Hồ Chí Phèo (Danlambao) - Sau khi nhuộm đỏ Việt Nam, đảng cộng sản Việt nam vẫn chủ trương triệt hạ tôn giáo dựa trên lý thuyết căn bản của Mác Lê: “Tôn giáo là thuốc phiện”...
Vài tháng sau ngày 30 tháng tư 1975, ở một tỉnh lỵ nhỏ ở miền Nam Việt Nam, một ngôi chùa bị chính quyền cộng sản trưng dụng để giao cho Mặt trận tổ quốc của tỉnh. Sư ông trụ trì ngôi chùa, trong khi ngồi tọa thiền, phản đối trong tinh thần bất bạo động của phật giáo đã bị công an nện một cán súng vào đầu. Cuộc phản đối chấm dứt. Sư thầy được một đệ tử cõng ra khỏi chùa. Tuổi già, vết thương trên đầu quá nặng, sư ông nắm tay người sư trẻ dặn dò lần cuối: "Con hãy luôn nhớ lời Phật dạy, luôn đứng trên cái thiện để chống lại cái ác. Kẻ ác kia một ngày sẽ bị luật nhân quả trừng trị".
Nhà sư trẻ không chùa để ở, rong ruổi trên mọi nẻo đường của đất nước. Thầy đã thấy bao nhiêu chuyện ác xẩy ra trước mắt: cán bộ cộng sản, công an đánh người, bắt giam, giết người, cướp của, cướp đất…, Nhớ lời thầy dạy nhưng cũng nhớ cảnh báng súng tàn nhẫn đập vào đầu thầy của mình, nhà sư trẻ chỉ quay đầu, lặng lẽ lẫm nhẫm đọc kinh, không dám nói gì đến cái ác. Trong tâm thầy chờ mong luật nhân quả, kẻ ác phải đền tội, thầy trở về chùa.
Năm tháng qua, đôi dép đã mòn, chân thầy đã chai cứng, thầy vẫn tiếp tục nhìn thấy cái ác lộng hành không luật pháp và luật nhân quả cũng chẳng thấy đâu. Công an huýt sáo, chế nhạo thầy: "Ông sư vô gia cư kia có hộ khẩu không? Đưa giấy tờ xem". Cán bộ cộng sản phà khói thuốc lá vào mặt thầy kèm hơi rượu nồng nặc: "Thằng sư này không biết Mác Lê đã nói “Tôn giáo là thuốc phiện”. Đã được đảng, nhà nước giải phóng thế mà không biết thiên đường cộng sản hạ giới, chỉ mơ màng như với khói thuốc phiện". Thầy sống đơn giản qua sự cúng dường của bá tánh như một hai củ khoai, một chén cơm. Vài người dân nhìn thầy với ánh mắt ái ngại. Thầy vẫn đi, vẫn tránh né cái ác đang bao trùm xã hội và vẫn chờ luật nhân quả như người nằm dưới cây sung chờ sung rụng.
Đến một ngày sức lực tuổi trẻ như đã kiệt, vào buổi chiều tối lạnh lẽo, nhà sư gục ngã trước cửa một căn nhà. May mắn thay, chủ nhà lại là một goá phụ hãy còn xuân. Chồng là một cán bộ cộng sản cấp cao vừa qua đời do ăn cướp, ăn dầu, ăn đất... ngoài tiêu chuẩn quá nhiều nên bị luật nhân quả ứng ngay vào: đứt mạch máu não, lăn đùng ra chết. Chồng mất, ngày đêm cô đơn buồn không chiếc bóng. Bỗng hay sao số phận run rủi, tiếng động lớn như gói hàng vừa đưa đến trước nhà, góa phụ mở cửa và ngỡ chừng như trong mơ. Một nhà sư trẻ tuy sơ xác nhưng nét phong sương vẫn không che mất nét tuấn tú, như thiên thần phủ phục ngay trước cửa, goá phụ vội đưa nhà sư vào nhà chăm sóc. Sự gục ngã vì đói khát, sự ấm êm của người góa phụ, nhà sư nhận ra điều cực kì quan trọng "Không thể chờ nhân quả như chờ sung rụng, và không ăn sao vực được đạo?". Với sự giúp đỡ của người thiếu phụ, nhà sư hoàn tục, chăm chỉ làm ăn kiếm tiền. Năm tháng dần qua, ông có đủ tất cả mọi thứ vui, tiền bạc đầy nhà, ăn nhậu mọi ngày, tiếng cười thâu đêm, suốt sáng…
