Tại Trung quốc đang có phong trào “lai rai” tố cáo tội ác trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa 1966-1976. Phong trào tố cáo này được chính quyền đảng Cộng sản Trung quốc khuyến khích sau khi ông Bạc Hy Lai trong năm 2012 đang là Ủy viên Bộ chính trị, Thành ủy thành phố Trùng Khánh thuộc tỉnh Tứ Xuyên nhen nhúm lại phong trào “học sách đỏ” của Mao Trạch Đông để liên kết với các thành phần còn ủng hộ đường lối cách mạng triệt để của Mao làm thế đưa ông vào Ban thường vụ Bộ chính trị trong đại hội thứ 18 của đảng dự trù triệu tập cuối năm 2012.
Tập đoàn cầm quyền của Hồ Cẩm Đào đang chuẩn bị chuyển quyền cho Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường trong một chương trình đưa Trung quốc vào con đường xây dựng siêu cường đã chận đứng tham vọng của Bạc Hy Lai, cách chức, tước đảng tịch và đưa ông ra tòa với một loạt tội trạng mới phanh phui (1). Cho đến lúc này Tập Cận Bình đã củng cố quyền hành, nhưng tập đoàn lãnh đạo tại Bắc Kinh vẫn chưa hết bận tâm về bóng ma của Mao.
Sau đại hội đảng thứ 18 tháng 10/2012, khắp nước các vụ tố cáo sự lạm quyền trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa rộ lên với mục đích cảnh giác đảng viên và quần chúng rằng Cách mạng Văn hóa là một sai lầm. Các vụ tố cáo này đều được các chính quyền địa phương chấp thuận, cung cấp tài liệu và hướng dẫn.
Vụ đang được dư luận chú ý là vụ bà Phan Trung Mưu (Fang Zhangmung) người huyện Cổ Trấn (Guzhen) thuộc tỉnh An Huy (Anhui) bị xử bắn ngày 11/4/1970 vì xé hình của Mao và bị con trai cùng với chồng tố cáo với chính quyền (2).
Bà Phan Trung Mưu sinh năm 1926 lấy chồng họ Trương sinh được hai con, một gái, một trai là một gia đình cách mạng ủng hộ tuyệt đối Mao mặc dù thân sinh bà Phan bị đấu tố chết trong phong trào cải cách ruộng đất năm 1951 sau khi Mao chiếm lục địa. Hai ông bà đều là đảng viên đảng Cộng sản. Khi cuộc Cách mạng Văn hóa được phát động (1966) hai người con, cô Trương 14 tuổi và em trai là Trương Thiết Phú (Zhang Tiefu) 11 tuổi đều là Vệ binh Đỏ lực lượng nòng cốt của cuộc Cách mạng Văn hóa chỉ nhận chỉ thị từ Mao và Tứ Nhân Bang cầm đầu bởi Giang Thanh bất chấp các Chi bộ đảng tại địa phương. Trong không khí phấn khởi TrươngThiết Phú đổi tên thành Trương Hồng Bân (Zhang Hongbinh- người lính đỏ) cho có tính cách mạng. Chị em nhà họ Trương được bố mẹ khen ngợi và khuyến khích trước các hành động này.
Nhưng cuộc Cách mạng Văn hóa đã làm tan nát gia đình ông cũng như làm tan nát hàng triệu gia đình khác. Thoạt tiên bà Phan thất vọng buồn phiền vì cuối năm 1966 khi cuộc Cách mạng Văn hóa bùng nổ mấy tháng cô Trương bị bệnh sưng màn óc chết sau một chuyến đi Bắc Kinh trong những điều kiện thiếu thốn cực khổ để được nghe Chủ tịch Mao Trạch Đông ban huấn từ.
Sau đó cả hai ông bà đều bị đấu tố, bị trùm đầu dẫn đi diễu trên đường phố và bị chính con trai chửi bới tố cáo.
Sau 4 năm bị dằn vặt thể xác và tinh thần: con gái chết, chồng và bản thân bị đấu tố, con trai bất hiếu chửi bố mẹ, bà Phan không kềm chế được bản thân. Một đêm kia năm 1970 riêng tư trong nhà bà buột miệng thổ lộ với chồng và con trai rằng: “Chủ tịch Mao Trạch Đông không tốt. Ông ta theo chủ nghĩa sùng bái cá nhân giết cả đồng chí Lưu Thiếu Kỳ là người suốt đời hiến cho cách mạng vô sản”. Bà nói Lưu Thiếu Kỳ, người đồng chí sát cánh với Mao trong suốt cuộc đấu tranh đưa đến thành công, nhưng vì khác ý với Mao trong “Bước Nhảy Vọt” (1958-1961) đã bị Mao cho phép Vệ binh Đỏ đấu tố, bỏ đói cho đến chết một cách tàn nhẫn phải được phục hồi danh dự và ảnh của Mao không đáng được treo trong nhà.
