Hoàng Tất Thắng (Danlambao) - Ngày 10/4/2018, hai người đàn ông di dân lậu Việt Nam, 46 tuổi và 54 tuổi, bị tòa án hình sự khu vực Dublin - Ireland, tuyên án hai năm rưỡi tù giam cho mỗi người, vì đã bị bắt từ ngày 10/5/2017 và về tội đã làm việc trong một căn nhà kho đã cải biến làm nơi trồng cần sa, với khối lượng cây trồng quy thành tiền có tổng giá trị lên đến gần 1,8 triệu Euro (tức hơn 2,2 triệu USD). Tuy vậy, theo quan tòa, về mặt đạo đức cả hai di dân Việt không đáng để bị trách cứ nhiều, bởi họ đều là những kẻ tuyệt vọng, đã cùng đường, không còn bất cứ quyền gì và bị biến thành người nô lệ lao động vô danh tiểu tốt - chỉ danh phổ biến dùng tại Anh cho hạng người này là người Rơm - bởi chính các đồng hương của họ.
Đây không phải là sự việc mới mẽ ở Ireland, hay nói rộng ra trên toàn lãnh thổ Liên hiệp vương quốc Anh và bắc Ireland (United Kingdom of Great Britain and Northern Ireland). Hiện tượng một số khá đông di dân lậu đến từ Việt Nam và tệ nạn trồng cần sa đã được phát giác và truyền thông Anh Quốc nói tới từ những năm 90 trong cuối thế kỷ trước, đã nhanh chóng phát triển từ năm 2001 trở đi và hiện nay theo ước tính của các giới chức trách nhiệm Anh Quốc các băng đảng tội phạm người Việt đã kiểm soát tới 3/4 "trại trồng cần sa", với thu nhập hàng năm từ vài trăm triệu, đến cả tỷ bảng Anh.
Lợi nhuận khổng lồ, trong khi hệ thống luật pháp sở tại chỉ quy định mức trừng phạt quá nhẹ đối với tội trồng cần sa. Trong các năm 1978 tới năm 2004, luật định cần sa thuộc nhóm B trong bảng các chất gây nghiện, người sở hữu, sử dụng, hay sản xuất nếu bị bắt có thể bị phạt vài năm tù giam. Từ năm 2004 trở đi, cần sa được xếp vào nhóm C, nên các người có liên quan kể trên, với số lượng sở hữu nhỏ, hoặc trồng cần sa không vì mục đích thương mại thì chỉ bị phạt vi cảnh, hay tù treo. Đây đã là cơ hội tốt cho các băng đảng tội phạm Việt Nam ùn ùn đưa di dân lậu, tức người rơm qua Anh trồng cần sa, tức trồng cỏ, bắt đầu vào khoảng năm 2001-2002 và phát triển rất mạnh ngay những năm sau đó. Đồng thời cũng đã có cả số người rơm Việt Nam không ra đi từ Việt Nam, mà là người Việt bị bỏ rơi tại Tiệp Khắc, Ba Lan, Đức cũng tràn sang Anh từ sau năm 2007, với đích đến là các trại trồng cỏ do người Việt ở Anh làm chủ.
Người rơm Việt Nam và tệ nạn trồng cỏ đã trở thành quốc nạn ở Anh Quốc cũng như đã là thảm họa trước đó tại Canada, gần đây cho Úc và một số quốc gia châu Âu khác như Hòa Lan, Đức, Tiệp Khắc, khiến từ sau năm 2007 chính phủ Anh phải nâng cần sa trở lại nhóm B trong danh sách gây nghiện, để có cơ sở pháp lý đối phó với những kẻ trồng và chế biến cần sa. Theo đó bản án cụ thể cho tội làm vườn (trồng và chăm sóc cây cần sa) từ 18 tháng đến 3 năm tù giam, thiết kế kỹ thuật ăn cắp điện lưới quốc gia, hay sở hữu vài trại trồng cần sa, hoặc can dự vào một số việc phi pháp có liên quan bị tù từ 4 đến 6 năm, ông chủ lớn (trùm đường dây trồng và phân phối) án từ 6 năm trở lên, cao nhất là 14 năm tù giam.
