Adam Goldman & Matt Apuzzo - Associated Press - Thanh Khiêm dịch

Năm ngoái, khi một trong những trợ lý tín cẩn của Osama bin Laden nhắc một cú phôn, hắn ta đã vô tình rước tình báo Mỹ đến cửa ông xếp của mình, một trùm khủng bố đang bị truy nã hàng đầu trên thế giới.

Cú phôn đó, theo lời kể của một viên chức tình báo Mỹ, đã chấm dứt những năm dài truy lùng kẻ liên lạc của bin Laden, chiếc chìa khóa trong cuộc săn lùng khắp thế giới! Kẻ liên lạc, một cách vô tình, đã mách mối cho tình báo Mỹ đến căn biệt thự kín cổng cao tường tọa lạc ở vùng đông bắc Pakistan. Nơi đó, một toán biệt kích của Hải quân Mỹ, Navy SEALs, đã bắn chết Bin Laden.

Những giây phút cuối cùng đầy bạo lực đó cũng chính là kết quả của những năm dài miệt mài trong công tác tình báo. Trong nhóm điệp viên CIA phụ trách săn đuổi bin Laden, tất cả đều đồng ý rằng nhược điểm của tay trùm khủng bố chính là các liên lạc viên của y. Đối với các chiến binh chân đất al-Qaida, và ngay cả với các viên chỉ huy cao cấp, Bin Laden thừa thông minh để che đậy nơi ẩn náu của mình. Tuy vậy, để gởi các thông điệp ra ngoài, y cần người trung gian, kẻ đó phải là người cực kỳ tâm phúc!

Theo lời kể của bốn cựu nhân viên tình báo Mỹ, nhiều năm trước tại một nhà tù bí mật của CIA ở Đông Âu, tay đầu lãnh đứng hàng thứ ba của al-Qaida, Khlid Sheikh Mohammed, đã khai ra bí danh của nhiều liên lạc viên của bin Laden. Những cái tên đó nằm trong hàng ngàn đầu mối khác mà CIA theo dõi.

Nhưng có một người mà CIA đặc biệt chú ý đến. Khi khai cung, một tù nhân khác là Abu Faraj al-Libi, đã cho biết rằng khi hắn ta được thằng chức thay thế cho Mohammed để nắm ban hành động của al-Qaida, hắn ta đã nhận chỉ thị từ một liên lạc viên. Chỉ có bin Laden mới có quyền thăng chức cho al-Libi, CIA tin chắc như thế.

Vì thế, nếu tìm ra kẻ liên lạc thì cơ may tìm ra bin Laden sẽ rất cao.

Hạ sát được bin Laden là nhờ vào các đầu mối mà cánh tình báo thâu lượm được từ cái gọi là "các vùng đen" của CIA. Kết quả này được xem như bằng chứng biện hộ cho các nhân viện tình báo, những người thường xuyên bị điều tra và phê phán về các biện pháp khảo cung khắc nghiệt nhất trong lịch sử nước Mỹ.

"Chúng tôi bị lên án, nhưng nhờ những chuyện đó mà chúng ta có ngày trọng đại này," đó là lời của Marty Martin, một nhân viên CIA đã về hưu, người đã từng chỉ huy việc truy nã bin Laden trong nhiều năm.

Theo lời các cựu điều tra viên, Mohammed đã không khai đồng bọn khi bị khảo cung theo kiểu trấn nước, nhưng sau nhiều tháng thẩm vấn một cách bình thường, hắn ta đã đồng ý tiết lộ chúng. Việc này đã lần nữa khơi dậy sự tranh cãi về việc khảo cung bằng nhục hình. Phải chăng đó là biện pháp hữu hiệu hay chỉ là kỹ thuật bạo lực không cần thiết?

Phải mất nhiều năm miệt mài, các cơ quan tình báo mới biết được tên của tên liên lạc đó, dù họ không tiết lộ tên của hắn ta. Tuy vậy, khi biết được hắn, hắn đã lặn mất tiêu! Các nguồn cộng tác của CIA không ai biết hắn trốn ở đâu. Bin Laden vốn có tiếng là cẩn thận, tuyệt đối cấm dùng điện thoại hay computer gần nơi y ẩn náu, vì vậy các bộ phận nghe lén ở Cục An ninh Quốc gia đành chịu điếc luôn!

