Tuesday, April 23, 2013

Giới trẻ Úc gốc Việt và Ngày 30 tháng 4

Những người Việt Nam miền Nam tị nạn đi qua một chiếc tàu của Hải quân Mỹ; Operation Frequent Wind, cuộc hành quân cuối cùng ở Sài Gòn, bắt đầu 29/4/1975. (Ảnh: tư liệu của chính phủ liên bang Mỹ)
Những người Việt Nam miền Nam tị nạn đi qua một chiếc tàu của Hải quân Mỹ; Operation Frequent Wind, cuộc hành quân cuối cùng ở Sài Gòn, bắt đầu 29/4/1975. (Ảnh: tư liệu của chính phủ liên bang Mỹ)
 Ngọc Hân
 Thời gian không làm phai nhòa hình ảnh và tình cảm đối với biến cố 30 tháng 4 năm 1975 mà cộng đồng người Việt nước ngoài gọi là “Ngày Quốc Hận”. Điều này rất tự nhiên đối với thế hệ thứ nhất người Việt định cư tại Bắc Mỹ, Châu Âu và Châu Úc. Thế nhưng, việc giới trẻ hải ngoại – sinh sau năm 1975 trong nước cũng như ngoài nước – tiếp tục quan tâm đến Ngày Quốc Hận là điều đáng chú ý.
Đối với người Việt ở nước ngoài, 30/4 không những là ngày đau buồn mà còn là dịp để nghĩ đến tương lai đất nước và dân tộc Việt nam.Tại Australia, như thông lệ hàng năm, cộng đồng người Việt Tự do Úc Châu phối hợp tổ chức sinh hoạt tại thủ đô Canberra, kể cả các cuộc biểu tình trước Đại sứ quán CHXHCN Việt Nam và ‘Đêm Không Ngủ’ của giới trẻ, theo lời Ls Võ Trí Dũng, Chủ tịch trẻ tuổi của Cộng đồng cấp liên bang.
Trong lịch trình công tác này, thành phần chủ lực vẫn là cộng đồng người Việt tại hai tiểu bang NSW và Victoria, vì lý do nhân số và lộ trình tương đối gần gũi với trung tâm chính trị Úc Châu.
Chúng tôi tiếp xúc với ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Cộng đồng tại NSW.
Ngọc Hân: Thưa ông Nguyễn Văn Thanh – Chương trình Kỷ niệm Ngày 30/4 gồm những gì đặc biệt?
Ông Nguyễn Văn Thanh: Trước hết xin chào chị Ngọc Hân và kính chào quí thính giả Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ. Chúng tôi là Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Cộng đồng Người Việt Tự do tại NSW. Chương trình sinh hoạt đặc biệt trong dịp 30 tháng 4 tại tiểu bang NSW là chúng tôi có tổ chức một bữa cơm gây quỹ vào tối Chủ nhật 21 tháng 4 để có tài chánh hầu tổ chức các sinh hoạt trong dịp 30/4. Kế đến là ngày Thứ Bảy 27 tháng 4, Cộng đồng Người Việt Tự do tại Úc châu sẽ tổ chức một cuộc biểu tình vào lúc 11g trưa ngày Thứ Bảy 27 tháng 4 ở Canberra. Trước khi lên đường đi Canberra thì theo truyền thống tại NSW, chúng tôi sẽ có một buổi lễ thượng kỳ ở Đài Tưởng niệm Chiến sĩ Úc-Việt tại Cabramatta vào lúc 6h30 sáng. Sau đó sẽ di chuyển đi lên Canberra và cuộc biểu tình trước Toà Đại sứ Việt Cộng sẽ vào lúc 11 giờ sáng Thứ Bảy 27 tháng 4.
Sau khi biểu tình xong thì tất cả đồng hương sẽ đi về Đài Tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam ở Canberra để làm lễ tưởng niệm tất cả các chiến sĩ đồng minh cũng như chiến sĩ Quân lực Việt Nam Cộng hoà và đặc biệt là 521 chiến binh Úc Đại Lợi đã hy sinh trên chiến trường Việt Nam. Và đúng vào tối Thứ Ba 30 tháng 4 thì Cộng đồng Người Việt Tự do tại NSW sẽ tổ chức Lễ Tưởng niệm tất cả Quân, Cán, Chính, Quân lực Việt Nam Cộng hòa cũng như đồng bào đã hy sinh trên đường vượt biển vượt biên tìm tự do, vào lúc 7 giờ tối tại Trung tâm Sinh hoạt Cộng đồng Người Việt Tự do tại Bonnyrigg.
Tiến sĩ Hà Công Thắng là khuôn mặt trẻ cộng đồng, sinh sau biến cố năm 1975.
Ngọc Hân: Tiến sĩ Hà Công Thắng – anh có thể cho biết vì sao anh gắn bó với những sinh hoạt cộng đồng?
