Friday, May 13, 2011

Việt Nam & Tự do xuất bản

Bùi Chát (Tiền Vệ) - Chắc chắn không thể trông mong gì vào sự ban ơn từ phía chính quyền, không thể chạy chọt lo lót để các tác phẩm vẫn được ra đời một cách nguyên vẹn rồi sau đó lại bị thu hồi, không thể ngồi đó hy vọng vào ngày mai tươi sáng một cách may rủi cho bản thân mình và cho người khác. Bởi bản thân sự tự do và dân chủ không thể có được nếu chỉ đến từ ý nghĩ, từ sự đòi hỏi trong im lặng, nó cần thiết phải có một môi trường để phơi bày, thể hiện. Trong xuất bản, đó là sự ra đời của các nhà xuất bản độc lập...

(Bài tham luận của nhà thơ Bùi Chát - sáng lập viên nhà xuất bản Giấy Vụn, đọc tại Đại Hội Xuất Bản Quốc Tế tại Seoul 05/2008)


Kính thưa quý vị!

Việt Nam, ngay từ những ngày đầu độc lập, Hiến pháp của nhà nước Dân chủ Cộng hoà quy định:

"Công dân Việt Nam có quyền:

- Tự do ngôn luận
- Tự do xuất bản
- Tự do tổ chức và hội họp
- Tự do tín ngưỡng
- Tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài.”

(Điều 10, Hiến pháp 1946)

Sau mấy lần thay đổi Hiến pháp, năm 1992 Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam một lần nữa lại thông qua bản Hiến pháp mới, trong đó quy định:

"Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật.”

(Điều 69, Hiến pháp 1992 – đã được sửa đổi, bổ sung 2001)

Hiến pháp 1992 không nêu cụ thể vấn đề tự do xuất bản, nhưng cứ tạm hiểu tự do xuất bản nằm trong các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền được thông tin... Vậy quy định của pháp luật Việt Nam về tự do xuất bản là thế nào?

Luật xuất bản Việt Nam 2004, điều 5, khoản 2, ghi rõ:
"Nhà nước không kiểm duyệt tác phẩm trước khi xuất bản.”

Có thực sự là nhà nước không kiểm duyệt tác phẩm trước khi xuất bản? Nếu đúng thế thì quả là một giấc mơ, mà có lẽ không người dân nào dám nghĩ rằng sẽ có cơ may chứng kiến nếu chế độ cộng sản toàn trị này còn đang tồn tại. Và để củng cố sự “không kiểm duyệt” này không vượt quá xa tầm kiểm soát của mình, nhà cầm quyền Việt Nam đã huy động gần như toàn bộ hệ thống quyền lực từ trung ương đến địa phương, gồm: Ban Tư tưởng Văn hoá của Đảng Cộng sản (nay là Ban Tuyên giáo), Bộ Văn hoá Thông tin (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) và Bộ Công an tham gia quản lý. Vấn nạn này được thể hiện phần nào trong Điều 7, Luật xuất bản 2004:

Cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản trong phạm vi cả nước.

2. Bộ Văn hoá – Thông tin chịu trách nhiệm giúp Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản.

Các Bộ, các cơ quan ngang Bộ phối hợp với Bộ Văn hoá – Thông tin thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản theo thẩm quyền.

3. Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh) thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản tại địa phương theo sự phân cấp của Chính phủ.”

Việc quản lý được thấy rõ hơn ở các nhà xuất bản, thông qua quy trình xuất bản một cuốn sách:

Thủ tục in ấn một cuốn sách của Nhà xuất bản T.

Đăng ký kế hoạch xuất bản:

1. Lập phiếu đăng ký theo mẫu có sẵn của từng nhà xuất bản. Phiếu đăng ký gồm các mục sau đây: Tên bản thảo, tên tác giả, tóm tắt nội dung, tủ sách gì (văn học, kinh tế, ngoại ngữ…) số trang, số lượng bản in, dự kiến in xong ngày tháng nào?

2. Tập họp các phiếu đăng ký lại và làm thành một danh sách gọi là KẾ HOẠCH XUẤT BẢN QUÝ…NĂM… sau đó gởi lên Cục Xuất Bản xin duyệt.

