Văn Quang
Thật ra tuần này, ở VN có vô số chuyện quan trọng để bàn. Như các vấn
đề về sinh mạng của 40.000 dân và thủy điện Sông Tranh, các tập đoàn
nhà nước thua lỗ đến 48.988 tỉ đồng; chuyện Quốc hội VN quyết định việc
bỏ phiếu tín nhiệm; chuyện tăng lương, chuyện thực phẩm nhiễm độc tràn
lan khắp các chợ…
Nhưng tuần trước, tôi hứa với bạn đọc còn mục “nóng ngoài đường phố”
kỳ sau xin kể tiếp. Vậy kỳ này xin tiếp tục chuyện “nóng” này kẻo để lâu
nó “nguội” mất tiêu. Trước hết xin phép quý bạn đọc cho tôi được khen
ông cảnh sát Hà Nội một phát. Chả mấy khi được khen cảnh sát, lần này
khen để… có tí điểm còm, may ra khi ra đường không bị phạt vì lỗi… đi bộ
sai luật hoặc ở nhà không bị… hỏi thăm sức khỏe liên tục như mấy năm
trước. Vậy khen vì cái gì? Xin thưa:
Khen vì quy trách nhiệm đúng nơi đúng chỗ
Trước tình trạng vỉa hè ở thủ đô bị lấn chiếm ngày càng nghiêm trọng,
Phó chánh văn phòng Công an Hà Nội, thượng tá Hồng Cao Thắng cho biết,
có thể cách chức hoặc chuyển công tác trưởng công an phường để vỉa hè
lộn xộn. Đó là một quyết định cứng rắn mới mẻ và chính xác.
Theo ông Hồng Cao Thắng, hiện nay tình trạng tái lấn chiếm vỉa hè,
lòng lề đường diễn ra rất phức tạp và nhức nhối, các cơ quan chức năng
không xử lý triệt để, “rất có thể người dân sẽ không có đường để đi sắm
Tết”.
Rồi ông Phó chánh văn phòng cho hay, một số quán bia ở Ô Chợ Dừa tồn
tại cả chục năm nay nhưng không bị “xử lý”. Bàn ghế xếp la liệt, xe máy,
xe đạp đỗ tràn ra vỉa hè, lòng đường, thậm chí “xe của khách vào quán
bia này còn được đem thẳng tới trụ sở của công an phường ở gần đó gửi
(?!)”.
Xe máy đậu đầy hè phố, dân đi dưới lòng đường
Hay. Những quán trà chanh ở Ngã Tư Sở, tối đến có cả ngàn người ngồi
chật kín khu vực gầm cầu cho đến vườn hoa gần hầm đi bộ, xe máy để kín
lòng đường. Rồi phố Nguyễn Du quán lẩu, quán nướng lấn chiếm vỉa hè.
Trên phố cổ, quán trà chanh bủa vây khắp nơi, thậm chí có quán nằm cạnh
thùng rác nhưng vẫn rất đông người ngồi. Nhiều quán bia, quán lẩu bị
phạt vài lần, mất cả trăm triệu nhưng vẫn tái vi phạm.
Theo ông Thắng, có những đêm Ban chỉ đạo 197 của thành phố xử phạt
tới 700 triệu đồng đối với các trường hợp vi phạm hành lang, vỉa hè tại
thủ đô, có quán bị xử phạt tới 25 – 30 triệu… nhưng rồi đâu lại vào đó.
Ông Thắng nói thêm: ‘Đối với những phường để tình trạng vi phạm lấn
chiếm vỉa hè tái diễn nghiêm trọng có thể gán trách nhiệm, thậm chí có
thể cách chức hoặc luân chuyển công tác với Trưởng công an”.
