Bài viết của một du học sinh về lá Cờ Vàng Ba Sọc Ðỏ - phần 1
Cờ vàng "3 que xỏ lá"
Lê Trung Thành
“Trên một miếng vải màu vàng người ta vẽ lên 3 sọc đỏ, đó là lá cờ ba que xỏ lá của bọn ngụy quân, ngụy quyền đã bại trận, và hiện nay nó là cờ của bè lũ phản động Hải Ngoại toàn là những kẻ bỏ nước ra đi, giờ vẫn ôm hận thù. Không biết sống ở nước ngoài thì yêu Việt Nam cỡ nào mà đấu với chả tranh, chỉ luôn nuôi hận thù đòi lật đổ chế độ, một chế độ ổn định không có các cuộc biểu tình bạo loạn, và không bị đánh bom khủng bố như các nước phương tây...”
Đó là tất cả những gì tôi được nghe, được tuyên truyền, và được quyền biết đến trong suốt quảng đời tuổi trẻ sống và học tập theo gương bác Hồ vĩ đại, và đó cũng là những luận điệu được lặp đi lặp lại na ná nhau của phần đông thế hệ thanh niên quốc nội sinh sau năm 1975 khi được hỏi “bạn biết gì về cờ vàng ba sọc đỏ”. Và không biết nên vui hay buồn khi phải cho mọi người biết một sự thật rằng trong thời gian ở Đài Loan tôi có thăm dò cộng đồng người việt cũng bằng câu hỏi đó thì cứ khoảng 10 người Việt Nam sang du học, lao động hoặc kết hôn thì đến 6 người trả lời “cờ vàng ba sọc đỏ? tôi chưa nghe đến bao giờ, là cờ của nước nào vậy?” 3,9 người còn lại sẽ trả lời như ở đầu bài (1).
Đấy! nói như thế để những ai may mắn có điều kiện tiếp xúc với internet và đang đọc những dòng này biết được sự quan tâm đến hiện tình đất nước và hiểu biết về lịch sử của đa phần người dân đang ở mức độ nào. Và chính tôi một thời gian trước đây khi còn ngồi dưới mái trường xã hội chủ nghĩa cũng không hơn gì họ, thậm chí còn ngờ nghệch ảo tưởng hơn nhiều, và tôi cảm thấy “thằng tôi” của ngày hôm qua đáng thương hơn đáng giận.
Vì tôi được sinh ra tại Việt Nam sau năm 1975- khi đất nước đã được được những người Cộng Sản “thống nhất”.
Vì ông bà cha mẹ họ hàng gia đình tôi là những người từng đổ máu chiến đấu cho lí tưởng Cộng Sản.
Vì tôi đã được học dưới mái trường xã hội chủ nghĩa 12 năm với những trang sử đánh Mỹ cứu nước hào hùng của dân tộc.
Vì cứ vào thứ hai đầu tuần phải nghiêm trang trong tư thế chào cờ mắt nhìn lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên đầy vẻ tự hào và miệng hát “đường vinh quang xây xác quân thù, thắng gian lao cùng nhau lập chiến khu, vì nhân dân chiến đấu không ngừng ...”.
Vì tôi đã từng là đoàn viên thanh niên Cộng Sản Hồ Chí Minh, và với 1 lý lịch tốt như gia đình tôi thì nếu cố gắng phấn đấu tôi sẽ được kết nạp vào đảng với nhiều cơ hội tiến thân .
Vì tôi đã từng yêu bác Hồ hơn bất kỳ thiếu niên nhi đồng nào trên đất nước việt nam này, từ khi còn bé tôi đã nằm lòng những bài thơ của Tố Hữu, đã đọc nhàu nát những cuốn sách kể chuyện về bác Hồ, và còn cẩn thận ép tấm ảnh bác trong cuốn tập nhỏ và xếp ngay ngắn trong cặp sách với niềm tin ánh sáng của bác sẽ soi đường khi mình lạc lối.
Vì thế tôi dám chắc nếu mọi người từ khi lọt lòng đều phải sống trong hoàn cảnh ấy thì cũng không khá gì hơn tôi và những bạn trẻ trong nước hiện nay, vậy nên xin mọi người đừng mỉa mai chúng tôi, đừng thù ghét mỗi khi chúng tôi phỉ báng lá cờ vàng ba sọc đỏ, mà xin hãy rộng lòng yêu thương , vì chúng tôi là sản phẩm của mái trường xã hội chủ nghĩa , vì chúng tôi là những tờ giấy trắng như biết bao trẻ em trên khắp hành tinh này nhưng “họ” đã bôi trét lên đó những gì tai hại nhất. Chỉ có lòng bao dung với ánh sáng của tình thương dẫn đường mới có thể giúp chúng tôi thoát khỏi những ảo tưởng để trải lòng tiếp nhận những thông tin mới.