Ts Hà Công Thắng: Dạ tôi là Hà Công Thắng xin chào chị Ngọc Hân và thính giả Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ. Theo như cá nhân của tôi thì tôi sinh sau cái thời Chiến tranh Việt Nam cho nên chúng tôi cũng không biết Chiến tranh Việt Nam như thế nào hoặc là hồi trước chiến tranh ra làm sao. Nhưng anh chị em hoặc ba mẹ chúng tôi cũng là những người đã từng sống, từng trải qua nhiều thế hệ như vậy nên tôi cũng nghe nhiều câu chuyện kể lại. Bây giờ thì qua Internet, qua các bài đọc, bài báo hay bài viết của lịch sử, di tích của lịch sử thì chúng tôi đã nhìn thấy và đã nhận ra được những tai hại hoặc những sự bất công ở Việt Nam. Vì thế cho nên tôi cũng như một số giới trẻ trong cộng đồng của Úc cũng thấy là không được công bằng. Vì vậy nên mình đứng lên để theo dõi chương trình 30 tháng 4 để tưởng nhớ lại những mất mát và những di tích của lịch sử Việt Nam chúng ta. Mặc dù chống Cộng không mạnh bằng các anh chị hoặc bố mẹ nhưng chúng tôi vẫn nhiệt tình tham gia hết lòng vì chúng tôi cũng cảm nhận được sự mất mát của di tích lịch sử đó.
Cô Vivi Huỳnh là một sinh viên ngành Luật ở Sydney và đã chào đời không phải trên mảnh đất quê hương Việt Nam hoặc tại Úc Châu mà người Việt gọi là “đất lành chim đậu.”
Ngọc Hân: Cô Vivi Huỳnh – Cảm nghĩ về Ngày 30/4 của Vivi như thế nào?
Cô ViVi Huỳnh: Kính chào quý thính giả của Voice of America Tiếng Nói Hoa Kỳ. Vivi Huỳnh được sinh đẻ tại trại tị nạn Galang, Indonesia. Đối với Vivi thì hàng năm cũng đều như vậy, ngày 30 tháng 4 là một ngày rất đau lòng và rất là đáng tiếc cho những người Việt Nam dưới chế độ Cộng hòa. Nhưng một niềm an ủi rất lớn là, đó là – nhất là thế hệ tới và thế hệ lớn lên ở tại Úc cũng như Hoa Kỳ và những nơi trên thế giới, có những tiếng nói trẻ, có những người có khả năng để nói lên những điều mà cha mẹ, cô chú, anh chị chúng ta không nói được. Vivi cũng tin rằng với lòng yêu nước của chúng ta thì hy vọng là một ngày rất gần đây, chúng ta sẽ khôi phục được chính thể cộng hòa và Vivi mong rằng ngày đó không còn lâu nữa.
Chúng tôi hỏi tiếp ông Nguyễn Văn Thanh tại sao 38 năm đã trôi qua mà cộng đồng người Việt vẫn coi việc kỷ niệm Ngày 30/4 là quan trọng.
Ông Nguyễn Văn Thanh: Mặc dù ngày 30 tháng 4 cũng đã 38 năm nhưng đất nước chúng ta vẫn còn nằm trong tay của Đảng Cộng sản Việt Nam. Do đó những sinh hoạt trong dịp 30 tháng 4 rất cần thiết. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tổ chức các buổi tưởng niệm cầu nguyện bởi vì mặc dù thời gian đã 38 năm qua nhưng hàng triệu Quân, Cán, Chính, Quân lực Việt Nam Cộng hoà cũng như hàng triệu đồng bào đã bỏ mình trên biển cả, thì cho dù thời gian có phôi pha nhưng lúc nào người Việt chúng ta cũng nhớ đến họ, không phải chỉ nhớ đến trong dịp này, mà vẫn mãi mãi nhớ đến họ cho dù thời gian có 50 năm hay là sau này đi nữa. Chúng tôi hy vọng rằng các sinh hoạt này vẫn được lưu truyền lại cho con cháu chúng ta để chúng ta nhớ rằng chủ nghĩa Cộng sản đã mang lại rất nhiều đau thương cho dân tộc và chúng ta cũng cầu nguyện cho những người đã khuất.
Và đối với giới trẻ, họ nghĩ gì về đất nước Việt Nam hiện nay?
Ts. Hà Công Thắng: Theo như cá nhân tôi thì cũng nghe được nhiều dư luận, có người bàn vào có người bàn ra nhưng tôi nghĩ nếu người ta đã phất cờ rồi thì mình cứ vào đi, nhiều khi ở ngoài đâu biết được đó là thật hay là giả. Mình chỉ nghĩ về tương lai lâu dài tốt cho Việt Nam thôi, đồng thời khi mình tham gia vào thì cũng có nhiều người nói ra là mình giúp đỡ hội viên cộng sản. Nhưng theo giới trẻ hoặc cá nhân tôi, tôi nghĩ rằng mình làm với một ý nghĩa, một chiều hướng tốt chứ không phải hoạt động để ủng hộ ý nghĩa xấu hay cái xấu của họ.

0 comments:

Powered By Blogger