Wednesday, November 21, 2012

Nhớ những người Thầy ở tù vì lý tưởng

Nhân Ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11, Café Wifi kỳ này sẽ nói về những người thầy phải ở trong nhà tù vì lý tưởng của mình.

Thầy Phạm Minh Hoàng tại phiên xử ở Tòa án TPHCM hôm 10-08-2011.


Khánh An: Khánh An hân hạnh chào đón quý vị và các bạn đến với chương trình Café Wifi. 20/11 là ngày mà những người học trò ở Việt Nam tri ân và nhớ đến những người thầy của mình. Chủ đề ngày hôm nay chúng ta sẽ nói về những người thầy phải ở trong nhà tù vì lý tưởng của mình, Khánh An đang muốn nói đến hai người thầy là thầy Phạm Minh Hoàng và thầy Đinh Đăng Định.
Trước tiên để bắt đầu cho chương trình, Khánh An mời các bạn tự giới thiệu.

Tuấn:
Vâng, chào chị Khánh An, chào quý vị độc giả. Em là Tuấn, hiện đang sống ở Đắc Lắc.
Tiến:
Xin chào quý vị khán thính giả, chị Khánh An và hai bạn. Mình là Tiến, đang là sinh viên sống tại Hà Nội.
Nam:
Xin chào tất cả quý vị. Mình là Tiến Nam, sống ở Hà Nội, hiện tại mình đang đi làm.

Nhớ Thầy Cô

Khánh An: Vâng. Khánh An một lần nữa chào đón tất cả các bạn đến với chương trình. Trở lại với đề tài của chúng ta hôm nay, ngày 20/11, chúng ta nhớ đến những ngừơi thầy ở trong nhà tù, trước tiên Khánh An muốn hỏi các bạn là các bạn đã đi thăm, tặng quà hay gửi thiệp chúc mừng đến các thầy cô giáo của mình chưa?

Trong chế độ này, người ta không chấp nhận những điều các thầy muốn nói, muốn thể hiện. Vì vậy, họ khép hai thầy vào những tội rất vô lý và bất công.
Bạn Tuấn
Nam: Năm nay là năm mà mình có nhiều kỷ niệm về ngày 20/11. Mình đã về thăm trường cũ sau 10 năm chưa về nhân kỷ niệm ngày thành lập trường. Mình đã gặp lại các thầy cô giáo cũ, bạn bè thân thiết và đặc biệt là một thầy cô mà năm nào mình cũng về thăm đó là cô giáo dạy lớp 1 của mình. Vào những năm 89, 90, vấn đề dạy thêm học thêm còn ít lắm. Mà mình ngày đó vào lớp 1 viết chữ thì xấu, học cũng không được nhanh nhẹn bằng các bạn lắm nên cô giáo dạy lớp 1 của mình kéo 4 học sinh học kém của lớp về nhà cô dạy và cô không lấy một đồng. Sáng sớm, Tiến Nam đến nhà cô học, buổi trưa ăn cơm ở đấy và buổi chiều đi học luôn. Đó là kỷ niệm cực kỳ sâu sắc trong lòng mình.
Khánh An:
Vâng, cám ơn Tiến Nam. Thế còn hai bạn khác, các bạn có hoạt động gì trong ngày 20/11 không?
Tuấn:
Vâng, vì đang ở xa nên em chỉ nhắn tin, gọi điện hoặc gửi những lời chào trên mạng xã hội.
Khánh An:
Vâng, cũng là những hoạt động rất ý nghĩa. Thế còn Tiến thì sao?
Tiến:
Ngày hôm nay thì bởi vì em ở xa nên em có gọi điện về thăm cô giáo chủ nhiệm lớp 12, một trong những thầy cô ảnh hưởng nhất trong thời học sinh của mình.
789869_2_d-250.jpg
Các Thầy Cô tại Gia Lai tổ chức Lễ Kỷ niệm Ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11. Photo courtesy gialai.gov.vn
Mình gọi điện về hỏi thăm ông ngoại vì ông ngoại là người dạy mình cái cơ bản, vì xưa kia lúc bắt đầu vào lớp 1, mình cũng bắt chước các ông các bà cầm báo đọc nhưng lại cầm ngược, thì ông ngoại là người chỉ cho mình cầm báo đúng để đọc được. Đây là một trong những ấn tượng mà có lẽ không bao giờ quên được.
 
 

Yêu nước là có tội?

