Tuesday, May 10, 2011

Người H’Mông ở Việt Nam - Họ là ai?

Việt Hà (RFA) - Những ngày này, thông tin về vụ biểu tình của người H’Mông ở tỉnh Điện Biên đang là tâm điểm chú ý của báo chí khắp nơi. Có lẽ hiếm có lúc nào người ta chú ý nhiều đến người H’Mông như lúc này. Họ là ai? Văn hóa và niềm tin tôn giáo của họ ra sao? Việt Hà có bài tìm hiểu và tường trình.

Lịch sử 4.000 năm

Những người Việt Nam và nước ngoài đi du lịch vùng Tây Bắc hẳn không thể nào quên hình ảnh của những phiên chợ của người H’Mông với những sắc màu rực rỡ trong trang phục của những cô gái người H’Mông, hay chảo thắng cố lớn bốc khói nghi ngút. Nhưng nếu ai đó muốn thực sự tìm hiểu về lịch sử, cuộc sống của người H’Mông thì sẽ thấy có rất nhiều chuyện để nói, hơn rất nhiều những cái gì mà họ mới chỉ thấy ở bề mặt tại các phiên chợ nổi tiếng của người H’Mông.


Người H'Mông mua bán tại một Phiên chợ ở miền Bắc Việt Nam - AFP

Người H’Mông ở Việt Nam là một phần của tộc người H’Mông tại châu Á có lịch sử khoảng 4.000 năm. Họ sống chủ yếu ở các vùng núi cao phía Nam Trung Quốc và phía Bắc các nước Đông Nam Á như Lào, Việt Nam, Thái Lan và Miến Điện.

Một số các tài liệu nghiên cứu cho thấy người H’Mông đã di cư vào Việt Nam sớm nhất là khoảng 300 năm và muộn nhất là khoảng 100 năm về trước. Ở Việt Nam, người H’Mông là một trong số những nhóm dân tộc thiểu số có dân số đứng thứ 8 trong danh sách 54 dân tộc tại Việt Nam. Theo cuộc điều tra vào năm 2009, người H’Mông tại Việt Nam hiện có khoảng 1 triệu người, sống chủ yếu tại các tỉnh phía Bắc như Hà Giang, Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, một số đã di dân vào các vùng miền Trung Việt Nam như Đắc Lắc, Đắc Nông.

Đối với rất nhiều người đi du lịch lên vùng núi phía Bắc Việt Nam, và đã từng gặp người H’Mông, những gì mà họ thấy chủ yếu là cuộc sống bình dị, và yên bình của người H’Mông tại đây. Không có nhiều người bỏ nhiều thời gian, sức lực để sống với người H’Mông và tìm hiểu về cuộc sống của họ. Gần đây, khi vụ tập trung đông ngươì H’Mông tại huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên nổ vào khoảng cuối tháng 4, đầu tháng 5, người ta mới bắt đầu đào bới tìm hiểu xem, cuộc sống thực tế của họ ra sao.

Khi đào bới và tìm kiếm, người ta đọc lại các bài viết của một cây viết đã nhiều năm lăn lộn trên núi rừng Tây Bắc là nhà báo Đỗ Doãn Hoàng của báo Lao Động. Nhưng điều mà nhà báo này viết về cuộc sống của người H’Mông ở huyện Mường Nhé vào khoảng năm 2004, vào 2009 lại cho người ta thấy những điểm nóng, đáng buồn về nạn phá rừng tràn lan. Xin trích một đoạn trong bài viết của nhà báo Đỗ Doãn Hoàng vào năm 2009 trên báo Lao Động như sau:

000_SAHK990506536950-250.jpg

Các Em nhỏ người dân tộc H'Mông ở Điện Biên. AFP PHOTO.

“Trước thảm trạng hơn 20 năm qua, 310.000 ha rừng đặc dụng Mường Nhé chưa bao giờ được cắm mốc xác định ranh giới, thậm chí đến khi rừng bị phá, cơ quan chức năng ngơ ngác hỏi nhau: Ai sẽ chịu trách nhiệm nhỉ?... Rừng bị tàn sát đến choáng váng kia không còn làm ai ngạc nhiên nữa. Đến nay, diện tích chính thức được bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé chỉ còn có 45.000 ha. Cả trăm nghìn hecta rừng đã bị phá, nói đúng hơn vì khu bảo tồn hơn ba trăm nghìn hecta kia bị rỗng ruột từ rất lâu, nay đang tiếp tục bị xẻ thịt trên diện rộng.”

