Phải chăng vùng Nội Mông của Trung Quốc sắp rơi vào bạo loạn ? Một tổ chức nhân quyền thông báo những cuộc biểu tình với quy mô chưa từng thấy diễn ra ngay trong tuần này, sau khi đã có nhiều lời kêu gọi người Mông Cổ xuống đường biểu tình nhằm bảo vệ đất đai và quyền lợi của họ.
Theo tổ chức phi chính phủ mang tên Trung tâm Nhân quyền Nam Mông Cổ, có cơ sở tại Hoa Kỳ thì trên các mạng liên lạc xã hội đã có thêm nhiều thông điệp kêu gọi người dân Nội Mông xuống đường biểu tình. Phong trào xuống đường đã bắt đầu từ thứ hai tuần này với cuộc tuần hành của nhiều trăm người phản đối vụ việc một người Hán lái xe tải cán chết một người Mông Cổ chăn cừu.
Theo AFP, tai nạn xảy ra tại huyện Tích Lâm Quách Lặc Minh (XilinGol) vào ngày 10/05/2011 khi nhiều trăm người Mông Cổ làm nghề chăn nuôi ngăn chận một đoàn xe tải chở than đá. Hoạt động khai thác than đá của người Hán gây ô nhiễm môi trường tác hại cho ngành chăn nuôi của người Mông Cổ.
Một người chăn cừu tên Mergen bị xe tải cán chết. Chính quyền thông báo bắt giam 4 người có liên quan đến cái chết của nạn nhân và phá hoại đồng cỏ của giới chăn nuôi. Tuy nhiên, động thái này không xoa dịu được người dân địa phương gốc Mông Cổ, nhiều trăm người đã biểu tình phản đối hôm thứ hai.
Hôm qua 26/05/2011, tại Xilin Gol diễn ra hai cuộc xuống đường. Nhiều cuộc biểu tình khác đang được chuẩn bị với lời kêu gọi bảo vệ "đất đai và quyền sống". Một cư dân địa phương tiết lộ với AFP là họ có một chương trình hành động bí mật.
Tại vùng Nội Mông Trung Quốc, hiện có khoảng 6 triệu dân gốc Mông Cổ, tức đông gấp đôi dân số tại nước Mông Cổ láng giềng. Nhiều người dân than phiền họ bị chính quyền Trung Quốc trấn áp chính trị và văn hóa.
Một nhà tranh đấu năng nỗ tên Hada đã bị kết án tù 15 năm. Nhưng từ ngày mãn án vào ngày 10/12/2010, ông bị mất tích. Vợ và con của ông cũng biệt tăm. Người dân địa phương nghi là chính quyền giam giữ toàn gia đình ông Hada ở một nơi bí mật.
Theo AFP, chính quyền Trung Quốc chắc chắn sẽ phản ứng mạnh để đối phó với phong trào biểu tình. Từ khi xảy ra các cuộc nổi dậy tại Trung Đông, Bắc Kinh lo sợ làn sóng tranh đấu lan đến Trung Quốc. Các biện pháp an ninh đã được siết chặt tại các vùng lãnh thổ láng giềng bị Trung Quốc sát nhập như Tây Tạng, Tân Cương.
Theo RFI
0 comments:
Post a Comment