Người Đà Lạt Xưa (Danlambao) - Sau 43 năm thống nhất hai miền Nam Bắc, ngày 30/4 vẫn được Nhà Nước Cộng Sản Việt Nam coi như một lễ hội ăn mừng đối với “phe Thắng Cuộc”; và ngược lại, nó được gọi là ngày Quốc Hận tang thương với “phe Thua Cuộc”. Hôm nay, tôi ngồi đây, hai bàn tay vẫn trắng, nhìn lại hành trình 43 năm với một dòng tâm tư nước mắt.
Tôi mở đầu cuộc hành trình này bằng một hồi tưởng lại hình ảnh chiếc trực thăng UH1 mà Thiếu úy Lê Văn Chiếu, thuộc Không đoàn chiến thuật 84 Cần Thơ, đã đáp xuống hàng không mẫu hạm USS Midway, thuộc Hạm đội 7 Hoa Kỳ, vào ngày 30 tháng 4, 1975. Chiếc UH1 đã mang 23 người không chấp nhận đầu hàng đến bến bờ tự do. Tôi nhìn chiếc trực thăng của người Mỹ đã bị xô xuống biển để nhường chỗ cho những gì sẽ đến kế tiếp. Và tôi nhìn những chiếc xe tăng T-54 và họng súng AK47, những sản phẩm của Trung Quốc của Liên Xô, đạp sập cổng Dinh Độc Lập và đạp sập một nền dân chủ mong manh của đất nước tôi. Ngày đó, đất nước tôi đã được thống nhất, nhưng cũng từ ngày đó, dân tộc tôi phải rơi vào một ngục tù tối tăm vĩ đại của thế kỷ.
Trên vùng đất thánh này, nơi bác tôi, cậu tôi và cha tôi đã từng chiến đấu để giữ gìn từng tấc đất ngọn rau, tôi đã thấy những trại tập trung vĩ đại được dựng lên để giam cầm hàng trăm ngàn sĩ quan công chức chế độ cũ. Trên vùng biển sâu bao bọc quê hương tôi, lòng biển đã trở thành nghĩa trang cho hàng triệu người bỏ nước ra đi để tìm lấy tự do nhân bản. Số người chết đuối hay chết vì đói khát trên biển không có thống kê, số đàn bà con gái, là đồng bào của tôi, đã bị cưỡng hiếp giết chết trên biển cũng không có thống kê. Hôm nay, tôi ngồi đây, hai bàn tay vẫn trắng, tôi thấy con đường để đòi lại công lý cho những đồng bào đã hy sinh trên biển khơi vẫn chưa đòi lại được.
Trên vùng đất thánh này, nơi Mẹ tôi đã từng dạy tôi hiểu thế nào là lòng ái quốc, là một điều rất to tát, rất thiêng liêng, vùng đất này đã liên tiếp bị cai quản bởi những tập đoàn của chế độ Cộng Sản độc tài toàn trị, khi thì ôm chân Nga nay thì bợ đít Tàu; và rồi nhà tù lại càng thêm mở rộng để giam cầm hàng trăm hàng nghìn những người yêu nước. Tại sao đất nước tôi đã thống nhất rồi mà lại không có được nền độc lập tự chủ? Đất nước này đã có quá nhiều trại tù cho các cô gái như Lê Thu Hà và Nguyễn Đặng Minh Mẫn, những anh thư như Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và Trần thị Nga và biết bao nhiêu người nữa - những người đã lên tiếng nói bảo vệ chủ quyền biển đảo, nhân quyền và công lý cho Việt Nam.
Và rồi, trên vùng biển Đông, tôi đã thấy hải quân Việt Nam bị bắn giết, đảo đá bị cướp đoạt, tài nguyên bị cướp đoạt, cáp biển bị cắt đứt, ngư dân bị đánh đập và ngư thuyền bị đánh chìm bởi lũ giặc ngoại xâm. Hậu quả của Hiệp ước Thành Đô ký kết để nhượng bộ chủ quyền của Việt Nam cho thế lực bành trướng đế quốc của Trung Quốc mỗi lúc mỗi nặng nề, mỗi lúc một gần kề. Hôm nay, tôi ngồi đây, hai bàn tay vẫn trắng, nhìn thấy con đường để đưa kẻ xâm lược ra Tòa án Trọng Tài Quốc tế vẫn không nghe thấy lãnh đạo nào nhắc đến và những nhà tù trên đất nước tôi đã chật kín những tù nhân lương tâm.
Trên vùng đất thánh này, nơi thầy cô đã từng dạy cho tôi "tiên học lễ, hậu học văn", vùng đất này đã trở thành một nơi mà cô giáo phải bị phạt quỳ, nơi mà học trò bị phạt uống nước dơ từ nùi giẻ lau bảng. Đất nước của tôi bây giờ có quá nhiều giáo viên phải bỏ tiền đút lót để hiệu trưởng chạy chỗ cho dạy học kiếm tiền; có quá nhiều Tiến sĩ mà đại học của Việt Nam lại không có một chỗ đứng nào cả trong danh sách 350 đại học tốt nhất Á châu của "THE World University Rankings 2018".