Thế rồi vào giữa năm ngoái, tên liên lạc đó đã điện đàm với một người đang bị theo dõi, theo lời của một nhân viên tình báo Mỹ. Cũng như nhiều người khác được phỏng vấn, nhân viên này chỉ bằng lòng trả lời với điều kiện dấu tên khi đề cập đến điệp vụ nhạy cảm này. Khi điện đàm, kẻ liên lạc được xác định tại một nơi xa nơi bin Laden đang ẩn náu, nhưng chỉ nhiêu đó đã đủ cho nhân viện tình báo xác định nơi chốn và theo dõi hắn ta.

Vào tháng Tám năm 2010, y đã vô tình dẫn các điều tra viên tới biệt thự ở thị trấn Abbottabad, nằm phía đông bắc Pakistan. Nơi đó al-Libi đã từng cư ngụ. Các bức tường bao quanh tòa nhà cao tới 18 feet, bên trên có rào giây kém gai. Nhân viên tình báo đã biết tòa nhà này từ nhiều năm về trước, tuy vậy họ cứ đinh ninh rằng bin Laden lúc nào cũng được bảo vệ bởi hàng cận vệ trang bị đến tận răng. Không hề có kẻ tuần phòng xung quanh tòa nhà ở Abbottabad này.

Trong thực tế, ngôi nhà này không có kẻ vào người ra. Và cũng không có cả đường giây điện thoại hay internet. Chẳng bao lâu sau CIA mới ngộ rằng bin Laden có thể đang lẩn trốn ở một nơi rất bình thường, đặc biệt là nơi chẳng gây chú ý. Mặt khác, bin Laden không bao giờ di chuyển và không một ai có thể lọt vào bên trong ngôi biêt thự đó mà thoát khỏi hai cổng an toàn. Vậy nên không có gì rõ ràng chắc chắn trong đó cả!

Mặc cho tình trạng mơ hồ ấy, các nhân viên tình báo nhận ra một điều rằng đây có thể là cơ hội tốt nhất để tóm cổ bin Laden. Họ quyết định không chia xẻ tin tức với bất kỳ ai, ngay cả với các cơ quan phản gián đồng minh thân cận như tình báo Anh, Canada và Úc.

Đến giữa tháng Hai năm nay, các nhân viên tình báo đoan chắc rằng "con mồi ngon" đang ẩn náu bên trong căn nhà ấy. Rồi tổng thống Obama muốn xúc tiến hành động.

Các nhân viên tình báo rất tự tin và niềm tin đó cứ tăng lên: "Ca này có khác đây. Đây là một điệp vụ hoàn toàn khác. Những gì chúng tôi thấy trong tòa nhà này khác hẳn với bất kỳ cái gì chúng tôi từng thấy trước đây. Tôi tin rằng chúng ta có cơ sở để ra tay," John Brennan, cố vấn phản gián hàng đầu của tổng thống nói hôm Thứ Hai.

Các phương án để chọn lại không nhiều. Tòa nhà tọa lạc trong khu dân cư của một quốc gia có chủ quyền. Nếu tổng thống Obama ra lịnh dội bom và nếu bin Laden không có trong đó, chắc chắn sẽ gây ra rắc rối ngoại giao lớn chớ chẳng chơi. Ngay cả nếu bin Laden có trong đó, nếu hủy diệt tan tành tòa nhà sẽ làm cho việc xác định cái chết của bin Laden trở nên điều bất khả thi.

Brennan tiếp: "Tổng thống Obama đã lượng định độ khả tín của các tin tức đó và ông ta đã làm điều mà tôi cho là một trong các quyết định gai góc và dũng cảm nhất của bất kỳ vị tổng thống nào trong quá khứ."

Tổng thống Obama lựa hai tá Biệt hải, "Navy SEAL Team Six," để thực hiện vụ đột kích với độ chính xác đến cực kỳ.