Những di dân Việt Nam đầu tiên đến Anh Quốc, thuộc lớp rời khỏi đất nước trong hai thập niên 70 đến 80, tức từ sau khi chính phủ miền nam Việt Nam bị sụp đổ năm 1975, đến cuối những năm 80. Họ đa số đều ra đi từ miền bắc Việt Nam, nhất là ở Hải Phòng, Quảng Ninh... lợi dụng phong trào vượt biên tỵ nạn cộng sản ở miền nam đang bùng phát, cũng vượt biển qua Hongkong, Macao, để tỵ nạn kinh tế, hay theo các đợt vượt biên bán chính thức trong tư cách danh nghĩa nạn kiều, tức những người Việt gốc Hoa, chạy trốn các sự đàn áp, bất công, những lần bị chế độ cộng sản Hanoi tước đoạt tài sản, của cải, vật chất, được cộng đồng thế giới bao dung và biết tới dưới tên gọi thuyền nhân (boat people).
Từ năm 1979, một số thuyền nhân trong các trại tỵ nạn Hongkong, Macao, không được đi Hoa Kỳ, Canada định cư vì phạm tội, phạm pháp trong thời gian ở trại tỵ nạn, được chấp nhận cho sang Anh tái định cư và lên đến tổng cộng 22.577 người khi kết thúc chương trình năm 1988. Đặc điểm xuất phát và tính chất thành phần khiến số di dân này có đến 75% có nguồn gốc sắc tộc Trung Hoa, hoặc được sinh đẻ tại miền bắc Việt Nam. Cũng do đó, cộng đồng người Việt quốc gia tỵ nạn cộng sản ở Anh Quốc rất nhỏ và tầm ảnh hưởng rất hạn chế.
Từ sau năm 1990 trở đi, các nhu cầu đoàn tụ gia đình và đòi hỏi bức thiết cần phải có thêm nhân lực cho nghề làm móng tay chân (nail), nhà hàng ăn uống và các trại trồng cần sa đang có chiều hướng phát triển mạnh trong nhóm di dân người Việt ở Anh Quốc, lồng trong bối cảnh Liên Sô và hệ thống các quốc gia cộng sản Đông Âu bị sụp đổ, buộc nhà cầm quyền Hanoi phải đổi mới để tồn tại, mở rộng quan hệ ra những nước tư bản "giảy chết", nới lỏng việc tự do đi lại, xuất cảnh thăm thân nhân, du lịch, du học... cho người dân, khiến nhiều người Việt ở Anh mau chóng trở thành đầu cầu cho đợt di dân lần thứ hai, hợp pháp cũng như bất hợp pháp.
Do đó, những người rơm tại Anh Quốc đều thuộc đợt di dân bất hợp pháp lần thứ hai của người Việt, có liên hệ ít nhiều với số người Việt đã định cư ở Anh khởi diển từ đầu những năm 90 và sau đó bùng phát mạnh mẽ hơn nhân khi các chế độ cộng sản Lienxo, Đông Âu sụp đổ.
Người rơm đa số là người miền bắc Việt Nam, cư dân từ Quảng Bình trở ra, ra đi với lý do thuần túy kinh tế, hy vọng sẽ kiếm được công ăn, việc làm thuận lợi có thu nhập cao nơi xứ người, hầu giúp đỡ thân nhân ruột thịt thoát khỏi cảnh nghèo khó tại quê hương, bản quán. Họ bị quyến rũ bởi các hứa hẹn dễ dàng đổi đời trên các vùng đất hứa xa xôi - công việc đơn giản, không đòi hỏi ngành, nghề chuyên môn, lương hậu cả 4, đến 5 ngàn euro mỗi tháng - nên hoàn cảnh thực tế, bản chất việc di cư của người rơm có tính chất liều lỉnh và bất chấp hậu quả. Bên cạnh đó cũng do tính chất đặc thù của xuất phát điểm, nên gần như đối nghịch lại cộng đồng người Việt quốc gia tại Anh, hoàn toàn không có liên can gì tới vấn đề người rơm và kỹ nghệ trồng cỏ tại đây.
Người rơm đi theo những đường dây xuất cảnh lậu, chồng chéo bởi nhiều thế lực mờ ám, ngay từ trong nước ra đến ngoại quốc.