Trương Hồng Bân và cha hoảng hốt trước thái độ của bà Phan. Theo một tài liệu liên quan đến Cách mạng Văn hóa lưu trữ tại thư viện Bắc Kinh được tiết lộ năm 2009, Hồng Bân đã nói với Mẹ rằng: “Nếu bà tố cáo nhà lãnh đạo yêu quý của nhân dân thì người ta sẽ đập nát đầu của bà ”
Sau đó Hồng Bân làm đơn nhét vào nhà của một sĩ quan lãnh đạo đoàn Vệ binh đỏ địa phương tố cáo Mẹ, trong khi chồng bà đến tố cáo vợ tại cơ quan an ninh quân đội.
Bà Phan giận con và chồng dứt tình chồng vợ mẹ con, bà đóng cửa nhà đốt hình Mao. Chồng bà ra lệnh cho Hồng Bân đánh mẹ. Trên blog của mình Hồng Bân nhìn nhận đã vâng lời cha đấm vào lưng Mẹ. Trong khi đó ông Trương dẫn một đòan viên Vệ binh Đỏ đến. Anh này vừa đánh vừa dẫn bà Phan đi.
Hồ sơ huyện Cổ Trấn ghi rằng bà Phan bị tòa án huyện kết tội “nhục mạ chủ tịch Mao Trạch Đông” và bị xử bắn ngày 11/4/1970 tại một pháp trường dựng cách tòa 180 mét. Hồng Bân có mặt ở tòa án khi xử nhưng tránh mặt ở pháp trường. Ông Trương làm thủ tục li dị vợ mấy ngày trước khi bà bị bắn. Ông và con trai nhờ công “tố vợ và Mẹ” đã thoát nạn. Sau khi cuộc Cách mạng Văn hóa chấm dứt, Mao chết, ông Trương được phục hồi chức vụ Trưởng ty Y tế địa phương. Ông nghỉ hưu và qua đời năm 2003.
Riêng Hồng Bân hối hận vì hành động “gián tiếp giết Mẹ” đã theo học ngành luật sư với định tâm tìm cách lý giải giai đoạn khủng khiếp của gia đình và của chính ông.
Ông lập một blog ghi chú những gì liên quan đến vụ Mẹ ông.
Năm 1979 sau khi Mao chết, Đặng Tiểu Bình đổi mới, Hồng Bân và cậu ruột là ông Phan Mỹ Khải (Fang Meikai) vận động cải án bà Phan. Tòa án huyện công nhận chính quyền đã nặng tay với bà Phan và bản án xử bắn là một sai lầm. Nhưng tòa chỉ ghi chú vào hồ sơ vụ án mà không công khai nhận lỗi và cho biến mộ phần của bà Phan thành một di tích lịch sử ghi lại tội ác Cách mạng Văn hóa như đòi hỏi của luật sư Trương Hồng Bân. Hồng Bân đang kháng cáo lên tòa trên.
Cách mạng Văn hóa là một vấn đề tế nhị trong chính trị của đảng Cộng sản Trung quốc. Tố cáo trực tiếp Mao sẽ làm mất tính chính thống của chính quyền Cộng sản. Không tố cáo thì cuộc Cách mạng Văn hóa vẫn còn là một “tấm gương” cách mạng triệt để đe dọa sự ổn định của Trung quốc. Đó là lý do tại sao chính quyền Hồ Cẩm Đào đã nặng tay với Bạc Hy Lai và dung túng trong chừng mực các vụ tố cáo lạm quyền và quá đáng của cuộc Cách mạng Văn hóa.
Luật sư Trương Hồng Bân đưa khuôn mặt gián tiếp giết Mẹ là đưa đầu ra trước dư luận để chịu tội thế cho Mao, một nhân vật lịch sử bàn tay dính máu của mấy chục triệu đồng bào nhưng vẫn núp trong ánh hào quang anh hùng dân tộc.
Vụ thanh trừng của Stalin tại Nga. Vụ cải cách ruộng đất tại Việt Nam và vụ Cách mạng Văn hóa tại Trung quốc chỉ là một. Một bản chất của chủ nghĩa cộng sản và những sai lầm, độc ác, gian trá của nó./.
Trần Bình Nam
April 3, 2013
binhnam@sbcglobal.net
www.tranbinhnam.com
Tài liệu tham khảo:
(1) www.tranbinhnam.com à Bình luận # 419
(2) “Haunted by Mao’s Revolution” – by John Hannon và Nicole Liu - Los Angeles Times – Sunday March 31, 2013
0 comments:
Post a Comment