Nguyễn Thị Thanh Bình (Danlambao) - Nhà văn Dương Thu Hương không những đã trả lại đúng tên gọi cho Sài Gòn, Hòn Ngọc Viễn Đông năm xưa, mà tác giả cuốn truyện dài gây chú ý "Thiên Đường Mù" cũng đã nhỏ lệ bên hè phố Sài Gòn khi nhận ra mình đã bị đánh lừa và tọng đầy những chiếc bánh vẽ như sau:"Khi vào đến Sài Gòn, chúng tôi mới hiểu rằng XH Miền Bắc là một XH cấu trúc man rợ: mỗi tháng được nhà nước phát cho từng bó cỏ, con "người" không còn là người nữa, mà dưới người!"
Và rồi bây giờ chúng ta lại ngồi đây, để nghĩ về 30/4/75 với một tâm cảm đáng ra phải như thế nào? Liệu sau 43 năm đã quá đủ, để những con người của ngày hôm ấy đã không còn trẻ nữa, hoặc đã già nua cho ngày hôm nay vẫn cứ hãnh tiến xuẩn ngốc rầm rộ ăn mừng chiến thắng, trên những quặn đau, tan hoang, mất mát của toàn dân hai miền Nam Bắc lòng người vẫn ly tán?
*
Nhà thơ Hoàng Vi Kha: Nghĩ về 30 tháng 4: trả lại sự thật của lịch sử để học lấy những bài học vô giá về các chủ thuyết mị dân, không thực tế, về tầm quan trọng của nền dân chủ, tự do trong xã hội và vai trò / vị trí tương quan trên trường quốc tế.
Rầm rộ ăn mừng chiến thắng chính là: 1. hành động chứng minh “hòa hợp, hòa giải” chỉ là ngụy ngữ, 2. tiếp tục nhồi sọ người dân và thế hệ sau những luận điệu tuyên truyền, bẻ cong lịch sử để nhằm tự tôn vinh và củng cố quyền lực cai trị, 3. tiếp tục làm băng hoại nền đạo đức nhân bản thay thế bằng kiểu đạo đức giả (như tràn lan các mặt hàng giả hiện nay) từ đó sản sinh là những kẻ phục tùng / toa rập vì quyền lợi.
Nguyễn Thị Thanh Bình: À... vậy thì bạn có nhớ ngày hôm đó 30/4 (phải gọi đúng tên gọi là gì nhỉ, hay có khi chỉ là những vần thơ Tháng Tư Đen mà bạn muốn chia sẻ?) khi Miền Nam VN bị đồng minh bỏ rơi và thất thủ, trong khi Miền Bắc VN thì cứ một mực vượt Trường Sơn, vạch dòng Bến Hải ngăn chia để xé rào tràn vào "đánh cho Mỹ cút Ngụy nhào" hoặc "đánh cho chết đến người Việt Nam cuối cùng" thì toàn cảnh lịch sử đó, bạn đã ghi nhận được những gì, và lúc đó bạn cùng gia đình đang làm gì, ở đâu và ra sao? Chắc bạn còn nhớ cảm giác của mình hoặc gia đình ngày hôm ấy, rồi thì những ngày sắp đến và đã đến sau đó của thời điểm ấy, bạn đã sống như thế nào?
Nhà thơ Hoàng Vi Kha: Nhớ cái gian ác xảo quyệt đầu tiên: “đem theo vật dùng cho 30 ngày”. Khi từ giã ra đi, cha dặn dò “mỗi ngày xé 1 tời lịch, đếm đúng 30 tờ thì cha về”. Nhưng cha đi “mút mùa lệ thủy” 10 năm thay vì 30 ngày.
Từ sau đó là những chuổi dài liên tục của thống trị bằng gian ác, xảo quyệt và bạo lực.
Nguyễn Thị Thanh Bình: Thật ra để phải mở lại lòng mình như mở lại những trang ký ức buồn bã xót xa, hoặc nhiều phần là không vui nổi, những người bên này hoặc bên kia chiến tuyến không lẽ cho đến lúc này không nhận ra được lời thú tội phũ phàng của Lê Duẩn: “Ta đánh đây là đánh cho Nga cho Tàu”? Và như thế, khi lật lại những trang quân sử đớn đau bi tráng của 30/4, hay mới đây là mốc điểm tưởng niệm của “50 năm thảm sát Mậu Thân Huế”, liệu có làm chúng ta tự hỏi đã đến lúc mình cần phải hành xử như thế nào để xứng đáng đáp đền linh hồn của những anh linh VN?
Nhà thơ Hoàng Vi Kha: Thế hệ trước: Chép lại / kể lại / truyền lại những sự thật / sự kiện của cuộc chiến. Chép lại / kể lại / truyền lại những nền mống xây dựng một xã hội dân chủ, xây dựng những con người đầy nhân bản / nhân văn. Chép lại / kể lại / truyền lại những kinh nghiệm / những sai lầm đều là những bài học đã đổi bằng bao xương máu nhưng sẽ tránh được bao máu xương phải đổ về sau.
