Nguyễn Thượng Long (Danlambao) - Vào buổi trưa 30/4/1975, trong một căn gác nhỏ ở Đường Yêt Kiêu – Hà Nội, khi nghe tin các xe tăng của quân giải phóng đã húc đổ cổng sắt dinh Độc Lập, nhạc sĩ tài danh Văn Cao đã nghĩ đến viễn cảnh: “Từ nay người biết thương người / Từ nay người biết yêu người”. Không biết sau 43 năm ngày 30/4, ở bên kia thế giới, nhạc sĩ Văn Cao có day dứt điều gì không khi cảm hứng đó không hề trở thành hiện thực. Ông có bao giờ nghĩ, đằng sau vừng hào quang 30/4 rực mầu máu đó, ông và đồng bào của ông... hóa ra cũng chỉ là những con tốt tầm thường trong những ván bài mà cầm chịch là những cường quốc ngoại bang và “Một bên thắng, còn nhân dân đều bại” (ND).
Dễ hiểu thôi, dân tộc Việt Nam có truyền thống chống ngoại xâm, điều đó không cần bàn cãi, nhưng chúng ta cũng là dân tộc nhẹ dạ và cả tin đến nỗi “Trái Tim lầm lỡ để trên đầu” (Tố Hữu). “Bên thắng cuộc” thì quá tin vào “Tấm biển chỉ đường của trí tuệ” (HSP) và cộng sản Nga Tầu sẽ đưa mình tới thiên đường XHCN. “Bên thua cuộc” lại quá tin vào thế giới tự do với cường quốc số một Hoa Kỳ sẽ giúp mình không bị nhuộm “ĐỎ” và họ sẽ đưa quốc gia mình tới thịnh vượng. Chính vì sự cả tin đó, chúng ta cùng rơi vào thân phận là những quân cờ trên bàn cờ của các nước lớn lúc nào không biết. Thái độ nửa vời của các nước lớn Liên Xô - Mỹ - Trung Quốc trong những gì đã diễn ra suốt từ 8/1945 qua Hội nghị Giơ ne vơ 1954, qua Hội nghị Pari 1973, qua sự kiện Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa 1974, qua chiến tranh biên giới phía Bắc 2/1979, qua thảm sát Gạc Ma 1988 thậm chí là ngay cả lúc này dù Việt Nam công khai thực thi đường lối “đu dây” giữa các nước lớn để tồn tại thì thân phận chỉ là quân cờ trên bàn cờ quốc tê của chúng ta vẫn không có gì thay đổi.
Cái giá mà dân tộc Việt Nam phải trả cho sự cả tin là vô cùng thê thảm. Hãy xem cái bóng đen Trung Quốc đã phủ bóng lên đất nước này, dân tộc này ngay từ Hội Nghị Giơ ne vơ 1954 như thế nào: Hồi ký của nhà báo quốc tế U-Bơc sét trang 264 có đoạn viết: “...Ông Phạm Văn Đồng đã chấp nhận thỏa hiệp quan trọng do sức ép của Trung Quốc. Những thỏa hiệp đó Chu Ân Lai đạt được trong các cuộc gặp song phương với Măng đét Phrăng xơ (Thủ Tướng kiêm Bộ Trưởng ngoại giao Pháp – NTL). Vào ngày 10/7/1954 ông Phạm văn Đồng đã chấp nhận một đường ranh giới quân sự tạm thời dọc theo vĩ tuyến 16 (Thực tế lúc ký kết lại là vĩ tuyến 17 – NTL) chứ không phải là vĩ tuyến 13 như ông đã đề nghị. Ông cũng phải chấp nhận các cuộc bầu cử của mỗi miền sau 2 năm chứ không phải là 6 tháng và ông đã rút lui những đòi hỏi cho những người Khơ me ít xa rắc và Pa thét Lào cùng tham gia hội nghị.” (Nhà xuất bản Thông Tin lý luận – Hà Nội 1985).
Chu Ân Lai đến với Hội Nghị Giơ ne vơ 1954.
