Author: Trọng Nghĩa | Source: RFI | Posted on: 2017-07-10 |
Tàu sân bay INS Vikramaditya của Ấn Độ tham gia cuộc tập trận Malabar 2017 với Nhật Bản và Hoa Kỳ ngoài Vịnh Bengal.CC/India Navy
Ấn Độ, Hoa Kỳ và Nhật Bản vào ngày 10/07/2017 đã chính thức khai mạc cuộc tập trận hải quân chung mang tên Malabar ngoài khơi Vịnh Bengal, nhìn ra Ấn Độ Dương. Đây không phải là lần đầu tiên mà Hải Quân ba nước diễn tập chung, nhưng cuộc tập trận năm 2017 nổi bật với quy mô cực kỳ lớn và với thông điệp được cho là nhắm tới Trung Quốc.
Theo các thông tin báo chí, cuộc tập trận Malabar dự kiến kéo dài 10 ngày, với nội dung quan trọng nhất là diễn tập kỹ thuật và chiến thuật chống tàu ngầm.
Tham gia cuộc tập trận là một lực lượng tầu thuyền và máy bay hùng hậu chưa từng thấy từ trước đến nay. Lần đầu tiên, mỗi nước đều cử một chiếc tàu sân bay đến tham gia : Hoa Kỳ với siêu hàng không mẫu hạm nguyên tử USS Ronald Reagan, Ấn Độ với tàu sân bay INS Vikramaditya, thuộc lớp Kiev của Nga và Nhật Bản với « khu trục hạm chở trực thăng » JS Izumo, chiến hạm lớn nhất trong hạm đội nước này. Ngoài ba chiếc mẫu hạm kể trên, các nước đã phái ít nhất là 14 chiến hạm và tàu ngầm tham gia tập trận.
Về phần Ấn Độ, nước này còn cho một phi cơ tuần tra biển P8I tham gia tập trận để phối hợp với một chiếc P8A Poseidon của Mỹ, cùng với hai khinh hạm săn ngầm lớp Kamorta, loại tàu tàng hình săn ngầm đầu tiên do Ấn Độ sản xuất.
Các phương tiện được huy động đã nêu bật trọng tâm chống tàu ngầm của cuộc tập trận Malabar năm 2017. Ngoài các loại tàu chuyên săn ngầm, phi cơ tuần tra biển P8 cũng được trang bị phương tiện truy tìm, thậm chí tấn công tàu ngầm. Tàu Izumo với khả năng chở được 9 trực thăng mà chức năng chính là chống tàu ngầm.
Theo nhật báo Ấn Độ Times of India, nội dung chống tàu ngầm của cuộc tập trận Malabar 2017 đã được nhấn mạnh vào lúc Hải Quân Ấn Độ ghi nhận một « sự tăng vọt khác thường » của tàu chiến và tàu ngầm Trung Quốc trong vùng Ấn Độ Dương trong hai tháng vừa qua, cho thấy là Trung Quốc đang dồn sức vào nơi này sau khi gần như đã hoàn thành mục tiêu khống chế Biển Đông.
Trung Quốc đã không che giấu thái độ quan ngại trước cuộc tập trận ba bên Mỹ-Ấn-Nhật. Ngay từ tuần trước, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã lưu ý rằng cuộc tập trận chung giữa Hải Quân ba nước Mỹ, Nhật, Ấn không nên có mục đích nhằm vào các quốc gia khác.
Cùng chủ đề
---------
---------
Trung Quốc lo ngại về các hợp đồng quốc phòng Mỹ-Ấn
Thanh Phương - RFI
2017-06-26
2017-06-26
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong buổi gặp đại diện cộng đồng người Ấn Độ tại Washington, Hoa Kỳ, ngày 25/06/2017.PIB / AFP
Trung Quốc hiện đang theo dõi rất sát chuyến đi thăm Hoa Kỳ của thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, đặc biệt là những hợp đồng về quốc phòng giữa hai nước, trong đó có hợp đồng cung cấp máy bay không người lái của Mỹ cho Ấn Độ.
Ngày 26/06/2017, thủ tướng Modi lần đầu tiên gặp tổng thống Donald Trump trong bối cảnh Ấn Độ và Hoa Kỳ đã thắt chặt quan hệ đối tác chiến lược kể từ khi ông Modi lên cầm quyền, tuy hai nước chưa phải là đồng minh. Dĩ nhiên ông Modi hy vọng là quan hệ giữa hai nước sẽ tiếp tục nồng ấm giống như dưới thời Obama, nhưng trước mắt ông sẽ cố thiết lập một mối quan hệ cá nhân tốt đẹp với ông Donald Trump.
Hai nhà lãnh đạo chắc cũng sẽ bàn về hợp đồng bán và chuyển giao công nghệ chiến đấu cơ phản lực của Mỹ cho Ấn Độ. Tuy nhiên, theo một chiến lược gia Trung Quốc tại Bắc Kinh được tờ Hindustan Times (26/07/2017) trích dẫn, Bắc Kinh không mấy lo lắng về việc Washington chuyển giao công nghệ sản xuất chiến đấu cơ F-16, vì dù sao đây cũng chiến đấu cơ đời cũ.
Điều làm cho Trung Quốc quan ngại nhất là khả năng Hoa Kỳ cung cấp các máy bay không người lái cho Ấn Độ. Theo chiến lược gia này, hợp đồng đó mang tính biểu tượng hơn là hợp đồng F-16 và sẽ giúp nâng cao khả năng giám sát của New Delhi ở vùng Ấn Độ Dương và như vậy Ấn Độ sẽ theo dõi sát hơn mọi di chuyển của tàu Trung Quốc tại vùng biển này.
Một số tờ báo loan tin là chính phủ Mỹ đã bật đèn xanh cho hợp đồng bán 22 chiếc máy bay không người lái Guardian MQ-9B, trị giá tổng cộng 2 tỷ đôla, mà Ấn Độ muốn trang bị cho lực lượng hải quân của họ. Hãng tin Reuters trước đó cho biết New Delhi xem hợp đồng này là một trắc nghiệm quan trọng cho quan hệ quốc phòng Mỹ-Ấn.
Theo dự kiến thì hợp đồng bán máy bay không người lái cho Ấn Độ sẽ được công bố trong bản tuyên bố chung sau cuộc gặp Trump-Modi hôm nay, nếu có sự chấp thuận chính thức của Quốc Hội.
Nói chung là Bắc Kinh ngày càng quan ngại về quan hệ Mỹ-Ấn kể từ khi hai nước ký hiệp định về hạt nhân dân sự năm 2005, mở đường cho New Dehli nhập khẩu nhiên liệu và công nghệ hạt nhân. Cho tới nay Trung Quốc vẫn chống lại việc Ấn Độ muốn gia nhập nhóm 48 quốc gia cung cấp năng lượng hạt nhân, kiểm soát việc mua bán công nghệ hạt nhân trên thế giới.
Hơn nữa, Bắc Kinh nghĩ rằng Hoa Kỳ đang muốn dùng Ấn Độ để kềm chế, « bao vây » Trung Quốc. Hôm thứ Sáu 23/06, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã yêu cầu Washington và New Delhi « không làm ảnh hưởng đến hòa bình ở vùng Biển Đông », yêu cầu hai nước này nên đóng « vai trò xây dựng » trong những tranh chấp chủ quyền hơn là làm cho các tranh chấp đó trầm trọng. Bắc Kinh đã ra tuyên bố như trên vì biết chắc là hồ sơ này sẽ được đề cập đến trong cuộc gặp gỡ Trump-Modi lần này.
---------
0 comments:
Post a Comment