Trong nước là những chân rết môi giới trung gian, thực hiệc các hoạt động móc nối, giới thiệu và các công ty có vỏ bọc "xuất khẩu lao động" trá hình, đảm trách giai đoạn gom người và xuất phát các chuyến đi.
Ngoài nước - chủ yếu là tại Nga và các quốc gia cộng sản Đông Âu cũ, do những người Việt đồng hương với con mồi, nhưng "có số má", phụ trách đón và tổ chức chuyển tiếp đến nơi tiêu thụ.
Đây là những thành phần băng đảng mafia người Việt, hoạt động buôn lậu, trấn lột, cướp bóc, tống tiền và buôn người, hình thành và hoành hành trong lòng các cộng đồng người Việt bị bỏ rơi, tức tập thể người Việt miền bắc, được Hanoi đưa đi "lao động hợp tác" tại Liên Sô, Đông Âu từ thập niên 70, 80, đã trụ lại sau khi hệ thống các quốc gia cộng sản tan rã, tản mác, trà trộn khắp nơi tại châu Âu. Các lưu dân này hổn độn, mù mờ giữa hợp pháp và bất hợp pháp, bất định trong khi chờ tìm ra giải pháp giải quyết thỏa đáng của chính quyền bản xứ và bấp bênh trước các chính sách nước đôi, thủ lợi của Hanoi. May mắn bất ngờ như kẻ nhặt được của rơi, Hanoi nhanh chóng tạo ảnh hưởng chi phối lên đám lưu dân khốn khổ thông qua cái dù khống chế lẫn che chở, có qua có lại, của các tòa đại sứ cộng sản Việt Nam ở Nga, qua Ba Lan, Tiệp Khắc, Hung, Đức, Pháp, Anh... và trên tất cả, không thể nào loại trừ việc chắc chắn phải có sự ngấm ngầm điều hành, cộng tác (hay bảo kê) của bộ công an cộng sản Việt Nam, bởi lợi nhuận và chủ trương xâm nhập gầy dựng những con ngựa thành Troia, nhằm lũng đoạn, phá thối các cộng đồng người Việt quốc gia tỵ nạn cộng sản ở châu Âu và phục vụ cho những lợi ích chiến lược của Hanoi.
Tất cả các thế lực đen này đã phối hợp hoạt động, biến các con mồi nạn nhân của nó, trở thành một lớp di dân khốn khổ mới (nouveaux boat people), không được nơi nào thừa nhận và bị coi là người rơm (strawman), bởi dù họ tuy vẫn là một dạng vật chất cụ thể theo nhân chủng học, nhưng không có vốn liếng, không nghề nghiệp, không ngoại ngữ, cả một mảnh giấy tùy thân, một tấm hình cá nhân nhỏ cũng không có, coi như hoàn toàn vô tang, vô tích giữa cộng đồng xã hội của con người bình thường.
Tùy theo khả năng mê hoặc, dụ dổ, tính khả tín của các đầu mối, cũng như tùy vào cường độ khao khát đổi đời của con mồi, những người rơm luôn khởi đầu cuộc đời chông gai của họ bằng một số tiền luôn ngoài tầm của họ, từ 20.000 đến 50.000 USD phải đóng cho đường dây, tùy từng trường hợp mỗi một người. Do đó họ đều đã phải vay mượn rất nhiều nơi, cầm cố ruộng vườn, thế chấp nhà cửa của mình, của cả người thân của mình cho ngân hàng để có tiền ra đi. Tất cả liều chết ra đi trong một niềm tin tuyệt đối, chỉ cần sau 2-3 tháng làm việc cật lực tại nơi đến (trong phạm vi bài viết này là ở Anh Quốc), thì họ sẽ chuộc lại được các món gì đã cầm cố, thế chấp, sẽ trả được các món nợ đã vay mượn và tiếp theo là có được một cơ hội đổi đời to lớn, tốt đẹp hơn, không những cho họ mà luôn cả gia đình của họ đang hy vọng và mòn mỏi trông đợi tại quê nhà.