Còn Phó giám đốc Sở Giao thông Hà Nội Nguyễn Xuân Tân cho rằng, chưa
bao giờ tình trạng lấn hành lang vỉa hè, lòng lề được lại nhức nhối như
hiện nay. Nhiều chợ đêm hoạt động đến 8h sáng chưa kết thúc, rác thải
bủa vây, vỉa hè thành nơi bán mũ bảo hiểm, quần áo…
Tuy nhiên, theo ông Tân, tại những điểm này thường xuyên không có
thanh tra giao thông đứng hướng dẫn, xử lý. Một trong những nguyên nhân
chính dẫn đến việc lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường ngày càng nghiêm
trọng là do lực lượng thanh tra xử lý quá chậm và chưa nghiêm.
Hàng quán ngập vỉa hè tồn tại được vì sao?
Nói thẳng ra, từ bao lâu nay những hàng quán này hiên ngang tồn tại
được là nhờ các quan ở phường, ở quận che chở, mà trực tiếp là công an
tại địa phương đó. Người dân chỉ còn mỗi việc là đi bên lòng đường, đôi
khi phải nhảy ra giữa đường mới có lối đi. Tức là người dân đi chung
cùng đủ mọi loại xe, thằng nào nhanh thằng ấy thắng.
Các quán nhậu chiếm hết hè phố
Tất nhiên, những hàng quán ấy muốn tồn tại phải “biết điều”, thôi thì
nói thẳng ra nữa là phải chung chi, tùy theo quán lớn nhỏ. Điều này thì
người dân khờ đến đâu cũng biết, tất nhiên ông Phó chánh văn phòng Công
an Hà Nội cũng biết, ông không tiện nói ra mà thôi. Lâu nay ông vẫn để
đàn em cấp dưới làm ăn, nhưng nay nó lộn xộn quá rồi, ông phải ra tay và
ông đã nắm đúng yếu huyệt của cấp dưới, chuyển công tác, tức là cho anh
về văn phòng gõ máy hoặc cho đi mấy cái ấp đói là anh đói theo. Chưa
nói đến cách chức, chưa cho anh về vườn đuổi gà cho vợ đã là may, chỉ
cách cái chức trưởng CA cũng bể nồi cơm rồi.
Hai kiểu phạt đó trở nên có hiệu nghiệm tâm lý rất lớn, nếu được CA
Hà Nội thực hiện nghiêm chỉnh là điều đáng khen rồi. Hy vọng không phải
chỉ là một lời đe dọa rồi …đâu lại đóng đấy.
CSGT nhận hối lộ của tài xế xe vận tải
Và chẳng phải chỉ ở Hà Nội, thành phố Sài Gòn cũng y chang như vậy.
Trên hầu hết những đường phố, đố quý vị nào tìm được lối đi trên hè phố.
Dân Sài Gòn né tránh xe rất tài tình cứ như nhảy hip hop. Nhảy bên
phải, né bên trái, vọt tới trước, lùi lại sau rồi có khi đứng khựng lại
giữa đường chẳng biết nên tiến hay lùi nữa. Thôi thì tùy anh lái xe, anh
muốn đâm vào đâu cứ đâm. Có khi xe gắn máy vọt cả lên lề đường nếu còn
chỗ. Bởi lòng đường và lề đường “mình với ta tuy hai mà một”. Người và
xe cũng đều là “phương tiện lưu thông” cả! Ở VN, chết vì tai nạn giao
thông là chuyện thường tình, chẳng còn gì đáng nói. Thế nên cái lệnh ấy
nên áp dụng cho cả ở Sài Gòn và những TP lớn khác.
Hết khen rồi đến… chê
Xin thưa ngay, đây không phải là tôi chê mà cái sự chê này có sách
vở, có bài bản hẳn hoi. Chưa nói ra, tôi chắc bạn đọc đã biết qua báo
chí cái tin “nóng hổi” về bản công bố mới đây về tham nhũng tại VN. Tham
nhũng được “xếp hạng” từ cao nhất đến thấp nhất. Mà đứng đầu danh sách
là ông Cảnh Sát Giao Thông.
Lập tức bản công bố này được dư luận đồng tình bàn tán râm ran suốt
tuần nay. Đúng là thứ tin tức nóng nhất trên khắp các ngả đường trong
toàn quốc đến khắp các hè phố.
Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 20-11 đã công bố
kết quả điều tra xã hội học “Tham nhũng nhìn từ góc nhìn của công chức,
người dân và doanh nghiệp” do hai bên phối hợp thực hiện. Tôi xin tóm
tắt đôi điều về bản công bố này:
Bốn ông tham đứng đầu bảng và bốn ông cuối bảng
Kết quả khảo sát cho thấy, tham nhũng là một trong 3 vấn đề được quan
tâm nhất của dư luận, tiếp theo là mối quan tâm về giá cả sinh hoạt rồi
đến an toàn thực phẩm.
82% người được hỏi cho rằng tham nhũng phổ biến hoặc rất phổ biến ở
phạm vi toàn quốc. Hơn 75% người được hỏi cho rằng tham nhũng là một vấn
đề nghiêm trọng, 45% cán bộ công chức (CBCC) chứng kiến hành vi tham
nhũng, 44% doanh nghiệp và 28% người dân trả chi phí không chính thức.
Cuộc khảo sát được tiến hành ở 10 tỉnh, TP và các vùng đô thị của
Việt Nam, nơi diễn ra nhiều hoạt động kinh tế – xã hội và cũng là nơi
được cho là có nguy cơ tham nhũng cao: Hà Nội, TP Sài Gòn, Sơn La, Hải
Dương, Đồng Tháp, Nghệ An, Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng, Hải Phòng và Cần
Thơ. CBCC của 5 bộ Giao thông vận tải, Xây dựng, Công Thương, Tài nguyên
– Môi trường, Tài chính được mời tham gia khảo sát.
Đại diện các cơ quan khảo sát công bố kết quả
Theo đại diện nhóm nghiên cứu, có tất cả 2.601 người dân, 1.058 doanh
nghiệp (DN) và 1.802 CBCC được khảo sát. Kết quả cho thấy trên 75% số
người trong cả 3 nhóm được phỏng vấn cho rằng tham nhũng trong ngành
Cảnh Sát Giao Thông (CSGT), quản lý đất đai, hải quan và xây dựng là phổ
biến nhất (tức là nhiều nhất). Bốn ngành, lĩnh vực ít tham nhũng nhất
là bưu điện, báo chí, kho bạc và cảnh sát khu vực.
Hai ý kiến của cơ quan “chức năng” hay là sự bênh vực làm dịu bớt cơn nóng
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng cho rằng kết quả điều tra
đã phản ánh nhiều nội dung liên quan đến vấn đề tham nhũng như nhận
thức, cảm nhận, trải nghiệm thực tế và cả mong muốn, kỳ vọng của người
tham gia khảo sát. Tuy nhiên, ông Lượng nhấn mạnh do có những hạn chế
nhất định nên kết quả cuộc khảo sát lần này không đại diện cho ý kiến
của tổng thể nhân dân, doanh nghiệp (DN) và đội ngũ CBCC; cũng chưa phản
ánh một cách toàn diện, đầy đủ, chính xác về thực trạng tham nhũng,
công tác phòng chống tham nhũng ở Việt Nam. Ông Lượng nói: “Kết quả khảo
sát có ý nghĩa để các cơ quan hoạch định chính sách về phòng chống tham
nhũng tham khảo, phục vụ công tác nghiên cứu nhằm hướng tới mục tiêu
ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tình trạng tham nhũng”.
Bức tranh chưa chuẩn về CSGT
Nói với phóng viên Báo NLĐ chiều 20-11, một lãnh đạo Tổng cục Cảnh
sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an) cho biết
mới nắm được thông tin về cuộc khảo sát qua Thanh tra Chính phủ. Tuy
nhiên, vị này cho biết đến giờ vẫn chưa hiểu việc điều tra được tiến
hành như thế nào, số liệu ra sao. Nếu kết quả điều tra chủ yếu dựa vào
việc lấy ý kiến phản ánh của người dân thì tính chính xác sẽ không cao.
Người dân phải đi lại trên đường hằng ngày, “đụng chạm” với lực lượng
CSGT thường xuyên thì không tránh khỏi những suy nghĩ thiếu thiện cảm.
