Xã luận bán nguyệt san Tự do Ngôn luận - Nhà cầm quyền CSVN đang gia tăng đàn áp các tôn giáo. Trước hết, đó là nhận xét của các tổ chức quốc tế về nhân quyền. Trung tâm Nghiên cứu Pew (Pew Research Center), có trụ sở ở Hoa Kỳ, mới đây đưa ra một phúc trình cho thấy là năm 2017, Việt Nam nằm trong danh sách 10 quốc gia hoặc “kiểm soát chặt chẽ những định chế tôn giáo” hoặc “thực sự thù nghịch với tôn giáo”. Tổ chức Open Doors International (một cơ quan quốc tế bảo vệ Ki-tô giáo, tức Công giáo và Tin lành) đầu năm 2018 đã xếp VN đứng thứ 18 trong những quốc gia nơi Ki-tô hữu phải đối diện với tình trạng bách hại tệ hại nhất. Tổ chức Các Quốc gia và Dân tộc Không Đại diện (UNPO, Unrepresen-ted Nations & Peoples Organisation) cho biết hiện trạng đàn áp tôn giáo và các quyền tự do khác tại VN đã được nêu lên mới đây tại khóa họp thứ 37 của Hội đồng Nhân Quyền LHQ diễn ra ở Geneva. Trong khoá họp này (từ 26-02 đến 23-03-2018), vấn đề Tự do tôn giáo, tín ngưỡng đã được quan tâm đặc biệt. Hôm 06-03-2018, Tiến sĩ Ahmed Shaheed, Báo cáo viên Đặc biệt LHQ về Tự do Tôn giáo đã công bố tại đó bản Phúc trình Thường niên nhan đề “Quan hệ giữa Nhà nước và Tôn giáo cùng tác động của quan hệ này đối với Tự do Tôn giáo hay Tín ngưỡng”.
Trước đấy, ngày 04-01-2018, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã chỉ định 10 quốc gia, trong đó có Myanmar, Trung Quốc, Iran và Triều Tiên vào danh sách các "Quốc gia cần Quan tâm Đặc biệt" (CPC) vì đã tham gia hoặc dung túng các vi phạm tự do tôn giáo. Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế (USCIRF) cho rằng danh sách này chưa đủ vì thiếu tên VN. Cùng ngày 04-01, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Hoa Kỳ, dân biểu Ed Royce, ra thông cáo bày tỏ bất bình vì VN một lần nữa thoát khỏi danh sách CPC.
Sở dĩ có sự gia tăng đàn áp này là vì các tôn giáo, các tổ chức tôn giáo của người Việt trong lẫn ngoài nước, trong đó có cả Hội đồng Liên tôn VN (quy tụ nhiều chức sắc của 5 tôn giáo) ngày càng lên tiếng mạnh mẽ về các vấn đề nhân quyền và dân chủ. Rút kinh nghiệm từ các biến động tại các nước CS Đông Âu thập niên 80-90 của thế kỷ trước, nhà cầm quyền VC ngày càng cảnh giác đối với các Giáo hội, nhất là những cộng đồng đông đảo, có tinh thần, có tổ chức, có kỷ luật, có hàng lãnh đạo được đào tạo kỹ càng và có hàng tín đồ đầy tinh thần hy sinh lẫn vâng phục. Ngoài ra, đó còn là những tổ chức xã hội dân sự mà VC khó lòng kiểm soát trọn, xâm nhập sâu để lũng đoạn (ngoại trừ các giáo hội quốc doanh và các tổ chức tôn giáo quốc doanh do họ thành lập).
Sự đàn áp đang gia tăng trên mặt luật pháp lẫn mặt thực thế, nhất là từ khi Luật tín ngưỡng tôn giáo do VC ban hành bất chấp ý kiến nhân dân và ý kiến tín đồ, có hiệu lực từ đầu năm nay. Phụ thêm với nó là hai văn kiện khác: Nghị định áp dụng Luật tín ngưỡng Tôn giáo và Nghị định xử phạt hành chánh trong lãnh vực tín ngưỡng tôn giáo mà VC dự định tung ra vào giữa năm này. Đây là những công cụ VC dùng để đàn áp kiểu hợp pháp các Giáo hội. Đàn áp bằng cách củng cố cơ chế “xin-cho” và hình sự hóa mọi hoạt động lớn nhỏ của tôn giáo, nghĩa là bó buộc các cộng đồng Giáo hội phải xin phép trong tất cả những gì liên quan tới việc sống niềm tin.