Vì áp lực của Chu Ân Lai, ông Đồng buộc phải chấp nhận những thua thiệt quá lớn. Bình luận về giây phút ông Đồng đặt bút ký hiệp định đình chiến Giơ ne vơ , U Bơc sét viết tiếp: “Ông Phạm Văn Đồng xúc động sâu sắc nói với chúng tôi: Tôi chẳng biết sẽ giải thích việc này như thế nào với các đồng chí đồng bào chúng tôi ở miền Nam” (Hết trích). Than ôi! Ký một văn bản quốc tế quan trọng liên quan đến vận mệnh của cả 3 nước Đông Dương mà ông Đồng phải than lên những lời như thế, hóa ra ông Đồng ký trước hết là vì Trung Quốc chứ đâu có phải ông Đồng ký vì 3 dân tộc Đông Dương.
Chịu áp lực của Trung Quốc đến như vậy mà sau Hiệp Định Giơ ne vơ, ĐCS Việt Nam vẫn tiến hành tiếp một cuộc chiến đẫm máu đồng bào kéo dài 20 năm (1955 – 1975) với niềm tin ngô nghê: “Bên ni biên giới là nhà / Bên tê biên giới cũng là quê hương” và “Trung Quốc là hậu phương rộng lớn của Việt Nam”. Còn lãnh đạo cộng sản Việt Nam vẫn cứ bắt nhân dân theo mình nghĩ: “Bác Mao chẳng ở đâu xa - Bác Hồ ta đó chính là Bác Mao”. Họ đâu có biết Mao chỉ muốn biến Bắc Việt Nam trở thành vùng đệm an toàn cho lãnh thổ Trung Quốc, nên Mao chủ trương đánh Mĩ là đánh đến người Việt Nam cuối cùng, nên khi chiến tranh phá hoại của Mỹ lan rộng ra miền Bắc Việt Nam... Mao làm nghĩa vụ cộng sản quốc tế với Việt Nam kiểu gì mà lại bóng gió bắn tin đến phía Mỹ: “Mi không đụng đến ta thì ta không đụng đến mi!”. Về phía Mĩ, giữa lúc các nỗ lực rút chân ra khỏi bãi lầy Việt Nam đang lâm vào bế tắc, thông điệp đó của Mao có khác gì chiếc phao được ném cho kẻ đang chới với giữa sóng dữ. Không bỏ lỡ thời cơ, hoạt động ngoại giao bóng bàn giữa Trung Quốc và Mỹ diễn ra sôi động đánh dấu giai đoạn tan băng trong quan hệ 2 nước. Và ngày 28/2/1972, Nixon và Mao ký Tuyên Bố chung Thượng Hải, Trung Quốc đã hiện nguyên hình là kẻ đâm sau lưng dân tộc Việt Nam, bán đứng dân tộc Việt Nam. Diễn biến này hình như vẫn chưa đủ độ cay đắng để ĐCS Việt Nam đang say máu sớm bừng tỉnh để cảnh giác trước kẻ hàng xóm tồi tệ của mình.
