Nỗi buồn phía sau
Cuộc nội chiến Mỹ kết thúc năm 1865, với những cái chết của của khoảng 750.000 binh sĩ và một số lượng thương vong dân sự nhiều triệu người. Không lâu sau khi Tướng Lee đầu hàng, khi được hỏi nên đối xử với phe thất trận như thế nào, Tổng thống Hoa Kỳ Abraham Lincoln trả lời: “Hãy để họ thoải mái“.
Tổng thống Abraham Lincoln, lãnh tụ bên thắng cuộc, ngay sau cuộc chiến đã coi đoàn quân thua cuộc của tướng Robert. E. Lee là một đoàn quân thất trận nhưng oai hùng .
Người Mỹ, sau cuộc chiến vẫn đứng hòa hợp và tự hào chung dưới một màu cờ. Dẫu rằng, vẫn có những khó khăn để hòa hợp, nhưng quá khứ vẫn mờ dần, không bên nào bị lãng quên dù họ là người thắng hay thua.
Tôi không phải là người yêu nước Mỹ đến mức cuồng tín như nhiều người, dù tôi biết, nước Mỹ có một nền dân chủ tự do đáng ngưỡng mộ. Tôi chỉ tìm hiểu về nước Mỹ qua những bài học lịch sử và phần nhiều hiểu biết về cuộc nội chiến Mỹ qua tác phẩm “Cuốn theo chiều gió” của Margaret Mitchell. Câu chuyện của lịch sử đã khép lại, nước Mỹ đã là một đất nước may mắn khi họ không có những năm tháng hậu chiến đau buồn hay li tán.
Không đa dạng chủng tộc như nước Mỹ, chúng ta cùng một giống nòi, nhưng rốt cục đã không được may mắn như họ.
Tôi sinh ra trong một gia đình miền Bắc. Cha tôi là một quân nhân, đã để lại chiến trường một phần máu thịt. Những cuộc chiến tranh đã lấy đi của gia đình tôi nhiều thứ. Tôi hiểu, mỗi người có một cuộc sống tuổi trẻ của mình, không ai hơn ai. Cha tôi cũng vậy, ông đã bỏ lại tuổi trẻ của mình ở chiến trường và cương quyết ngăn cản con trai mình đi theo con đường binh nghiệp.
Tôi, hồi nhỏ, chỉ biết về miền Nam qua những bài học lịch sử. Ở trong những bài học đó, tôi mường tượng ra cảnh người Mỹ tràn ngập miền Nam với súng ống và máy bay, đánh phá tan tác những vùng đất mà tổ tiên tôi đã ngàn năm mang gươm mở cõi. Lớn lên, vào miền Nam và ở đó rất lâu, tôi mới hiểu điều tôi đã học không hẳn chính xác.
Nhưng tôi xin không bàn về mục đích, nguyên nhân và bản chất cuộc chiến ấy. Đó là việc của các nhà làm sử.
Hầu như gia đình miền Nam nào cũng phải hứng chịu trong thời kỳ hậu chiến. Đó là những li tán sau Hiệp định Geneve chia cắt 2 miền, những cuộc tù cải tạo dài đằng đẵng, những chiến dịch cải tạo công thương nghiệp, những vụ vượt biên, những đứa trẻ sinh ra, lớn lên sau cuộc chiến và khó xin công việc vì lý lịch xấu… Những câu chuyện tôi nghe gần 20 năm nay đã để lại trong lòng những người trải qua chúng tổn thương khó hàn gắn.
Kì lạ là bản thân tôi cũng phải hứng chịu những tổn thương hậu chiến của họ. Lúc mới vào miền Nam, tôi bị kỳ thị vì giọng nói miền Bắc của mình. Tôi đi ra đường thì bị chửi bới, đi học thì bị bạn bè bắt nạt, mua hàng thì luôn phải trả giá cao… Nhiều người miền Nam khi ấy bảo với tôi rằng, giá như không có ngày 30/4/1975, họ sẽ hạnh phúc hơn bây giờ nhiều.