Thế hệ sau: Mở tâm để hiểu, để cảm thông, để khơi và giữ tình “đồng bào”, tình đất nước. Mở trí để sáng suốt nhìn vào di sản sự thật / lịch sử / bài học từ ông cha từ thế giới / kiến thức nhân loại và soi vào hành trình tương lai. Mở gan dạ để tiếp nhận, gánh vác, bước tiếp.
Khi đem lại tự do, dân chủ, độc lập cho Việt Nam là khi đáp-đền / tẩy gội oan khiên được cho linh hồn của những người đã chết cho tự do, dân chủ, độc lập.
Nguyễn Thị Thanh Bình: Nhiều quý vị trong chúng ta nói rằng, những con dân gốc Việt ở quê người không phải là không có tấm lòng cho quê hương mà hẳn nhiên là trái lại, có điều họ quên mất vai trò của mình là đã được quá an toàn tự do, khi kêu gọi những người dân thấp cổ bé miệng ở quê nhà phải biết hành động đứng lên đòi lại tự do cho chính mình. Nếu đồng bào ở ngoài nước chỉ đóng vai làm người ủng hộ, và hơn thế nữa cũng chẳng có cơ hội gì để có thể mong muốn xây dựng phát triển đất nước mình một cách thiết thực. Vậy theo bạn chúng ta phải làm gì để góp phần vào công cuộc dân chủ hóa một đất nước đã ù lì, lì lợm không hề muốn rủ bỏ thay đổi, khi mà chính Mahatma Ghandi, thủ lãnh của đường lối BBĐ cũng đã nói: “Hãy trở thành chính sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này”? Thử hỏi bạn có muốn được làm một nhà văn chân chính hay đơn thuần là một công dân đúng nghĩa đang muốn lên tiếng cho những thao thức trăn trở cần thiết, cho một đất nước đang có quá nhiều thiếu vắng về quyền được nói, được tỏ bày biểu đạt của tự do ngôn luận, tự do báo chí?
Nhà thơ Hoàng Vi Kha: Tuổi trẻ tại hải ngoại: sanh / trưởng tại các quốc gia có nền tự do, dân chủ họ được giáo dục từ nhỏ rằng: Freedom is not Free. Không thể trông chờ vào ai mà chính mình phải tự đấu tranh cho điều mà mình mong cầu. Trong bóng tối trước tiên phải tự khơi lên ngọn lửa thì người ngoài bóng tối mới nhìn thấy mà tương trợ. Do vậy, ở bất kỳ nơi nào, để có thay đổi / cách mạng / chuyển hóa cũng là do người trong nước đóng vai trò chủ động và chính.
Tuổi trẻ tại hải ngoại hấp thụ được các luồng tư tưởng tự do, tự chủ thì cần trau dồi thêm tình tự dân tộc / cội nguồn. Đây lại là điều truyền lại từ thế hệ đi trước. Tình yêu dành cho đất nước Việt Nam, cho người Việt Nam cần phải có sự “đầu tư” đúng của thế hệ đi trước (gia đình luôn quan trọng) và của thời gian gắn bó để bồi đắp.
Tuổi trẻ / thể hệ người Việt tại hải ngoại vẫn có rất nhiều cách để tiếp tay / hổ trợ / đồng hành với người Việt trong nước. (khai trí / lá phiếu cử tri tại nước sở tại / tham chính / luật pháp quốc tế / truyền thông v.v... rất nhiều hình thức để giúp và đấu tranh thì phải đa diện, linh động / linh hoạt không chỉ ở một mặt trận).
Nguyễn Thị Thanh Bình: Còn một câu hỏi chót, và câu này dường như được gợi ý từ câu nói rất đậm đà ý nghĩa của một Thiếu tướng khá trẻ và tài giỏi của quân lực Hoa Kỳ, hiện được biết đang đóng quân ở Nam Hàn, xin hân hạnh không chỉ muốn được hỏi Tướng Lương Xuân Việt rằng: Liệu có phải Thiếu tướng muốn nhắn nhủ điều gì thầm kín với tuổi trẻ Việt Nam khi thổ lộ: “… tôi cũng rất may là đã mang dòng máu dân tộc vốn có 4000 năm văn hiến, và trong máu tôi có dòng máu của Quang Trung, Lê Lợi, Trần Hưng Đạo và Ngô Quyền:? Phải chăng tuổi trẻ Việt Nam lúc này đã không còn được dạy dỗ môn học lịch sử ở trường lớp, để được ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc nên dần dà đã lãng quên cả những giấc mơ nhỏ nhoi được làm người, nói chi đến (giấc) “Mơ Làm Người Quang Trung” như thông điệp gởi gấm của một tựa sách Duyên Anh, khi đất nước đang đến hồi lâm nguy và tháng 4 đen với những bản án nặng nề của những tù nhân lương tâm gia tăng ở mức độ khùng. Không lẽ chúng ta không đồng ý là chế độ độc tài CSVN đã thua sạch sành sanh trong Hòa Bình, và ai sẽ là người phải biết hóa giải lòng mình trước hết?