Các tuyến đường đưa người rơm xuất cảnh được thiết lập rất chặt chẻ, với nhiều lựa chọn tùy theo khả năng tài chánh của các nạn nhân.
Đơn giản và rẻ tiền nhất là… Một đường dây ở Việt Nam buộc họ phải trả từ 200 đến 300USD để được chở qua Tàu bằng xe lửa, rồi từ đó họ phải tự túc. Họ tiếp tục di chuyển bằng đủ mọi phương tiện, sống bờ, sống bụi bằng đủ mọi cách để qua Nga, xuyên qua các nước Đông Âu, Đức, rồi cuối cùng đến Pháp mà họ cho là trạm áp chót, vì mục tiêu khi còn ở Việt Nam phải là Anh Quốc, thiên đường của tỵ nạn theo họ. Vì vậy số phận đã đưa đẩy họ tới vùng sình lầy Calais này, bờ biển biên giới với nước Anh… (Phương Vũ - Võ Tam Anh, Người Việt khốn khổ tại Paris, 30/11/2009). Dù hiếm hoi và rất khó thành công, nhưng một trong những cách vượt biển Manche giữa Anh và Pháp, mà người tỵ nạn gốc Á châu, Trung Á, Trung Đông và Đông Âu nhiều lần thử thời vận là bất chấp nguy hiểm tìm cách đi bộ trái phép trong lòng đường hầm Channel Tunnel dài gần 51km dưới đáy biển, nối liền vùng Coquelles – Calais ở bắc Pháp, với vùng Folkestone – Kent tại vùng nam Anh thuộc eo biển Dover, để xâm nhập vào đất Anh, khiến Pháp phải đóng cửa trại tỵ nạn Sangatte ở gần đó năm 2002.
Cao cấp, đắt tiền và thỉnh thoảng xảy ra là những trường hợp đi theo đoàn của nhân viên tòa đại sứ Hanoi, đi đi, về về giữa Việt Nam và các quốc gia nhiệm sở. Mang sổ thông hành tên giả, có người sứ quán đón và đưa từ nơi đi, tới nơi đến, nhất nhất làm theo sự hướng dẩn của họ, nhập cảnh và gặp người thân ra đón xong, thì nộp nốt số tiền còn thiếu theo thỏa thuận và hai bên cùng biến mất trên đất Ireland, Hòa Lan, Đức, hoặc Anh (Daniel Silverstone, Trafficked to grow cannabis: Việt Namese migrants are being exploited in Britain, The Conversation, 11/9/2017, Lâm hoàng Mạnh, Chuyện người Rơm, Talawas, 3/10/2010).
Thông thường nhất là chuyến khởi đầu bằng đường hàng không qua Nga, hay các nước cộng sản cũ và bởi visa nhập cảnh được cấp bởi các tòa đại sứ Nga, Ba Lan, Tiệp Khắc, Ukraine... mà chỉ có trời mới biết bằng cách nào để có được. Họ được chuyển tiếp nhiều nơi ở Đông Âu, trước khi xâm nhập qua Đức bằng cách đi bộ, hay trên những chuyến xe hơi băng rừng vượt biên giới, với nhiều hạng người thuộc những quốc tịch khác nhau và sau cùng lưu trú tạm bợ, vật vờ, dài hạn trong các vùng rừng phía bắc nước Pháp, chờ có cơ hội chui tiếp vào những thùng chứa hàng trên xe tải, vượt biển Manche để vào đất Anh.
...Trong cuộc hành trình dài bằng phần nữa vòng trái đất, họ thường bám trên các xe vận tải hạng nặng xuyên châu Âu. Trốn trong những thùng chứa hàng trong xe, họ phải ép xác, có khi chịu đựng không ăn uống trong nhiều ngày. Khám xét những xe vận tải đầy ắp hàng, đi từ nước này qua nước khác, làm cho cảnh sát biên phòng phải điên đầu, vì không phải chuyện đơn giản lúc nào cũng làm được. Năm ngoái quan thuế Pháp đã khám phá được mười mấy xác Á châu chết vì ngạt ở trong xe hàng, không biết có phải Việt Nam không?... (Phương Vũ, Võ Tam Anh, bđd).
Đây là một chặng đường gian nan và một thời gian sống chẳng khác gì dưới địa ngục của người rơm.
