Friday, July 6, 2012

Chính quyền e ngại lòng yêu nước!

Facebook - Ngay sau khi Quốc Hội ra Luật Biển, dân chúng ai nấy đều hồ hởi phấn khởi và lên tinh thần bởi tin tưởng rằng chính quyền đang ngả về phía nhân dân trong việc thể hiện chính kiến bảo vệ chủ quyền biển đảo, chống lại sự tham tàn của Trung Quốc. Bên cạnh đó, việc nới lỏng cho báo chí chính thống được viết về chủ quyền biển đảo và lên án những hành vi sai trái, ngược ngạo của Trung Quốc với một tần suất khá cao đã khiến cho rất nhiều người ngỡ rằng chính quyền đang “bật đèn xanh” cho dân chúng được phép biểu tình chống Trung Quốc lần này. Tuy nhiên, thực tế diễn ra trước – trong và sau ngày CN 01.07 vừa qua đã nói lên nhiều điều khác hẳn… Dường như lòng yêu nước của người dân vẫn còn bị chính quyền e ngại?
Lòng yêu nước bị dập tắt từ trong… trứng nước
Trước ngày CN 01.07 mấy bữa, nhiều người mình quen biết ở SG đã bị canh me, theo dõi ráo riết. Tùy vào mức độ “nguy hiểm” của từng người mà số lượng nhân sự được bố trí “canh gác” có khác nhau (từ 1,2 người cho đến 6,7 người). Một số người được an ninh, công an khu vực mời đi uống café hay gọi điện khuyên bảo không nên tham gia biểu tình vì… tình hình rất phức tạp, sẽ không có chuyện biểu tình được đâu… Một số kẻ bị đưa giấy mời đi làm việc vào các ngày 30.06 hay 01.07 (T7 và CN là ngày nghỉ) với những lý do rất trời ơi như: “bổ túc hồ sơ tạm trú”, “hỏi về một số việc có liên quan đến ông/bà”, “giải quyết vấn đề khai thông cống rãnh, chống ngập úng”… (?!)
Những người có tinh thần yêu nước, muốn được xuống đường thể hiện tiếng nói của mình để ủng hộ Quốc Hội, phản đối Trung Quốc đã phải tìm cách né các “cảnh vệ bất đắc dĩ”  bằng cách cắt đuôi rồi ngủ ở khách sạn hay nhà bạn bè, người quen chứ không ở nhà. CLB Bóng đá NO-U SG vẫn duy trì đá banh vào chiều tối T7 (30.06) và được ân cần giám sát chặt chẽ bởi 3-4 “người lạ” dưới cơn mưa tầm tã, rét mướt. Bản thân tôi khi đi đá banh về cũng phải chạy lòng vòng cắt đuôi và mướn phòng trọ ngủ chứ không về nhà. Đêm đó, an ninh thành phố gọi điện cho một thành viên trong đội bóng để hỏi dò xem tôi ngủ ở đâu… Tôi không bao giờ nghĩ rằng việc ăn chơi, giải trí, ngủ nghỉ của cá nhân mình lại được các anh quan tâm đến thế!
Đúng như dự đoán, nhiều người đã bị canh gác tại nhà từ đêm hôm trước và không thể ra khỏi nhà vào sáng hôm CN 01.07. Những “cảnh vệ bất đắc dĩ” của họ đã ngăn chặn họ một cách rất nghiêm túc và cứng rắn. “Một là cứ ở yên trong nhà, hai là mời về phường làm việc” – nếu như bạn, bạn chọn cái nào đây?
