực hiện phim có ý bôi nhọ cộng đồng.
Với những người quan tâm đến sự việc, có một điều lạ là Việt Tân cũng như ông Nguyễn Xuân Nghĩa không dám kiện cáo gì kẻ vu khống mình như báo Người Việt đã làm với báo Sài Gòn Nhỏ. Việt Tân chỉ bù lu, bù loa với cộng đồng, gửi thư yêu cầu Thompson rút lại những gì đã tuyên bố, đồng thời yêu cầu Propublica, Frontline nên xóa bỏ cuốn phim Terror in Little SàiGòn trên mạng.
Tiếc thay, hai phóng viên Thompson và Rowley đã không rút lại lời mà Việt Tân cho là “vu khống” mà còn tuyên bố sẵn sàng đối chất với ông Nguyễn Xuân Nghĩa, cũng như tiếp tục để phim Terror in Little Sàigòn trên mạng cho ai muốn coi thì cứ tự nhiên.
Vậy đâu là nguyên nhân Việt Tân, ông Nguyễn Xuân Nghĩa, Hoàng Cơ Định không dám đưa Thompson, Rowley, PBS ra tòa?
Cuốn phim Terror in Little Sàigòn được trình chiếu, ra mắt khán giả tối ngày 03-11-2015, đến nay đã gần bốn tháng. Mọi ồn ào, tranh luận, khen, chê cũng đã lắng xuống nhưng dư âm cuốn phim, thỉnh thoảng vẫn còn khuấy động ít nhiều trong cộng đồng NVHN.
Xin được nhắc sơ lại diễn tiến sự việc trước khi vào chuyện chính.
Chỉ một ngày sau khi phim được chiếu trên đài truyền hình Frontline và PBS, ông cựu đại tá Vũ Văn Lộc, tức nhà văn Giao Chỉ, nổi tiếng trong cộng đồng người Việt tị nạn Cộng sản (NVTNCS) tại Orange County đã lên tiếng phê bình là cuốn phim dở, đầu voi đuôi chuột, đảng Việt Tân có thể kiện 2 ký giả Thompson, Rowley…
Theo sau lời phát biểu của ông Lộc, các đài tuyền hình Calitoday, báo Người Việt… đã có các cuộc phỏng vấn truyền hình trực tiếp hoặc qua điện thoại với các nhân vật liên hệ đến cuốn phim như hai ký giả thực hiện cuốn phim A.C. Thompson, Rowley, các ông Nguyễn Xuân Nghĩa, Lý Thái Hùng…
Việt Tân cũng có 2 cuộc họp báo sau đó, một ở Little Sàigòn ngày 16.11.2015 do Đỗ Hoàng Điềm chủ tọa, một ở San José ngày 06.12.2015 tại thư viện Tully với các ông Huỳnh Lương Thiện, Đỗ Hùng, Phạm Đức Vượng… để chữa cháy cho Mặt Trận, lên án, chỉ trích cuốn phim.
Sau đó, ông Hoàng Tứ Duy phát ngôn viên của đảng Việt Tân gửi thư đến đài PBS, Thompson, Rowley phản đối nội dung cuốn phim đã có ý và lời lẽ xuyên tạc, vu khống Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam là tiền thân của đảng Việt Tân hiện nay. Trong thư Hoàng Tứ Duy yêu cầu đài PBS rút lại cuốn phim, chính thức xin lỗi cộng đồng NVTNCS. Bà Janet Nguyễn, TNS tiểu bang California cũng lên tiếng phụ họa lập trường này của đảng Việt Tân.
Đồng thời, ông Nguyễn Xuân Nghĩa, một kinh tế gia, cựu thành viên trong ban lãnh đạo Mặt Trận lên tiếng bác bỏ những cáo buộc mà Thompson, Rowley cho rằng ông đã tiết lộ với họ là ông có tham dự một cuộc họp, bàn về việc thanh toán ông Đỗ Ngọc Yến, chủ nhiệm báo Người Việt.