Trước hừng đông sáng thứ Hai, hai chiếc trực thăng rời Jalalabad ở miền đông Afghanistan. Hai "con ma" này khi xâm nhập vào không phận Pakistan đã dùng phương tiện kỹ thuật hiện đại để lẫn tránh các giàn radar, theo lời một viên chức khác.

Về nguyên tắc, mục tiêu của điệp vụ này là giết hoặc bắt sống, bởi vì chính quyền Mỹ chủ trương không giết người tay không và muốn đầu hàng. Tuy vậy, ngay từ đầu đã có thực tế rõ ràng rằng bất kỳ kẻ nào đang sống bên trong bức tường đó đều không hề có ý tưởng đầu hàng, đó là nhận định của hai nhân viên Mỹ.

Hai chiếc trực thăng hạ thấp dần trong khu biệt thự, thả toán biệt kích phía sau bức tường. Không có súng nổ, nhưng chỉ lát sau khi toán biệt kích chạm đất, một trực thăng bị rơi vì các lý do mà cho đến nay giới hữu trách Mỹ vẫn chưa giải thích.

Tuy vậy, không có biệt kích nào bị thương và điệp vụ vẫn tiếp tục không gián đoạn.

Cùng lúc với sự theo dõi trực tiếp từ cơ quan CIA và tòa Bạch Ốc, có lẽ nhờ vào vệ tinh hay máy thu hình được trang bị cho các biệt kích, cả toán đã tràn ngập ngôi biệt thự.

Nhờ vào kỹ thuật theo dõi tối tân của vệ tinh, lực lượng Mỹ biết rằng xác suất tìm ra gia đình bin Laden là ở tầng hai và tầng ba của một trong căn lầu, cũng theo lời các viên chức Mỹ. Trước hết, toán biệt kích kiểm soát các phần khác của tòa nhà, xong mới tiến đến căn phòng nơi bin Laden đang trốn. Trong cuộc đọ súng liền sau đó, theo lời Brennan, bin Laden đã dùng một phụ nữ làm lá chắn.

Một biệt kích đã kết liễu đời bin Laden bằng một viên đạn vào đầu.

Thi thể bin Laden được nhận diện ngay sau đó, nhưng họ cũng đã thử DNA và độ tin cậy gần như đạt 100%, các viên chức cao cấp của Mỹ cho biết. Các yếu tố như hình ảnh phân tích bởi CIA, lời xác nhận tại hiện trường bởi một phụ nữ có lẽ là vợ của bin Laden, và ngoại hình, như chiều cao, đều phù hợp đã giúp xác tín sự nhận dạng. Ở tòa Bạch Ốc, không hề có chút nghi ngờ nào.

"Tôi nghĩ rằng thành tựu mà các chiến sĩ gan dạ của Mỹ thực hiện được hôm qua là một dấu mốc quan trọng trong cuộc chiến với al-Qaida, cuộc chiến chông lại bọn khủng bố, bằng cách chặt đầu con rắn độc có tên là al-Qaida," theo lời Brennan.

Lực luợng biệt kích Mỹ đã lục soát tòa nhà và lấy đi nhiều tài liệu, "hard drive" của computer và các đĩa DVD. Những thứ này sẽ cung cấp nhiều tin tức tình báo giá trị về tổ chức al-Qaida. Toàn bộ vụ đột kích diễn ra khoảng 40 phút, các viên chức Mỹ nói.

Thi thể của bin Laden sau đó được chuyển tới hạm đội USS Carl Vinson tại vùng biển Bắc Ả Rập, theo lời một viện chức cao cấp bộ Quốc phòng. Tại đó, trên chiến hạm của Mỹ, một lễ an táng theo nghi thức cổ truyền Hồi Giáo được thực hiện. Xác của bin Laden được tắm rửa, quấn trong một tấm vải trắng. Sau khi các nghi thức tôn giáo được thực hiện bởi một sĩ quan, xác y được đẩy xuống biển vào lúc 2 giờ sáng, giờ miền Đông, hôm thứ Hai.

Tổng thống Obama đã phát biểu: "Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều đồng ý rằng đây là một ngày tốt đẹp cho nước Mỹ."


© DCVOnline