Phần lớn phụ nữ và một số trẻ em đã bị lạm dụng tình dục. Họ buộc phải đóng "thuế" dọc đường bằng thân xác cho cả bọn dẩn đường, lẫn những gã tài xế, Việt có, gốc Trung Đông, Nam Á, Đông Âu có, vì nếu không như thế họ sẽ bị bỏ rơi bơ vơ, không được tiếp tục đi theo đoàn xuyên qua nhiều nước châu Âu.
Trong vùng phía bắc nước Pháp, cụ thể là các khu rừng trong vùng Grande Synthe, cách Calais khoảng hơn 30km, bị các nhóm di dân có nhiều quốc tịch khác nhau, kể cả người rơm Việt Nam chiếm ngụ. Họ phải chịu đựng cuộc sống lều trại tạm bợ, nhếch nhác, chung đụng hổn tạp, chỉ còn dựa vào sự trợ giúp nhân đạo của những tổ chức từ thiện tại địa phương để sống qua ngày. Nhiều phụ nữ lại bị rơi vào hoàn cảnh bị cưởng bức, săn tìm, tấn công tình dục của nhiều sắc dân di dân khác và thuộc đủ hạng du thủ du thực quốc tế.
Ban ngày, mọi người đều không dám ra khỏi rừng, họ phải trốn tránh các đợt truy quét giải tỏa, nhằm kết thúc nạn di dân lậu của cảnh sát Pháp. Thê thảm và nghịch lý hơn tất cả, mọi di dân người Việt rất sợ gặp các "quan chức" của tòa đại sứ Việt Nam cộng sản ở Pháp. Hanoi chẳng có bất kỳ một biện pháp giúp đỡ gì, ngoài việc hăm dọa, điều tra và toa rập với giới công quyền sở tại, để bắt giữ và hồi hương di dân, hầu lấy tiền trợ cấp của Paris, trong chương trình hợp tác giữa hai chính phủ Pháp-Việt, có mục đích giải quyết di dân lậu và vấn nạn gánh nặng xã hội cho nước Pháp.
Ban đêm, thường có những toán 5-10 người đi bộ ra bến xe hàng, cách nơi trú ẩn khoảng vài ba cây số, dưới sự thông đồng giữa các đầu nậu người Việt và những anh chị bản địa, tổ chức cho "nhảy bãi", tức trốn vào các xe tải đang nghỉ chân qua đêm, hay dừng chờ phà vượt qua eo biển Dover (Strait of Dover, hay Pas de Calais), với hơn 40 chuyến phà mỗi ngày, nối hai bờ Anh-Pháp trong vùng biển Manche.
Khi cảnh sát và quan thuế của Anh, Pháp siết chặt kiểm soát hai bờ tuyến phà vượt eo biển Dover, bằng cảnh khuyển và máy đo lượng khí CO2, để tìm biết trong xe có người hay không, số di dân nhập lậu qua ngã eo biển Dover mới suy giảm mạnh, chuyển về tập trung quanh cảng Ouistreham trong vùng Normandy, phía tây Calais khoảng gần 350km, với ba chuyến phà mỗi ngày chuyển hàng qua cảng Portsmouth của Anh Quốc.
Nhiều người rơm đã chết ngạt trong thùng xe khi đi tìm đất hứa, cũng như có những người "nhảy bãi" đến 6-7 lần, nhưng cũng không thể thành công như mong muốn.
Một số người rơm gặp may mắn do nhảy bãi thuận lợi, đi thoát, tìm cách liên lạc với người quen đến đón và tan biến vào khối người Việt tại Anh. Số xui rủi bị bắt, nhưng chỉ bị nhốt ở các trại tạm giam ít ngày, vài tháng cũng được thả ra. Phía Pháp biết rỏ đất Pháp chỉ là nơi tạm trú, khi phía Anh giao trả thì Pháp không nhận và người rơm thì hoàn toàn không có giấy tờ tùy thân, nên cũng rất khó để trả về lại Việt Nam. Báo cáo của cảnh sát ghi nhận có nhiều người rơm có quan hệ thân tộc, họ hàng với nhau, họ muốn sang Anh làm hầu bàn, đầu bếp trong nhà hàng, thợ làm móng, hay giữ trẻ, giúp việc nhà... trong khi thực tế rất nhiều người đã dấn thân vào con đường phạm tội như hoạt động cho mạng lưới trồng cần sa.