Vậy ai là người phá rừng và xẻ đất, theo nhà báo Đỗ Doãn Hoàng thì đó là những người di dân tự do. Họ là những người H’Mông đi tìm nơi đất lành chim đậu. Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng viết:

“Cả các xã mênh mông từ Mường Nhé, Sìn Thầu, Chung Chải, xưa vốn chỉ có duy nhất bản Nậm Là là nơi sinh sống của đồng bào H’Mông thì nay, dân số Mường Nhé đã đến mức nửa già là người H’Mông. Hầu hết họ đến bằng con đường di dân tự do.”

Theo nhà báo Đỗ Doãn Hoàng thì vào năm 2009, Mường Nhé đã có tới 149 bản làng với 54.000 dân. Trước đó vào năm 2002 chỉ có 27.000 người.

Chủ tịch Mường Nhé nói với nhà báo Đỗ Doãn Hoàng là chính quyền đã huy động tổng lực ngăn chặn và vận động bà con sớm hồi hường nhưng người dân chống đối, kiên quyết không rời khỏi rừng. Thậm chí họ còn lăng nhục, xỉ vả cán bộ, có người còn bị chém hụt.

Cũng theo giới chức địa phương thì Mường Nhé hiện là một trong các huyện nghèo nhất Việt Nam với thu nhập bình quân đầu người mỗi năm chỉ khoảng 220 cân thóc.

Chịu sự đàn áp tôn giáo

Thế nhưng cuộc sống tinh thần của người H’Mông tại đây có lẽ là điểm thu hút được sự chú ý của quốc tế hơn cả. Không phải chỉ bởi những phong tục tập quán của họ mà còn bởi tôn giáo, niềm tin của họ.

Các số liệu thống kê của các tổ chức phi chính phủ quốc tế gần đây cho thấy hiện có khoảng 300.000 người H’Mông sống ở vùng núi phía Bắc theo đạo Tin Lành.

Những người H’Mông theo đạo tin lành ở phía Bắc cũng chịu sự đàn áp về tôn giáo từ chính quyền. Các tổ chức về tôn giáo và phi chính phủ như Trung tâm tự do tôn giáo có trụ sở tại Mỹ đã từng lên tiếng phản đối chính phủ Việt Nam trong việc đàn áp người H’Mông theo đạo tin lành, bắt họ phải từ bỏ niềm tin của mình. Tổ chức Helping Suffering Churches, một tổ chức phi chính phủ cho biết vào năm 2002, có rất nhiều người H’Mông theo đạo Thiên chúa tại các tỉnh lai Châu, và Lào Cai đã bị đánh đập, bắt bớ và bắt phải bỏ đạo của mình.

hmong-2-rfa-250.jpg

Người dân tộc H'Mông ở miền Bắc mua bán trong ngày họp chợ. RFA PHOTO.

Năm 2003, một báo cáo của Human Right Watch cho biết một trường hợp người H’Mông ở tỉnh Lai Châu bị công and đánh đến chết vì không bỏ đạo của mình. Năm 2003, tổ chức phi chính phủ của Mỹ có tên International Christian Concern cho biết có những mục sư người H’Mông bị bắt cóc tại nhà vào ban đêm, bị bỏ tù hoặc đưa đi cải tạo mà không được liên lạc với gia đình.

Một mục sư theo đạo tin lành, giấu tên, sống ở vùng Tây Bắc cho đài Á châu tự do biết về tình trạng đàn áp của chính phủ với việc thờ nguyện và giảng đạo trong cộng đồng người H’Mông theo đạo tin lành tại đây như sau:

Mục sư giấu tên: “Thực sự con cái Chúa ở Việt Nam này người ta chỉ tin chúa thôi, nhưng người dân người ta hoang mang vì suốt bao năm người ta đã tin Chúa mà vẫn bị tình nghi bảo không phải tin Chúa mà theo kẻ phản động…. Chúng tôi được tổng hội chứng nhận là người giảng đạo vẫn không đi được, đi đến đâu cũng bị ngăn chặn lại. Tôi chỉ được phục vụ quanh địa bàn đăng ký thường trú ở thôi.”

Vị mục sư này nói người H’Mông ở đây chỉ muốn được ổn định, tự do theo đạo của mình, không còn bị bắt bớ nữa. Nhưng với những gì đang diễn ra tại Điện Biên trong những ngày nay, khi mà thông tin về vụ tập trung đông người H’Mông ở huyện Mường Nhé vẫn bị bưng bít, người ta không thể không hỏi liệu những mong ước xem chừng giản đơn vậy của người H’Mông đã được chính quyền thực sự lắng nghe?

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/hmong-in-vn-who-r-they-vh-05102011174907.html

0 comments:

Powered By Blogger