Khánh An: Vâng, rất dễ thương phải không. Theo lời kể của các bạn thì Khánh An nghĩ rằng những thầy cô của các bạn chắc là những người hạnh phúc vì họ nhận được lòng tri ân, đặc biệt là trong ngày 20/11. Nhưng như các bạn cũng biết, trong xã hội Việt Nam của chúng ta hiện nay, có những người thầy có lẽ bây giờ đang cô đơn lắm vì đang ở trong nhà tù. Khánh An muốn nói tới thầy Phạm Minh Hoàng và thầy Đinh Đăng Định. Theo những tin tức các bạn có được, các bạn thấy họ bị bắt vì những hành động gì? Các bạn có cho đó là những hành động xấu hay không?
Tuấn:
Trường hợp thầy Phạm Minh Hoàng thì em có gặp một lần ở dưới Sài Gòn và em có tiếp xúc với thầy sau khi thầy mãn hạn tù, nhưng hiện tại thầy vẫn đang bị trong tình trạng quản chế. Còn gia đình thầy Đinh Đăng Định thì em có đến thăm gia đình thầy và em thấy lý tưởng của hai thầy dù có những cách khác nhau nhưng hai thầy là những người rất có tâm huyết đối với đất nước. Tuy nhiên trong chế độ này, người ta không chấp nhận những điều các thầy muốn nói, muốn thể hiện. Vì vậy, họ khép hai thầy vào những tội rất vô lý và bất công. Thầy Phạm Minh Hoàng bị khép vào tội “âm mưu lật đổ chính quyền”. Còn thầy Đinh Đăng Định thì bị khép vào điều 88 Bộ Luật Hình Sự là “tuyên truyền chống phá nhà nước Việt Nam” và họ xử thầy 6 năm tù giam.

Tiến Nam chưa được tiếp xúc và chưa được gặp hai người thầy đó nhưng mình rất ủng hộ những việc mà hai người thầy đó đã làm cho đất nước, cho dân.
Bạn Nam
Đối với thầy Phạm Minh Hoàng thì thầy là một giảng viên trong một trường đại học rất uy tín trong nước là trường Đại học Bách Khoa TPHCM. Trong thời gian giảng dạy, thầy không chỉ muốn truyền đạt kiến thúc chuyên môn mà ngoài ra thầy còn muốn nói thêm cho những học trò của thầy những vấn đề khác của đất nước hoặc những kỹ năng mềm mà sau này những học trò sẽ rất cần để bước vào đời.
Còn thầy Đinh Đăng Định thì rất đau xót về tình trạng đất nước. Thầy đặc biệt lưu tâm đến vấn đề bauxite vì thầy hiện tại đang sống ở Đắc Nông. Nơi đó có mỏ quặng bauxite cách nhà thầy không xa lắm. Thầy đã đến từng nhà những người dân để vận động những người dân xung quanh đó phản đối dự án bauxite ở quê hương thầy và chính quyền đã khép thầy vào tội “tuyên truyền chống phá nhà nước”.
Khánh An:
Vâng. Còn bạn Tiến Nam và Tiến, các bạn có bổ sung thêm thông tin gì hay không?
Nam:
Tiến Nam chưa được tiếp xúc và chưa được gặp hai người thầy đó nhưng mình rất ủng hộ những việc mà hai người thầy đó đã làm cho đất nước, cho dân. Chắc chắn những người thầy đó sẽ đào tạo ra những học sinh tốt, có ích cho xã hội, cho đất nước vì ở trong một xã hội như đất nước Việt Nam hiện tại, để nói ra được sự thật, những điều mà mình muốn nói từ tấm lòng và suy nghĩ thì đối với các thầy cô giáo có tâm với học sinh thì cực kỳ khó khăn. Ví dụ như câu chuyện ở giảng đường đại học của mình, một cô giáo muốn nói về vấn đề Biển Đông, đường lưỡi bò, vấn đề mọi người đi biểu tình chống Trung Quốc mà cô giáo đó phải tìm từ ngữ nói tránh, nói né để khi mà họ có bị mách lên Ban Giám hiệu hay có ai đó hỏi đến thì có cách để nói để không bị ảnh hưởng đến công việc dạy học của người ta. Chỉ như thế thôi mà còn rất ít thầy cô dám nói lên sự thật thì mình nghĩ rằng một người thầy như thầy Định, thầy Hoàng là những thầy giáo đáng tôn trọng và khâm phục đối với lớp trẻ của mình.
Khánh An:
Vâng. Bạn Tiến thì sao?
Tiến:
Em thì xin bổ sung nhận xét của em về hành động của hai thầy. Thứ nhất, về thầy Phạm Minh Hoàng, em thấy họ kết tội thầy theo điều là tham gia tổ chức Đảng Việt Tân và tham gia đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên. Em thấy chuyện đó rất bình thường. Trong pháp luật Việt Nam, em thấy không cấm hoặc không có sự giải thích rõ ràng về tham gia đảng này hay đảng kia thì có vi phạm gì không. Em thấy trường hợp của thầy Phạm Minh Hoàng bị kết tội “lật đổ chính quyền” thì em thấy hơi mơ hồ.
dinh-dang-dinh-250.jpg
Thầy Đinh Đăng Định tại trụ sở công an, ảnh chụp trước đây. File photo.
Còn thầy Đinh Đăng Định, việc thầy nói lên chính kiến bản thân thì em thấy là đúng với tâm thế của một người thầy. Đơn giản trong lớp học kết thúc một bài học, thầy cô có thể hỏi học sinh một câu là “Các em còn thấy bài này chưa hiểu chỗ nào không?”, thì tức là khi mình thấy có một vấn đề gì đó thì mình cần phải phát biểu ý kiến. Nhà trường luôn luôn dạy và khuyến khích điều đó ở học sinh. Việc thầy Đinh Đăng Định nêu ra ý kiến cá nhân đối với các vấn đề xã hội như bauxite hay các vấn đề về tham nhũng thì em thấy điều đó là thực hiện đúng theo thiên chức của một người thầy. Đó là điều mà em rất khâm phục và tôn trọng.
 
