Các nhà điều tra Mỹ hiện đang nỗ lực lắp ghép các mảnh thông tin về cuộc đời bí ẩn của Osama bin Laden, với hi vọng tìm được chi tiết về mạng lưới chiến binh Hồi giáo toàn cầu của hắn ta, những kẻ luôn “hừng hực” ý chí tấn công phương Tây.
Chìa khóa giả mã bí ẩn trên sẽ là lần theo các cuộc di chuyển của Bin Laden từ những tuần sau vụ khủng bố 11/9/2001 nhằm vào nước Mỹ tới tuần trước, khi lực lượng đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt hắn ta tại nơi ẩn náu ngay giữa thành phố nhà binh Abbottabad, Pakistan.
Việc lần theo hoạt động của tên trùm khủng bố này trong suốt một thập niên qua chắc chắn sẽ tìm ra được manh mối ai đã giúp hắn ta và có thể “giải oan” cho nỗi xấu hổ của đồng minh Pakistan – nước hiện bị cáo buộc là yếu kém và chơi nước đôi trong cuộc chiến chống khủng bố.
Nhưng làm thế nào Bin Laden lại có thể sống ngang nhiên trước mũi các nhà chức trách Pakistan, trong một khu nhà với tường cao, gắn dây thép gai bao quanh, nằm không xa học viện quân sự danh giá hàng đầu của Pakistan? Dưới đây là một số lý giải.
Bin Laden tự lẩn trốn?
Pakistan đã phủ nhận mọi thông tin cho rằng họ có liên quan đến những năm lẩn trốn của Bin Laden. Điều này có nghĩa là tên trùm khủng bố từng bị truy nã gắt gao nhất thế giới đã tự lo cho mình, đã tự tìm cách vượt biên từ Afghanistan sang Pakistan vào cuối tháng 12/2001 mà không hề bị phát hiện và vẫn lẩn trốn được giới chức trách Pakistan, trong đó có cả các cơ quan an ninh đầy quyền lực, với sự trợ giúp của hàng loạt phụ tá cũng như người thân.
Khi thẩm vấn 3 bà vợ được tìm thấy trong căn nhà Bin Laden sống sau vụ đột kích của Mỹ hôm 2/5, các nhà điều tra Pakistan cho hay những người này khai thủ lĩnh al-Qaeda đã sống tại khu nhà trong suốt 5 năm qua. Và trước đây, hắn sống ở làng Chak Shah Mohammad gần đó trong 2 năm rưỡi.
Cuộc di chuyển tới Abbottabad năm 2006 cho thấy Bin Laden đã cảm thấy buộc phải rời đi tới một nơi nào đó. Đó là vào tháng 1/2006, khi CIA bắt đầu chiến dịch tấn công tên lửa bằng máy bay không người lái nhằm vào chiến binh ẩn náu ở vùng bộ lạc Pashtun lộn xộn của Pakistan, giáp giới Afghanistan.
Một khả năng khác là Bin Laden cảm thấy buộc phải chuyển đi sau trận động đất vào tháng 10/2005, khiến 73.000 người thiệt mạng. Quân đội Mỹ và quân đội nhiều nước phương Tây khác đã gửi binh sỹ tới trợ giúp công tác cứu hộ ở các vùng núi phía bắc, trong đó có cả vùng Kashmir của Pakistan – nơi có nhiều nhóm chiến binh hoạt động. Nếu Bin Laden ẩn náu ở vùng thảm họa, có thể hắn cảm thấy sẽ an toàn hơn khi chuyển tới nơi nào đó như Abbottabad, vùng không bị ảnh hưởng nặng nề và không nằm trong tầm quan tâm của lực lượng nước ngoài.
Dù Bin Laden có di chuyển như thế nào đi chăng nữa, việc hắn hoàn toàn không bị phát hiện trong ít nhất 5 năm tại Pakistan cho thấy thất bại của các cơ quan tình báo. Abbottabad là thành phố nhà binh, nơi các tướng lĩnh quân đội ra vào nườm nượp.
Người dân xung quanh cũng nhận thấy cách cư xử của những người sống trong căn nhà Bin Laden ẩn náu lạ lùng, đặc biệt là khi khoảng 16 đứa trẻ sống ở đó lại học ở nhà, không bao giờ được phép ra ngoài một mình. Những biểu hiện như thế liệu có thể không bao giờ gây tò mò cho các đặc vụ an ninh, đặc biệt là cho những người phải chịu trách nhiệm cho tính mạng của các tướng lĩnh cấp cao ra vào học viện quân sự gần đó?
Pakistan biết mọi thứ?
