Hình minh họa.
Cao Huy Huân | Nguồn: VOA | 2015-12-18 |
Mới
đây, Global Financial Integrity (Liêm chính Tài chính Toàn cầu, gọi tắt
là GFI), nhóm nghiên cứu về chuyển tiền qua biên giới có trụ sở tại
Washington (Hoa Kỳ) đã công bố báo cáo “Illicit Financial Flows from
Developing Countries: 2004-2013” (Dòng chảy tài chính bất hợp pháp từ
các nước đang phát triển giai đoạn 2004-2013”. Điều đáng lưu ý là trong
số các nước có tên trong danh sách này, có nhắc đến Việt Nam.
Hàng chục tỷ USD ‘ngầm’ ra nước ngoài mỗi năm
Trước
hết, có một số ý kiến cho rằng báo cáo của GIF không có độ tin cậy. Tuy
nhiên, dù thông tin về danh sách các nước tuồn “tiền đen” ra nước ngoài
chỉ xuất hiện trên trang web chính thức của GIF và được tranh luận mạnh
mẽ trên các trang mạng xã hội là chính, nhưng nếu tìm hiểu kỹ thì những
con số mà GFI đưa ra, theo tôi, không phải là hoàn toàn không có căn cứ
để tin tưởng. Thực tế nghiên cứu của GIF được thực hiện dựa trên báo
cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) – tổ chức thu thập số liệu uy tín hàng
đầu thế giới; và số liệu mà GFI có được về sở hữu, chuyển nhượng hoặc
sử dụng tiền trái phép của các nước đang phát triển.
Trong
báo cáo này, lượng tiền thất thoát của Việt Nam, hay được tuồn từ Việt
Nam ra nước ngoài tính trung bình là 9,29 tỷ USD mỗi năm, tức 92,9 tỷ
USD trong một thập kỷ vừa qua (2004-2013). Với con số này, Việt Nam xếp
hạng thứ 18 sau một số quốc gia có lượng “tiền đen” bị tuồn ra nước
ngoài rất cao như Trung Quốc, Nga, Mexico, Ấn Độ, Malaysia… Tuy với thứ
hạng này, Việt Nam không được nhắc đến trong tốp các nước tuồn tiền đen
ra nước ngoài nhiều nhất, nhưng nếu nhìn vào chỉ số GDP của Việt Nam thì
quả thật đáng lưu tâm. Số tiền bất hợp pháp từ Việt Nam đổ ra nước
ngoài chiếm đến hơn 9% GDP – tỷ lệ cao hơn so với các nước lân cận như
Thái Lan, Myanmar, Indonesia, Philippines…và nhiều nước khác trên thế
giới.
Kinh
tế vĩ mô của Việt Nam những năm gần đây phát triển không thật sự thuận
lợi, nếu như không muốn nói là khó khăn, chật vật trong bối cảnh hội
nhập ngày càng sâu rộng. Số tiền “thất thoát” ra nước ngoài hàng năm lên
đến gần chục tỷ USD không phải là con số đáng bị lãng quên hay không
cần lưu ý, ngay cả khi có nhiều người hoài nghi về tính chính xác của
các con số do GFI đưa ra (dù thiếu cơ sở để hoài nghi).
Thông qua dịch vụ VIP?
Tiền
bất hợp pháp ra nước ngoài thực tế bằng nhiều con đường khác nhau, có
thể qua con đường kinh doanh, đầu tư, hay chuyển tiền, gửi tiền ở các tổ
chức tài chính. Ví dụ như Trung Quốc, quốc gia có dòng tài chính bất
hợp pháp ước tính đạt gần 1,4 nghìn tỷ USD trong một thập kỷ, mức lớn
nhất đối với các quốc gia đang phát triển.
Trong
khi theo luật pháp quy định người dân Trung Quốc chỉ được phép chuyển
ra nước ngoài số tiền nhiều nhất 50.000 USD/năm, một số ngân hàng ngầm
mời khách hàng dùng dịch vụ “VIP” với giao
dịch nhanh và lượng chuyển tiền không giới hạn. Gần đây nhất là hồi
tháng 11 vừa qua, truyền thông quốc tế đưa tin cơ quan điều tra đã cáo
buộc Tổng giám đốc Công ty kỹ thuật cảng Trung Quốc (một doanh nghiệp
nhà nước tại Bắc Kinh) đã chuyển 3 triệu USD tiền có được từ tham nhũng
thông qua một ngân hàng ngầm của Trung Quốc đại lục.
Cụ
thể, các ngân hàng ngầm có dịch vụ “VIP” sử dụng chiêu bài “hàng rào
kiểm toán”. Bản chất của chiêu trò này là chuyển đổi 18 triệu nhân dân
tệ trong tài khoản của vị tổng giám đốc nói trên thành khoản ngoại tệ
tương đương trong tài khoản ở nước ngoài của ngân hàng ngầm. Về lý
thuyết, tiền không được chuyển trực tiếp hay bằng điện tử qua biên giới,
khiến cho những giao dịch này hoàn toàn không thể phát hiện được. Đó là
lý do tại sao giới chuyên môn gọi đó là chiêu tạo “hàng rào” chống lại
các cuộc kiểm toán. Dịch vụ “VIP” này, tất nhiên không chỉ xuất hiện tại
Trung Quốc, mà hoàn toàn có thể xuất hiện tại nhiều nước khác trên thế
giới.
