Chuyện xảy ra đã 38 năm rồi, nhưng nó vẫn hiển hiện trước mắt tôi như
mới ngày hôm qua. Tôi thức gần trắng đêm 30 tháng Tư năm 1975 để suy
nghĩ và quyết định cho bản thân tôi và gia đình tôi một hướng đi mới.
Qua các tài liệu tôi có, tôi biết sau khi chiếm miền Nam, Việt Cộng sẽ
cai trị miền Nam không khác chi Trung Cộng khi chiếm được Hoa Lục, quân
dân cán chính sẽ bị đày đọa nơi rừng thiêng nước độc, và thời gian có
thể là vô hạn định hoặc ít nhất là 10 năm, 15 năm… nhứt l2 những ai phục
vụ trong ngành an ninh, tình báo mà trong cuốn Hiến Pháp và Chính Trị
Học của Giáo Sư Nguyễn Văn Bông đã trình bày cho sinh viên năm thứ nhứt
luật khoa biết. Sau cùng, tôi đã quyết định dứt khoát không trình diện
Việt Cộng để bị đày khổ sai. Sống bên vợ con ngày nào hay ngày ấy. Tôi
đốt hết tất cả giấy tờ, tài liệu liên quan đến công việc của tôi làm.
Sáng ngày 1.5.1975, tôi lên đường đi ra khỏi Saigon vì đã quyết tâm
trốn thì phải trốn từ đầu, tôi đi với 2 bàn tay không, vợ tôi sợ tôi bị
bắt dọc đường nên đi theo trông chừng, đứa con trai thứ 2 của tôi chạy
theo ba cho bằng được, 30 tháng Tư năm đó là sinh nhựt thứ 10 của cháu.
Ba chúng tôi đi bộ ra đường Phan Thanh Giản rồi nhắm hướng Biên Hòa đi
mãi. Dọc đường chúng tôi bắt gặp nào súng đạn, nào quân phục, quân trang
ngổn ngang, một vài người đi chân đất trên mình chỉ có cái quần đùi và
maillot, vợ tôi thì thầm: “lính mình đó anh” rồi đưa tay quẹt nước mắt.
Xe cộ chật đường, người người vội vả, trên mặt không có nụ cười. Trên
xa lộ Saigon – Biên Hòa xe lại càng đông, du kích có, bộ đội có ngồi
chật các chiếc xe nhà binh của Quân Lực Việt Nam Cọng Hòa, chúng bóp còi
inh ỏi, la hét để những xe dân sự tránh cho chúng chạy, nhưng vô hiệu,
đường chật không có chỗ tránh. Không có đường cho xe đi ra, vì mọi người
đều hướng về Saigon, rất ít người đi ra, và họ cũng như chúng tôi đều
đi bộ. Gần đến Hố Nai mới thấy một vài chiếc xe chạy ra. Những những xe
chạy vào vẫn chiếm cả đường ngược chiều, do đó xe đi ra có lúc phải leo
hẳn trên lề đường. Hôm qua trời mưa lớn, đường lầy lội, dơ bẩn, không
còn trông thấy mặt đường nhựa, tất cả đều lấm bùn đất.
Chân bước đi mà lòng tôi tan nát, thẩn thờ như người mất hồn, đi
không định hướng, không biết ngày mai mình, gia đình mình, dân miền Nam
sẽ ra sao… Bỗng vợ tôi kéo tay tôi chỉ: “kìa anh”. Trên một vũng bùn khá
lớn, một thân xác người lính của VNCH nằm ngữa trên đó, tay còn ôm khẩu
súng M.16, nón sắt trên đầu, không rõ binh chủng vì tất cả thân xác, áo
quần đều bê bết bùn. Mỗi lần xe chạy qua mép vũng bùn, thân hình người
lính lại dạt qua, dạt lại, có khi gần như lật úp trên bờ, nhưng rồi lại
tràn xuống. Không biết anh bị đạn chỗ nào, nhưng máu anh nhuộm đỏ vũng
bùn, hòa lẫn với bùn thành một hỗn hợp bùn máu. Tôi nhủ thầm làm
sao kéo anh lên bờ, nếu không thì thân anh thế nào cũng bị xe cán.