Các thủ tục nộp và duyệt bản thảo:

1. Gặp anh nhân viên văn phòng để gởi bản thảo và vô sổ.

2. Bản thảo sẽ được phân công cho biên tập viên chuyên trách.

3. Biên tập viên sẽ biên tập trong vòng từ 7 ngày đến 30 ngày tùy theo độ dày và nội dung bản thảo, sau đó BTV chuyển BGĐ duyệt.

4. Người làm sách đến nhận bản thảo đem về ra NHŨ, sau đó nộp lại cho BTV cả Nhũ + Bản thảo (đã duyệt) + Mẫu Design bìa sách.

5. BTV sẽ hướng dẫn vài thủ tục kế tiếp để xin cấp GIẤY PHÉP. (Tùy theo quy định của từng nhà xuất bản)

Các thủ tục in ấn:

1. Đem bản thảo và giấy phép đến nhà in để nhờ nhà in làm một HỢP ĐỒNG IN. Hợp đồng này do nhà in ký với nhà xuất bản. Phía nhà in ký trước, phía NXB ký sau.

2. Khi hai bên đã ký xong HĐ, bản thảo sẽ được in thành sách.

3. Sách in xong, người làm sách phải nộp lưu chiểu cho NXB từ 10 đến 20 cuốn tùy theo số lượng in.

4. Bảy ngày sau khi nộp lưu chiểu, sách mới được phát hành.

(Tài liệu phổ biến trong nội bộ của một nhà xuất bản ở Sài Gòn)

Về mặt khách quan mà nói, với sự quản lý chặt chẽ và đồng bộ như thế, không cách nào một tác phẩm được xem là “có vấn đề” có thể lọt qua được bộ máy kiểm duyệt đồ sộ từ khâu biên tập đến khâu phát hành với các trợ thủ đắc lực gồm các biên tập viên, cộng tác viên, các kiểm soát viên... được đào tạo kỹ lưỡng từ phía chính quyền, mà phần lớn những người mang yếu tố quyết định sự ra đời của tác phẩm này đều là “đảng viên trung thành”.

Dĩ nhiên cũng có vài trường hợp do yêu mến tác phẩm, muốn nhiều người cùng biết đến, và cũng vì sắp đến tuổi hưu cần làm điều gì có ý nghĩa, một số quan chức hoặc biên tập viên có thế lực trong nhà xuất bản vẫn tìm cách để tác phẩm ra đời. Và điều tất yếu cuối cùng cũng đến: tất cả tác phẩm này đều bị thu hồi.

Thực trạng xuất bản ở Việt nam

Ở Việt Nam hiện nay báo chí và xuất bản là những lĩnh vực “nhạy cảm” cần phải canh giữ, vì thế tư nhân chớ có mon men đến gần. Vấn đề này đã được chính phủ hứa hẹn, nghĩa là trong vòng ít nhất 10 năm nữa; báo chí và xuất bản vẫn thuộc lĩnh vực độc quyền của nhà nước. Vì theo quan điểm của họ, được tìm thấy trong các giáo trình biên tập xuất bản sách thì: “Sách trở thành công cụ truyền bá hệ tư tưởng thống trị, xuất bản trở thành một thiết chế thực hiện có hiệu quả công tác tư tưởng của giai cấp thống trị. Hoạt động xuất bản gắn bó hữu cơ với chính trị, là công cụ thực hiện sự thống trị trên lĩnh vực chính trị tư tưởng.” [1]

Để biện minh cho sự độc quyền trong lĩnh vực xuất bản, một quan chức chính phủ, ông Nguyễn Đức Chính, Giám Đốc Sở Tư Pháp thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: “Với mặt bằng dân trí của cả nước hiện nay, chưa đủ độ chín để tự đánh giá chất lượng tác phẩm. Do vậy, không nên để tổ chức, cá nhân tham gia vào khâu xuất bản... Nhà nước chưa thể buông được việc xuất bản, tổ chức bản thảo trong thời điểm hiện nay.” [2]