Bước đầu của cơ chế “xin-cho” chính là sự thừa nhận (theo nghĩa cho phép) của nhà nước đối với một tôn giáo nào đó. Nhưng như nhận định của TS Ahmed Shaheed (trả lời RFA ngày 16-03-2018), quyền tự do tôn giáo không thể bắt đầu với sự thừa nhận kiểu ấy của Nhà nước. Trước hết mọi quốc gia phải công nhận rằng bất cứ ai đều được hưởng quyền tự do tôn giáo. Sự thừa nhận của Nhà nước (theo nghĩa xác nhận sự hiện hữu và hoạt động) chỉ là quy trình giúp bảo vệ quyền này. Nhưng ở VN hiện thời, nhà cầm quyền vô thần tự cho mình cái quyền ban phép hiện hữu và hoạt động cho một tôn giáo. Do đó đã có nhiều tôn giáo bị đặt ra ngoài vòng pháp luật và bị đàn áp khốc liệt, hoặc phải chờ đợi nhà cầm quyền bật đèn xanh, dĩ nhiên với những điều kiện biến họ thành công cụ phục vụ chế độ hay chậu cảnh trang trí im lìm.
Bước thứ hai của cơ chế “xin-cho”, đó là tôn giáo nói chung, hay các cộng đồng, tổ chức tôn giáo nói riêng phải trình báo cho nhà cầm quyền về nội dung giáo lý, cơ cấu tổ chức nội bộ, việc đào tạo người hoạt động, việc bổ nhiệm các chức sắc, các sinh hoạt thuần túy tôn giáo, các hoạt động bác ái xã hội, các liên hệ với đồng đạo hay thẩm cấp cao hơn ở nước ngoài… Việc trình báo đó cũng có nghĩa là xin phép và nhà cầm quyền tùy ý cho hay không cho. Không xin phép thì sẽ bị cấm cản, phạt tiền hoặc phạt tù. Sẽ cho nếu Giáo hội đó, cụ thể là hàng lãnh đạo, tỏ ra “tốt đời đẹp đạo”, nghĩa là chỉ chuyên chú lo việc tu hành, việc thờ phượng thuần túy, biến tôn giáo thành “tôn giáo lễ hội”. Còn nếu dám tuyên bố sự thật về xã hội và chế độ, bảo vệ công lý cho kẻ yếu thế và bị áp bức, đòi hỏi nhân quyền và dân chủ cho đồng bào thì sẽ bị hạn chế, cấm cản, bắt giam. Nghĩa là động tới “chính trị” theo kiểu nói của VC thì không được!
Trên mặt thực tế, VC tiếp tục đàn áp các đồng bào thiểu số theo tôn giáo cách thường xuyên hơn và trắng trợn hơn, vì các đồng bào này ở những vùng xa xôi, hẻo lánh. Họ lại đơn sơ hiền lành và ít có những phương tiện thông tin hiện đại. Theo báo cáo của tổ chức Open Doors International, trong năm 2017, có ít nhất 50 người Thượng ở Tây Nguyên theo Tin Lành từng trốn qua Campuchia tỵ nạn nhưng cũng đã chạy khỏi nước này mà sang Thái Lan để tránh bị trả về VN. Còn tổ chức World Watch Monitor hôm 01-03 cho biết có bốn gia đình sắc tộc Hmong ở Tây Bắc VN vừa theo đạo Tin Lành, nhưng nhà cầm quyền địa phương đã buộc họ bỏ đạo, nếu không phải rời khỏi làng. Vì bất tuân, họ đã bị một nhóm côn đồ tấn công khiến 4 người phải nhập viện. Theo một ước tính, trong khoảng 1 triệu dân Hmong ở VN, hiện có khoảng 400,000 người theo Ki-tô giáo, một tỉ lệ cao hơn nhiều lần so với dân số VN nói chung. Do đó họ bị VC đặc biệt sách nhiễu.
Nhà cầm quyền cũng đặc biệt trấn áp những lãnh đạo tinh thần đang tranh đấu cho tự do tôn giáo và nhân quyền dân chủ. Về phía Hòa Hảo chẳng hạn, ngày 23-01-2018, tòa án tỉnh An Giang đã tuyên án ông Vương Văn Thả 12 năm tù, con trai 7 năm, 2 người cháu đồng 6 năm, với cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước”. Ông Thả này, ngụ tại ấp Vĩnh Linh, là một tín đồ trước đó liên tục lên tiếng cho tự do tôn giáo và dân chủ nhân quyền từ nơi ở của mình. Nhưng ngày 18-05-2017, ông và thân nhân đã bị bắt và còn bị phá tan hoang nhà cửa. Ngày 09-02-2018, Tòa án nhân dân huyện An Phú, tỉnh An Giang đã tuyên án ông Bùi Văn Trung, 2 con và 3 đồng đạo 22 năm tù ở vì “tội” gây rối trật tự cộng cộng” và chống người thi hành công vụ. Ông Trung và con trai từng là cựu tù nhân lương tâm, cũng như đã khước từ tham gia PGHH quốc doanh.
Phía Cao Đài thì có Chánh trị sự Hứa Phi, sống ở tỉnh Lâm Đồng, đã bị sách nhiễu và đàn áp liên tục từ đầu năm đến nay, đến nỗi lâm bệnh trầm trọng. Trong tình thế ấy, ông vẫn bị buộc tới đồn làm việc, vì “phát ngôn chống lại dân tộc”!?! Ngày 5-2, hai người bạn đến thăm ông đã bị đánh đập đến trọng thương. Các chức sắc Hội đồng Liên Tôn cũng có dự tính tương tự trong cùng ngày nhưng đã bị công an ngăn cản. Ngày 13-3, 8 đồng đạo từ miền Trung vào thăm CTS Hứa Phi tại nhà. Công an đã phá khóa cổng xông vào lập biên bản và cuối cùng đuổi các đồng đạo của CTS ra khỏi nhà vào lúc nửa đêm. Hôm 19-3, công an lại cản trở ông gặp các Tổng lãnh sự Hoa Kỳ và Canada tại chùa Giác Hoa, Sài Gòn.
