Cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher vừa qua đời, hưởng thọ 87 tuổi. Có lẽ câu hỏi cần được nêu lên là có bao nhiêu người Việt định cư tại Anh biết được công của bà từng giúp đỡ thuyền nhân Việt Nam, mở đường cho cộng đồng Việt Nam tại Anh phát triển như ngày nay?
Ký nhận hơn 10.000 thuyền nhân
Theo một viên chức người Việt từng làm khoảng 2 thập niên ở cơ quan Refugee Action tại Luân Đôn lo về người tỵ nạn và từng biên soạn tài liệu về lịch sử thuyền nhân Việt Nam tại Vương Quốc Anh vốn đang được lưu trữ tại Thư Viện Quốc Gia Anh Quốc và Bảo Tàng Viện Luân Đôn, thì vào năm 1979, khi hội nghị quốc tế diễn ra tại Trụ sở LHQ ở Genève để giải quyết vấn đề thuyền nhân, bà Margaret Thatcher, với tư cách thủ tướng Anh, đã ký nhận hơn 10.000 thuyền nhân Việt Nam, để từ năm 1980 trở đi, số thuyền nhân Việt Nam bắt đầu tới Anh ngày càng nhiều. Nhưng, theo viên chức này, thật ra không có nhiều thuyền nhân Việt Nam biết việc Thủ tướng Thatcher ký nhận hàng ngàn thuyền nhân như vừa nói.Một viên chức khác từng là Giám đốc của Refugee Action, ông Jack Shieh, xác nhận điều này:
“Sự thật là hồi năm 1979, có hội nghị LHQ ở Genève để bàn về vấn đề thuyền nhân Việt Nam với lại người Cambodia và người Lào. Đa số người tỵ nạn ra đi, thì ở Đông Nam Á cũng như ở Hồng Kông, rất nhiều người tới đó rồi vì không có nước nào nhận họ định cư, thành ra vào năm 1979 có một hội nghị ở LHQ. Lúc đó, bà Thatcher vừa mới lên làm Thủ tướng Anh, bà có hứa nhận 11.500 người từ Việt Nam được định cư tại Anh Quốc. Sự thật có như vậy.”
Vào năm 1979 có một hội nghị ở LHQ. Lúc đó, bà Thatcher vừa mới lên làm Thủ tướng Anh, bà có hứa nhận 11.500 người từ Việt Nam.Theo viên chức Refugee Action vừa nói thì ngoài việc không có bao nhiêu người Việt định cư tại Anh biết về chuyện Thủ tướng Thatcher ký nhận hàng ngàn thuyền nhân Việt Nam, người Việt định cư tại Anh, đa số đến từ Miền Bắc Việt Nam, nhất là người gốc Hoa, cũng không quan tâm nhiều đến chính trị, nên không biết rõ “cái ơn” đó của Thủ tướng Thatcher, ngoại trừ một số người mà ông gọi là “kỳ cựu” ở Miền Nam Việt Nam mới để ý tới vấn đề chính trị và biết rõ việc làm của bà Thatcher dành cho thuyền nhân Việt Nam.
Jack Shieh
Vẫn theo cựu viên chức Refugee Action, thì quan niệm của người Việt ở Vương Quốc Anh thường hay nghĩ rằng đảng Bảo Thủ Anh, nói chung, không có cảm tình với người tỵ nạn, còn đảng Lao Động thì ủng hộ người tỵ nạn nhiều hơn. Nhưng, theo ông, nếu không phải là người trong cuộc thì khó mà biết được sự thật. Nhưng viên chức này được xác nhận rằng người đã ký văn bản để nhận thuyền nhân Việt Nam như vừa nêu chính là Thủ tướng Margaret Thatcher.