Với chính sách cứng nhắc và bảo thủ như thế, dĩ nhiên phản ứng từ phía các doanh nghiệp và dân chúng là có, nhưng cũng hết sức dè dặt. Mặt khác, các phong trào dân chủ nhân quyền đang phát triển mạnh và ngày càng tác động đến quần chúng. Để đối phó với tình trạng này, chính quyền tỏ ra khôn khéo và cách che đậy của họ cũng hoàn thiện hơn. Ở lĩnh vực báo chí - xuất bản, tất cả những vấn đề cấm đoán đều là những chỉ thị ngầm, các biên tập viên cũng tự biết phải cắt bỏ chỗ nào là an toàn nhất (không cần thông báo cho tác giả và độc giả biết)[3]... lệnh thu hồi cũng chỉ được truyền qua miệng. Hoàn toàn không có một chút văn bản giấy tờ gì để lại dấu vết, và tất nhiên nếu phản ứng của dư luận quá lớn thì cũng không ai đứng ra chịu trách nhiệm hoặc giải thích gì cả. Vụ Trần Dần – Thơ xảy ra vào tháng 2/2008 vừa qua là một ví dụ cụ thể. Là nhà thơ chủ chốt của Nhân Văn – Giai Phẩm, mặc dù Trần Dần đã được giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam và giải thưởng nhà nước, thơ ông vẫn ít được phổ biến. Trần Dần – Thơ là tuyển tập chọn lọc từ di cảo và từ những tác phẩm đã công bố, cuốn sách in xong 2/2008, đã được phép phát hành, và đã được đưa ra thị trường. Nhưng trong Ngày thơ Việt Nam lần thứ VI (21/2/2008) tổ chức tại Văn Miếu, Hà Nội, tập Trần Dần – Thơ đã không được phép đưa vào bán bình thường như các cuốn sách khác, theo một lệnh miệng từ Cục Xuất bản. Tiếp đó, ngày 26/2/2008, sau cuộc làm việc của đoàn thanh tra liên ngành do Bộ Thông tin - Truyền thông cầm đầu với Công ty Nhã Nam, tập Trần Dần – Thơ đã bị ngưng phát hành vì lý do “vi phạm hành chính về xuất bản.”[4]

Nhà thơ Hoàng Hưng – một người đã từng bị bỏ tù vài năm vì có ý định chuyển tập thơ của một nhà thơ đàn anh ra nước ngoài – đã phát biểu rằng thực trạng này là: “Bất minh, vì quyền xét duyệt công bố và quyền thu hồi sách nằm trong tay một số người không bao giờ công khai danh tính, không bao giờ có ý định thuyết phục công luận về lý do chính đáng của những quyết định của họ, và không chịu trách nhiệm pháp lý đối với những quyết định ấy. Đó là chưa nói chúng ta hoàn toàn có quyền đặt dấu hỏi về trình độ chuyên môn của những người nắm trong tay quyền sinh sát đối với tác phẩm văn học vốn là thực thể rất phức tạp, rất khó phán xét theo tư duy "hoặc A hoặc B".” [5]

Sau cùng, các nhà xuất bản thực chất chỉ còn là nơi để công khai bán giấy phép và để trưng bày một bộ máy kiểm duyệt đang thoi thóp từng ngày. Hậu quả là cho ra đời vô số những cuốn sách vô thưởng vô phạt hoặc tuyên truyền vụng về có nguy cơ tổn hại đến não trạng của nhiều thế hệ.

Những khó khăn của các nhà xuất bản tự do


Bùi Chát tại Hội nghị IPA 2008 - Danlambao

Chắc chắn không thể trông mong gì vào sự ban ơn từ phía chính quyền, không thể chạy chọt lo lót để các tác phẩm vẫn được ra đời một cách nguyên vẹn rồi sau đó lại bị thu hồi, không thể ngồi đó hy vọng vào ngày mai tươi sáng một cách may rủi cho bản thân mình và cho người khác. Bởi bản thân sự tự do và dân chủ không thể có được nếu chỉ đến từ ý nghĩ, từ sự đòi hỏi trong im lặng, nó cần thiết phải có một môi trường để phơi bày, thể hiện. Trong xuất bản, đó là sự ra đời của các nhà xuất bản độc lập.