Khi có internet, tôi dường như đã xác tín điều này. Cuộc chiến tranh ấy đằng sau những xe tăng, súng ống còn là những nhà tù, thuyền nhân, trại tị nạn…
Bạn bè tôi kể lại, họ thậm chí từng bị cha mẹ mình tát vào mặt khi hát những bài hát ngợi ca cách mạng, có người còn bị cấm đeo khăn quàng đỏ, có người lên đến đại học vẫn cương quyết không vào đoàn thanh niên…
Từ đó, tôi nhắc đến ngày 30/4 bằng 2 chữ “thống nhất” chứ không phải bằng 2 chữ “giải phóng”.
Người ta chỉ thực sự được “giải phóng” khi người ta cảm thấy hạnh phúc với thành quả sau cuộc giải phóng.
“Triệu người buồn” và giấc mơ Mỹ
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi nói về ngày 30/4 đã cho rằng: “Nhiều sự kiện khi nhắc lại, có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn”.
“Triệu người buồn” ấy cũng là giống nòi Việt. Họ hoặc đã rời đất nước này ra đi, hoặc vẫn ở lại trong lòng mang ít nhiều ấm ức.
Nỗi ấm ức ấy có lẽ không phải vì họ đã trở thành công dân của một nước Việt Nam “thống nhất”. Toàn vẹn lãnh thổ là khát vọng của cả dân tộc, ngày 30/4/1975 là ngày khát vọng ấy trở thành hiện thực. Có điều, cách “trở thành hiện thực” ấy đã tốn quá nhiều xương máu bởi sự thiếu thiện chí của cả hai bên. Nỗi ấm ức ấy có lẽ bởi những tổn thương hậu chiến quá lớn.
Những nghĩa trang tử sĩ không người thăm viếng. Hàng triệu người lính Việt Nam phía bên kia chiến tuyến đã bị lãng quên. Không ai trong số những người lính ở cả 2 bên ấy muốn cầm súng bắn vào đồng bào mình, nhưng họ đã phải bắn.
Bao giờ cũng vậy, ngày chiến thắng là sự hả hê của một bên và nỗi thất vọng của bên còn lại. Nhưng nếu nỗi thất vọng chỉ dừng lại ở đó, có lẽ, đã không có “triệu người buồn”.
Những danh từ “Ngụy quân”, “Ngụy quyền” vài năm nay tôi đã thấy ít dùng, trước đây thì rất phổ biến trong các cuốn sách giáo khoa Lịch sử. Những danh từ này nhà cầm quyền nước ta học của Trung Quốc, những người cộng sản Tàu gọi những người Quốc dân đảng là “ngụy”.
Ngụy là giả dối. Không ai giả dối cả trừ những kẻ đẩy đất nước vào chiến tranh, cuộc chiến ấy chỉ có kẻ thắng – người thua và đồng bào luôn là những người thất bại khi phải đổ máu xương.
Lỗi không phải của họ, lỗi là của một vài cá nhân trong lịch sử.
Con trai của một người lính như tôi ngày hôm nay vẫn làm bạn thân với con trai của một người linh Việt Nam Cộng hòa. Dấu rằng 38 năm trước, cha tôi và cha bạn còn phải cầm súng bắn vào nhau.
Đã 38 năm, vì những điều không mong muốn mà ngày 30/4 năm nay vẫn là ngày đất nước có “triệu người buồn”. Gia đình của bạn tôi cũng vậy. Nỗi buồn ấy nếu chỉ nằm trong một số gia đình như gia đình bạn, cũng sẽ chẳng thấm vào đâu. Nhưng khi nỗi buồn ấy kéo dài cho đến những thế hệ sinh ra sau cuộc chiến thì đó là nỗi bất hạnh cho cả dân tộc.
Trên facebook hôm nay, những avatar cờ đỏ – sao vàng đã được treo lên tràn ngập.
Còn nỗi bất hạnh dân tộc ở lại trong những bài thơ, status thở than của những người Việt Nam bên phía “triệu người buồn”. Họ sống trên đất nước cha ông mà mơ một giấc mơ Mỹ. Ở đó từng có Abraham Lincoln với sự ngợi ca về một đoàn quân thất trận oai hùng.
Giả sử, chỉ giả sử thôi, ngày 30/4 năm ấy, kẻ thắng cuộc là phía bên kia, có lẽ tôi cũng đã là một thành viên của phía “triệu người buồn” như bạn mình.
Vậy nên, tôi cũng chẳng thể lấy làm vui.
S.L.T 23/4/1013
0 comments:
Post a Comment