Tôi yêu quê hương xứ sở vô cùng, tôi nhớ những nón lá những đôi vai gầy một nắng hai sương, nhưng sao những ngọn núi những dòng sông giờ đây đã điêu tàn tan hoang đến vậy, nhưng sao những người tôi yêu dù chăm chỉ làm ăn, chịu thương chịu khó mà phải sống một cuộc sống cơ cực và mất tự do đến thế. Vậy nên tôi đã quyết tâm truy tìm và kiểm chứng lại tất cả những gì tôi đã được học , và mỗi lần những sự thật trần trụi được phơi bày là những lần lòng tôi lại mang thêm nhiều những vết thương .
Chính vì thế nên mặc dù biết rõ sẽ gặp nhiều rắc rồi từ phía chính quyền cộng sản nhưng tôi cảm thấy mình có trách nhiệm phải nói cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau biết được nguồn gốc và ý nghĩa của 2 lá cờ: đỏ sao vàng và vàng ba sọc đỏ cùng những trải nghiệm trên con đường thay đổi nhận thức của mình . Để từ đó những chủ nhân tương lai của đất nước quyết định đâu là sinh lộ cho quê hương.
Cờ vàng ba sọc đỏ :
Tôi còn nhớ lần đầu tiên tôi biết đến lá cờ vàng ba sọc là vào khoảng thời gian tôi học cấp 2, khi tôi nghe các anh lớn bàn chuyện với nhau về hát nhạc vàng nhạc đỏ, tôi đã thắc mắc tại sao lại có sự phân biệt này, còn hỏi “làm răng để khi nghe biết được cái mô là nhạc vàng cái mô là nhạc đỏ”. Tất nhiên tôi bị mấy anh gỏ to đầu nói “mi ngu lắm nhạc vàng là nhạc phản động mi đã nghe ai nói cờ vàng ba que xỏ lá của bọn ngụy chưa , mi cứ thấy ai hát lè nhè như Duy Khánh, Chế Linh là nhạc vàng, mi cứ thấy mấy cái video có cảnh trai gái hở hang nhảy nhót quấn lấy nhau trên sân khấu có mấy thằng lính cầm cờ ba que chạy lui chạy tới là nhạc vàng...”
Nể phục trước những kiến giải sâu xa của các anh lớn ,thế là từ đó tôi có thêm hiểu biết quý báu về cái gọi là nhạc vàng, cờ vàng, và thỉnh thoảng để ra vẻ hiểu biết với tụi bạn cùng trang lứa tôi dạy lại chúng nó cụm từ “cờ vàng ba que xỏ lá” một cách đầy tâm đắc với kiến thức của mình.
Và hiện nay khi nhìn lại thế hệ các em tôi, tôi thấy các em cũng không hiểu biết hơn tôi ngày trước là bao, nhưng điều đáng buồn hơn là ngay cả các anh tiến sỹ (2) cũng không biết hay cố tình không biết, làm sao có thể giải thích cho mọi người hiểu được vấn đề 1 cách trọn vẹn, khi để hiểu được nguồn gốc và tính dân tộc của 2 lá cờ thì phải lội ngược dòng lịch sử để tìm rõ căn nguyên, lại càng khó hơn khi nhiều trang web ở Hải Ngoại bị đặt tường lửa, phương tiện truyền thông trong nước thì đều là công cụ của đảng, và toàn bộ sử liệu từ đầu thế kỷ 20 cho đến nay trong các thư viện và nhà sách Việt Nam đều là sách của đảng được nhào nặn bởi những “sử nô” danh tiếng thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, thế nên chỉ nghe tên thôi bọn trẻ cũng có thể hoàn toàn tin là sự thật, trong mắt trẻ thơ những gì được đăng tải trên truyền hình, sách vở và báo chí đều là sự thật, thế nên hỡi ôi các nhà báo các nhà làm phim các nhà giáo dục quí vị có thấy day dứt lương tâm khi đã đánh lừa niềm tin của con em chúng ta hay không?