Kinh tế gần như phá sản, đảng cộng sản VN phải đổi mới theo kinh tế thị trường, định hướng XHCN. Về tôn giáo, đảng cũng cho đổi mới. Nói "Tôn giáo là thuốc phiện" theo chủ nghĩa duy vật hoàn toàn không có cơ sở khoa học, người dân theo một tôn giáo mấy ai hút sách? Họ còn chống, giúp đỡ những người nạn nhân của ma túy, thuốc phiện cơ mà. Nhưng đảng độc tài làm sao cho tự do tôn giáo? Đảng cuối cùng cũng tìm ra giải pháp, đó chính là loại thuốc phiện Cờ Sờ. Loại thuốc phiện CS không cần uống, chích gì cả, chỉ rót vào lỗ tai. Chất thuốc phiện này có chất căn bản là đường lối đảng, tư tưởng Hờ Cờ Mờ… pha trộn thêm chút ít giáo lý tùy theo từng tôn giáo. Cơ sở chịu trách nhiệm pha chế thuốc phiện Cờ Mờ là hãng xưởng thuộc Cục bảo vệ văn hóa của Bộ Nội vụ, kiểm tra chất lượng thuộc về Bộ văn hóa, giáo dục, chịu trách nhiệm rót thuốc phiện CS vào tai người dân là “tôn giáo quốc doanh” với đội ngũ lúc nhúc như sư quốc doanh, thầy quốc doanh… của đủ các tôn giáo khác nhau. Đảng CS xoa tay yên tâm “XHCN mình thay đổi lý thuyết Mác Lê cho hợp thời “Tôn giáo quốc doanh là thuốc phiện Cờ Sờ. Bây giờ tự do tôn giáo rồi đấy nhé! Không còn như thời bao cấp đâu!".
Qua thời gian, nhà sư trẻ ngày nào nay đã luống tuổi. Ông quyết định xây chùa cho riêng mình. Không phải ông nhớ đến những điều đạo đức, giáo lý mà sư ông xưa kia đã dạy, ông muốn mở rộng kinh doanh sang lãnh vực tôn giáo. Lãnh vực đảng và nhà nước đã chèn ép bao nhiêu năm dưới thời được gọi là “thời bao cấp” hay thời “tôn giáo là thuốc phiện”, nay đảng nhà nước lại mở cửa cho tự do tôn giáo theo lý thuyết mới toanh “tôn giáo quốc doanh là thuốc phiện Cờ Sờ”, sao không tận dụng cơ hội? Người goá phụ đã giúp đỡ ông ngày xưa có theo ông hay không, ông không quan tâm. Bà ta đã già, bao nhiêu thiếu nữ trẻ căng đầy sức sống, khoẻ mạnh, sẵn sàng giúp ông trong “Phật sự”. Ông đăng đàn thuyết pháp, thao thao bất tuyệt. Bao nhiêu người im lặng ngồi nghe mê mẫn, cặp mắt thất thần, đầu óc quay cuồng, uống ừng ực lời ông nói. Ông mơn trớn rót nhẹ vào tai những bài giảng giáo lý được cẩn thận biên soạn lại trên nền tư tưởng của Bác và đảng, trộn pha chút ít giáo lý xa xưa từ sư thầy. Ông ca ngợi Bác và đảng đã có công gây cuộc chiến khiến chỉ có hơn vài triệu người chết, triệu người ly hương.… Đảng viên CS ai cũng tốt, có ai sai phạm thì hỷ xã, tha thứ, dơ cao đánh khẽ…, còn dân đen nghèo đói túng thiếu làm liều phải chịu quả báo, luật pháp XHCN phải trừng trị đích đáng. Dân đen phản động thì không nên tha thứ, công an có cắt cổ cũng chả sao. Ông rớm nước mắt ca ngợi tình anh em giữa đảng ta và đảng Tàu, dù ai cũng biết thằng được gọi là họ hàng xa xôi kia đến nỗi hoả tiển tối tân bắn chưa đến, đã có lần tát vỡ mặt thằng tự nhân nhận bá vơ là em đến vỡ mặt để gọi là dạy cho bài học, đã chiếm đảo, chiếm đất, rượt đuổi ngư dân của mình... Ông nói về lịch sử như ông đã tận mắt chứng kiến và viết lại lịch sử của nước mình. Ông phê bình tổ tiên mình đem quân chống Tàu, rồi đánh đuổi qua Tàu là hỗn xược... Bài giảng của ông tương tự như của Thích Chân Quang vì cũng cùng một lò “sư quốc doanh”. Nhưng tài rót vào tai người nghe chất thuốc phiện Cờ Sờ, Chân Quang chỉ đáng xách dép cho ông.