Xâm nhập đất Anh từ nhiều ngã đường khác nhau và kéo dài trong nhiều năm, khiến các giới chức trách nhiệm trong chính phủ Anh cũng không thể biết rõ có bao nhiêu người Việt nhập cư trái phép đang sống tại Anh. Ước tính trong năm 2014 của viện thống kê quốc gia vương quốc Anh có khoảng 55.000 người Việt ở Anh, trong đó có 28.000 người sinh đẻ tại Việt Nam và khoảng 20.000 người là di dân lậu, không có giấy tờ hợp pháp và không rỏ nguồn gốc, với khoảng 60% tập trung sinh sống ở London. Theo điều tra của phóng viên BBC News là Nick Thorpe trong năm 2010, con số người Việt tại Anh lớn hơn, lên đến 30.000 di dân hợp pháp và 35.000 di dân bất hợp pháp.
Kỹ nghệ trồng cần sa của người Việt tại Anh Quốc phát triển mạnh từ năm 2001 trở đi, bởi sự xuất hiện của các băng đảng tội phạm có tổ chức từ Việt Nam đến Anh. Thông qua một mô hình sản xuất, kinh doanh, có trình độ chuyên môn hóa cao, đáng tin cậy, đã được trui rèn, thử thách trong các bài học ở Vancouver, Canada và dể dàng thu lượm lợi tức khổng lồ trong một thời gian ngắn, các băng đảng Việt Nam thay vì lập các đồn điền trong vùng nông thôn, đã tập trung chuyển đổi các ngôi nhà thuê bình thường tại các khu dân cư bình dân, bận rộn, sang các hoạt động trồng cần sa bí mật ngay trong khu đô thị. Đa số các "trại trồng cỏ" tập trung ở ngoại thành London, Manchester do các nhóm di dân gốc Hải Phòng, Quảng Ninh kiểm soát, trong khi nhóm "bộ đội miền trung" gốc Nghệ An, Quảng Bình thống trị nghề trồng cỏ tại Birmingham.
Nhà được thuê dưới tên giả, giấy tờ giả. Bên ngoài cũng chỉ như những căn nhà bình thường khu ngoại ô, ít có dấu hiệu cho cảnh sát, hay người dân chung quanh ngờ vực, hoặc lẫn lộn trong các khu nhà cho thuê thời vụ, người mướn chỉ thỉnh thoảng tới ở ngắn hạn và ít quan tâm đến láng giềng trong cộng đồng. Bên trong bị tháo dở trống rổng và che kín triệt để không cho ánh sáng lọt ra ngoài để trồng cây, giao cho một người rơm ở biệt lập chăm sóc. Ăn uống chủ bãi cung cấp theo định kỳ, hay theo yêu cầu bằng điện thoại và thu nhập được chia trên lợi tức thuần, theo tỷ lệ 7/3, chủ 7 phần, người làm công 3 phần.
Thông thường quy mô một trại trồng cỏ trong nhà khoảng 1.000 cây cần sa, chi phí đầu tư khoảng 15.000 tới 50.000 bảng Anh, với nguồn điện sưởi ấm và chiếu sáng cây trồng bằng loại bóng đèn cao áp natri 600W lấy cắp từ lưới điện quốc gia, cùng một hệ thống tưới nước có kiểm soát chặt chẻ, hệ thống quạt thông gió, thông hơi tinh vi, để ngăn mùi vị cây trồng phát tán qua các nhà kế cận. Có bốn lần cần sa được thu hoạch trong một năm, bởi các đội đặc biệt đến nhổ hết cây, đựng trong các bao đựng áo quần giặt ủi kín đáo, đưa về cơ sở khác sấy khô và đóng gói, trước khi bán sĩ lại cho các nhóm phân phối lẻ trên đường phố của người Anh.