Chính vì thế nên thỉnh thoảng ở các diễn đàn tiếng nói tự do của người dân Việt Nam trên yahoo, paltalk, và gần đây là phong trào viết blog không tránh khỏi có nhiều lời lẽ miệt thị hay tẩy chay cờ vàng.
Nay tôi xin được lược trích lại một số tư liệu (3) để lần nữa xác định rằng lá cờ vàng đã có từ trước khi nền Đệ Nhất Cộng Hòa ra đời.
1. Long Tinh Kỳ (1802-1885) : Quốc Kỳ nguyên thủy của triều đình Nhà Nguyễn
Đối chiếu với các tài liệu được tham khảo thì lá quốc kỳ đầu tiên trong thời nhà Nguyễn đã được đặt tên bằng tiếng Hán là "Long Tinh Kỳ". (Ghi chú cho tuổi trẻ Việt Nam: Ý nghĩa của các chữ Hán như sau: Kỳ là cờ. Long là Rồng, biểu tượng cho hoàng đế, có màu vàng. Râu tua màu xanh dương chung quanh tượng trưng cho Tiên và cũng là màu đại dương, nơi Rồng cư ngụ. Tinh có nghĩa là ngôi sao trên trời, mà cũng có nghĩa là màu đỏ. Màu đỏ còn biểu tượng cho phương Nam và cho lòng nhiệt thành. Long Tinh Kỳ là Cờ Rồng có chấm Đỏ viền tua xanh, biểu hiệu cho một dân tộc có nguồn gốc Rồng Tiên ở phương Nam vùng nhiệt đới.)
2. Đại Nam Quốc Kỳ (1885-1890)
Đây là hình lá cờ Đại Nam của triều đình Đồng Khánh, được tìm thấy qua tài liệu của người Tây phương.
3. Quốc kỳ Nền Vàng Ba Sọc Đỏ dưới hai triều đại Kháng Pháp 1890 - 1920
Nền vàng. Ba sọc đỏ bằng nhau biểu hiệu Bắc Nam Trung bất khả phân.Có thể nói Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ - gọi tắt là "Cờ Vàng" - là lá "quốc kỳ" đúng nghĩa đầu tiên của dân tộc Việt, vì nó hàm chứa nguyện vọng độc lập và thống nhất của lãnh thổ Việt.
Sự kiến tạo lá quốc kỳ mới ấy có nhiều ý nghĩa vô cùng quan trọng:
- Thể hiện ý chí đấu tranh, bác bỏ hiệp ước Quý Mùi, "chia để trị" của thực dân Pháp, đã tao ra tình trạng Nam Kỳ thuộc địa, Trung Bắc kỳ bảo hộ.- Xác quyết sự toàn vẹn lãnh thổ của Đại Nam Quốc, ba miền đều có tư thế chính trị giống nhau và bất khả phân trong nền tảng màu Vàng của dân tộc Việt ở phương Nam.- Nêu cao tinh thần "quốc gia dân tộc", bằng cách đoạn tuyệt với sự liên hệ của chữ Hán, cũng như thoát ly ra khỏi nền bảo hộ Pháp và triều cống Tàu.
Chính vì các ý nghĩa trên mà lá cờ Vàng còn được mệnh danh là cờ "Quốc Gia". Như vậy, từ ngữ "quốc gia" có từ cuối thế kỷ 19, đối nghịch với "thuộc địa", chớ không chỉ mới có vào bán thế kỷ 20 khi từ ngữ "cộng sản" xuất hiện.
4. Cờ Bắc Trung Kỳ trong thời miền Nam thành thuộc địa Pháp
Long Tinh Kỳ (1920 - 10 Mar, 1945). Nền vàng. Một sọc đỏ lớn. Biểu tượng cho Bắc và Trung kỳ mà thôi. 10-3-45 là ngày cáo chung của chế độ bảo hộ Pháp
Lá cờ Vàng Một Sọc Đỏ, cũng được gọi là cờ "Long Tinh", vì nó biến thể từ Long Tinh Kỳ nguyên thủy trong mấy chục năm đầu của nhà Nguyễn. Nền vàng có hình chữ nhật tương tự như quốc kỳ của các quốc gia khác. Chấm đỏ được kéo dài ra thành sọc đỏ ở giữa. Tua xanh không còn nữa. Đây là lá cờ biểu hiệu cho một quốc gia chỉ còn hai miền Bắc và Trung, thuộc quyền bảo hộ Pháp. Lá cờ này trải qua đời vua Khải Định và tồn tại trong đời vua Bảo Đại, sau khi vua Khải Định băng hà vào năm 1925. Sau khi lên ngôi vào đầu năm 1926 lúc mới 12 tuổi, vua Bảo Đại trao hết quyền cho "Hội Đồng Phụ Chính" với sự chỉ đạo của Toàn Quyền Pháp rồi trở sang Paris tiếp tục học cho đến 1932 mới trở về chấp chính. Lá cờ Long Tinh vẫn được tiếp tục dùng làm biểu tượng của triều đình Huế, lúc bấy giờ chỉ còn thẩm quyền cai trị hai miền Bắc và Trung dưới sự bảo hộ của Pháp.
