Wednesday, November 21, 2012

Bất hạnh thay cho đảng ta!

TBT Nguyễn Phú Trọng
Thời làm bí thư Hà thành, ông Nguyễn Phú Trọng được những người dân mà ông chăn dắt tặng cho một cái tên thân mật là “Trọng Lú”.
Cái tên đã làm thiên hạ nửa tin nửa ngờ. Tin là vì khi dân chợ trời Hà Nội đã kháo nhau chuyện gì, thì chuyện đó thường có thiệt. Ngờ bởi vì khác với “đồng chí X”, ông không phải vác bom tải đạn, không phải vượt sông bằng cối giã gạo, hay thoát hiểm trong đường tơ kẽ tóc. Cơ thể ông không mang thương tích chiến tranh. Đường công danh của ông hanh thông, rộng mở từ truờng làng đến Đại học Tổng hợp Hà Nội, từ trường Đảng Nguyễn Ái Quốc đến Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Liên Xô. Ông có cả học hàm giáo sư, lẫn học vị tiến sỹ. Lẽ nào ông lú đến mức người dân phải mang ông ra để đàm tiếu.
Nhưng quả danh bất hư truyền. Chỉ riêng bài diễn văn ông đọc ở trường đảng Nico Lopez, Cuba tháng Tư vừa qua đã thể hiện chứng lú của ông trầm trọng đến mức nào. Bài diễn văn này được cho là một văn kiện quan trọng trong sự nghiệp chính trị của ông, nhưng nó giống như một món lẩu hổ lốn, nhộm nhoạm, nháo nhào. Trong đó ông giành phần lớn thời gian để rao giảng về ba thể quái thai vô sọ hiếm gặp trên thế giới, nhưng lại đầy rẫy ở Việt Nam:
Nền Kinh tế thị trường theo định hướng XHCN
Nhà nước pháp quyền XHCN
Nền dân chủ XHCN