Và rồi, tôi đã thấy những công tử con quan cậy thế cường hào để cưởng hiếp con gái người ta, quay phim đưa lên mạng, dày dò nhân phẩm của người khác mà vẫn có được tự do bay nhảy tiếp tục ăn chơi; ngược lại em Trần Hoàng Phúc vì đòi hỏi nhân quyền, là quyền nhân phẩm căn bản nhất cho dân tộc của em, thì lại bị đi tù. Tôi còn thấy nhà cầm quyền cưỡng chế ruộng đất của dân để bán lại cho nhà đầu tư xây cất chia lời bỏ túi và công an đã làm ngơ không lo bắt cướp mà lại đi bắt dân oan. Hôm nay, tôi ngồi đây, hai bàn tay vẫn trắng, tôi thấy những căn nhà khủng của các quan đã mọc lên nhiều hơn trường học và những công trình ô nhiễm môi trường nhiều hơn cả nhà thương.
Trên vùng đất thánh này, nơi mà anh em tôi đã từng "sắp sẵn" trong kỷ luật của người Hướng Đạo Việt Nam mỗi ngày Chúa Nhật, vùng đất này đã biến thành một nơi mà chế độ luôn tìm cách gây khó khăn cho những vị lãnh đạo tôn giáo đang xả thân cứu thế; nơi mà công an đã tìm đủ mọi cách bắt bớ làm khó dễ những thiện nguyện viên đang dấn thân hy sinh cho những công tác thiện nguyện như các chương trình tri ân thương phế binh VNCH hoặc tin mừng cho người nghèo. Đất nước của tôi bây giờ có các nhà cầm quyền với quá nhiều ích kỷ, đánh rơi những tình tự dân tộc, thủ lợi cho riêng bản thân mình mà quên đi nghĩa lớn.
Năm 1945, Nhật hoàng Hirohito đã tuyên bố đầu hàng quân đội đồng minh sau khi Hoa Kỳ đánh hai quả bom nguyên tử lên Hiroshima và Nagasaki tàn phá toàn bộ kỹ nghệ Nhật Bản. Người Nhật không có chiến thắng để ca ngợi. Họ đã đầu hàng đó. Nhưng sau đó chưa đầy bốn thập niên, Nhật Bản đã trở thành cường quốc kinh tế đứng hàng thứ hai trên thế giới. Đó là hoàn toàn nhờ vào sự thành tín, trong sạch và quyết tâm của chính phủ Nhật, lòng yêu nước và tự trọng của dân tộc Nhật, tư tưởng cao thượng của trí thức Nhật và nhờ vào lòng nhân bản của người Mỹ biết tôn trọng nhân cách của người Nhật Bản. Ngược lại, ở Việt Nam, Đảng và Nhà Nước Cộng Sản đã cổ súy ăn mừng chiến thắng, ăn mừng suốt 43 năm qua, để rồi đất nước này đã đi về đâu?
Năm 1953, khi Nam Bắc Triều tiên đình chiến với hòa ước phân chia đất nước, quân đội Bắc Triều tiên đã không tổ chức tấn công quân sự vào miền Nam. Vì thế, ngày nay ở bán đảo Triều tiên đã có được một thiên đàng kinh tế (mà các lãnh đạo Cộng Sản đã hứa hẹn cuội với người dân Bắc Hàn) đã được phát triển vững mạnh tại miền Nam của một Nam Hàn tự do "không có Cộng Sản". Rồi ra, Nam và Bắc Hàn sẽ có triển vọng đi đến thống nhất trong tương lai, không có phe thua và phe thắng cuộc, và họ sẽ tránh được vấn nạn "phe nào thắng thì nhân dân đều bại".
Qua một hành trình 43 năm, trên vùng đất thánh này, nơi đã chôn vùi tất cả những người quá cố mà mẹ tôi thương, mà cha tôi trọng, tôi đã thấy những lãnh đạo Cộng Sản vẫn chưa thức tỉnh và những hòa hợp hòa giải vẫn chưa trở thành hiện thực. Dân tộc tôi vẫn bị nhốt giữ vào một ngục tù tối tăm vĩ đại của thế kỷ. Công lý cho những đồng bào đã hy sinh trên biển khơi vẫn chưa đòi lại được. Những nhà tù trên đất nước tôi chật kín những tù nhân lương tâm. Những căn nhà khủng của các quan đã mọc lên nhiều hơn trường học và những công trình ô nhiễm môi trường nhiều hơn cả nhà thương. Đất nước tôi ơi! Sao có những kẻ cầm quyền ích kỷ để đánh rơi những tình tự dân tộc, thủ lợi cho riêng bản thân mình mà quên đi nghĩa lớn.
Hôm nay, tôi sẽ tạm dừng chân giây phút trên mốc hành trình 43 năm dài, ngoảnh nhìn lại Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam quê hương tôi; và xin gởi đến các bạn bài viết này để bàn tay không còn trống rỗng nữa. Nếu các bạn muốn hôm nay tôi nghỉ lễ để ăn mừng ngày 30 tháng 4, thì với những chứng cớ lịch sử kinh hoàng như vậy, tôi sẽ không ăn mừng nổi rồi. Ngày 30 tháng 4, đối với tôi, vẫn mãi là một ngày tang thương tận cùng của dân tộc Việt.
Mẹ tôi đã mất, nhưng tôi hứa với Mẹ là tôi sẽ tiếp tục làm chứng nhân trên con đường này cho đến một ngày nào, trên vùng đất thánh này, chủ quyền độc lập phải được giữ vững, dân chủ tự do phải được vãn hồi, nhân quyền phải được tôn trọng, công lý phải được thể hiện và dân trí phải được khai sáng. Thì ngày đó, anh chị và tôi sẽ không còn đau thương trăn trở với những dòng tâm tư nước mắt nữa.
Viết trong nước mắt cho 30/04/1975
0 comments:
Post a Comment