Hơn nữa, việc tuyên truyền còn hạn chế đã khiến người dân chưa hiểu hết
nỗi gian nan, vất vả mà các anh CSGT gặp phải khi tuần tra, kiểm soát
trên đường.
Người dân điểm mặt tham nhũng
Mặc dù đối với dư luận, báo cáo kết quả khảo sát xã hội học cho thấy
“Tham nhũng từ góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công
chức, viên chức” thật ra chẳng có gì mới lạ. Nhưng nó lại rất được hoan
nghênh bởi xưa nay biết vậy mà không ai dám đụng vào! Kinh nghiệm cho
thấy, đụng vào “mảnh đất mầu mỡ ấy”, thường là bị trả thù thì “không
chết cũng bị thương”. Cho nên dân vừa sợ tham nhũng vừa chán, nên cứ “im
lặng là vàng”. Bây giờ nhân dịp này, dư luận mới nổ tung như cái lò
“súp de” bùng nổ. Qua tất cả các trang báo viết, báo mạng, cơ quan
truyền thông… đã có hàng ngàn ý kiến đại diện cho hàng triệu ý kiến của
người dân. Tuy vậy cũng có những ý kiến khác của người dân chưa hoàn
toàn đồng tình về sự “xếp hạng” này. Xin dẫn chứng:
- Bác Tư Cổ không đồng ý việc xếp hạng CSKV:
Cảnh sát khu vực (CSKV) không tham nhũng? Đăng ký sổ tạm trú dài hạn
“chi” hết 2 chai! (Tôi xin giải thích ngay, tiếng lóng “k” có giá trị là
1 ngàn thí dụ 50k tức là 50 ngàn đồng VN; “chai” có giá trị là một
triệu đồng VN, thí dụ 2 chai là 2 triệu đồng; “vé” là 100 Mỹ kim).
Nhà có sản xuất nhỏ hàng tháng “trà nước” cho CSKV 500k! Không có là
bị kiểm tra hoài. Mua bình Phòng cháy chữa cháy (PCCC) ngoài tiệm 180k,
ảnh hổng chịu, để ảnh bán giống đến từng vết trầy 350k, tết “lì xì” 1
chai thì qua năm mới được vui vẻ! Tôi ở SG 17 năm rồi! Qua nhiều nhiệm
kỳ CSKV! Anh nào cũng thế!
- Bác có nick name là Hale cho rằng kết quả khảo sát chưa sát:
Theo tôi, kết quả khảo sát trên không sát thực tế. Tôi đồng ý với bạn
Hong với con số 99,9% với việc cố tình gây khó khăn trong giải quyết
các thủ tục, đặc biệt là thủ tục nhà đất là rất phổ biến. Họ cố tình làm
khó cho đến khi phải nhờ dịch vụ làm mới xong, một cách hối lộ gián
tiếp. Tại Quận 12 Tp. HCM tôi đã có kinh nghiệm này. Khi vào làm việc
với Phòng Địa chính trong khuôn viên UBND Quận. Với cùng bộ hồ sơ, tôi
bị từ chối thì ngay sau đó tại văn phòng tư vấn giấy tờ Đô Thành ngay
cổng UBND, nhân viên tại đây thông báo là hồ sơ của tôi đủ hết rồi, chỉ
cần làm giấy ủy quyền và trả tiền dịch vụ là có kết quả trong vòng 2
tuần, và họ làm được thật!
- Bác Nguyễn Văn Tâm tính toán từ kinh nghiệm thực tế của bác:
Tôi có một dự án nhỏ mà tiền lót tay từ cấp huyện lên tỉnh để thông
qua dự án đã mất gần 500 triệu đồng, từ phòng địa chính , tới chủ tịch,
bí thư huyện. Rồi sau đó là các sở tài nguyên môi trường, sở kế hoạch
đầu tư, sở xây dựng, trưởng phó phòng các sở trên, rồi tới ông phó chủ
tịch, bí thư tỉnh. Không đút lót thì dự án không thể thông qua dù nó bảo
đảm đúng luật và thủ tục. Số tiền đó nếu tôi đầu tư vào khoa học công
nghệ, vào đào tạo nhân lực hoặc thuê nhân lực chất lượng cao thì chắc
chắn sẽ hiệu quả hơn gấp ngàn lần. Đừng hỏi tại sao các doanh nghiệp
Việt Nam không thể phát triển, mãi mãi vẫn là doanh nghiệp còi. Tôi thật
sự thất vọng với môi trường kinh doanh ở Việt Nam và chắc chắn các nhà
đầu tư FDI đang lần lượt rời bỏ Việt Nam cũng nghĩ như vậy. Tham nhũng ở
Việt Nam thật là khiếp!!!.