Trung bình lợi tức ròng hàng năm của một trại trồng cỏ loại này lên đến khoảng 500.000 bảng Anh, so với chi phí đầu tư tổng cộng chỉ chiếm 10%, trong đó thu nhập của người làm vườn khoảng từ 35 đến 40 ngàn bảng là mơ ước đổi đời của người rơm và trong khi với bốn kỳ thu hoạch, có bị bể ba lứa, chủ trại vẫn không thiệt hại và nhất là cùng lắm cảnh sát cũng chỉ bắt giữ được vài người làm vườn, rất hiếm khi lần tới được các chủ trại thực thụ.
Do đó, dù phải đối mặt với tù tội, khả năng bị trục xuất bởi chính phủ Anh, hay bị cướp bóc, thanh toán bởi các băng nhóm tội phạm bản xứ, kỹ nghệ trồng cần sa tại Anh vẫn là thanh nam châm thu hút người rơm vay mượn, thế chấp của cải còm cỏi ở quê nhà để ra đi, trong tư thế "thí mạng cùi", không còn gì để mất. Theo ACPO (Association of Chief Police Officers) nhiều trại trồng cần sa còn dẫn điện lên các cửa ra vào và người rơm còn tự võ trang súng shotgun cắt nòng, bình xịt hơi cay, gậy bóng chày để bảo vệ cây trồng và chống trả các phe nhóm đối thủ.
Vài số liệu cụ thể của sở cảnh sát thủ đô (Metropolitan Police Specialist) và cơ quan đặc trách tội phạm nghiêm trọng có tổ chức SOCA (Serious Organized Crime Agency) cho thấy năm 2003 có gần 470 kg cây trồng cần sa và sản phẩm thu hoạch bị tịch thu, năm 2004 đã tăng lên gấp hơn hai lần với gần 1.010 kg. Từ năm 2001 đến 2007 có hơn 2.000 trại trồng cỏ bị phát giác và phá hủy. Năm 2008 tăng lên 4.951 trại và năm 2009 có đến 6.866 trại bị cảnh sát phá hủy.
Trước năm 2005 trong tổng số cần sa tiêu thụ hàng năm trên thị trường Anh Quốc, chỉ có khoảng 15% được trồng trong nội địa. Năm 2010 tình hình thay đổi hẳn, có đến 90% lượng cần sa tiêu thụ tại Anh là đã được trồng tại chổ, trong đó các băng nhóm người Việt đã kiểm soát đến 75% và 15% khác được phân phối qua Hòa Lan.
Nguồn lợi hấp dẩn và nguồn tài nguyên nhân lực vẫn luôn dồi dào - có thể nói lại càng dồi dào hơn - khi tuyệt đại bộ phận người dân Việt Nam vẫn còn chìm đắm trong nghèo nàn, bởi sự cai trị dốt nát nhưng không kém sự sắt máu của chế độ cộng sản Hanoi, đưa đến hố chênh lệch giàu nghèo trong xã hội ngày càng sâu. Cán bộ, đảng viên đều trở thành tư bản đỏ, giới cùng đinh chỉ còn con đường tha phương cầu thực, trai xuất ngoại làm lao nô, gái xuất cảnh đi làm vợ hờ xứ người, nên vấn nạn người rơm Việt Nam và kỹ nghệ trồng cỏ tại Anh Quốc nói riêng, trên toàn thế giới nói chung vẫn luôn và đang là một tấm màn bí mật đầy sôi động.
17.04.2018
___________________________
Hai Thanh Luong, Based on the Ethnic Factor to Understanding the Distinct Characterisitics of Cannabis Cultivation: A Review of Overseas Việt Namese Drug Groups, 2014.
Jessica Mai Sims, The Việt Namese Community in Great Britain, Runnymede Trust, 2007.
Office for National Statistics, Overseas-born population in the United Kingdom, excluding some residents in communal establishments, by sex, by country of birth Jan 2014 to Dec 2014, 8/2015.
Nick Thorpe, EU's biggest crackdown on Vietnamese illigal migrants, 6/2010.
Tony Thompson, Untold profits fuel the violent gang world of London’s cannabis farms, Evening Standard, 9/2010.
AloUc.com (Tin nước Úc), Bí ẩn về câu chuyện người Việt trồng cỏ ở nước ngoài, 04/2016.
0 comments:
Post a Comment