Ai đã sống ở miền Bắc trước 1975, chỉ cần đọc lướt qua bài của ông là nhận ra ngay dáng dấp, hơi hướng của những bài xã luận trên báo Nhân Dân vào thập kỷ 50, 60 thế kỷ trước. Giọng điệu đầy ngạo mạn, kiêu căng, răn đe, dậy dỗ, chia rẽ, hận thù. Như là: “Hai phe”, “Ba giai đoạn”, “Bốn mâu thuẫn”, “Ba dòng thác cách mạng”, “Chủ nghĩa tư bản đang giãy chết”, “CNXH là người đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản”, “CNXH bách chiến bách thắng”.
Thời đó, miền Bắc bị cô lập với thế giới bên ngoài bởi những bức tường sắt vô hình. Không một lá thư, hay một mẩu tin ra vào đất nước mà không bị kiểm duyệt. Dân chúng bị tẩy não bởi những hoá chất mạnh. Người miền Bắc trở nên thơ ngây đến mức ấu trĩ. Đảng nói gì dân cũng tin.
Ngày nay, mọi việc đã rành rành như canh nấu hẹ. Cuba chỉ cách nước Mỹ trên dưới 100 dặm theo đường chim bay. Dân số Cuba là trên 11 triệu, nhưng có đến 2 triệu vượt biên đang sống ở các nước phương Tây, chủ yếu là Mỹ. Ngôn ngữ của Cuba là tiếng Tây Ban Nha, có trên 20 quốc gia không cộng sản cùng sử dụng. Cả hai Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Benedict XVI đã đến thăm đảo quốc này. Rõ ràng Cuba không phải là Bắc – Việt nam ngày xưa. Ông lú lẫn cả về thời gian lẫn không gian. Ông lú lẫn từ nhận thức đến hành động. Ông không hiểu khán giả là ai nên ông mới thao thao bất tuyệt như vậy.
Diễn văn của ông dài 8150 từ, trong đó hơn 100 lần ông nói về CNXH, Chủ nghĩa Marx -Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Ông dùng những thậm từ tuyệt đối để ca ngợi những thứ chủ nghĩa này. Ông núp dưới bóng Hồ Chí Minh để dạy thiên hạ: “Hồ Chí Minh đã đưa ra kết luận sâu sắc rằng, chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới có thể giải quyết triệt để vấn đề độc lập cho dân tộc, mới có thể đem lại cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc thực sự cho tất cả mọi người, cho các dân tộc.”
Nhưng lịch sử đã chứng minh nhiều thuộc địa không dựa vào CNXH hay chủ nghĩa cộng sản (CNCS), mà vẫn giành được độc lập. Ấn Độ, Miến Điện, Malaysia, và Singapore giành độc lập từ Anh. Indonesia giành độc lập từ Hòa Lan. Các nước Phi Châu giành độc lập từ Pháp.
Thực tế cũng chứng minh các quốc gia phương Tây, cùng Nhật, Nam Hàn, Singapore v.v. không cần chủ nghĩa Marx-Lenin, CNXH hay CNCS mà đất nước họ vẫn có cuộc sống lành mạnh thực sự cho tất cả mọi người.
Lập luận của ông là Việt Nam phải đi theo CNXH, CNCS, Chủ nghĩa Marx-Lenin để có độc lập- tự do- hạnh phúc là hoàn toàn thiếu cơ sở, nếu không nói đó chỉ là cách bao biện cho những sai lầm lịch sử của Đảng với dân tộc Việt Nam.
Ông Trọng ngợi ca CNXH bao nhiêu, thì ngược lại lên án gay gắt xã hội của các nước phương Tây bấy nhiêu: Là “áp bức”, “bóc lột”, và “bất công”. Là “chà đạp lên phẩm giá con người”. Là “xã hội vị kỷ cá nhân”, “chủ nghĩa phe nhóm”, và “lấy của cải vật chất là thước đo văn minh”.
Ông công kích những công ty đa quốc gia là những “tập đoàn bóc lột”, là “huỷ hoại môi trường sống”, là “chiếm đoạt tài nguyên”.
Ông phủ nhận những thành tựu của các nước đã phát triển là “phản tiến bộ”, “phản nhân văn”, “không bền vững”, “dân chủ chỉ là hình thức không thực chất”, “quyền lực không thuộc về nhân dân”, “bầu cử được gọi là “tự do”… nhưng không thể thay đổi các thế lực thống trị”.
Nhiều người khi nghe bài diễn văn này chỉ còn biết thở dài mà than “Ông nói lấy được theo kiểu cả vú lấp miệng em”. Vài tập đoàn đa quốc gia đã lên tiếng phản đối rằng họ không “bóc lột”, không “hủy hoại môi trường”, không “chiếm đoạt tài nguyên” như ông nói. Riêng Brazil một quốc gia ôn hòa và lịch lãm nhưng đành phải đơn phương huỷ bỏ chuyến thăm của ông ngay khi bài nói chuyện vừa kết thúc. Người Brazil đủ thông minh để biết ai xứng đáng là thượng khách của đất nước họ.
Nếu nhìn bài diễn văn dưới góc độ kỹ thuật thì Ông đã thể hiện ra vô vàn những lỗi sơ đẳng. Ông viết: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam; Đảng ra đời, tồn tại và phát triển là vì lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc. Khi Đảng cầm quyền, lãnh đạo cả dân tộc, được toàn dân thừa nhận là đội tiên phong lãnh đạo của mình và do đó Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam”.
Trong khi ai cũng có thể hiểu rằng công nhân là một phần của nhân dân; nhân dân là một phần của dân tộc. Như vậy chỉ cần một câu đơn giản “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của dân tộc Việt Nam” là đủ. Hơn nữa đã là “nhân dân” có người nào trong đời mà không lao động mà ông phải rạch ròi “nhân dân lao động” với nhân dân không lao động. Vậy lỡ có “nhân dân không lao động” thì Đảng không lãnh đạo hay sao? Lặp và thừa từ đã làm cho đoạn văn lủng củng và tối nghĩa.
Ở một đoạn khác ông viết: “Cũng nhờ kinh tế có bước phát triển nên chúng tôi đã có điều kiện để chăm sóc tốt hơn những người có công, phụng dưỡng các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, chăm lo cho phần mộ của các liệt sĩ đã hy sinh cho Tổ quốc”.
Đây là một bài diễn văn mang đẳng cấp quốc tế. Những ý tưởng mới, mang tính chiến lược để giải quyết những vấn đề của quốc gia, hay nhân loại mới nên nói đến. Đây đâu phải là nơi để ông kể lể thành tích của mấy tay xã trưởng chăm sóc mẹ già, sửa sang phần mộ. Vậy lỡ kinh tế suy thoái, thì không thể chăm sóc mẹ già tốt hơn sao? Rồi “các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng” thì được phụng dưỡng, còn những Ông Bố Việt Nam Anh Hùng thì sao? Rồi còn các mẹ Việt Nam KHÔNG anh hùng thì Đảng không phụng dưỡng sao?
Ai cũng muốn thêm bạn bớt thù, nhưng ông thì làm ngược lại. Ông phân chia thế giới thành phe này phe kia. Ông phân loại nhân dân thành giai cấp này, giai cấp khác. Ở đâu ông cũng thấy thù địch: “thế lực thù địch”, “luận điệu thù địch”, “thế lực chống cộng”. Chỗ nào ông cũng thấy toàn lũ “thực dân”, “đế quốc”, “xâm lược”, “âm mưu”, “chống phá”, “phá hoại”, “công kích”, “xuyên tạc”. Đi đâu ông cũng kêu gọi “tranh đấu” rồi “đấu tranh”, “đấu tranh không khoan nhượng”, “đấu tranh không lùi bước”.
Còn vô vàn những lú lẫn trong bài diễn văn để đời của ông. Nhưng vì thời gian của bạn đọc, khuôn khổ của tờ báo nên không thể nêu lên hết. Tuyệt nhiên người ta không tìm thấy một bằng chứng nào là văn của một trí thức, hay một chính khách của thế kỷ XXI.
Trên người ông loảng xoảng những xiêm y cùng mũ mão cân đai, nào Đại học, nào Học Viện, nào Viện Hàn lâm, nào Giáo sư, nào Tiến sỹ. Không một Tổng bí thư tiền nhiệm nào có nhiều học hàm, học vị bằng ông. Không một Tổng bí thư tiền nhiệm nào được may mắn đào tạo trong môi trường khoa bảng như ông. Nhưng cũng không một Tổng bí thư tiền nhiệm nào lú cỡ ông. Bất hạnh thay cho Đảng ta!
© Trần Hồng Tâm
© Đàn Chim Việt

0 comments:

Powered By Blogger