Ngăn chặn, cản trở thể hiện lòng yêu nước
Nhiều người đã không thể ra khỏi nhà để tiến vào khu trung tâm vì bị chặn tại nhà (như Mẹ Đốp, Hoa Đồng Nội, Vô Thường…). Các khu vực lân cận dinh thái thú Tàu Khựa trở thành “điểm nóng” với một lực lượng hùng hậu các vị công an, an ninh chìm nổi, CSGT, CS 113, Thanh tra đô thị, Thanh niên xung phong, Dân quân tự vệ, Dân phòng, Thành đoàn… Công viên 30.04 và Lê Văn Tám tràn ngập màu xanh (cả của cỏ cây và của người). Bất cứ nhóm nào tụ tập khoảng 4,5 người liền bị chú ý, nhắc nhở giải tán…
Chí Đức từ Hà Nội và Bùi Hằng từ Vũng Tàu vào SG đã bị theo sát từ đêm trước. Sáng sớm, khi cả hai vừa ra khỏi khách sạn đi Taxi một đoạn thì liền bị tóm gọn. Ngay lập tức, an ninh cưỡng chế chị Bùi Hằng cưỡng chế về Vũng Tàu. Chí Đức phải vào đồn Công an uống trà nói chuyện. Yêu Nước Việt bị cưỡng chế đem về CA P. Đakao ngay khi đang ăn sáng. Nhóm bạn Huỳnh Thục Vy, Huỳnh Trọng Hiếu, Khánh Vy, Trầm Tử, Vy AT… ngay khi có mặt ở Công viên 30.04 đã bị hốt sạch lên xe chở đi mất. Trịnh Kim Tiến ra nhà thờ Đức Bà liền bị gây khó dễ, buộc phải về nhà. Thế nên chị Bùi Hằng và Trịnh Kim Tiến đã phải biểu tình một mình… ở nhà.
Rốt cuộc biểu tình cũng nổ ra ở SG vào khoảng 8h30’, đi đầu là GS Tương Lai, Andre Manras Hồ Cương Quyết, Đỗ Trung Quân, Lê Hiếu Đằng, phía sau rất nhiều bạn trẻ và bên cạnh rất nhiều an ninh… Cuộc tuần hành diễn ra ôn hòa, có trật tự, được dẫn đường bởi các lực lượng chức năng. Người tham gia biểu tình hô vang khẩu hiệu “HS-TS là của Việt Nam”, “Việt Nam muôn năm”, “Đả đảo “Trung Quốc xâm lược”… và hát vang những bài ca yêu nước. Rất đông người chụp hình, quay phim đoàn người, nhưng những ai không được chỉ đạo quay chụp mà dám quay chụp thì đều bị ngăn cản, bắt xóa hình, giật máy hình hoặc hốt về phường làm việc. Một anh bạn họa sĩ thấy cảnh đông vui chụp hình liền bị cưỡng chế về P. Đakao làm việc từ 10h-13h. Anh cho biết rất đông sinh viên dùng điện thoại di động quay phim cũng bị đưa về đồn “làm việc”. Các em đã thật sự hoảng sợ, không hiểu lý do tại sao…
Bắt nguội, hành hung người yêu nước
Sau khi tuần hành một vòng đến gần LSQ để thể hiện tinh thần dân tộc, bảo vệ chủ quyền biển đảo, phản đối TQ, ủng hộ Luật Biển của Quốc Hội thì mọi người trở về lại khu Công viên 30.04 rồi giải tán. Lúc đó, có rất nhiều “người lạ” chiếu những tia nhìn không thiện cảm, dò xét cùng những chiếc máy quay phim, chụp hình về phía tôi và vài người bạn. Một vài bạn trẻ đến gần và nói nhỏ: “Anh chị đang bị theo dõi đó, cẩn thận nha!”. Chúng tôi biết chắc rằng thế nào cũng sẽ bị gây khó dễ, và để an toàn nên đã lên taxi đi về chung. Tuy nhiên, xe chạy một đoạn thì 2 anh CSGT chặn xe taxi lại và bắt tài xế chở chúng tôi về phường. Chúng tôi phản đối và nhảy xuống xe đi bộ vì CSGT không có quyền mời chúng tôi đi làm việc trong khi chúng tôi không hề vi phạm luật giao thông gì cả.
