Wednesday, May 11, 2011

Pakistan: Trung Quốc muốn xem trực thăng tàng hình Mỹ

Giới chức Phakistan hôm nay cho hay họ muốn nghiên cứu những phần còn lại của chiếc trực thăng tàng hình đã bị lực lượng đặc nhiệm SEAL của Mỹ bỏ lại tại khu nhà Bin Laden ẩn náu và ám chỉ người Trung Quốc cũng muốn xem xét chúng.

211.jpg

Nhiều phần của chiếc trực thăng vẫn còn sau khi bị lực lượng Mỹ phá hủy.

Mỹ đã yêu cầu người Pakistan trả phần còn lại của chiếc trực thăng, bị gặp trục trặc trong cuộc đột kích tiêu diệt Osama bin Laden hôm 2/5 vừa qua và sau đó đã được lực lượng SEAL cho nổ phá hủy. Tuy nhiên, một quan chức Pakistan cho hay, người Trung Quốc cũng “rất hứng thú” xem xét những phần còn lại đó.

Ngoài ra, một quan chức khác tiết lộ: “Chúng tôi có thể để cho họ (người Trung Quốc) xem”.

Một quan chức Mỹ cho biết ông không biết liệu người Pakistan có đề nghị cho người Trung Quốc xem hay không, nhưng ông sẽ “ngạc nhiên” nếu người Trung Quốc chưa được tiếp cận với chiếc máy bay.

Chiếc trực thăng được các chuyên gia hàng không tin rằng nằm trong chương trình nâng cấp trực thăng Blackhawk tuyệt mật của Mỹ. Theo Nhà Trắng, chiếc trực thăng đã bị mắc trên một bức tường khi diễn ra cuộc đột kích tiêu diệt trùm khủng al-Qaeda.

Đặc nhiệm hải quân SEAL đã cố gắng phá hủy chiếc trực thăng trước khi bỏ lại nó trong khuôn viên nhà của Osama bin Laden. Song phần đuôi quan trọng của nó vẫn còn nguyên vẹn sau vụ nổ. Nhiều ngày sau vụ đột kích, phần đuôi và các mảnh vụn khác, trong đó có tấm phủ bí ẩn giống như vải các em nhỏ địa phương tìm thấy, được chụp ảnh đang được một chiếc máy kéo đưa đi khỏi hiện trường.

Các chuyên gia hàng không cho rằng định dạng khác thường của rotor hậu (cánh quạt hậu), nắp đậy bên trên nó và hình dạng giống một chú chim là bằng chứng cho thấy chiếc thực thăng Blackhawk đã được thay đổi rất nhiều, không những nhằm cho nó chạy êm hơn mà còn tránh được radar.

Các mảnh vỡ của chiếc trực thăng có vẻ như là một trở ngại nữa trong căng thẳng ngoại giao giữa Mỹ và Pakistan, sau vụ đột kích bí mật tiêu diệt Bin Laden chính tại thành phố nhà binh Abbottabad của Pakistan hơn một tuần trước. Theo cựu cố vấn khủng bố Nhà Trắng Richard Clarke, những tiến bộ về công nghệ của chiếc trực thăng trên có thể là “món quà quý giá” cho người Trung Quốc.

Hiện giới chức Mỹ tại Bộ Ngoại giao từ chối bình luận về thông tin trên và một quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc tuần trước cũng khẳng định cơ quan này sẽ không bàn về bất kỳ điều gì liên quan đến chiếc trực thăng bị rơi. Các quan chức chính phủ Trung Quốc cũng không bình luận gì về vấn đề này.

Chiếc trực thăng 60 triệu USD?

Giới chức Mỹ không chính thức tiết lộ bất kỳ chi tiết gì liên quan đến chiếc trực thăng, song Tổng thống Mỹ Obama cho biết đây là “chiếc trực thăng 60 triệu USD” – theo trích dẫn của tờ The Washington Post. Mặc dù giá của chiếc trực thăng Blackhawks thông thường có thể khác nhau, phụ thuộc vào từng loại cụ thể, nhưng không có chiếc nào vượt qua cái giá 20 triệu USD.

Nếu Trung Quốc được tiếp cận với các mảnh vỡ của chiếc trực thăng, thì đây có thể không phải là lần đầu quân đội Trung Quốc được “trao cơ hội” tìm hiểu về công nghệ từ những lần rủi ro của Mỹ. Năm 1999, chiếc máy bay ném bom tàng hình F-117 Nighthawk của Mỹ đã bị bắn hạ ở Serbia và được biết mảnh vỡ của chúng đã được chuyển cho Trung Quốc.

Hơn một thập niên sau, vào tháng 1 năm nay, chiếc chiến đấu cơ tàng hình đầu tiên của Trung Quốc, J-20, đã có chuyến bay thử nghiệm đầu tiên, thu hút sự quan tâm lớn của cộng đồng quốc tế, cũng như làm dấy lên một cuộc tranh luận về việc liệu Trung Quốc có phát triển khả năng tàng hình dựa trên những gì họ học được từ chiếc Nighthawk bị bắn hạ hay không. Tuy nhiên, trên tờ Thời báo Hoàn cầu, giới chức Trung Quốc đã phủ nhận nghi ngờ này.

Dù nguồn gốc xuất phát có từ đâu, J-20 có thể là đối thủ lớn đầu tiên đối với thế thống trị trên không của Mỹ trong suốt nhiều thập niên qua. Trong một phân tích được đăng tải tuần trước, Quỹ Jamestown, một tổ chức phân tích bảo thủ, kết luận J-20 có khả năng thách thức chiến đấu cơ tàng hình tốt nhất của Mỹ, F-22, về mọi phương diện, từ tốc độ, khả năng tàng hình tới khả năng gây nguy hiểm.

0 comments:

Powered By Blogger