5. Cờ Nam Kỳ Thuộc Địa (miền Nam thuộc địa Pháp)
Cờ Nam Kỳ Thuộc Địa (1923 - Mar 10, 1945)Nền vàngCờ Tam Tài, màu xanh trắng đỏ nằm trên góc trái.10-3-45: Nhật đảo chính PhápCờ này tồn tại đến 10-3-45 thì cáo chung sau khi Nhật đảo chính Pháp tại Đông Dương.
6. Long Tinh Kỳ trong thời Nhật chiếm Đông Dương, 11 tháng 3, 1945 - Aug 1945
Long Tinh Đế Kỳ (11 Mar - 30 Aug, 1945)Nền vàng,Sọc đỏ bằng 1/3 cờ.11-3-45: Bảo Đại tuyên bố VN độc lập, Long Tinh Kỳ trở thành Đế Kỳ30-8-45: Bảo Đại thoái vị, Đế Kỳ cáo chung.
Một ngày sau khi Nhật đảo chánh Pháp, vua Bảo Đại đăng đàn tại Huế vào ngày 11-3-45, tuyên bố hủy bỏ hòa ước Quý Mùi 1883 và Giáp Thân 1884, Việt Nam thống nhất và độc lập, theo chế độ Quân Chủ tân thời như một số quốc gia Tây Phương, và ủy nhiệm cho học giả Trần Trọng Kim thành lập chính phủ. Sau đó, vua Bảo Đại phân định cho Long Tinh Kỳ trở lại cương vị của Đế Kỳ, chỉ treo nơi Hoàng Thành Huế hoặc mang theo những nơi vua tuần du. Long Tinh Đế Kỳ cũng tương tự như Long Tinh Quốc Kỳ trong thời Pháp bảo hộ, nhưng nền vàng đậm hơn và sọc đỏ thu hẹp lại bằng 1/3 chiều cao lá cờ, để tương xứng với cờ Quẻ Ly của chính phủ Trần Trọng Kim.
6. Cờ Quẻ Ly của quốc gia Việt Nam trong thời Nhật chiếm Đông Dương
Cờ Quẻ Ly thời Nhật (11 Mar - 5 Sep, 1945)Nền vàng, ba sọc đỏ, sọc giữa đứt khoảng hơi giống hình Quẻ LyQuốc kỳ chính thức thời Nhật, đồng thời với Long Tinh Kế Kỳ
Để biểu trưng cho Quốc Gia trong chế độ Quân Chủ, Bảo Đại ký sắc lệnh chấp thuận đề nghị của Thủ Tướng Trần Trọng Kim, lấy lại quốc hiệu Việt Nam mà nhà Thanh đã chấp thuận trong thời vua Gia Long, và sáng tạo ra một quốc kỳ mới. Đó là lá cờ có nền vàng tương tự như Long Tinh Đế Kỳ nhưng vạch đỏ được chia làm ba vạch nhỏ bằng nhau, riêng vạch giữa thì đứt khoảng, tương tự như quẻ Ly, một quẻ trong bát Quái.
7. Cờ Đỏ Sao Vàng của Chính Phủ Cách Mạng Lâm Thời "Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa"
Cờ Mặt Trận Việt Minh (5 Sep, 1945 - 20 Dec, 1946)Nền đỏ, sao vàng, cạnh sao hơi cong.5-9-45: Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 5 dùng cờ Việt Minh làm Quốc Kỳ, thay thế cờ Quẻ Ly.20-12-46: Việt Minh rút vào bưng kháng chiến chống Pháp. Cờ Việt Minh tạm mất tư thế Quốc Kỳ.