Giới phân tích thấy khó có thể tin rằng các nhà lãnh đạo Pakistan lại che giấu thủ lĩnh của nhóm với các thành viên đang vẫn ngày đêm tìm cách giết hại họ.
Cựu lãnh đạo quân sự, cựu Tổng thống Pakistan Pervez Musharraf đã hai lần suýt mất mạng trong các vụ tấn công do chiến binh có liên hệ với al-Qaeda thực hiện, trong khi Thủ tướng của ông thoát chết một lần. Các cơ quan an ninh, trong đó có cơ quan tình báo lớn ISI, đã nhiều lần bị “môn đồ” của Bin Laden tấn công, khiến hàng ngàn người thiệt mạng.
Có vẻ như rất khó tin khi có một quyết định chính thức của chính phủ để che giấu cho Bin Laden, đặc biệt khi chính phủ đó là một chính phủ dân sự, lên nắm quyền ở Pakistan vào năm 2008. Cũng khó có thể tinh rằng giới lãnh đạo Pakistan lại có manh mối về tên trùm khủng bố Bin Laden.
Tuy nhiên, tại một nước do quân đội nắm quyền hơn một nửa trong số 64 năm lịch sử, thì những vấn đề nhạy cảm như thế này lại hay bị “quy kết” cho quân đội hoặc các cơ quan an ninh.
Quan chức an ninh nghỉ hưu giúp Bin Laden?
Ranh giới sự thật giữa khả năng giới chức Pakistan không hề biết gì và khả năng họ biết mọi thứ khá mập mờ.
Có khả năng trong những tuần hỗn loạn sau vụ tấn công khủng bố 11/9, kẻ bị truy nã gắt gao nhất thế giới đã vượt biên từ Afghanistan để tránh bom Mỹ, sang Pakistan. Và đã có ai đó tại Pakistan ra quyết định rằng nắm giữ “tài sản” này (Bin Laden) sẽ mang lại lợi ích quốc gia cho Pakistan. Các điệp viên an ninh có thể thành lập một nhóm độc lập, nằm bên ngoài cơ quan chỉ huy thông thường, để theo dõi thủ lĩnh al-Qaeda.
Hoặc có thể các điệp viên an ninh về hưu hay một vài điệp viên ranh ma nào đó đã quyết định đi ngược lại với chính sách chính thức của đất nước, tham gia cùng Mỹ trong cuộc chiến chống chiến binh toàn cầu, để vì lợi ích quốc gia riêng của Pakistan. Họ có thể để thủ lĩnh al-Qaeda ẩn náu ngay trước mũi của quân đội và dưới sự theo dõi của họ, tại thành phố nhà binh Abbattobad.
Và chỉ đến khi một cuộc gọi điện thoại, bị một nhóm an ninh Pakistan có thể không hay biết là nó có liên hệ với Bin Laden chặn và chuyển cho Mỹ, CIA mới có cơ hội tiến hành cuộc đột kích bí mật nhằm vào hang ổ của tên trùm khủng bố.
Vì sao?
Vì sao một số người Pakistan lại có thể nghĩ rằng việc nắm giữ một kẻ mà môn đồ của hắn đang chiến đấu chống nhà nước Pakistan lại là quyết định khôn ngoan? Giới phân tích cho rằng câu trả lời có thể tìm thấy ở sự nghi ngờ đến mức ám ảnh của nước này đối với đối thủ sở hữu vũ khí hạt nhân láng giềng, Ấn Độ.
Pakistan không có lợi lộc gì trong cuộc thánh chiến toàn cầu của Bin Laden, nhưng phòng thủ trước điều mà một số người vẫn cho là sự “hiếu chiến” của Ấn Độ đã khiến họ có những suy tính chiến lược. Và chiến binh đã từng được dùng để chống lại Ấn Độ cùng ảnh hưởng của nước này tại khu vực.
Dù một số môn đồ của al-Qaeda đang chiến đấu chống Pakistan, nhưng nếu những tên khác sẵn sàng và có thể chống lại Ấn Độ, có lẽ cách tốt nhất là nắm giữ thủ lĩnh tinh thần của chúng.
Hoặc cũng có thể một số người Pakistan xem Bin Laden là quân át chủ bài để họ ra giá với Mỹ trong trường hợp xảy ra một cuộc chiến nữa với Ân Độ.
Hoặc cũng có thể một số người Pakistan cho rằng hợp tác của Mỹ với Pakistan, ảnh hưởng của Mỹ đối với Ấn Độ thay mặt cho Pakistan, cùng hàng tỷ đô la hỗ trợ của Mỹ có thể chấm dứt một khi người Mỹ đã bắt được kẻ thù số một của mình.
0 comments:
Post a Comment