Ban đầu những nhà văn nhà thơ tự samizdat những tác phẩm của mình với ý nghĩ đây là những tác phẩm cá nhân không ai có quyền can thiệp hoặc cắt bỏ, nó phải được tồn tại như nó vốn thế. Theo họ, thơ văn hoàn toàn là vấn đề mang tính chất riêng tư bất khả xâm phạm và việc cho ra đời tác phẩm là chuyện hiển nhiên, không ai lại đi xin phép người khác cho mình được quyền tự do. Tuy có những suy nghĩ táo bạo, nhưng việc in ấn thường núp dưới danh nghĩa “bản thảo nhờ bạn bè góp ý” hoặc “lưu hành nội bộ”...

Những năm gần đây, do sự mở cửa về kinh tế cũng như sự phát triển nhanh về công nghệ in ấn và photocopy, đặc biệt là các loại máy in cá nhân, việc tự xuất bản và phổ biến tác phẩm trở nên dễ dàng. Các nhà xuất bản phi chính thống (chủ yếu ở Sài Gòn) cũng xuất hiện rầm rộ và chuyên nghiệp hơn, nếu cách đây 7 năm chỉ duy nhất Giấy Vụn là nhà xuất bản dám đứng ra công khai, thì bây giờ con số đã lên cả chục. Tất nhiên ấn phẩm ngày càng có chất lượng và ngày càng đẹp hơn.

Điều tất yếu phải hiểu khi làm việc ở một môi trường như Việt Nam hiện nay là phải chuẩn bị tâm lý và đề cao cảnh giác vì “không biết chuyện gì sẽ xảy ra vào ngày mai”, bạn có thể bị chú ý bởi các quan chức văn hoá văn nghệ hoặc đang bị theo dõi mà không hay biết. Bạn có thể bị hù doạ hoặc quẫy nhiễu liên tục từ phía công an và có thể bị bắt bất cứ lúc nào mà không cần phải có lý do. Trường hợp tôi đã từng bị bắt và nhốt hơn một ngày cùng với một người bạn (nhà thơ Lý Đợi) chỉ vì dám tổ chức đêm trình diễn thơ (1.1.2004) mà không có sự đồng ý của chính quyền. Những tập thơ của nhà xuất bản Giấy Vụn cũng bị tịch thu và tiêu huỷ sau đó.

Nhưng với những người làm công việc xuất bản độc lập ở Việt Nam như chúng tôi, vấn đề đáng lo ngại nhất không phải đến từ phía chính quyền mà chính là việc làm sao để phát triển thêm nguồn nhân lực cho các nhà xuất bản và mở rộng hệ thống phát hành trên quy mô lớn. Vấn đề thực sự khó khăn chưa có hướng giải quyết đối với chúng tôi là vấn đề tài chính, cho đến nay chúng tôi vẫn chưa có nhà bảo trợ, chưa có quỹ hỗ trợ tài chính, chưa có nguồn kinh phí cố định cho các dự án xuất bản. Hầu hết các cuốn sách đã được xuất bản đều do tiền túi hoặc do đóng góp của những ngươì thân mà thành, vì thế dù đã hoạt động được 7 năm nhưng đến giờ nhà xuất bản Giấy Vụn cũng chỉ cho ra đời được xấp xỉ 20 tác phẩm, số còn lại thì vẫn nằm trong “kế hoạch”.

Từ việc này có thể nhìn rộng ra. Có lẽ những dự án về tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do xuất bản ở Việt Nam cũng đang nằm trong tình huống tương tự: vẫn chỉ là trong kế hoạch.

Bùi Chát - Giấy Vụn

____________

http://tienve.org/home/literature/viewLiterature.do?action=viewArtwork&artworkId=12727

____________

Ghi chú:

[1]Nguyên lí hoạt động biên tập xuất bản sách, Nhà xuất bản Giáo dục, 1998.

[2]Thảo luận của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội về dự thảo Luật Xuất Bản, 22/04/2004.

[3]Cũng là chính sách kiểm duyệt, nhưng cách làm việc của chế độ Việt Nam Cộng Hoà trước năm 1975 có phần văn minh và rõ ràng hơn. Mọi cuốn sách bị kiểm duyệt đều ghi chú cụ thể bị cắt bỏ từ trang mấy đến trang mấy và bị cắt bao nhiêu dòng, bao nhiêu chữ.

[4]Thư ngỏ về tập Trần Dần – Thơ.

[5]Hoàng Hưng, Tự do sáng tạo và sự điều chỉnh của xã hội, Talawas 7.10.2006.

0 comments:

Powered By Blogger