Tuy nhiên Thompson, Rowley đã viết email trả lời rằng họ sẵn sàng đối chất với ông Nghĩa về chuyện này vì ngoài Thompson, Rowley ra còn 2 người nữa là Cliff Parker, Joseph Sexton, nhân chứng đã nghe ông Nghĩa nói như vậy.
Sau email trả lời của Thompson và Rowley, ông Nghĩa đã không có phản ứng nào về mặt pháp lý mà chỉ lên báo Người Việt online phân trần với những giờ giải ảo do Đinh Quang Anh Thái đạo diễn.
Đi xa hơn nữa, Nguyễn Xuân Nghĩa kích động cộng đồng phản đối phim Terror in Little Sàigòn với luận điệu: Chúng ta tiếp tục là nạn nhân của truyền thông Mỹ, đồng thời chửi cộng đồng là ngu, điếc và mù nếu không lên tiếng phản đối phim Terror in Little Sàigòn.
Cộng đồng NVTNCS trở nên sôi động với những bài báo tranh luận về nội dung cuốn phim. Kẻ bênh, người chống nhưng rồi mọi chuyện ồn ào cũng qua đi, không thấy đảng Việt Tân, ông Nguyễn Xuân Nghĩa có thêm bước đi nào về mặt pháp lý để đưa A.C Thompson, Rowley hay PBS ra tòa về tội “vu khống”, “phỉ báng” không có bằng chứng.
Cơn bão trong ly nước tưởng chừng đã lắng, bất ngờ lại bị khuấy động lên bởi những lá thư của ông Nguyễn Thanh Tú – con trai nhà báo Đạm Phong – một gửi cho TNS Janet Nguyễn, một gửi cho bà Libby Liu Tổng Giám đốc đài RFA và ông Nguyễn Văn Khanh, Giám đốc Ban Việt ngữ RFA, một cho TNS liên bang của California, Loretta Sanchez.
Nội dung của ba lá thư giống nhau, yêu cầu điều tra về những liên hệ, hoạt động của Việt Tân với những người làm việc trong ban Việt ngữ đài RFA, nhân viên văn phòng, phụ tá cho bà Janet Nguyễn, Loretta Sanchez…
Cho đến nay chỉ mới có thư của bà Janet Nguyễn trả lời cho Nguyễn Thanh Tú.
Theo sự nhận định (suy đoán) của người viết, những lý do khiến đảng Việt Tân, các ông Nguyễn Xuân Nghĩa, Đỗ Hoàng Điềm… không dám manh động (có thể) như sau:
1. Vấn đề tài chánh
PBS là đài truyền hình lớn, có uy tín và thừa khả năng tài chánh để đối đầu với Việt Tân, Nguyễn Xuân Nghĩa, Hoàng Cơ Định trong một vụ kiện kéo dài, cần nhiều điều tra, nhân chứng.
Nếu PBS thua kiện và bị phạt, họ sẽ bị mất uy tín, mất khán giả và có nguy cơ bị tẩy chay, phải dẹp tiệm tùy theo mức độ thiệt hại, nhưng Việt Tân thua thì coi như rạt gáo. Bao nhiêu tiền bạc quyên góp kháng chiến từ đồng bào hải ngoại, kinh doanh hệ thống phở Hòa, ghe, tàu đánh cá… làm ra được trong mấy chục năm nay để nuôi kháng chiến, coi như tiêu các hoạt động.
2. Khía cạnh pháp lý
Mặt Trận cũng như Việt Tân không ghi danh hoạt động tại tòa án nên không có tư cách pháp nhân để đứng tên thưa kiện bất cứ cá nhân hay tổ chức nào.
Muốn đứng tên để đưa cá nhân hay tổ chức nào đó ra tòa phải có tư cách pháp nhân, phải là một hoặc nhiều người có tên, tuổi, địa chỉ rõ ràng. Nếu là một tổ chức, phải có ghi danh tại tòa án (register), phải có bản điều lệ, địa chỉ liên lạc, mục đích sinh hoạt, danh sách hội viên, kê khai tài chánh thu nhập, tên tuổi người chịu trách nhiệm hiện hành (chủ tịch, phó chủ tịch, thủ quỹ…).