Nhưng tôi hèn nhát, tôi không dám làm điều phải làm, tuy nhiên, chân tôi
không thể bước được. Ai đi qua cũng tỏ lòng thương tiếc, đều rơi lệ
nhưng chẳng ai làm gì giúp anh ta. Họ cũng hèn nhát như tôi?
Bỗng một ông cụ già la lớn: “Trời ơi! Ai giúp một tay, đưa anh ta lên bờ không thì xe cán nát thây tội nghiệp”. Tôi
thấy ông nhảy xuống. Như có sức mạnh xô đẩy, tôi cũng nhảy xuống. Tôi
luồn tay xuống nâng đầu anh ta lên, ông già ôm phía dưới, cố sức vực anh
lên bờ. Rồi có nhiều người giúp một tay. Trong chốc lát, thân xác người
tử sĩ đã được đặt ngay ngắn trên bờ đường. Bùn hòa máu chảy ròng ròng
khi thân anh được nâng lên trông thật thảm thương. Ông già nhìn tôi lắc
đầu trong khi trên đôi mắt nhăn nheo tràn đầy nước mắt, ông quẹt mấy
ngón tay vào áo cho sạch bùn rồi vuốt mắt cho anh ta, miệng lâm râm cầu
nguyện. Bất giác tôi cũng nguyện thầm: “Chúng con cậy vì danh Chúa nhân từ cho anh chiến sĩ này được lên chốn nghỉ ngơi… Anh yên nghỉ”. Vợ
tôi đưa cái khăn tay, nhưng tôi gạt đi, vì cả áo quần tôi cũng như ông
già đều bê bết bùn hòa máu. Vợ tôi nói khẻ: “lau nước mắt đi”. Trước khi
lẫn vào đám đông, ông già nhìn tôi gật đầu, tôi cũng gật đầu lại và
thầm cám ơn ông già đã giúp tôi làm được một cử chỉ nhỏ cho người lính
đã chiến đấu đến giọt máu cuối cùng, đến giờ phút cuối cùng cho Quê
Hương. Mẹ Việt Nam ơi! Xin cho người lính của chúng con có cơ duyên được
vào lòng đất mẹ. Xe qua lại đã cán nát một phần chân anh rồi, mẹ ơi!
Nắng đã lên, không khí đã nóng hơn nhiều, bùn và máu trên áo quần tôi
đã khô, tôi dùng tay gột chúng thành bụi bay đi! Tôi chợt nhớ:
“Và máu họ đã len vào mạch đất,
Thịt cùng xương trộn lẫn với non sông”
Anh nằm xuống, máu anh trộn bùn sẽ khô, sẽ thành bụi bay đi, sẽ đậu
trên lá, trên cành, để rồi sẽ theo gió bay đi chung quanh anh, theo
những người đã vực anh lên mà đi xa. Cuối cùng, máu anh sẽ tan biến vào
đất mẹ.
Thân nhân anh ở đâu, có nóng ruột mà đi tìm, có ai nhận ra anh mà
thông báo cho gia đình anh, hay anh sẽ bị người ta vùi dập đâu đó, không
bao giờ thân nhân biết được, không biết anh sống hay chết hoặc đi về
đâu mà tìm, không biết ngày anh mất mà kỵ giỗ. Anh nằm xuống vào giờ
phút chót, không có truy điệu, không quan tài, không phủ cờ, không di
ảnh, không có một đồng đội nào bên anh. Anh hy sinh cho Đất Nước trong
cô đơn.
Anh chiến đấu cho đến NGÀY QUỐC HẬN. Tôi hy vọng anh sẽ không nghe
lời đầu hàng của Dương Văn Minh để khi nằm xuống, anh vẫn hy vọng đồng
đội của anh, đồng bào của anh vẫn tiếp tục chiến đấu cho Quê Hương yêu
quí
Tôi cầu nguyện để linh hồn anh sum họp với các đồng đội ngã xuống trước
anh. Tôi xin anh hợp cùng tổ tiên dòng giống phù hộ chúng tôi và con
cháu quyết chiến đến cùng cho đến khi quân thù không còn trên Quê Hương.
Anh hãy an nghỉ.
Kiêm Ái
0 comments:
Post a Comment