Tiếp đó, chúng tôi đón xe bus hướng về chợ Bến Thành. Những “cái đuôi” vẫn kiên trì bám theo. Khi chúng tôi lên xe bus thì có khoảng 3,4 chiếc xe máy chạy theo. Những người trên xe lấy làm lạ và sau khi được giải thích rằng chúng tôi vừa mới biểu tình chống TQ về và bị bọn người kia bám theo. Họ cũng rất tinh ý và phát hiện ngay ra đó chính là…an ninh! Họ khuyên chúng tôi cứ ở trên xe bus, đừng xuống. Chúng tôi cứ thế lấy vé đi tiếp một vòng hướng về chợ đầu mối nông sản Thủ Đức. Lúc này, số lượng xe máy theo đuôi đã tăng lên, có khoảng hơn chục người bám theo… cứ y như trong phim hành động.Trên xe, chúng tôi thấy có một người lạ cứ lẳng lặng quan sát chúng tôi và gọi điện đi đâu đó. Khi xe bus tới cây xăng Huệ Thiên 2 (Ql 13, P. Hiệp Bình Phước), người lạ gọi điện báo: “sắp tới rồi”. Ngay sau đó, có 2 CSGT kè chiếc xe bus vào cây xăng, bắt tài xế phải chở chúng tôi vào đồn CA P. Hiệp Bình Phước. Đến đó, họ cưỡng chế chúng tôi (gồm 6 người) vào đồn CA một cách rất thô lỗ, hung hăng với lý do “mời làm việc”. Tôi nhìn thấy vẻ mặt ngạc nhiên của anh CA phường khi chứng kiến hơn chục người an ninh dùng bạo lực (chắc là không phải bạo lực cách mạng rồi) để đẩy chúng tôi vào đồn.
An Đổ Nguyễn bị giật điện thoại, bẻ tay, bóp cổ… khiến cô ấy rất bức xúc nên đã không chịu “làm việc”. Thấy việc hành xử thô bạo với phụ nữ như thế, chúng tôi xúm vào can ngăn thì cũng bị đẩy ra rất mạnh, Gió Lang Thang bị đánh vài cú. Một tay an ninh đã vươn tay tính bóp cổ tôi thì bị tôi gạt tay ra. Tôi thấy không có lý do gì để mời chúng tôi làm việc lúc giữa trưa, trong khi chúng tôi đang khát rã họng và bụng đói meo. Tôi mới nói: “Nếu các anh muốn mời đàng hoàng, công khai thì cứ việc gởi giấy mời về nhà, chứ đừng cưỡng ép phải làm việc như thế!”.
Sau đó, họ chuyển chúng tôi qua bên UBND P.Hiệp Bình Phước cách đó chỉ vài trăm mét. Một viên CA phường được chỉ đạo lấy tên tuổi, lý lịch cá nhân của từng người. Riêng An Đổ Nguyễn, vì họ không trả lại điện thoại, không cho xem tin nhắn nên An Đổ Nguyễn không khai báo tên tuổi, không hợp tác cho đến khi nào xin lỗi và trả lại điện thoại cho cô ấy. Một tay an ninh tự xưng là an ninh quận Thủ Đức hỏi tôi nhận xét thế nào về thái độ của An Đổ Nguyễn, tôi trả lời: “Cũng tại mấy anh thôi! Bắt người ta vào đây làm việc không có lý do chính đáng, hành xử thô bạo, sai trái nên người ta phải bức xúc thôi. Mẹ cô ta đang bệnh nặng ở nhà, mới vừa được xuất viện, giờ không rõ tin tức con gái mình ra sao… Cô ấy phản ứng là phải rồi! Làm việc phải đúng luật, phải có tình có lý chứ mấy anh đối xử với người dân, nhất là phụ nữ kiểu đó là thua rồi…”
Tình hình căng thẳng quá khiến mấy tay an ninh càng thô lỗ, An Đổ Nguyễn vừa khóc vừa la, định nhảy lầu để phản ứng lại. Cả bọn an ninh phải xúm lại giữ chặt, sau đó lại cưỡng chế lên xe chuyên dụng để chở cô ấy về phường chỗ cô ấy sinh sống. Còn lại 5 người chúng tôi vì nghĩ rằng chắc họ cũng bị chỉ đạo phải làm như vậy nên không muốn làm to chuyện, hợp tác đối thoại với họ. Họ tách chúng tôi ra, mỗi tay an ninh làm việc với một người (có dân phòng ngồi canh gác hẳn hoi và đi kèm mỗi khi chúng tôi muốn đi WC). Họ ghi biên bản hăng say, hỏi về việc đi biểu tình có ai rủ đi không, quan niệm như thế nào về biểu tình, mối quan hệ với một số người bạn thế nào… nói chung là rất vớ vẩn và tốn thời gian!