Nhiều năm liền hội đàm Ba Lê (1968 - 1973) chỉ là nơi để các chính trị gia đeo kính đen ngủ gật và đấu khẩu theo kiểu kéo cưa lừa xẻ. Với Tuyên bố chung Thượng Hải 1972 trong tay, tháng 12 năm đó Mỹ hoàn toàn yên tâm Trung Quốc sẽ không can thiệp khi Mĩ mở chiến dịch Linebacker II dùng siêu pháo đài bay B52 ném bom dã man vào Hà Nội, những mong đưa Bắc Việt trở về thời đồ đá và đem lại một kết thúc chiến tranh có lợi cho đồng minh VNCH. Không đầy một tháng sau trận bom dữ dội đó, ngày 27/1/1973, dưới sức ép của cả 3 siêu cường Mỹ - Nga - Trung Quốc, VNCH và VNDCCH buộc phải ký hiệp định Pari. Hà Nội thắng lớn vì không phải triệt thoái toàn bộ lực lượng vũ trang của mình ra khỏi phần đất phía nam vĩ tuyến 17. VNCH rơi vào tình thế bị bỏ rơi. Người Mỹ chính thức bước ra khỏi con đường hầm không lối thoát đang làm rúng động nước Mỹ. Luôn tự nhận mình là đỉnh cao trí tuệ mà những lãnh đạo cộng sản ngày đó lại không hề nhìn thấy một tình thế quá rõ là: Hệ thống XHCN đã bắt đầu khủng hoảng, mô hình xô viết đã bắt đầu rạn nứt. Liên Xô thực sự hụt hơi vì chậy đua vũ trang với Mỹ và oằn lưng vì gánh vác nghĩa vụ quốc tế trong đó có Việt Nam... thì cú bắt tay Mĩ - Trung Quốc đã đặt cách mạng Việt Nam vào thế Địa Lý - Chính Trị rất bất lợi. Mỹ không chỉ có lỗi bỏ rơi đồng minh chiến lược của mình là VNCH, vin vào lý do Phạm Văn Đồng đã ký công hàm 1958 Mỹ - Nga cùng ngoảnh mặt đi để mặc Trung Quốc tự do cưỡng chiếm Hoàng Sa phần lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam (1974) nên từ đó cho tới ngày 30/4/1975 chiến tranh Việt - Mỹ không còn là sự xung đột của ý thức hệ, nó chỉ còn là cuộc nội chiến tương tàn. Với lực lượng áp đảo, cùng khối lượng vũ khí chiến cụ đạn được vô cùng hùng hậu của Nga – Tầu, con Lạc cháu Hồng miền Bắc nhanh chóng hạ gục con Lạc cháu Hồng miền Nam lúc đã bị Mỹ bỏ rơi. Đất nước đã được thống nhất theo lời hiệu triệu hết sức ngớ ngẩn của đảng trưởng Lê Duẩn “Ta đánh là đánh cả cho Liên Xô và Trung Quốc”. Cuộc đánh đấm đó có phải là đánh giặc ngoại xâm như cha ông trên suốt chiều dài lịch sử đâu mà mãi mãi tự hào!
Hình ảnh một Đặng Tiểu Bình, 10 giờ sáng 29/1/1979 tại thảm cỏ trước Nhà Trắng, xúng xính trong bộ đồ của một cao bồi miền viễn tây, ông ta cao hứng luận bàn về “Mèo Trắng - Mèo Đen” và thẳng thừng đe dọa sẽ “Dậy cho bọn tiểu bá côn đồ Việt Nam một bài học!”. Vậy mà lời tuyên bố đầy tính xúc phạm đó của Đặng Tiểu Binh cũng chẳng làm ban lãnh đạo CS Việt Nam giật mình mà bừng tỉnh cơn mê: “Với đại thắng 30/4/1975, từ nay sẽ không còn kẻ nào dám xâm lược bờ cõi chúng ta nữa!”. Đâu có lâu la gì, hơn 2 tuần lề sau 17/2/1979 lời cảnh cáo của Đăng Tiểu Bình đã thành hiện thưc. Trong bối cảnh cả Nga cả Mỹ đều làm ngơ, cuộc chiến tranh biên giới được kích hoạt với 60 vạn lính sơn cước Trung Quốc đồng loạt tấn công trên toàn tuyến biên giới phía Bắc của Việt Nam Cuộc chiến tranh này mãi mãi là nỗi đau nhức nhối của người Việt Nam. Tháng 3/1988 Trung Quốc cưỡng chiếm đảo Gạc Ma của Việt Nam. Nghe nói ngày đó Bộ Trưởng quốc phòng Lê Đức Anh chỉ thị là không được đánh trả với cung cách không thể hèn hạ hơn: “Nếu họ tấn công chúng ta bằng súng đạn! Ta đáp trả họ bằng tình hữu nghị!” nên trận chiến đó chỉ là một cuộc thảm sát kinh hoàng, 64 chiến sĩ công binh Việt Nam bị lính Tầu bắn hạ như người ta bắn chim sẻ. Xác họ chìm sâu trong lòng đại dương. Ít lâu sau trong cơn hoảng loạn vì hệ thống cộng sản Đông Âu lần lượt xụp đổ, Liên Xô lúc đó đang hấp hối bên bờ vực thẳm tan rã, đất nước rơi vào thế cực kỳ nguy ngập “Chân không đến đất - Cật chẳng đến giời”. Với não trạng của những con tốt bị bỏ rơi cùng đường “Đi với Mỹ sẽ mất đảng - Đi với Trung Quốc sẽ mất nước”, nhưng “Thà mất nước còn hơn là mất đảng” (NVL)... ĐCS Việt Nam đã nhanh chóng chọn giải pháp quỳ gối trước Trung Quốc, kẻ thù truyền kiếp bằng thỏa ước Thành Đô 9/1990.