Nhà thơ Hoàng Vi Kha: Sự thờ ơ / vô cảm / hèn nhát ở ngày hôm nay là hậu quả của những chuổi dài liên tục việc “trồng người mới XHCN” của kẻ thống trị. Cho nên, cần vun trồng lại nhân bản, đức / trí / thức, vun trồng lại từ trong mỗi gia đình. Cần tạo nhiều những liên kết, từ ít tới đông hơn, tới lớn hơn để trở thành nguồn lực bảo vệ chân lý / chân thiện mỹ, đối đầu với những âm mưu / thế lực phá hoại và đàn áp con người. Khi có nhiều những người như thế tức sẽ tự nhiên có lại những Trưng Vương, Ngô Quyền, Hưng Đạo, Quang Trung... và có lại / xây nên một đất nước độc lập, phú cường, có khả năng đương đầu với bất kỳ kẻ xâm lược nào.
Những bản án nặng nề ấy chỉ chứng tỏ nỗi sợ hãi của bạo quyền. Khi chỉ vài người / vài chục người thì bạo quyền có thể dễ dàng đàn áp / bắt bớ. Nhưng khi tăng thành hàng ngàn / chục ngàn / triệu người thì chắc chắn sẽ không còn “tù nhân lương tâm” vì bạo quyền sẽ không còn có thể tồn tại.
*
Trả lời của nhà thơ Lưu Trọng Văn:
Thể theo lời yêu cầu của nhà thơ Lưu Trọng Văn, xin coi đây là câu trả lời cho các câu hỏi ở trên:
Tôi nghĩ chúng ta cùng khép lại quá khứ. Tôi không thể trả lời các câu hỏi này vì tôi không thể và không muốn đứng về bên này hay bên kia khi cả hai bên trong quá khứ và có thể cả trong hiện tại ấy chỉ là một- máu thịt của tôi, và sẽ mãi mãi là một trong tương lai mà chúng ta cùng phấn đấu vì một dân tộc, một quốc gia hùng cường.
*
Trả lời của nhà văn Liêu Thái:
1. Có một điều dễ nhận biết, sau gần nửa thế kỉ trôi qua, những gì nhà văn Dương Thu Hương từng nói có vẻ như cũ đi về mặt chữ nghĩa nhưng vẫn mới về mặt nội dung. Câu chuyện ăn mừng của “bên thắng cuộc”, tôi nghĩ điều này hoàn toàn phụ thuộc vào tầm nhận thức cũng như vốn liếng nhân văn của mỗi chế độ chính trị. Tôi có một người cậu ruột là liệt sĩ Cộng sản và cha tôi là một sĩ quan cấp Tá quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Và cho đến bây giờ, trước lúc vĩnh biệt con cháu, bà Ngoại tôi vẫn đau đáu không tìm được nắm xương của con mình cũng như bản thân tôi, hơn 40 tuổi vẫn thèm được cảm giác cha gọi cho cái bánh vì ông rời bỏ mẹ tôi lúc tôi mới 4 tháng trong bụng mẹ để chạy trốn nỗi sợ vô hình sau 1975 (có thể ông sợ tôi liên lụy sau này chăng!?). Chiến tranh, đó là nỗi đau khốc liệt, tàn nhẫn. Nhưng đùa vui, reo mừng trước đống tro chiến tranh là một trò đùa thiếu nhân tính.
