Thất Sỹ (danlambao) - Ngay cái việc nuôi chó, để con chó chỉ còn biết ăn và lớn hắn đã chọc mù mắt, điếc tai chó để nó không còn biết sủa... Hắn có cái lý của hắn, vì làm gì có công ước “Quyền con chó” mà đòi hắn phải nuôi thế này, chăm sóc thế kia...
*
- Hơ, hơ! Tớ là chủ trại chó mé chân đồi, rìa sông kia kìa.
May quá, tôi đã gặp đúng người cần gặp.
Tôi có một vùng quê nghèo bình dị, tôi được sinh ra và lớn lên tại đây, nhưng những người ruột rà thân thích giờ đã tứ tán gần hết, cho nên lâu lâu có dịp tôi mới ghé qua.
Lần này, nghe nói quê mình có trại nuôi chó lớn lắm - cứ vài ngày lại xuất chuồng hàng chục tấn. Nói gì chứ: nếu trại bò, trại lợn có lớn nhất nước thì vẫn là hạng bét thế giới, nhưng nếu trại chó lớn nhất thì chắc là lớn nhất thế giới.
Tôi lân la ra quán rượu của thôn, thấy một người quen quen, mặt mũi trơn tru, một mình ngồi trước mâm thịt rượu đề huề, tôi mon men tới bắt chuyện thì nghe được câu giới thiệu trên – thì ra hắn là người cùng thôn.
Hắn sinh ra tại đây, nhưng từ bé đã theo bố mẹ ra Hà Nội ăn học đến hết phổ thông. Khi bố mẹ hắn nghỉ hưu, về quê sinh sống thì hắn cũng lại theo về. Do được giao lưu, tiếp xúc nhiều hơn các bạn cùng quê, cộng với tính hăng hái dễ bảo nên về quê hắn cũng phát động được mấy phong trào. Năm 20 tuổi đã là bí thư xã đoàn, năm 23 tuổi đã là chủ tịch xã, năm 27 tuổi lên huyện, rồi qua hết phòng nọ, ban kia của huyện. Mấy lần ngấp nghé chức chủ tịch huyện mà không được, bất mãn, hắn bỏ về quê làm ăn rồi sau đó lập ra trại chó. Do có sẵn quan hệ khi còn đương công tác nên việc mở trại của hắn hanh thông mọi đường. Trại chiếm một khu đất đẹp của xã. Nghe đâu cũng có mấy hạng quan hùn vốn với hắn.
- Hơ, hơ! Tớ tham gia hoạt động xã hội ngay từ khi còn bé. Lúc nhỏ ở Hà Nội, theo mấy anh công an, cờ đỏ đi rạch quần ống tuýp. Cứ trấn ở một góc đường, thấy thanh niên nào mặc quần bó sát, tuýt còi lại, lùa cái chai vào ống quần mà không lọt – rạch. Rồi mấy năm sau lại rạch quần ống loe: gọi lại, thử nhét cái chai vào ống quần mà lại lọt – rạch. Mấy đứa con gái bị rạch quần, chỉ có nước ngồi ôm mặt. Tiếc quá, hồi ấy chưa có cơ chế thị trường chứ mình mang mấy cái quần đến đấy mà bán thì có chém đứt cổ nó vẫn phải mua của mình – hơ, hơ.
Đó là bản tính của hắn – vô cảm. Ngay cái việc nuôi chó, để con chó chỉ còn biết ăn và lớn hắn đã chọc mù mắt, điếc tai chó để nó không còn biết sủa.
- Hơ, hơ! Chúng nó cứ bảo là tớ ác – nhưng tớ nghĩ đằng nào chó chả bị đem làm thịt, mình nuôi thế nào để nó béo, thịt ngon đáp ứng thị trường là được. Mà chó là cái giống thính tai, tinh mắt, cứ động một tí là sủa nhặng lên, vừa mất trật tự, vừa không béo được, mình làm thế này nó chỉ còn biết ăn và béo như lợn con. Thế còn mấy người ăn óc khỉ, cứ để con khỉ sống, phạt đầu moi óc ra ăn có ác không? Rồi những người nuôi vịt chỉ để lấy cái chân, họ làm cho cái sàn luôn luôn nóng, con vịt cứ phải nhảy, bao nhiêu máu với chất bổ tụ vào chân hết để lấy đôi chân làm đặc sản – thế có ác không? Hơ, hơ!
Hắn có cái lý của hắn, vì làm gì có công ước “Quyền con chó” mà đòi hắn phải nuôi thế này, chăm sóc thế kia.
- Cả cái huyện này, ai mà chả biết tớ, mình nhiều năm công tác, cống hiến cho huyện cũng không phải là ít, uy tín cũng nhiều. Thế mà nó lại cho mình trượt cái ghế chủ tịch! Còn mấy tay ngồi trúng cái ghế ấy có hay ho gì? Hết tay ngu si này tới tay đần độn khác, rồi lại tới tay sa đọa, hơ, hơ!
Đúng là giọng điệu của kẻ bất mãn! Nhưng ở đời có kẻ mà những người khác cho là ngu, nhưng người trong cuộc lại bảo nó không ngu. Thôi thì cái chuyện dại khôn – khôn dại chỉ có phơi ra dưới ánh sáng mặt trời mới rõ được.
- Các cụ xưa vẫn nói: quan trường là chốn bon chen, chả có sai. Tớ đã ở chốn ấy tớ biết: làm lãnh đạo là phải đi trên lưng kẻ khác – chỉ cần chăm cho cái ghế của mình và tìm đường mà ngoi lên, dùng mọi thủ đoạn để đạt mục đích. Thấy cái gì đúng, có lợi cho mọi người thì mình cứ nói như tuyên ngôn của mình, nhưng mình không nhất thiết phải làm. Ở huyện này có tay nói theo leo lẻo “hiền tài là nguyên khí của huyện nhà”, nhưng khi có một người hiền tài đứng trước mặt thì nó lại hỏi: “Mày là con gì”. Mọi sự giả dối đều được biết và được chấp nhận như một phần tất yếu của cuộc sống. Chỗ nào có lợi cho mình thì ban ra vài cái quyết định để cho nó cũng có lợi và trung thành với mình hơn. Kẻ nào nói trái chiều thì dùng kỹ thuật bẩn thỉu, nghiệp vụ bẩn thỉu mà triệt nó đi, hơ hơ!
Trời! May cho cái xã hắn đã làm chủ tịch – vì lúc đó hắn chưa phát huy sáng kiến. Phúc cho cái huyện đã đánh trượt hắn chức chủ tịch vì nhỡ đâu hắn lại dụng cái bài đâm cho điếc, chọc cho đui để dễ bề điều trị.
0 comments:
Post a Comment