Có thể nói, cùng với công hàm 1958 của Phạm Văn Đồng, thỏa hiệp Thành Đô 1990... là những dẫn chứng sinh động nhất cho tội lỗi tầy trời của ĐCS Việt Nam, khi họ tạo điều kiện thuận lợi để Trung Quốc mở ra “Một thời kỳ Bắc Thuộc mới” như lời cảnh báo của cố bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch. Từ đó đến nay, ĐCS Việt Nam vẫn mê lú, hy vọng Trung Quốc sẽ thay Liên Xô trong sứ mạng nhuộm đỏ cả hoàn cầu này, ĐCS Việt Nam sẽ được Trung Quốc cưu mang. Ban lãnh đạo Việt Nam cố tình bắt dân tộc phải lãng quên những đau đớn đã đến vì người Trung Quốc. Ai mà nhắc đến Hoàng Sa 1974, chiến tranh biên giới 1979, nhắc đến cuộc thảm sát Gạc Ma 1988 sẽ bị coi là những thế lực thù địch.
Là những người tôn thờ triết lý “Không có liên minh nào là vĩnh viễn, không có kẻ thù nào là vĩnh viễn, chỉ có lợi ích là vĩnh viễn” (The firt America) người Mỹ không thể cùng đứng mãi bên VNCH trong vũng lầy của một cuộc tương tàn giữa những người Việt Nam cùng huyết thống. Người Mĩ quyết định bỏ cuộc trong thế trận ngăn chặn thành công làn sóng “đỏ” không cho lan tràn xuống vùng Đông Nam Á và người Mỹ đã xâm nhập thành công vào Trung Quốc, một thị trường hơn 1 tỉ dân. Như thế, người Mỹ đâu có trắng tay sau chiến tranh Việt Nam. Nếu sau ngày 30/4/1975 người Mỹ không vì hối hận mà dang tay đón nhận làn sóng thuyền nhân bỏ xứ ra đi thì hình ảnh “Hiệp Sĩ Nhân Quyền Mĩ” chắc chắn sẽ hoen ố, sẽ chẳng ra gì trong con mắt của người Việt Nam. Tôi tin rằng đến nay nếu phải nhắc lại cuộc chiến tranh đó, nghĩ lại những gì đã xẩy ra trước và trong ngày 30/4/1975, người Mỹ chỉ coi đó là những kỷ niệm buồn cùng với những toan tính, những nước cờ thành công và cả không thành công của họ.
Điều gọi là “Hội chứng Việt Nam vẫn còn là bóng ma ám ảnh nước Mỹ”, chỉ là sản phẩm của những kẻ hoang tưởng và tự sướng mà thôi. Thật khôi hài, đầu tháng 3 – 2018, tầu sân bay USS Carl Vinson với đoàn tầu hộ tống rất hùng hậu cùng 6000 lính Mỹ cập cáng Đà Nẵng trong bối cảnh toàn bộ dàn tứ trụ triều đình của Việt Nam tránh mặt hết, bỏ mặc khách cùng dân chúng Đã Nẵng hân hoan hát múa hòa giải “Nối vòng tay lớn” tới 5 ngày đêm liền. Thái độ lảng tránh cựu thù của BLĐ Việt Nam nói lên điều gì? Chiến thắng 30/4 hoành tráng đến thế kia mà! Sao bây giờ lãnh đạo ta lại sợ Mỹ sợ Ngụy đến thế hay sao? Sống trong thời đại @ một học sinh tiểu học nào lúc này cũng trả lời được: “ĐCS Việt Nam không sợ Mỹ, càng không sợ Ngụy. Họ chỉ sợ Hoàng Đế Tập Cận Bình mà thôi”.