2. Tôi không có ký ức về ngày 30 tháng 4 bởi tôi sinh sau mốc lịch sử này, những gì cảm nghiệm về thời điểm ấy, với tôi chỉ thông qua sách vở, tư liệu. Nhưng điều đó không có nghĩa là tôi thiếu thực chứng. Bởi thời thơ ấu của tôi là thời của (xin lỗi) cứt trẻ con còn nguyên hạt bo bo, hạt kê hay hạt ngô mẻ. Và những người thương binh phía bên kia chống nạn đi xin ăn ở các bến xe, họ bị hất hủi, đau khổ, họ không có lối thoát. Thực sự, đó là chấm đen khó phai trong não trạng tôi. Và đáng sợ hơn là tôi từng chứng kiến mẹ tôi chửi những kẻ “trở cờ”. Bà từng chửi người anh chú bác ruột của bà về việc trước 1975, ông là một viên chức VNCH, sau 30 tháng 4, ông ta mặc áo quần bộ đội, mang súng đi kiếm kê tài sản từng nhà… Trong đó, ông cũng không quên “tẫng” luôn lý lịch gia đình liệt sĩ của bà Ngoại tôi (bởi ông cầm giấy báo tử của chi khu gửi về cho bà ngoại tôi và đi khai cho chính gia đình ông, hiện tại, ông vẫn đang hưởng chế độ dành cho thân nhân liệt sĩ mặc dù ông không phải ruột thịt). Và đương nhiên, ông ta không phải là Cộng sản nằm vùng, ông ta chỉ là kẻ “trở cờ” trong khuynh hướng phù thịnh của một kẻ giảo hoạt. Hiện tại, cuộc đời ông ta cũng chẳng mấy hay ho gì, nghĩa là một kết cục bi đát. Nhưng trả giá cho cái kết cục bi đát của kẻ trở cờ là hàng trăm số phận bị vùi dập để rồi chính y cũng chả ra gì. Và hình như thời nào cũng có kẻ trở cờ theo nghĩa này hoặc nghĩa khác!
3. Câu hỏi rất hay và mang nhiều gợi mở. Nhưng có vẻ như người đặt câu hỏi kì vọng quá lớn vào số đông nhân dân trong lúc những kẻ có thế lực và có khả năng qui tụ đám đông lại rất mê Tàu, mê Nga, hiện trạng đất nước hôm nay đã cho thấy Lê Duẩn nói đúng. Ông ta nói quá đúng và ông ta cũng nhìn người Việt đầy thực dụng (nhưng sâu sắc, bởi chí ít ông cũng không lý tưởng hóa tâm tính người Việt). Và câu chuyện ngày hôm nay, nếu ai thực sự đau lòng cho dân tộc, sẽ thấy người Cộng sản họ không nói sai, bởi họ đọc ra căn tính dân tộc và vận dụng, bẻ lái nó một cách khôn khéo chứ không nhân văn hay lý tưởng hóa dân tộc. Trên nghĩa này, họ đã đúng và đã thắng!
4. Trích câu hỏi “…Thử hỏi bạn có muốn được làm một nhà văn chân chính hay đơn thuần là một công dân đúng nghĩa đang muốn lên tiếng cho những thao thức trăn trở cần thiết, cho một đất nước đang có quá nhiều thiếu vắng về quyền được nói, được tỏ bày biểu đạt của tự do ngôn luận, tự do báo chí?...”. Theo tôi, một nhà văn chân chính hay không chân chính, điều này thuộc về nhận xét của độc giả và nó phải qua thử thách của thời gian với tác phẩm. Vấn đề chân chính hay “ngụy chữ” không thuộc về lựa chọn đứng bên này hay đứng bên kia mà nó thuộc về tâm tính, hay nói xa hơn chút là lương tri nhà văn. Nếu người viết không viết ra từ những xung động tâm hồn và ray rứt lương tri thì cái anh ta/chị ta/ông ta/bà ta/y/thị… viết ra khó có thể gọi là tác phẩm. Mà rung động hay ray rứt lại thuộc về thế giới của tâm cảm, của bản năng và tư tưởng. Nên chỗ này, nhà văn không thể lựa chọn mà chính văn chương, tác phẩm và lịch sử sẽ xếp họ vào loại người nào, tác giả gì… Họ có muốn sắm vai chân chính nhưng tâm hồn họ lại rặt những mưu toan thì điều ấy có thể che mắt độc giả được vài năm, vài chục năm nhưng không thể lâu hơn. Tôi nghĩ vậy!
5. Tôi là người cầm bút, và điều tối kị của người cầm bút là “mặc cảm AQ”, tôi không bao giờ nói rằng người Cộng sản đã thua sạch sành sanh trong Hòa Bình. Bởi thắng hay thua là do tiêu chí, mục tiêu và lý tưởng đặt ra của mỗi bên. Những người lấy tiêu chí vật dục làm mục tiêu hướng đến thì đất nước rối ren và sợ hãi, nhân dân càng mù mờ về đạo đức cũng như đời sống càng khốc liệt, càng thiếu nhân văn bao nhiêu thì họ chiến thắng bấy nhiêu, bởi đó là mục tiêu họ cần đạt. Và chúng ta, chính những con người lấy nhân bản, khai sáng và dân tộc đặt làm mục tiêu hướng đến của dân tộc đã thua. Chúng ta đã không đạt được mục đích của mình một cách ê chề, đau đớn, đó là sự thật. Chúng ta tự thấy mình thua trong quá khứ và ngay cả hiện tại, tự thấy mình đã quị ngã xuống mặt đường lý tưởng. Để từ đó đứng dậy hoặc là đi tiếp, hoặc là cắn lưỡi giữ khí tiết một cách thinh lặng, không ồn ào.
Phần 1:
Thực hiện:
0 comments:
Post a Comment