Thưa quý vị, cộng đồng người Việt hôm qua đã tổ chức lễ kỷ niệm lần thứ 17 Ngày Nhân quyền Việt Nam tại Thượng viện Hoa Kỳ ở thủ đô Washington. Ông Daniel Baer, Phó Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Dân chủ, Nhân quyền và Lao động, cũng hiện diện tại sự kiện này, và lên tiếng kêu gọi Việt Nam thả ‘các tù nhân chính trị’. Mời quý vị theo dõi bài tường thuật của Nguyễn Trung trong chuyên mục ‘Câu chuyện Việt Nam’ tuần này.
Hình: Nguyễn Trung
Ông Baer nói rằng việc thúc đẩy nhân quyền là một chiến dịch dài hơi.
Thượng nghị sĩ John Cornyn (tiểu bang Texas) chủ trì buổi lễ với sự tham gia của hàng trăm người, trong đó có các dân biểu quan tâm tới Việt Nam và đại diện một số tổ chức ở hải ngoại của Trung Quốc, Tây Tạng, Lào và Miến Điện.
Ông Cornyn cho biết ông hy vọng lễ kỷ niệm sẽ giúp ‘nêu lên vấn đề nhân quyền’ cũng như là cơ hội ‘thúc giục Việt Nam chấm dứt đàn áp dân chúng’.
Nhân dịp này, ban tổ chức kêu gọi Hà Nội ‘trả lại cho người dân Việt Nam những nhân quyền căn bản, đặc biệt là quyền tự do tiếp cận thông tin và tự do ngôn luận’.
Bác sĩ Nguyễn Quốc Quân, người đồng tổ chức và cũng là Chủ tịch Ủy ban Quốc tế Yểm trợ Cao trào Nhân bản, nhận định với VOA Việt Ngữ rằng chính phủ Việt Nam ‘hoàn toàn kiểm soát tất cả những thông tin đại chúng’.
Ông nói: ‘Tất cả 700 tờ báo không có một tờ báo nào là của dân chúng cả, xuất phát từ tư nhân cả. Thế còn nếu mà nói có tự do dân chủ, người dân phải được quyền phát biểu ý kiến, được quyền chỉ trích chính phủ, nhưng mà những người chỉ trích đó đều nằm trong tù cả. Gần đây nhất là luật sư Cù Huy Hà Vũ bị xử án 7 năm cũng chỉ vì chỉ trích chính quyền’.
Trong khi đó, mới đây, Hà Nội lên tiếng nhấn mạnh rằng ‘tại Việt Nam, các quyền tự do cơ bản của người dân được quy định cụ thể trong hiến pháp và các văn bản pháp luật và được đảm bảo trên thực tế’.
Bác sĩ Quân cũng nhận định về sự ‘thay đổi rất lớn trong chính sách của Hoa Kỳ’ liên quan tới nhân quyền Việt Nam khi lần đầu tiên một giới chức cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tới phát biểu tại buổi lễ thường niên năm nay.
Trả lời riêng VOA Việt Ngữ bên lề lễ kỷ niệm, ông Daniel Baer, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách các vấn đề Dân chủ, Nhân quyền và Lao động, nói rằng việc thúc đẩy nhân quyền là một chiến dịch dài hơi.
Ông nói: ‘Những ai làm việc về nhân quyền hàng ngày đều biết rằng thúc đẩy vấn đề này là một nỗ lực lâu dài. Nhưng một trong những điều luôn cần thiết là người dân phải được thông tin, phải nắm được thực tế và tụ họp để bàn giải pháp. Sự kiện như ngày hôm nay tập hợp cộng đồng với những quan ngại về thách thức nhân quyền ở Việt Nam lại để khuyến khích việc thảo luận. Chúng tôi hân hạnh là một phần của cuộc trao đổi đó’.
Giới chức ngoại giao này cũng cho rằng tình trạng nhân quyền Việt Nam luôn là mối quan tâm của cả hai chính đảng ở Hoa Kỳ và chính quyền của Tổng thống Barack Obama ‘cam kết tiếp tục theo đuổi vấn đề này’.
Ông Baer cũng cho hay, Hoa Kỳ luôn ‘đặt vấn đề nhân quyền ở vị trí hàng đầu trong mối quan hệ mà ông đánh giá là ‘quan trọng’ với Việt Nam’.
Ông cho biết: ‘Chúng tôi thường xuyên trao đổi với Việt Nam ở cấp cao nhất về sự cần thiết phải tôn trọng nhân quyền được quốc tế công nhận. Chúng tôi thực sự tin rằng làm như thế là có lợi cho Việt Nam. Chúng tôi cũng tin rằng tiến bộ về nhân quyền sẽ khiến Việt Nam trở thành một đối tác quan trọng hơn của Mỹ về lâu về dài’.
Trong bài phát biểu của mình trước hàng trăm người tại Thượng viện Hoa Kỳ, ông Baer nhắc tới một số các nhà bất đồng chính kiến bị sách nhiễu và cầm tù tại Việt Nam như bác sĩ Nguyễn Đan Quế, em trai của ông Nguyễn Quốc Quân, tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ, bác sĩ Phạm Hồng Sơn, luật sư Lê Quốc Quân, linh mục Nguyễn Văn Lý, blogger Phan Thanh Hải và Nguyễn Văn Hải (tức Điếu Cày).
Thay mặt Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, ông Baer một lần nữa lên tiếng kêu gọi Việt Nam phóng thích một số người đang bị cầm tù đó và ‘thả các tù nhân chính trị khác’, trong khi Hà Nội khẳng định không bắt giam ‘tù nhân lương tâm, mà chỉ bỏ tù những người vi phạm pháp luật’.
Ông Baer nói: 'Chúng tôi thực sự quan ngại về các vụ đàn áp gần đây của chính phủ đối với quyền chính trị và tôn giáo. Chúng tôi đã công khai nói rõ quan ngại cũng như bày tỏ ở chốn riêng tư với chính phủ Việt Nam. Chúng tôi cũng nêu cụ thể các vụ việc, trong đó có vụ tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ'.
Liên quan tới vụ ông Vũ, hồi đầu tháng Tư, Hà Nội từng lên tiếng cho rằng Washington can thiệp vào ‘công việc nội bộ’ của Việt Nam khi kêu gọi phóng thích nhà hoạt động Hà Vũ sau khi ông bị kết án.
Trả lời VOA Việt Ngữ, ông Baer cho rằng ‘nhân quyền không phải là vấn đề mang tính nội bộ’.
Nhà ngoại giao này nói: ‘Nhân quyền là các vấn đề liên quan tới con người. Hiện có những tiêu chuẩn và nghĩa vụ chung áp dụng cho mọi nước, trong đó có chúng tôi. Tổng thống (Hoa Kỳ) đã nói rõ rằng chúng tôi thấy có một tiêu chuẩn chung, và nó nên được áp dụng cho mọi người, trong đó có chúng tôi. Chúng tôi coi nhân quyền là vấn đề chung, mang tính toàn cầu, không phải là công việc của nội bộ hay bên ngoài. Đó là vấn đề mang tính toàn cầu’.
Năm 1996, Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua nghị quyết 168, lấy ngày 11/5 hàng năm là Ngày Nhân quyền Việt Nam. Ngày 11/5/1990 là ngày Bác sĩ Nguyễn Ðan Quế đưa ra tuyên ngôn của Cao Trào Nhân Bản kêu gọi cải cách chính trị tại Việt Nam.
Hà Nội từng lên tiếng phản đối quyết định này.
Theo VOA
0 comments:
Post a Comment