- Trong suốt năm 1946, quân đội Pháp càng ngày càng chiếm ưu thế trên các cuộc đụng độ với quân đội Việt Minh. Đến 20-12-46, Pháp chiếm được Bắc Bộ Phủ, Hồ Chí Minh tuyên bố rút vào bưng kháng chiến. Dần dần, Pháp chiếm đóng và kiểm soát các thành phố, quận lỵ, và các làng xã đông dân; còn Việt Minh thì đồn trú tại các vùng quê, rừng núi hẻo lánh. Như vậy, Cờ Đỏ Việt Minh bị xem như tạm thời mất tư thế "quốc kỳ" kể từ ngày 20-12-46 là ngày Pháp chiếm Bắc Bộ Phủ cho đến ngày 20-7-1954 là ngày đất nước chia đôi và Việt Minh trở lại cầm quyền trên miền Bắc Việt Nam từ vĩ tuyến 17 trở lên.
8. Cờ Vàng sọc Xanh của Chính Phủ Lâm Thời "Nam Kỳ Cộng Hòa Quốc"
Cờ Nam Kỳ Cộng Hoà Quốc (1 Jun, 1946 - 2 Jun, 1948)1-6-46: Nam Kỳ CH Quốc trong Liên Bang Đông Dương.Nền vàng, ba sọc xanh, hai sọc trắng2-6-48: Bảo Đại lập Quốc Gia Việt Nam trong Liên Hiệp Pháp, thống nhất ba miền.
9. Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ của "Việt Nam Quốc" và "Việt Nam Cộng Hòa"
Cờ Vàng Quốc Gia VN (2 Jun, 1948 - 20 Jul, 1954)2-6-48: Chính Phủ Trung Ương dùng Cờ Vàng làm quốc kỳ giống như Đại Nam Kỳ thời 1890-1920.20-7-54: Đất nước chia đôi theo Hiệp Định Genève. Từ đó, Cờ Vàng vẫn được dùng làm Quốc Kỳ Việt Nam Cộng Hoà từ 20-7-54 đến 30-4-75.
Vào năm 1948, Bảo Đại không muốn tái sử dụng Long Tinh Kỳ vì đó là Đế Kỳ của một đế chế mà ông đã chấm dứt vào tháng 8 năm 1945. Một ông vua tha thiết với nền độc lập và sự toàn vẹn lãnh thổ, đến nỗi chịu thoái vị vì quyền lợi tối thượng của đất nước, hẳn dư biết nguồn gốc của lá Cờ Vàng. Ngoài ra, một vài chi tiết lịch sử quan trọng khác cũng đã góp phần vào việc chọn lựa Cờ Vàng: Đó là cái chết oan ức tại Phi Châu vào cuối năm 1945 của hoàng tử Vĩnh San, tức là cựu hoàng Duy Tân, và sự hiện diện tại Sài Gòn từ năm 1947 của cựu hoàng Thành Thái, thân sinh của Duy Tân. Cờ Vàng đã được dùng làm Quốc Kỳ lần đầu trong triều đại của hai vị vua này. Cả hai đã là linh hồn của cuộc kháng chiến chống Pháp dành độc lập vào đầu thế kỷ 20, mà hậu quả là cuộc xử tử các thủ lãnh Quang Phục Hội như anh hùng Thái Phiên, Trần Cao Vân vào năm 1916, và án lưu đày Phi Châu của hai vị vua ái quốc ấy. Năm 1942, hoàng tử Vĩnh San gia nhập quân đội Pháp (cánh De Gaulle), đến năm 1945 được thăng cấp Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng. Khi Thế Chiến thứ 2 kết thúc, Tướng De Gaulle về Pháp cầm quyền, dự định cho ông về Việt Nam. Nhưng sau đó, có người tố cáo cho De Gaulle biết Vĩnh San luôn luôn ấp ủ chủ trương Việt Nam độc lập và thống nhất Nam, Trung, Bắc. Vì vậy, trong lần hội kiến với De Gaulle vào ngày 14-12-1945, ông bị khiển trách nặng nề và bị tước mất cấp bậc. Ông đã tâm sự với người bạn thân rằng ông lo ngại sẽ bị hại. Ngày 24-12-45, ông bị đưa về lại đảo Réunion. Hai hôm sau, ông bị tử nạn máy bay tại Trung Phi. Cái chết đầy nghi vấn của cựu hoàng Duy Tân đã làm dư luận Việt Nam xúc động và thương tiếc vị vua ái quốc. Năm 1947, cha ông là cựu hoàng Thành Thái lúc bấy giờ đã 68 tuổi, được Pháp cho về Sài Gòn, với điều kiện là ông không giữ bất cứ một trách nhiệm chính trị nào cả. Dù vậy, sự hiện diện của cựu hoàng Thành Thái cùng với cái chết của cựu hoàng Duy Tân hiển nhiên đã gợi lên tinh thần tôn kính hoài bão của hai vua. Chắc chắn Bảo Đại có đến thăm bậc Thái Thượng Hoàng khả kính của ông, và hội ý trong việc chọn Cờ Vàng làm Quốc Kỳ, nhưng ông không thể tiết lộ ra, vì sẽ phạm vào điều kiện của De Gaulle khi cho cựu hoàng Thành Thái về VN, là không được tham dự vào chính trị phục quốc. Sự rao truyền rằng Cờ Vàng do họa sĩ Lê Văn Đệ vẽ ra mà không nhắc đến sự hiện hữu của Cờ Vàng 50 năm trước, cũng có dụng ý. Đó là vì nhu cầu bảo vệ an nguy của cựu hoàng Thành Thái. Vì thế, việc Quốc Trưởng Bảo Đại lựa chọn Cờ Vàng của thời chống Pháp làm Quốc Kỳ cho tân chế độ là một quyết định sáng suốt và hợp chính nghĩa.
