Wednesday, May 11, 2011

Chạy làng!!!

“Những năm 1980, Nhà nước thực hiện chính sách đưa đất dân khai hoang vào tập đoàn để nhường cơm sẻ áo. Biết là người dân có thiệt thòi nhưng mong bà con thông cảm với chủ trương chính sách của Nhà nước. Luật Đất đai hiện hành quy định là không xem xét trả đất cũ”. - Nghiêm Sĩ Minh - Phó Cục trưởng Cục III Thanh tra Chính phủ.

*

“Ba mặt một lời”, chấm dứt khiếu nại kéo dài

Phó Cục trưởng Cục III Thanh tra Chính phủ: tỉnh Long An cần sớm báo cáo Thủ tướng để có chính sách tính toán thành quả, công khai phá của người có đất đưa vào tập đoàn trước đây.

“Buổi đối thoại này là để lắng nghe nguyện vọng của các hộ dân để các ban ngành trung ương xem xét, báo cáo Thủ tướng chỉ đạo giải quyết dứt điểm khiếu nại của công dân”. Ông Nghiêm Sĩ Minh, Phó Cục trưởng Cục III Thanh tra Chính phủ, mở đầu như trên tại buổi đối thoại với 43 hộ dân tỉnh Long An sáng 10-5. Đây là buổi làm việc theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng về việc giải quyết khiếu nại kéo dài các hộ dân, có đại diện Thanh tra Chính phủ, trụ sở tiếp công dân trung ương Đảng, Thanh tra Bộ Tài Nguyên và Môi trường và UBND tỉnh Long An tham dự.

Không thể “cấp không” đất

Bà Huỳnh Thị Cuộc, thị trấn Vĩnh Hưng thắc mắc: “Năm 1979, UBND huyện Vĩnh Hưng quy hoạch 2.400 m2 của gia đình tôi làm mục đích công cộng nhưng sau đó không thấy cấp đất gì”. Ông Dương Quốc Xuân, Chủ tịch UBND tỉnh, trả lời: “Gia đình bà đã được cấp tổng cộng năm lô đất nền (giá từ 25 triệu đến 30 triệu đồng/lô 70 m2) chứ đâu phải không cấp”. Bà Cuộc lại hỏi: “Các ban ngành huyện, tỉnh hứa sẽ cấp đất nhưng tôi phải mua chứ không được cấp?”. Một số hộ dân cũng thắc mắc việc “mua hay cấp”, ông Trương Văn Điệp, Chủ tịch huyện Vĩnh Hưng, giải thích: “Các hộ dân được giao lô đất nền thì phải trả tiền sử dụng đất và san lấp mặt bằng chứ không thể “cấp không”. Thực chất giá đất nền là giá ưu đãi và người dân được trả chậm. Trong những năm qua, theo chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ đã có 22 hộ được giao đất nền với giá ưu đãi”.

Nhiều giãi bày, thắc mắc được nêu ra tại buổi đối thoại. Ảnh: NĐ

Ông Trần Văn Mỹ ngụ xã Vĩnh Trị, Vĩnh Hưng phản bác báo cáo của huyện rằng ông có đất sản xuất nhưng đã chuyển nhượng cho người khác. Ông Mỹ trình bày: “Tôi cho mượn đất nhưng sau đó người mượn bán cho người khác. Tôi đi khiếu nại nhiều năm nhưng người ta chưa trả”. Ông Dương Quốc Xuân đã yêu cầu các ban ngành của huyện rà soát lại số đất sản xuất của ông Mỹ để có hướng giải quyết.

Không giải quyết khiếu nại đòi đất tập đoàn

Hầu hết 34 hộ dân tại huyện Vĩnh Hưng (Long An) đều khiếu nại việc đất do gia đình khai phá từ trước giải phóng được đưa vào tập đoàn sản xuất, hợp tác xã, mục đích công cộng những năm 1980. Nhiều hộ dân thắc mắc: khi các tập đoàn sản xuất giải thể, sao Nhà nước không giao lại cho người dân đã khai phá, nếu không cấp lại thì phải có hình thức hỗ trợ. Bà Âu Thị Phú, khu phố Bàu Sậy, thị trấn Vĩnh Hưng, nêu ý kiến: “Tôi muốn cấp lại 5 ha trước đây đưa vào tập đoàn, sau đó lại cấp cho các cán bộ khác trong khi bản thân tôi không có đất sản xuất. Gia đình tôi có chín người con đều không có đất sản xuất”. Bà Võ Thị Hà, thị trấn Vĩnh Hưng nêu: “Tôi đề nghị tỉnh xem xét cấp đất cho gia đình tôi vì gia đình tôi phải mua đất nền để cất nhà chứ địa phương không cấp gì”.

Ông Nghiêm Sĩ Minh - Phó Cục trưởng Cục III Thanh tra Chính phủ giải thích: “Những năm 1980, Nhà nước thực hiện chính sách đưa đất dân khai hoang vào tập đoàn để nhường cơm sẻ áo. Biết là người dân có thiệt thòi nhưng mong bà con thông cảm với chủ trương chính sách của Nhà nước. Luật Đất đai hiện hành quy định là không xem xét trả đất cũ”. Ông Dương Quốc Xuân - Chủ tịch tỉnh nói rõ: theo Luật Đất đai năm 1993 thì đất cũ vô tập đoàn trước đây cũng không được trả lại. “Tôi làm lãnh đạo tỉnh mà dân không có đất sản xuất thì cũng ray rứt lắm. Địa phương luôn cố gắng giải quyết những trường hợp không có đất sản xuất. Tuy nhiên, đất vô tập đoàn trước đây thì theo luật không giải quyết được”.

“Ghi nhận rồi để đó cũng bằng không!”

Khi bị một cán bộ ngắt lời vì nói dài, bà Phạm Thị Đẻn (ngụ thị trấn Vĩnh Hưng) nói: “Đối thoại thì phải cởi mở chớ, tui xin được trình bày rõ cho các cán bộ trung ương, địa phương biết”.

Ông Dương Quốc Xuân, Chủ tịch tỉnh Long An, nói: “Sẽ ghi nhận ý kiến của chị, việc chị vậy rồi chưa?”. Bà Đẻn nói ngay: “Ghi nhận rồi để đó cũng bằng không!”. Ông Xuân bèn giải thích: “Chị nói vậy không đúng, chúng tôi ghi nhận ý kiến của bà con để báo cáo Thanh tra Chính phủ và ban ngành trung ương có ý kiến giải quyết dứt điểm theo pháp luật”.

Khi dân chưa đồng ý với cách giải quyết của các ban ngành thì chúng ta cần phải xem lại để giải quyết thấu đáo. Chúng ta là cơ quan của Nhà nước thì cần phải suy nghĩ thêm hướng xử lý để đề xuất báo cáo Thủ tướng chỉ đạo giải quyết dứt điểm khiếu nại của dân. Tôi đề nghị với UBND tỉnh Long An sớm có báo cáo Thủ tướng để có chính sách tính toán thành quả lao động, công khai phá của những người dân có đất đưa vào sản xuất tập đoàn trước đây. Tôi cũng sẽ báo cáo với Tổng thanh tra Chính phủ để có hướng chỉ đạo, xử lý dứt điểm.

Ông NGHIÊM SĨ MINH,
Phó Cục trưởng Cục III Thanh tra Chính phủ

NGUYỄN ĐỨC - THANH HUY

http://phapluattp.vn/20110510105648163p0c1013/ba-mat-mot-loi-cham-dut-khieu-nai-keo-dai.htm

0 comments:

Powered By Blogger