Còn 5-6 ông tham nhũng cần được “thăng hạng” nữa
Đây là điều trái với phản ứng thường trực trước đây, khi dư luận luôn
bày tỏ nghi ngờ các kết quả khảo sát do chính phía các cơ quan chức
năng VN thực hiện. Bởi nhìn từ phía người dân thì đa phần chỉ thấy… tô
hồng: Thành tích là chính, khuyết điểm là phụ mà có khi còn… bói không
ra điểm yếu. Lần này lại “bói” ra nhiều quá, nhưng vẫn còn thiếu:
- Bác Hoàng Văn Hoan nhận định:
Đánh giá trên đúng được 70%. nhưng tôi đánh giá cao vì bài viết dám
nói thật. Tôi xin đưa ra thêm một số ngành tham nhũng đứng ngay sau 4
ngành đó nữa là: Thuế, ngành Y, giáo dục, giới chức chính quyền, ngân
hàng, quản lý thị trường, bảo hiểm. Tôi đồng ý quan điểm: Ngành bưu điện
ít tham những nhất nhưng không phải là không có đâu. Còn đứng đầu tham
nhũng thì đúng như báo cáo nêu….
Còn rất nhiều ý kiến khác đưa ngành này, cơ quan kia vào hàng tham
nhũng “cỡ bự”, không thể kể hết. Nhưng tuyệt đối không có ý kiến nào nói
ngành này, cơ quan kia không có tham nhũng.
Có người còn kể rằng đến phu đổ rác cũng tham nhũng. Bác ta mang xe
nhặt rác đến trước cửa quán ăn hay quán cà phê để từ sáng đến trưa thì
còn ai dám vào nữa. Lại phải “chi” mới xong.
- Bác Ngọc Tú lại kết luận gọn lỏn:
Đã có ai thống kê ra con số cụ thể trên toàn quốc với toàn bộ các
ngành chưa ? Tôi thấy có lẽ chỉ có làm nông và buôn bán ve chai là không
tham nhũng thôi, chứ chắc chẳng có ngành nào, người nào có cơ hội mà
không tham nhũng cả. Và cũng chẳng thể nào biết được ai “ăn” nhiều hơn
ai, vì nếu biết thì người đó chắc chắn phải ở tù rồi. Nói chung là không
thể biết rõ được “ma ăn cỗ” thế nào và lúc nào cả đâu!
- Bác Công Dân buồn một, đau mười, bác diễn tả tâm trạng… ai oán của mình:
Tôi hoàn toàn nhất trí với nhận xét trên và rất hoan nghênh những
cuộc khảo sát như vậy. Cho dù còn thiếu chính xác đi chăng nữa thì cũng
là dư luận xã hội, ít nhiều phản ánh đúng thực trạng tham nhũng rõ ràng
là đang tràn lan ở nước ta hiện nay. Là người sử dụng xe hơi đi làm xa,
tôi thường xuyên tiếp xúc với CSGT. Những người theo khẩu hiệu là “Con
em nhân dân, thức cho dân ngủ, gác cho dân vui chơi”, những người “Đối
với dân phải kính trọng lễ phép”. Nhưng mỗi khi bị CSGT dừng xe là đa số
dân đã thấy khó chịu, bởi vì nếu không vi phạm thì cũng mất thì giờ.