Vì nguồn gốc kháng Pháp hào hùng của Cờ Vàng, mà năm 1955, Thủ Tướng Ngô Đình Diệm tổ chức "trưng cầu dân ý", lập ra chế độ Đệ Nhất Việt Nam Cộng Hoà, quốc hội mới vẫn giữ nguyên quốc kỳ của một chế độ đã cáo chung. Cuộc đảo chánh năm 1963, chấm dứt nền Đệ Nhất Cộng Hòa, lập nên Đệ Nghị Cộng Hoà, Cờ Vàng vẫn được giữ nguyên là Quốc Kỳ cho đến khi miền Nam bị miền Bắc thôn tính. Hết Trích.
Vậy đã rõ ràng cờ vàng ba sọc đỏ không phải là “cờ ba que xỏ lá” mà đó đã từng là một Quốc Kỳ của nhiều chế độ trước đó , đồng thời mang đầy đủ nguyện vọng dành độc lập ,ý thức chống giặc ngoại xâm và yêu chuộng tự do của cả một dân tộc. Và hiện nay cờ vàng ba sọc đỏ là ngọn cờ của người Việt hải ngoại.
Cờ đỏ sao vàng :
Đây là lá cờ đã gắn bó với suốt cả cuộc đời tuổi thơ tôi với tất cả bạn bè họ hàng và người thân của mình , nên tôi nghĩ mình có đủ nghi ngờ và tỉnh táo khi đề cập đến “mặt kia” của nó, “mặt kia mà tôi muốn nói đến chính là những sự thật đã bị Đảng Cộng Sản với công cụ là những “nhà sử nô” “nhà bồi bút ” tìm mọi cách thủ tiêu và dấu nhẹm trong mấy chục năm nay và “mặt kia” chính là tội lỗi đê hèn khi đánh lừa niềm tin của hàng triệu người trong suốt chiều dài lịch sử phải “chết vinh quang” và “chết tức tưởi” dưới ngọn cờ đó.
Trước hết chúng ta hãy nghe chính quyền Cộng Sản giới thiệu về lá cờ Tổ Quốc trên website của Đảng có vài điểm chú ý sau :
- “Đêm cuối cùng trước khi rời cơ quan tuyên truyền của Đảng, từ Xóm Chuồng Ngựa về Bàn Cờ. dưới ngọn đèn leo lét, Nguyễn Hữu Tiến đã thức trắng đêm vẽ đi, vẽ lại trên phiến đá hình tượng lá cờ đỏ với ngôi sao vàng năm cánh tượng trưng cho cuộc chiến đấu đầy gian khổ, hy sinh của các tầng lớp nhân dân: Sĩ, Nông, Công, Thương, Binh đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.” (4)
- Lá cờ đỏ sao vàng từ đấy đã xuất hiện nhiều lần trong các cuộc khởi nghĩa, biểu tình của quần chúng. Lá cờ đã tung bay trên cả nước trong những ngày Tháng Tám năm 1945 lịch sử; trên quảng trường Ba Đình, Hà Nội ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh một kỷ nguyên mới cho đất nước ta. Ngày 5 tháng Chín năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh ấn định Quốc kỳ Việt Nam là cờ đỏ sao vàng.
Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khoá I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, ngày 2 tháng Ba năm 1946 đã biểu quyết nhất trí cờ đỏ sao vàng là Quốc kỳ của nước ta. (5)
- Hình ảnh sao vàng trong thơ Hồ Chí Minh:
Một canh…hai canh…lại ba canhTrằn trọc, băn khoăn giấc chẳng thànhCanh bốn, canh năm vừa chợp mắtSao vàng năm cánh mộng hồn quanh
Tất cả lai lịch về lá cờ đỏ sao vàng đều được giải thích rất mơ hồ , đọc xong tôi thấy có 3 câu câu hỏi lớn cần phải làm sáng tỏ :
Thứ nhất : lá cờ đỏ sao vàng có ý nghĩa gì và nguồn gốc ra sao ?Thứ hai : tại sao hiện nay nó là Quốc Kỳ của Việt Nam ?Thứ ba: những thành quả mà nó mang lại cho dân tộc?
1. Lá cờ đỏ sao vàng có ý nghĩa gì và nguồn gốc ra sao :
Cờ Liên Sô nền đỏ, trên đầu góc trái có hình búa liềm. “Tượng trưng cho chủ quyền của Liên bang Xô Viết và khối liên minh không gì phá vỡ nổi(6) của công nhân và nông dân trong cuộc đấu tranh để xây dựng xã hội cộng sản chủ nghĩa”. Màu đỏ tượng trưng cho cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Xô Viết dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Liên Xô nhằm xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Búa liềm chỉ khối liên minh vững chắc của giai cấp công nhân và nông dân. Ngôi sao năm cánh trên cờ Liên Xô tượng trưng cho thắng lợi cuối cùng của các tư tưởng chủ nghĩa cộng sản trên 5 châu lục toàn thế giới.” (7)
Nhắc đến chủ nghĩa cộng sản phải nhắc đến Mác với câu nói“ Vô sản thế giới đoàn kết lại” mà sau này được dùng làm khẩu hiệu của những người Cộng Sản, và theo Mác để xây dựng một xã hội mới không còn cảnh người bóc lột người thì phải từ bỏ tất cả những giá trị của xã hội cũ, phải từ bỏ quyền tư hữu, từ bỏ gia đình, từ bỏ quê hương, từ bỏ tôn giáo, và từ bỏ hết tất cả những giá trị văn minh nhân loại suốt mấy ngàn năm qua… Tôi đang tự hỏi không biết khi đem chủ nghĩa Mác về Việt Nam ông Hồ Chí Minh có biết hay cố tình không biết là vào những năm cuối đời Mác đã ăn năn hối lỗi về sự lầm lạc của chủ nghĩa Cộng Sản, cũng giống như nhận định “Ngay cả Mác cũng không thể trung thành với một lý thuyết như thế. Lý thuyết ấy như một cô gái cực đẹp nhưng lẫn thẩn, chắc chắn người ta sẽ vồ lấy và sau đó tất yếu là sự phản bội.” (8)
Hậu quả mà chủ nghĩa Cộng Sản đã gây ra tại nước Nga còn nặng nề hơn nhiều so với Việt Nam từ tổn thất con người cho đến tôn giáo ,chính trị, kinh tế , văn hóa … mà nổi bật nhất là cuộc thanh trừng vĩ đại hay còn gọi là “nỗi khiếp sợ vĩ đại” trong thập niên 1930 Stalin đã ký quyết định giết hàng chục nghìn người được coi là đối thủ chính trị hay bất đồng chính kiến với ông ta , và đẩy hàng triệu người đến các trại lao động tập trung Gulag .
Năm 1953 khi nghe tin Stalin qua đời , nhà thơ Tố Hữu đã có những câu thơ làm rúng động lương tâm con người :
“Sta-lin sta-lin!Yêu biết mấy khi con tập nóiTiếng đầu lòng con gọi Sta-lin[…]Thương cha thương mẹ thương chồngThương mình thương một thương Ông thương mười”
Phần đánh giá xin nhường cho bạn đọc .
Tiếp đây tôi xin trích 1 đoạn nói chuyện giữa đạo sĩ Hamud và giáo sư Allen trong cuốn “Hành trình về phương đông” được xuất bản từ năm 1924 để mọi người chiêm nghiệm.