Người Trung Quốc cũng đâu có thua thiệt gì khi họ chơi tới bến con bài Việt Nam đánh Mỹ. Cái lớn lao nhất mà họ đạt được là hơn 3 thập kỷ sau khi hòa hoãn được với Mỹ nhờ tuyên bố chung Thượng Hải 1972, Trung Quốc từ một nước đói nghèo đã trở thành cường quốc thứ 2 thế giới về kinh tế. Nếu đem những chiến lợi phẩm khác mà Trung Quốc thu được nhờ chiến tranh Việt Nam như Thác Bản Giốc, Ải Chi Lăng, Bãi Tục Lãm, Hoàng Sa, Gạc Ma - Trường Sa, Bauxite Tây Nguyên, Formosa, Lee and men, Vũng Áng, hàng triệu ha rừng thượng nguồn, hàng ngàn dự án ở Việt Nam mà Trung Quốc thắng thầu cùng vùng biển của Việt Nam bị Trung Quốc nắm giữ đem so với số súng đạn, dép râu, mũ cối, lương khô Tầu họ viện trợ cho Việt nam trong chiến tranh thì cú áp phe xương máu người Việt Nam này Trung Quốc lỗ hay lãi đây thưa các ông Nguyễn Văn Linh, Nông Đức Mạnh, Lê Khả Phiêu, Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Nguyễn Phú Trọng - Những người rước “Thập Lục Kim Tự" và “Tứ Hảo” về để tiếp tục ám quẻ đất nước này?
Hôm nay, trong tay là Nghị quyết 36, ngày ngày tuyên giáo đảng cứ ra rả nói đến hòa hợp hòa giải, xóa bỏ hận thù, mơn trớn gọi những người năm xưa phải vượt biển tìm tự do là “Khúc ruột ngàn dặm”. Trong khi đó cứ mỗi ngày 30/4 hàng năm đến, là một lần họ xát muối vào nỗi đau của “Bên thua cuộc” qua việc bắt người dân cả nước hoan hỉ lên đồng coi ngày đó là ngày đánh dấu sự kiện “Đánh cho Mỹ cút - Ngụy nhào", cùng với việc tiếp tục bắt bớ, giam cầm những người dân trong nước dám đấu tranh đòi Tự Do - Dân Chủ - Nhân Quyền một cách ôn hòa. Cách hành xử phản cảm, khó coi như thế không biết sẽ còn tiếp diễn đến bao giờ. Theo tôi, ngày 30/4/1975 chỉ nên đơn giản hiểu là ngày “tiền đồn” của phe cộng sản đánh thắng “tiền đồn” của thế giới tự do và là ngày để người Việt Nam ở cả bên thắng cuộc và bên thua cuộc cùng lắng lại lòng mình trước những thảm kịch chỉ có lợi cho những kẻ ngoại bang, những siêu cường mà thôi. Như vậy, ngày 30/4 đâu có xứng đáng là biểu tượng của sự toàn bích. Cuộc thống nhất đất nước cưỡng bức ngày đó cũng làm xuất hiện những chia rẽ mới rất đáng tiếc đối với nhiều thế hệ người Việt Nam ở trong cũng như ngoài nước như điều mà ông Võ Văn Kiệt đã nói: “Triệu người vui – Triệu người buồn”.
Xin hỏi những người coi ngày 30/4/1975 là ngày quốc khánh cho nhà nước CHXHCNVN thống nhất: Quốc khánh rồi mà khi dàn khoan HD 981 bất ngờ nhẩy vào vùng biển chủ quyền của Việt Nam, Quốc vụ khanh Dương Khiết Trì dám cất lời kêu gọi xấc xược giữa Hà Nôi rằng: “Những đứa con hoang đàng hãy về với nước mẹ Trung Hoa vĩ đại!”
