Wednesday, December 9, 2015

Con trai của một nhà lãnh đạo cách mạng Trung Quốc gửi thư yêu cầu Tập Cận Bình kết thúc chế độ độc tài

Tác giả: Juliet Song, Epoch Times và Larry Ong, EpochTimes
Dịch giả: Hoàng Anh 8 Tháng Mười Hai , 2015
La Vũ và người vợ gần nhất của ông, cựu diễn viên Hồng Kông Tina Leung, trong một bức ạnh chụp không rõ ngày tháng. (NTD)
La Vũ và người vợ gần nhất của ông, cựu diễn viên Hồng Kông Tina Leung, trong một bức ạnh chụp không rõ ngày tháng. (NTD)
Con trai của một công thần khai quốc của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã viết thư yêu cầu lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình kết thúc chế độ độc tài một Đảng và đưa Trung Quốc trở thành một quốc gia dân chủ. Bức thư này đã được một tờ báo của Hồng Kông đăng tải.
Ông La Vũ, 71 tuổi, đang sống tại Mỹ cho biết: “Nếu bạn thực sự muốn loại bỏ tham nhũng thì cách duy nhất là khởi xướng nền dân chủ một cách từ từ và có trật tự”.
“Trung Quốc đang ngập lụt trong khủng hoảng: khủng hoảng về đức tin, đạo đức, môi trường, kinh tế, tài chính, giáo dục, y tế, và tài nguyên thiên nhiên. Tại sao? Gốc rễ của vấn đề là chế độ độc tài một đảng của Đảng Cộng sản Trung Quốc,” ông La chia sẻ thêm.
Bức thư ngỏ đáng chú ý này được công bố trên Apple Daily – một tờ báo tiếng Hoa có trụ sở tại Hồng Kong vào ngày 3 tháng 12.
Ông La Vũ gia nhập danh sách ngày càng tăng bao gồm cựu cán bộ Đảng, các nhà bất đồng chính kiến, và những nhà quan sát kỳ cựu về Trung Quốc, những người đang dự đoán rằng chính quyền Trung Quốc đang đứng bên bờ sụp đổ, trái ngược với hình ảnh của một siêu cường đang lên mà nhà cầm quyền nỗ lực quảng bá với thế giới.
Bức thư đến vào thời điểm mà những người đứng đầu của Đảng dường như đang ngày càng hoang tưởng rằng chế độ sẽ sụp đổ nếu rời xa chủ nghĩa Marxist.
Gia đình của ông La và gia đình ông Tập có một lịch sử gắn bó sâu sắc, được thể hiện như cách mà ông La xưng hô với ông Tập là “anh Tập”.
Ông mở đầu lá thư bằng cách nhắc nhở ông Tập về mối quan hệ thân thiết giữa cha mẹ họ. La Thụy Khanh, một thành viên từ buổi đầu của Đảng và người sáng lập ngành công an của chế độ, và Tập Trọng Huân, người trước đây đứng đầu bộ phận tuyên giáo của Đảng, đã trở thành “bạn thân” sau khi cả hai làm phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước (tương đương với Chính phủ Trung Quốc) vào năm 1959.
Vợ của họ xem các vở kịch tại Đại lễ Đường Nhân dân cùng nhau, và thăm hỏi lẫn nhau sau khi ông La Thụy Khanh chết vì bị bệnh vào năm 1978. Họ duy trì liên lạc sau khi ông Tập Trọng Huân bị quản thúc tại gia – một sự việc một phần được dàn dựng bởi Bạc Nhất Ba, cha của cựu Ủy viên Bộ Chính trị ngã ngựa Bạc Hy Lai – tại Thâm Quyến sau khi Tập Trọng Huân ủng hộ Hồ Diệu Bang – Thủ tướng có tư tưởng cải cách vào thập niên 80.
Trong bức thư, ông La cũng chức mừng ông Tập Cận Bình đã giữ vững quyền lực bất chấp nỗ lực đảo chính của một phe chính trị đối lập (bao gồm các cựu thành viên Bộ Chính trị: Bí thư tỉnh ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai và cựu trùm an ninh Chu Vĩnh Khang), nhưng đồng thời khẳng định chiến dịch chống tham nhũng nhằm chấn chỉnh Đảng cuối cùng sẽ dẫn đến sự sụp đổ của chính nó.
“Toàn bộ Đảng cộng sản Trung Quốc là tha hóa, không một quan chức nào không tham nhũng, chống tham nhũng cũng là chống lại Đảng. Trong Ủy ban Thường vụ Bộ chính trị, anh [Tập Cận Bình] có một người ủng hộ, một người trung lập và bốn người đang chờ anh ngã ngựa”, ông La viết.
Trong bối cảnh vô số các vấn đề đang gây rắc rối cho Trung Quốc và đẩy nhanh sự sụp đổ của chế độ, ông La Vũ nói ông Tập nên cho phép tự do báo chí, cho phép thành lập các đảng chính trị mới, tổ chức bầu cử dân chủ, xây dựng một nền tư pháp độc lập và chuyển giao quyền kiểm soát quân đội đang trong tay Đảng đến về lại cho đất nước.
“Các vị nói tại Liên Hiệp Quốc: ‘Hòa bình, phát triển, bình đẳng, công bằng, dân chủ và tự do là các giá trị phổ quát của toàn nhân loại’… Xin đừng nói một đằng làm một nẻo,” ông La lên tiếng.
“Đại Cách mạng văn hóa Vô sản, thảm sát Thiên An Môn và cuộc bức hại Pháp Luân Công là các ví dụ điển hình của việc Đảng dẫn đầu trong việc vi phạm pháp luật”.
Ở phần kết thúc của thư ngỏ, ông La viết: “Cha của chúng ta là những nhà cách mạng nòng cốt của Mao Trạch Đông. Nhưng sau cuộc cách mạng, thay vì có được một Nhà nước dân chủ, chúng ta trở thành một chế độ độc tài. Đó là sự khác nhau giữa Mao Trạch Đông và George Washington”.
“Tôi nghĩ chúng ta có thể trao đổi một cách riêng tư thân mật, như những người anh em có xuất thân giống nhau.” Ông La nói tiếp, ngầm ám chỉ về thân thế cùng là “thái tử đảng” (con của các lãnh đạo đảng thời cách mạng). “Nhưng tôi buộc phải viện đến cách kêu lớn lên như thế này, vì rằng không có kênh giao tiếp nào trong một nền độc tài cả”.

0 comments:

Powered By Blogger