Còn không, khi muốn đưa Thompson, Rowley ra tòa về tội phỉ báng, vu khống, một hoặc tất cả các ông Đỗ Hoàng Điềm, Lý Thái Hùng, Hoàng Tứ Duy phải đứng tên, không thể dùng tên Việt Tân để khởi tố.
Điều này giống như phiên tòa năm 1994, ông Hoàng Cơ Định đã phải đứng tên thay vì là Mặt Trận để kiện ba ông Vũ Ngự Chiêu, Cao Thế Dung, Nguyễn Thanh Hoàng. Vụ kiện này là một bài học khá đắt giá cho ông Hoàng Cơ Định.
Tất nhiên ai đứng tên kiện thì phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về những hệ lụy mà phiên tòa đưa tới.
3.Về mặt quốc tế
Không một quốc gia nào cho phép công dân của mình hoặc những người cư trú trên đất nước thành lập những tổ chức, đảng phái công khai… có mục tiêu lật đổ chính quyền của các quốc gia khác khi hai nước đang có bang giao.
Việc ông Hoàng Cơ Minh thành lập MTQGTNGPVN đầu thập niên 80, hoạt động quyên góp, thu tiền đồng bào rầm rộ khắp nơi là một đặc ân (ngầm) của Tổng thống Reagan vì lúc đó Mỹ và CSVN là hai kẻ thù. Tuy nhiên MT cũng không thể công khai ghi danh tại tòa án để hoạt động hợp pháp cho việc lật đổ chế độ cộng sản, cho dù bằng bạo động hay bất bạo động. Đặc ân (ngầm) đó có thể đã hết hiệu lực khi Mỹ và CSVN thiết lập bang giao.
Do đó nếu ra tòa, Việt Tân có thể bị luật sư bào chữa cho đối phương tố giác là một tổ chức bất hợp pháp, vi phạm công pháp quốc tế.
4.Vấn đề liên hệ
Đặt giả thuyết Mặt Trận là một tổ chức có ghi danh tại tòa án, hoạt động hợp pháp, đương nhiên Việt Tân có quyền đưa Thompson, Rowley, đài PBS ra tòa, nhưng trong cơn hốt hoảng Việt Tân đã phản ứng tiền hậu bất nhất, khi phủ nhận, khi thừa nhận mình chính là hậu thân của MT. Cho dù chính thức ra mắt tại Berlin, Đức ngày 19.09.2004, nhưng vẫn có những bằng chứng không thể chối cãi được khi Việt Tân khẳng định rằng, Việt Tân chính là Mặt Trận, được thành lập ngày 10-9-1982, do ông Hoàng Cơ Minh là Chủ tịch Mặt Trận, cũng là Chủ tịch đảng Việt Tân.
Thông tin này hiện còn ở trên website của Việt Tân: Bối cảnh thành lập. “Việt Nam Canh Tân Cách Mạng Đảng (gọi tắt là Đảng Việt Tân) đã được thành lập trong một Đại Hội Dựng Đảng được tổ chức vào ngày 10 tháng 9 năm 1982. Tại Đại hội này, Chiến hữu Hoàng Cơ Minh được suy cử là Chủ Tịch Đảng“.
5.Việc đối chất
Việc ông Nguyễn Xuân Nghĩa phủ nhận những gì đã nói với Thompson, Rowley rằng trong một buổi họp của MT, ông Nghĩa đã ngăn cản các thành viên MT không nên giết ông Đỗ Ngọc Yến, nếu phải ra tòa thì ông Nghĩa thua là điều chắc chắn khi nhân chứng là một chống bốn.
6. Yếu tố tâm lý
Kẻ phạm pháp dù tàn nhẫn, lạnh lùng, vô cảm tới đâu cũng có những giây phút ăn năn, sám hối hoặc hoảng sợ hậu quả do mình gây ra. Những kẻ chủ mưu hay sát thủ trong vụ giết hại những ký giả Việt Nam trong cộng đồng cho dù không sơ hở, để lại dấu vết khi hành động, thì việc sát nhân vẫn tồn tại.