Đất nước đã thống nhất được 43 năm mà ngày 30/4 vẫn tiếp tục được coi là ngày “Quốc Khánh” đối với “Bên Thắng Cuôc” và là ngày “Quốc Hận” với “Bên Thua Cuộc” thì con đường để Việt Nam đi đến hòa hợp hòa giải là không dễ trở thành hiện thực. Ngày mà người Việt Nam ở trong nước cũng như ngoài nước có được một tiếng nói chung, một lộ trình chung, một đề án chung để Tổ Quốc Việt Nam hiện diện trong thế giới nhốn nháo này ở tư thế ngửng cao đầu, xứng tầm với những gì mà dân tộc lẽ ra phải được khẳng định từ lâu rồi, những gì mà Văn Cao ao ước: “Từ nay người biết yêu người / Từ nay người biết thương người” có lẽ vẫn còn xa vời lắm. Ngày dân tộc Việt Nam trả xong nghiệp báo còn xa. Chúng ta vẫn tiếp tục là những kẻ nhỡ chuyến tầu đi về phía Dân Chủ.
Cũng một kiếp người...
Thử hỏi trong lịch sử dân tộc, có giai đoạn nào, có thời kỳ nào và vì ai mà nguyên khí bị tha hóa, nội lực dân tộc bị huỷ hoại, suy yếu vì chia rẽ, vì ngờ vực lẫn nhau lại dai dẳng, bi thương, sâu sắc & nghiêm trọng đến như vậy. Tương lai của dân tộc rồi sẽ ra sao? Ai là người có lỗi trước tiền nhân? Ai sẽ phải chịu trách nhiệm trước lịch sử đây?
Lời cuối :
Có thể lắm, khi đọc bài viết này, sẽ có người lên án tôi, chỉ vì tôi không suy nghĩ như họ. Tôi chủ trương không tranh biện. Tôi “không...” không phải là tôi không dám, là người luôn cổ xúy cho một đời sống chính trị Đa Nguyên, tôi tôn trọng mọi ý kiến dị biệt có văn hóa. Viết loạt bài về ngày 30/4 này, tôi chỉ có một tham vọng duy nhất là cung cấp cho người đọc một góc nhìn không giống ai khi nghĩ về những kiếp nạn mà dân tộc mình phải chịu đựng.
Theo tôi, đã đủ điều kiện để nói: Sau 88 năm ngày ĐCS Việt Nam ra đời, họ đã du nhập vào đất nước này ý thức hệ Mác - Lê, phiên bản của Stalin - Mao Trạch Đông..., cái thứ vô cùng xa lạ với truyền thống của dân tộc đó đã biến dân tộc Việt Nam vốn rất năng động, thông minh, quật cường trước cái ác thành một cộng đồng thoái hóa, bạc nhược, một đàn Cừu chỉ biết vâng lời. Chúng ta những hậu duệ của nòi giống Rồng Tiên đã bị các thứ ngoại lai đó biến mình thành những con tốt tầm thường trong những ván bài mà người Việt Nam luôn luôn là những người thủ bại. Tôi tin sẽ đến ngày dân tộc Việt Nam bừng tỉnh bước ra khỏi những u mê lạc lối và thế hệ người Việt Nam trong tương lai sẽ làm hồi sinh lại đất nước đau thương này. Họ sẽ không bao giờ vướng phải những sai lầm mà các bậc tiền bối của họ đã không dưới một lần mắc phải.
Ngày giỗ tổ Hùng Vương 4 - 2018
- Nguyên giáo viên dậy Địa Lý GD - ĐT Hoà Bình - Hà Tây
- Nơi ở :Văn la - Phú La - Hà Đông - Hà Nội.
- ĐT 0433521066 & 01652323836. Email: nguyenthuonglong571@gmail.com
0 comments:
Post a Comment