Còn nếu vi phạm thì là gặp “hạn”. Khi đó CSGT rất trịch thượng, hống
hách, hạch sách…thôi thì đủ chiêu với mục đích cuối cùng để đi đến thoả
thuận “chặt đôi” tiền phạt, hoặc chí ít cũng mặc cả ” tự xử”. Và khi đó
để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại (thời gian, công sức, tiền bạc…),
với bản năng người vi phạm sẽ chọn “chặt đôi”.
Như vậy Nhà nước sẽ mất một khoản thu, người vi phạm mất 1/2 số tiền,
chỉ có CSGT là được lợi. Nhưng họ có biết đâu là đã ngày càng đánh mất
đi hình ảnh đẹp đẽ của lực lượng mình trong mắt người dân. Đến giờ ít ra
tôi cũng đã đưa tiền cho CSGT Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình,
Hải Dương…(biết làm như vậy là chưa đúng nhưng tại sao vẫn phải làm thì
chắc ai cũng hiểu). Lúc đưa tiền tôi buồn một, đưa tiền xong tôi cảm
thấy đau mười vì những lời nói, cử chỉ, hành vi của CSGT. Ví dụ: “Sáng
ra gặp bác mở hàng thế này thì buồn”, “Để tiền vào sổ Đăng kiểm rồi cầm
ra”, “ À này, sao ông đưa ít vậy?”, “À thông cảm nhé, chỉ tiêu… giao cao
quá, những hơn 9 tỷ năm nay”, “Ông này nhố nhăng, đưa tiền cũng phải có
cách chứ, ra sau xe kia”… Rồi… giật tiền, vo viên trong lòng bàn
tay… Thật buồn quá đi thôi, và đôi lúc vì không nén lòng được nữa, tôi
cũng to tiếng lại với CSGT sau khi đã đưa tiền…”
Từ nghị định 34 đến nghị định 71
Bác Lê Phương liên hệ tham nhũng với nghị định 71:
Rất nhanh nhạy, người dân đã có ngay mối liên hệ từ kết quả khảo sát này
với “quả bom tấn” mang tên “Nghị định 71″ vẫn đang khiến dân tình mất
ăn mất ngủ vì lo lắng. Để rồi chẳng biết làm gì hơn là đành vẫn cố tự
trấn an mình…
Khảo sát xong rồi có biện pháp gì không mới là vấn đề. Bởi thực ra
hiện trạng này quá là phổ biến. Một điều mà bất kỳ người có nhận thức
nào cũng hiểu rõ….
“Trước đây cũng đã có kết quả thăm dò ý kiến cho thấy tới 99% người
được khảo sát cho rằng CSGT nhận hối lộ, chiếm tỉ lệ rất cao. Liên hệ
với tình hình mới nhất liên quan tới lĩnh vực giao thông, tôi thấy người
tham mưu ban hành Nghị định 34 đã kém, giờ lại tới Nghị định 71 càng
cho thấy khả năng hiểu biết về pháp luật và thực tế VN rõ ràng là kém
hơn. Quản lý không được nên đưa ra mức phạt tiền cao, nhưng nhận thức
của người dân về pháp luật khi tham gia giao thông vẫn không thể vì thế
mà cao hơn. Người dân chỉ sợ mức phạt thôi, lỡ vi phạm mất cả tấn lúa.
Bên cạnh đó, khả năng tạo điều kiện cho tham nhũng sẽ nhiều hơn…”
Nghị định 71 là gì và ảnh hưởng của “quả bóm tấn” này đang khiến
người dân có xe hơi và xe gắn máy không “chính chủ” hết sức lo ngại. Dư
luận đang sôi sục không kém chuyện CSGT. Nhưng mọi chuyện hiện nay chưa
rõ ràng. Phía “cơ quan chức năng” cũng còn nhiều ý kiến khác nhau. Hy
vọng sẽ tìm ra được một giải pháp mới để người dân khỏi gọi các cơ quan
hành chính bằng cái khẩu hiệu: “hành dân là chính”.
Tôi trở lại những vần đề này và những vấn đề nóng bỏng như đã nói ở trên vào kỳ tới./.
Văn Quang – Viết từ Sài Gòn, ngày 23.11.2012
0 comments:
Post a Comment