Ông ngày càng giàu thêm, đã có mọi thứ từ tiền bạc đến sự kính trọng. Ở trên thiên đường Cộng sản không sướng được như ông, duy tâm đã bị duy vật trấn nước, bóp mũi rồi. Ông sợ chết, muốn sống để hưởng. Là người ai cũng sẽ chết, ông cố gắng tụng kinh, mong sao khi chết ông sẽ được lên cõi Phật. Nhưng mỗi khi màn đêm buông xuống, nhắm mắt lại, ông không bao giờ mơ được về cõi của Phật, mà chỉ thấy lạc vào cõi u ám nào đấy, nơi những con quỉ dữ miệng đỏ như máu, hò reo với các bảng “quốc doanh” và “tội ác” to tổ bố.
***
Thực ra "đỉnh cao trí tệ" của đảng CSVN không thể nào có đủ trí thông minh tìm ra loại thuốc phiện CS, chỉ nhập khẩu từ Tàu. Tàu hàng ngàn năm chịu ảnh hưởng của Phật giáo, ngôi chùa nhiều người trên thế giới biết đến là chùa Thiếu Lâm. Thời “Tôn giáo là thuốc phiện”, vào lúc cách mạng văn hoá, năm nhà sư chùa Thiếu lâm bị Vệ binh Đỏ trói tay, đeo bảng “phản động”, đi diễu trên đường cho quần chúng lăng nhục, ném đá. Chùa Thiếu Lâm bị bỏ hoang cho đến thời sau Đặng Tiểu Bình, mở cửa và đổi mới, sư quốc doanh được chọn vào chùa, rao rót loại thuốc phiện CS. Đảng CS Tàu đổi mới kinh doanh theo kiểu tư bản, thế hệ mới sư quốc doanh chạy theo làm ăn, kiếm tiền cũng không kém. Chùa Thiếu lâm trở thành trung tâm thu hút du lịch: vào cửa 20 đô, xem show, chụp hình, nhan đèn cúng kiến... đều tính tiền. Trụ trì chùa Shi Yongxin (Thích Vĩnh Tín ) là một trong những người kinh doanh giàu nổi tiếng ở Tàu, sở hữu đất đai không chỉ ở Tàu, mà còn ở nước ngoài, chủ nhiều cơ sở, trong đó có chùa Thiếu lâm, được đưa lên thị trường chứng khoán. Shi có đủ mọi thứ, tiền bạc đến tình yêu, một trong những người yêu cũ của ông là Liu Dandan, trẻ hơn ông 20 tuổi. Shi trở thành một thần tượng không chỉ cho sư quốc doanh ở Tàu mà cả Việt Nam.
Thuốc phiện hay ma túy tác dụng lên thần kinh của cá nhân người sử dụng, tạo khoái cảm cực mạnh cũng như ảo giác làm con người quên đi thực tại. Thuốc phiện CS mà đảng VN muốn người dân ngủ quên, dành độc quyền cai trị cho đảng và nhà nước, quên đi sự bất công, quyền làm người, quên đi sự lệ thuộc về kinh tế, chính trị với kẻ đã từng xâm lấn, đô hộ VN ngàn năm…, nó ảnh hưởng độc hại cùng lúc cho cả một tập thể lớn, cả xã hội. Thuốc phiện Cờ Sờ được rót vào tai người dân do các sư, thầy quốc doanh…, trong đó Phật giáo bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Từ lâu Phật giáo Việt Nam không có tổ chức chặt chẽ nên trước 1975 nhiều lãnh đạo Phật giáo Việt Nam đã mơ ước, gầy dựng nên tổ chức Phật giáo Việt Nam Thống Nhất. Sau 30/4/1975 Cộng sản VN thống nhất hai miền nhưng lại cắt mảnh Phật giáo theo chính sách đơn giản “chia để trị”. Lãnh đạo thống trị CS cắt chữ "thống nhất" để tạo ra tổ chức Phật giáo VN, dân gian hay gọi là Phật giáo quốc doanh, để truyền bá “thuốc phiện Cờ Sờ”. Có công phát triển “thuốc phiện Cờ Sờ”, sư thầy quốc doanh được ưu đãi của chính quyền, thoải mái thâu tiền cúng dường bá tánh, tổ chức lễ lạc thâu tiền… Thậm chí có sư thầy hăng hái theo gương đồng chí Đại tướng Điên biên (nguyên bộ trưởng “Kế hoạch hoá gia đình”) giúp đỡ đảng và nhà nước trong “kế hoạnh hoá gia đình”, học và phân phát bao cờ sờ, sử dụng vòng tránh thai… tổ chức (lấy tiền) “cầu siêu thai nhi” cho người nạo thai... Tiền tôn giáo quốc doanh kiềm được cũng phải được đóng góp chi phí cho đảng và nhà nước nên cả hai ta liên kết cùng có lợi.