Nếu không dính dáng đến những vụ sát nhân này, Việt Tân không có điều gì phải sợ hãi, thanh minh thanh nga, lôi kéo cộng đồng vào phản đối phim Terror in Little SàiGòn.
Các ông Hoàng Cơ Định, Nguyễn Xuân Nghĩa, Đỗ Hoàng Điềm, Lý Thái Hùng nên đứng tên nhờ luật sư đưa Thompson, Rowley, PBS ra tòa về tội vu khống, nhục mạ, hủy hoại thanh danh của Việt Tân, đồng thời lên tiếng xác nhận trên báo chí, truyền thông rằng Việt Tân chính là Mặt Trận.
7. Tỉ lệ thắng/thua
Không một luật sư khôn ngoan nào dám nhận tiến hành khởi tố một vụ kiện mà tỉ lệ thắng/thua còn thấp hơn xác xuất đi casino đánh bạc, kéo máy ở Las Vegas quá nhiều.
Hơn thế nữa, một vụ kiện do Việt Tân khởi tố có thể là nguyên nhân khiến cho FBI phải mở lại hồ sơ đã bị đóng băng, cho điều tra lại những vụ ám sát các ký giả, nhà báo Việt Nam thập niên 80-90, điều mà chắc chắn không ai trong Việt Tân mong muốn.
Nói tóm lại, căn cứ vào những điểm nêu trên, người ta có thể kết luận Việt Tân cũng như ông Nguyễn Xuân Nghĩa sẽ không bao giờ dám khởi tố Thompson, Rowley hay đài PBS, ProPublica, Frontline về tội vu khống, phỉ báng.
Do đó khi A.C.Thompson ở cuối phim Terror in Little Sàigòn đã nói thẳng với ông Nguyễn Thanh Tú là, mọi chỉ dấu điều tra sự sát hại ông Nguyễn Đạm Phong đều hướng về MT, thì các ông Hoàng Cơ Định, Đỗ Hoàng Điềm, Lý Thái Hùng, Hoàng Tứ Duy ngoài việc tìm cách vừa phân bua vừa kích động, lôi kéo cộng đồng che chở cho mình, cũng đành ngậm đắng, nuốt cay, im lặng chờ cơn bão tan đi.
Ngay một việc nhỏ như đối với ông Bằng Phong – Đặng Văn Âu với nhiều bài viết đăng trên các trang mạng, nêu rõ ràng tên các ông Hoàng Cơ Định, Nguyễn Kim (Hườn) chất vấn về các sự việc gọi điện thoại hăm dọa, đòi tịch thu báo Lý Tưởng do ông Âu xuất bản… mà Việt Tân vẫn im lặng không dám lên tiếng thì chuyện đòi kiện Thompson, Rowley hay PBS chỉ là chuyện nằm mơ, nói cho sướng miệng.
Nếu lý luận rằng không có nhu cầu trả lời thì tại sao Việt Tân lại cố gắng tìm đủ mọi cách kích động, lôi kéo cộng đồng tham gia việc phản đối phim Terror in Little Sàigòn khi suốt 53 phút không ai nghe Thompson nói đến hai chữ Việt Tân?
Trong một canh xì phé, chẳng có ai dại dột đi tháu cáy, tố cạn láng một ván bài khi biết rằng đối phương đã rõ quân bài tẩy của mình là con sất (lá bài số 7), dù trên mặt là đồng hoa (thùng) hay mùn xẩu (suốt, sảnh), và chỉ tố lấp lửng chờ mình sập bẫy.
Tuy nhiên trong ván xì phé này, Thompson cũng đã (lấp lửng) tố thêm khi tuyên bố đang làm cuốn phim thứ hai, tiếp tục nói về vụ án các ký giả Việt Nam bị sát hại trong cộng đồng người Việt ở Mỹ.
Việt Tân đang nằm trong một Dilemma.
-----------------

0 comments:

Powered By Blogger