 

Chúc Thầy Cô khỏe mạnh

Khánh An: Như vậy theo nhận xét của các bạn, những điều mà nhà nước quy kết cho hai người thầy vừa rồi đều là những điều mà các bạn không cho là tiêu cực, mà ngược lại, các bạn đều cho là tích cực. Thế thì việc chính quyền bắt giữ những người thầy này đã tác động đến các bạn như thế nào?
Nam:
Mình nghĩ rằng vấn đề họ bắt bớ hay gây khó dễ cho các thầy cô giáo nói chung, điều đó mình đã biết được sẽ xảy ra cho những người dám nói lên tiếng nói thật.
Khánh An:
Vâng, thế còn Tuấn và Tiến?

Thầy Đinh Đăng Định nêu ra ý kiến cá nhân đối với các vấn đề xã hội như bauxite hay các vấn đề về tham nhũng, thì em thấy điều đó là thực hiện đúng theo thiên chức của một người thầy.
Bạn Tiến
Tiến: Thực sự những điều các thầy nói thì là những điều mà bất cứ người Việt Nam nào có tấm lòng với đất nước đều quan tâm và đều có những sự đau xót trong tâm can vì hoàn cảnh đất nước có quá nhiều vấn đề, mà thực sự rất muốn đóng góp nhưng không biết cách nào để đóng góp mà không bị gây khó khăn cả. Điều đó làm cản trở tấm lòng của mỗi con người, mỗi cá nhân đối với đất nước.
Khánh An:
Tuấn thì sao?
Tuấn:
Thực sự ở một đất nước mà có quá nhiều điều để nói như vậy mà lại ở dưới một chế độ bị kiềm kẹp, bị bịt miệng như ở Việt Nam bây giờ, những người dám đứng lên nói và làm như hai thầy Hoàng và thầy Định là rất hiếm. Thực sự rất chua xót!
Khánh An:
Và nếu bây giờ có một lời chúc thì các bạn chúc họ điều gì?
Tiến:
Em xin chúc họ sức khỏe. Em hy vọng các thầy giữ vững được ý chí, nghị lực và tâm thế của những người sẵn sàng hy sinh vì quyền lợi đất nước.
Nam:
20/11 mình chúc các thầy cô đang dám nói lên tiếng nói về sự thật, mình mong các thầy cô luôn là những điểm tựa, dẫn dắt các tầng lớp học sinh, định hướng cho các em thành những người có ích cho xã hội.
Tuấn:
Nhân ngày 20/11, em gửi lời chúc đến tất cả các thầy cô giáo. Ngoài ra đối với những người như thầy Định, thầy Hoàng thì em gửi đến một lời tri ân rất sâu sắc. Em gửi lời rất kính trọng đến thầy Định. Ngày 21/11, thầy sẽ lên tòa phúc thẩm. Em biết thầy rất kiên định, không bao giờ nhận tội trước cường quyền, trước bạo hành dù hiện nay sức khỏe của thầy không được tốt. Sau này chắc chắn những gì thầy đã nói, đã làm sẽ được người khác công nhận.
Khánh An:
Vâng, chắc chắn rồi. Tất cả mọi người yêu mến sự thật, quan tâm đến đất nước chắc chắn sẽ nhớ đến những người thầy đã chịu thiệt thòi vì dám nói lên sự thật. Khánh An cám ơn các bạn đã tham gia vào chương trình.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/cafe-wifi-1120-ka-11202012150722.html

0 comments:

Powered By Blogger