Họ khuyên nhủ chúng tôi rằng không phải ai đi biểu tình cũng vì yêu nước đâu, chúng tôi đừng để bị lợi dụng, hãy yêu nước bằng cách khác hợp lý hơn… Tôi có cảm tưởng như đang nghe một cái đài phát… Tôi công nhận các anh có quyền bày tỏ theo cách riêng của các anh, miễn là điều đó hợp pháp và ngược lại các anh cũng phải tôn trọng quyền bày tỏ của chúng tôi. Xin đừng bắt chúng tôi phải theo ý các anh!
Chúng tôi không phải là tội phạm. Nếu như yêu nước là phạm tội thì chúng tôi sẽ thôi không yêu nước nữa, để mặc cho chính quyền lo thôi! Quyền biểu tình đã được Hiến Pháp thừa nhận, mỗi người công dân đều được có quyền đó. Còn việc các anh nói là phải chờ Luật Biểu tình ban hành đã, phải biểu tình đúng cách, được phép… thì xin thưa rằng các anh có đợi được người ta ra Luật thở, Luật ăn, Luật uống thì các anh mới thở-ăn-uống không? Đó là những nhu cầu tự nhiên, bình thường của con người. Nếu như việc trễ nải ra Luật Biểu Tình thì đó là sai sót, trách nhiệm của phía chính quyền. Chứ không phải đó là cớ để các anh hành dân!
Về cá nhân, vì lý do gia đình, tôi có thể chịu nhượng bộ các anh (dù không viết cam kết) chờ khi nào có Luật Biểu Tình mới tiếp tục đi biểu tình (để đúng theo hình thức). Nhưng các anh làm sao ngăn hết tất cả những người khác không được xuống đường bày tỏ lòng yêu nước, phản đối quân giặc ngoại xâm lăm le nuốt trọn biển đảo quê hương mình? tàn phá đất nước mình? bắn giết ngư dân mình? Yêu nước không phải là độc quyền đặc quyền của chính quyền. Người dân chúng tôi cần có sự tự do để thực hiện cái quyền lợi và nghĩa vụ đó! Một chính quyền ngăn cản, trù dập lòng yêu nước thì không xứng đáng với niềm tin của nhân dân và sẽ khó có thể tồn tại lâu dài…
Làm việc đến 16h30’ xong tôi mới được ăn trưa, 17h30’ được cho về. Về đến nhà thì được biết anh Huỳnh Công Thuận cũng bị giữ đến 17h, An Đổ Nguyễn được thả lúc 19h30’, Huỳnh Thục Vy & Trầm Tử được thả lúc 23h, Yêu Nước Việt bị giữ qua đêm. Sáng 02.07, bạn bè và gia đình phải tạo áp lực mạnh CA P. Tân Hưng (Q.7) mới thả về. Ngay sau đó họ gây khó dễ và bắt 3 người bạn của anh là Paulo Thành Nguyễn, Trịnh Kim Tiến và Annie Thanh. Chí Đức bị một số “người lạ” đập mũ bảo hiểm vào mặt và kè cho đến khi anh lên tàu về lại Hà Nội. Một số trường hợp bắt giữ người trái pháp luật và hành hung khác tôi biết chắc là sẽ có nhưng chưa được biết đến.  Nếu ai biết trường hợp nào, xin hãy công khai cho mọi người được biết!
Yêu nước sao mà khổ quá đi!!! (nhưng mà trong cái khổ có cái sướng).
Hành Nhân 7/2012
*P.S: Nhân vật đeo cà vạt trong hình là anh Phan Minh Hùng – số nhà 61 Trần Hưng Đạo (Q.5), số dđ: 0933 067 986, email: minhhungphanpro@yahoo.com.vn. Anh Hùng từng chụp hình với chị Bùi Hằng tại nhà thờ Đức Bà vào ngày 27/11/2011, hôm CN 01.07 vừa rồi anh Hùng cũng có đi biểu tình và bị bắt nguội, đánh đập rất nhiều đến nỗi đi lại khó khăn, mới vừa được thả ra hôm nay…

0 comments:

Powered By Blogger