Trong khi đó, một cựu thuyền nhân Việt Nam từng được tàu Anh vớt, ông Ngô Hữu Thạc cư ngụ tại Luân Đôn, hồi tưởng lại công ơn của cố Thủ tướng Margaret Thatcher :
“Đầu tiên có chiếc tàu Anh tên Sibonga vớt 2 chiếc tàu thuyền nhân Việt Nam ở Biển Đông. Một trong 2 chiếc tàu được vớt này, có tôi đi trong đó. Sibonga, chiếc tàu Anh đầu tiên vớt gần cả ngàn thuyền nhân trên Biển Đông và đưa thẳng tới Hồng Kông, là lúc mà bà Thatcher vừa lên làm Thủ tướng. Chiếc tàu này đánh điện về chính phủ Anh yêu cầu cho biết có nhận người hay không để họ vớt. Thủ tướng Thatcher đã chấp nhận, lúc đó hình như là vào tháng 5 năm 1979. Bà đã nhận người tỵ nạn, như vậy mình là những người được vớt lên chiếc tàu đó thì luôn luôn phải nhớ ơn chính phủ đầu tiên của bà Thatcher đã vớt người tỵ nạn Việt Nam từ Biển Đông, với số thuyền nhân đông nhất. Có thể trước đó chính phủ Anh nhận một vài chục người tỵ nạn Việt Nam gì không thì tôi không biết. Tôi nằm trong một trong hai chiếc tàu được chiếc Sibonga vớt, đưa tới Hồng Kông, ở lại Hồng Kong khoảng một tháng làm thủ tục rồi cho bay qua bên Anh luôn. Sibonga cũng mới gọi cho tôi để hỏi xem mình có thể làm được cái gì; tôi đang tham khảo ý kiến với các anh em. Bây giờ có rất nhiều người ở đây rất quan tâm tới ơn của bà Thatcher đã cho cứu người tỵ nạn Việt Nam trên biển.”
Đón nhận miễn cưỡng
Hiện có ý kiến cho rằng Thủ tướng Thatcher là người kỳ thị, đón nhận thuyền nhân Việt Nam một cách miễn cưỡng. Ông Jack Shieh, cựu Giám đốc Refugee Action vừa nói, lên tiếng:Mình là những người được vớt lên chiếc tàu đó thì luôn luôn phải nhớ ơn chính phủ đầu tiên của bà Thatcher đã vớt người tỵ nạn Việt Nam.“Điều đó sự thật tôi cũng không rõ là bởi vì khi diễn ra hội nghị ở LHQ vào năm 1979, những gì xảy ra, chi tiết như thế nào, thì tôi nghĩ không có nhiều người biết rõ. Tôi không hiểu tin từ đâu mà họ nói như vậy. Nhưng vấn đề Thủ tướng Thatcher nhận 11.500 người Việt đến định cư tại Anh Quốc, thì đó là sự thật.”
Ngô Hữu Thạc
Cho dù những nhận xét về cố Thủ tướng Thatcher có như thế nào đi nữa, thực tế cho thấy chính phủ Anh, kể cả chính phủ dưới quyền lãnh đạo của bà, đã từng có những biện pháp thiết thực giúp ổn định cuộc sống của thuyền nhân Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho tương lai của họ cùng người thân, con cháu. Theo các cựu viên chức Refugee Action cùng nhiều người Viêt ở Anh, thì bây giờ cuộc sống người Việt tỵ nạn tại Anh tương đối ổn định. Số người thành công - đa số thuộc thế hệ trẻ - cũng khá nhiều. Họ được ca ngợi là học hành rất giỏi. Thế hệ thuyền nhân trước đây, đa số sống nhờ phúc lợi, hiện nhiều người quay sang kinh doanh, mở tiệm, biến Luân Đôn hiện thành nơi có rất nhiều cơ sở kinh doanh của người Việt. Tại những con đường như Hackney, Mare street, Kingsland…có thể coi như là các “khu phố Việt Nam”, chuyên về nhà hàng, tiệm nail, xưởng may.v.v… Nói chung cộng đồng Việt Nam tại Anh đang trên đà phát triển đáng kể về mặt doanh thương, đóng góp rất nhiều cho kinh tế Vương Quốc Anh.
Nhưng, bên cạnh sự thành công đó của người Việt, thì báo chí Anh, nhất là những tờ báo không thích người di cư, cũng nêu lên mặt tiêu cực của người Việt tại Anh, đó là việc trồng thuốc phiện. Đây là vấn đề “nhức nhối” nhất là đối với số người Việt tỵ nạn vì lý do chính trị. Vấn đề này đang ảnh hưởng đến uy tín của cộng đồng người Việt tại Vương Quốc Anh.
0 comments:
Post a Comment