“Hamud im lặng một lúc rồi thong thả :- Tôi muốn các ông ghi nhận một điều này, các ông có thể coi đó như một lời tiên đoán hay cảnh cáo trước cũng được. Thời gian sắp đến sẽ là một giai đoạn cực kỳ tiến bộ về tri thức, nhưng thoái bộ về tâm linh.[…] Thêm vào đó, sự khai quật các ngôi cổ mộ Ai cập sẽ tháo củi xổ lồng cho vô số âm binh, các động lực cực kỳ hung dữ. Như tôi vừa kể với các ông, thời kỳ chót của nền văn minh Ai cập, các giáo sĩ đã thực hành tà thuật tối đa, mà khoa ướp xác là một bí thuật mang sự liên lạc của cõi vô hình vào cõi trần[…] Một số pháp sư vốn là sứ giả cõi âm sẽ đầu thai trở lại, hoặc nhập xác để tác oai, tác quái, tái tạo một xã hội tối tăm, sa đoạ, đi ngược trào lưu tiến hoá của thượng đế. Thế giới sẽ trở thành nạn nhân của thứ tôn giáo ma quái này.. Chiến tranh, đau khổ, bất an cùng các kích thích của cảm giác mới lạ do nền “khoa học hiện tượng” mang lại, sẽ thúc đẩy con người vào các cùng cực của cuộc sống […] họ sẽ đội lốt tôn giáo, họ sẽ kêu gọi sự hợp tác của thần quyền, họ sẽ đặt ra các giáo điều mới, thay thế các chân lý cao đẹp để lôi kéo con người từ bỏ thượng đế. Họ sẽ sử dụng danh từ, ngôn ngữ để đánh lạc hướng mọi người, tuy nhiên trước sau gì họ cũng phải chết và trước khi chết, họ sẽ di chúc yêu cầu ướp xác họ và xây dựng những nhà mồ vĩ đại bằng đá như họ đã từng làm trong quá khứ…
Giáo sư Allen bật cười :- Như vậy thì nhận diện họ quá dễ, nhưng tôi không tin thời buổi này còn ai ướp xác, xây cất nhà mồ như vậy, ông nên nhớ chúng ta đã bắt đầu vào thế kỷ 20, không phải 8 ngàn năm trước ?
Hamud mỉm cười :- Rồi các ông sẽ thấy, tôi mong các ông ghi chép những điều này cẩn thận rồi đúng hay sai thời gian sẽ trả lời.”
Cờ Trung Cộng cũng một nền đỏ, trên đầu góc trái có một ngôi sao vàng lớn và 4 ngôi sao vàng nhỏ hình cánh cung phía bên mặt.
Về các thành tựu mà Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã mang lại cho dân tộc Trung Hoa thì các bạn có thể tìm đọc thêm ở tài liệu “Cửu Bình” (chín bài bình luận về Đảng Cộng Sản) (9) tài liệu này được ví như một quả bom mang sức công phá khủng khiếp vào chính quyền các nước khối cộng sản, và chỉ sau 1 năm ra mắt đã khiến hơn 6 triệu đảng viên Trung Quốc trả lại thẻ đảng, thiết nghĩ chúng ta cũng nên quảng bá rộng rãi tài liệu này để giúp những người Cộng Sản Việt Nam sớm thức tỉnh .
Còn ai lâu nay chỉ quen nghe những lời đạo đức từ miệng của các lãnh tụ Cộng Sản thì hãy nghe Mao tuyên bố rùng rợn : “Người chết cũng có lợi, xác họ làm phân bón”, “ chúng ta sẳn sàng hy sinh 300 triệu dân Trung Quốc để hoàn thành chủ nghĩa Cộng Sản” (10)
Cờ Việt Minh – cờ đỏ sao vàng cạnh sao hơi cong.Năm 1927 ở vùng Nghệ Tĩnh có cuộc phiến động gây ra bởi Đảng Cộng Sản do Nguyễn Ái Quốc cầm đầu. Đến ngày mùng 9 tháng 3 năm 1945 quân Nhật đánh đánh quân Pháp và giao quyền lại cho vua Bảo Đại. Được mấy tháng thì đồng minh thắng trận, Nhật đầu hàng. Đảng Việt Minh dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Ái Quốc đổi tên là Hồ Chí Minh nổi lên cướp chính quyền. Vua Bảo Đại thoái vị nhường quyền cho đảng Việt Minh.
Việt Minh là tên gọi tắt của đảng Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội do Đảng Cộng Sản lập ra khi còn ở bên Quảng Tây Trung Quốc, tránh 2 chữ Cộng Sản cho người ta khỏi nghi ngờ. (11)
Gửi vào ngày Thứ Ba, 28 Tháng 10, 2008.
0 comments:
Post a Comment