Hay dựa vào các doanh nghiệp ‘ma’?
Bên
cạnh đó, người ta có thể chuyển tiền bất hợp pháp ra nước ngoài thông
qua việc mở ra các doanh nghiệp “ma”, trá hình chuyển tiền bất hợp pháp.
Nhiều “kẻ ma cô” ở Trung Quốc đã mở dịch vụ ngân hàng ngầm trá hình với
vỏ bọc giao dịch trong lĩnh vực thương mại và vận tải với hàng chục
công ty, còn bản chất thực là chuyển tiền trái phép. Các công ty kinh
doanh “ma” giả các dữ liệu xuất nhập khẩu để che đậy các khoản tiền giao
dịch ra nước ngoài. Dù Trung Quốc đã ban hành luật quy định cho phép
các công ty chuyển đổi hợp pháp số ngoại tệ trong hạn ngạch 50.000
USD/năm, nhưng thực tế từ năm 2013, cảnh sát Trung Quốc cho biết các
băng nhóm lợi dụng chính sách khuyến khích xuất khẩu quốc gia để chuyển
trái phép ra nước ngoài gần sáu triệu USD.
Rủi ro và hàm ý chính sách
Tác
hại của các dòng tài chính “đen” chảy ra nước ngoài đã được nhiều
chuyên gia, các nhà làm chính sách nhắc tới trong suốt những năm gần
đây, kèm theo đó là các câu chuyện điển hình mà bất cứ quốc gia nào, kể
cả Việt Nam – quốc gia “thất thoát” hàng chục tỷ USD mỗi năm, cũng phải
lưu tâm.
Điều
này được Chủ tịch GFI, Raymond Baker, khẳng định về bản báo cáo của
GFI: “Nghiên cứu này chứng minh rất rõ ràng rằng các dòng tài chính bất
hợp pháp là một trong những yếu tố gây thiệt hại lớn nhất cho hầu hết
các nền kinh tế phát triển và mới nổi của thế giới”. Tất nhiên thứ hạng
càng cao, hay tỷ lệ thất thoát so với GDP càng lớn thì gánh nặng tài
chính của quốc gia sẽ càng lớn.
Hãy
nhìn vào “quán quân” chuyển tài chính “đen” ra nước ngoài – Trung Quốc.
Các đánh giá của hãng Bloomberg cho thấy rằng chính thực trạng chuyển
tiền ra nước ngoài bất hợp pháp là một trong những nguyên nhân chính dẫn
đến mức thâm hụt dự trữ ngoại hối của Trung Quốc lớn nhất trong năm
2015.
Tại
Việt Nam, trang tin Infonet (tờ báo của Nhà nước, do Bộ Thông tin và
Truyền thông quản lý), hồi tháng 11-2015 cũng cho biết vốn đầu tư ra
nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam trong mấy năm gần đây ngày một
gia tăng, nhưng hiệu quả thu được từ dòng vốn này vẫn chưa được kiểm
soát triệt để, gây lo ngại rằng nguồn vốn sẽ bị lợi dụng để dòng tiền
bất hợp pháp “chảy” ra nước ngoài. Chính Cục Đầu tư nước ngoài cũng thừa
nhận rằng việc chấp hành chế độ báo cáo của các doanh nghiệp theo luật
định về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài chưa được thực hiện nghiêm túc,
ví dụ: thông tin về doanh nghiệp còn thiếu, cơ chế giám sát chưa hiệu
quả. Một chuyên gia không tiết lộ tên tuổi cũng phát biểu trên Infonet
rằng “Không tránh được những trường hợp lập dự án ảo để chuyển ngoại tệ
ra nước ngoài một cách hợp pháp cho nhiều mục đích khác nhau nhằm mục
đích lẩn tránh thuế, rửa tiền hoặc không phù hợp với định hướng”.
Trên
cả những lo lắng về thất thoát và ảnh hưởng kinh tế, việc dòng tiền bất
hợp pháp chảy ra nước ngoài một cách cao ngất tạo ra các lo ngại về
tình hình tham nhũng. Dù vừa qua, cả hai thành phố đầu tàu của Việt Nam
là Sài Gòn và Hà Nội đều tuyên bố “không tìm thấy tham nhũng”, hầu hết
các cử tri và nhiều người dân vẫn bày tỏ bức xúc về tình trạng tham
nhũng đang diễn ra trên thực tế hiện nay, dù chỉ dừng ở hiện tượng và
hoài nghi. Thế nên, báo cáo của GFI về số tiền bất hợp pháp của Việt Nam
chảy ra nước ngoài cũng là bằng chứng cho thấy tình hình tham nhũng cần
được xem xét một cách chính đáng hơn; và các giải pháp ngăn chặn dòng
tài chính bất hợp pháp chảy ra nước ngoài là điều bức thiết nếu muốn dân
vẫn đặt niềm tin vào nhà nước.
* Blog của Cao Huy Huân là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được
đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay
lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
0 comments:
Post a Comment