Phía Công giáo, hai vị lãnh đạo tinh thần có hoạt động đấu tranh bảo vệ nhân quyền nổi bật nhất trong hai năm nay là Lm Đặng Hữu Nam và Lm Nguyễn Đình Thục. Nhân vụ nhiễm độc biển miền Trung do Formosa gây ra, hai vị đã hướng dẫn giáo dân xuống đường biểu tình, nộp đơn khiếu kiện, đi ra ngoại quốc vận động cho việc bảo vệ và khôi phục môi trường. Đối lại, nhà cầm quyền đã liên tục cản phá bằng cách trấn áp các cuộc biểu tình do họ hướng dẫn, chặn đường không cho nộp đơn khiếu kiện hoặc trả đơn khiếu kiện lui, tổ chức đấu tố khiếm diện hai ông, bêu xấu họ trên phương tiện truyền thông và trường học, dùng Hội Cờ Đỏ tấn công các giáo xứ do hai vị linh mục phụ trách. Mới đây nhất, VC đã có hành động quyết liệt là làm áp lực đổi linh mục Đặng Hữu Nam đi một giáo xứ khác, sâu trong đất liền (07-02-2018). Đối với Linh mục Thục, VC tấn công bằng cách giam nhốt và xử tù nặng một cộng tác viên thân cận của ông là nhà báo tự do Hoàng Đức Bình với 14 năm tù (06-02-2018)
Một chức sắc có tinh thần tranh đấu khác, lần này trên mặt trận bảo vệ quyền tư hữu đất đai, cũng bị đàn áp đủ kiểu. Đó là Lm Nguyễn Văn Đức, Bề trên Giám quản Đan viện Thiên An tại Huế. Trong 3 năm rồi, ông đã không ít lần trải qua những nguy hiểm do nhà cầm quyền CS gây ra. Chẳng hạn đã bị đầu độc bằng cà-phê nhân dịp tết âm lịch 2016, bởi một người khách lạ viếng thăm nhà dòng. May mà ông đã kịp thời sang Âu châu chữa trị. Ngày 01-07-2017, đang khi đi dạo một mình trong khu vực Đan viện, ông đã bị một kẻ lạ mặt bất ngờ ném chất lỏng trúng ngay vùng đầu, cổ và mặt, đến độ rộp đỏ, sưng vù. Ngày 05-09-2017, tại SG, công an đã dàn dựng một vụ án tình để bôi nhọ phẩm giá và danh dự của ông, nhưng âm mưu bất thành. Ngày 23-12-2017, phó chủ tịch Ủy ban nhân dân Thừa Thiên-Huế đã viết một lá thư dài gởi lãnh đạo dòng Biển Đức, vu cáo ông vi phạm pháp luật đủ kiểu và cuối cùng đề nghị truất chức và thuyên chuyển ông đi nơi khác.
Phía Tin Lành thì ngày 28-07-2017, VC đã trục xuất mục sư Nguyễn Công Chính và gia đình sang Hoa Kỳ. Lúc đó ông đang chịu án 11 năm, với cáo buộc “phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc” khi ông giúp đỡ người Thượng Tây Nguyên theo đạo Tin Lành. Trong tù, ông luôn bị ngược đãi và tra tấn. Bà vợ của ông ở bên ngoài, cũng nhiều lần bị công an Gia Lai sách nhiễu và hành hạ (tháng 4-2016). Việc trục xuất Mục sư Chính được coi như nhổ cái gai trước mắt, vì ông là một trong những lãnh đạo Tin lành tích cực hoạt động cho quyền tự do tôn giáo khi còn ở trong nước.
Dù sao, các tôn giáo chính là niềm hy vọng lớn lao cho toàn dân lúc này. Vấn để là hàng lãnh đạo các giáo hội biết phát huy sức mạnh của niềm tin và vận dụng sức mạnh của tín đồ, một sức mạnh vũ bão nhưng không gây tàn phá, quyết liệt nhưng bất bạo động. Cụ thể là tổ chức những cuộc xuống đường liên tục, đông đảo, rộng khắp, gây một phong trào biểu tình khắp cả nước, lôi kéo các thành phần khác trong xã hội, để buộc nhà cầm quyền VC giải quyết mọi vấn đề xã hội, thỏa mãn mọi đòi hỏi nhân quyền và nhường chỗ cho một chế độ dân chủ, như bên Đông Âu.
Xã luận bán nguyệt san Tự do Ngôn luận số 288 (01-04-2018)
Ban biên tập
0 comments:
Post a Comment