Nhiều lãnh đạo Phật giáo như hoà thượng Quảng Độ, Không Tánh…, các linh mục công giáo, tin lành, chức sắc trong giáo hội Phật giáo Hoà Hảo... kiên định không chấp nhận cộng tác với đảng, không tiếp tay rót chất độc vào người dân. Họ cương quyết đứng phía cái thiện lên án cái ác, đấu tranh với cái ác chứ không nằm chờ cái thiện như sung rụng xuống mồm. Họ đã can đảm chấp nhận bị đàn áp, bắt bớ, giam cầm... từ chính quyền một cách vô cùng thô bạo với chính sách cây gậy "phản động" và củ cà rốt "quốc doanh".
****
Trở lại ngày 30 tháng tư, ngày đánh dấu những năm tháng đau thương. Ý nghĩa cao đẹp nhất cho ngày này, các tôn giáo trong và ngoài nước cần có các buổi tưởng niệm. Tưởng niệm hàng triệu người đã bỏ mình trong chiến tranh, cao hơn chục lần người chết vì bom nguyên tử thả xuống Hiroshima, Nagasaki. Những linh hồn của lương như giáo, vẫn lang thang, chưa siêu thoát với câu hỏi "Chúng tôi có chết cho VN độc lập, hạnh phúc, tự do?". Ý tưởng tưởng niệm người chết trong chiến tranh, trên đường vượt biển tìm tự do... của các chùa, nhà thờ trong nước trong ngày 30 tháng tư đương nhiên bị ngăn cấm. Nhưng ngoài nước, những ngôi chùa, những nhà thờ… nơi có cộng đồng người Việt, vốn tự nó hiện hữu chỉ do biến cố 30 tháng tư 1975, phải chăng đã quá thờ ơ, không nhớ gì đến ngày đau thương ấy?
Đương nhiên không ai phủ nhận công lao sư thầy ở chùa, nhà thờ... ở nước ngoài. Ai không cảm động khi nghe bài ca chúa giáng sinh bằng tiếng Việt vang lên trong đêm đông lạnh lẽo ở xứ người, cũng như ai không khỏi bồi hồi khi đứng cạnh những cành đào, cành mai khoe sắc trong nắng ấm khi đi hái lộc đầu xuân ở chùa... Nhưng thờ ơ trong ngày 30 tháng tư, nhiều người nhận định, tư tưởng “tôn giáo quốc doanh là thuốc phiện Cờ Sờ” đã len lõi vào nơi tôn giáo cộng đồng người Việt hãi ngoại? Các sư, các thầy... có vì phải giữ mình để còn được phép trở về VN, kinh doanh mua bán, làm việc cứu trợ, chọn người thân quen qua... vì thế 30 tháng tư không đáng được xem như ngày truyền thống để mọi người Việt tưởng niệm?
Các chùa, nhà thờ cho người Việt ở nước ngoài không phải hiện hữu từ khi đặt viên đá đầu tiên xây dựng, mà phải quay về gốc rễ 30 tháng tư 1975. Ngày ấy không chỉ đơn thuần về chính trị, còn là ngày tưởng niệm bao nhiêu người chết trong cuộc chiến, ngày thay đổi cuộc sống của tất cả mọi người Việt, trong đó có bản thân mình. Ngày mọi người Việt cùng nhìn lại, nhận thấy mình có may mắn hơn nhiều người khác, mình có tự do cùng đứng lên đòi hỏi nhân quyền cho người dân Việt, biết nói lên tiếng nói chống cái ác vì "Im lặng trước tội ác là đồng tình với cái ác".
16/5/2017
0 comments:
Post a Comment