DBTT (Phía Trước) - Quốc hội khóa XIII sẽ chính thức bắt đầu phiên họp và bầu cử từ ngày 22/05/2011. Quốc hội khóa mới thông báo sẽ có khoảng 15-20% đại biểu ngoài Đảng (ĐCSVN) được giới thiệu hoặc tự ứng cử.1 So với những kỳ Quốc hội trước đây, khóa XIII sắp tới mang tín hiệu tích cực, dân chủ hơn – ý kiến của nhân nhân đã bắt đầu được tiếp thu, đổi mới dù rất chậm và hạn chế. Tuy nhiên, sự thật sẽ diễn ra như thế nào thì vẫn còn nhiều dấu hỏi, hay cũng sẽ chỉ là một màn diễn như các kỳ bầu cử trước.
‘Quốc hội’ hay ‘Đảng hội’?
Tính đến cuối năm 2010 thì dân số Việt Nam tổng cộng khoảng 87 triệu người.2 Riêng thống kê của ĐCSVN năm 2008 thì số đảng viên lên gần 3,5 triệu người.3 Nói cách khác, dân số Việt Nam không đảng viên đông gấp 24 lần số lượng đảng viên. Nhưng để đứng ra đại diện cho nhân dân thì chỉ có 15-20% đại biểu ngoài Đảng, tương ứng với 80-85% đại biểu là đảng viên ĐCSVN (tỉ lệ là 1/4-1/5,6). Như vậy nếu nhìn nhận một cách khách quan và trung thực thì trong trường hợp này là « Quốc hội » hay là « Đảng hội » ?
Nếu là « Đảng hội » thì hội nghị này sẽ phải do Đảng chỉ đạo, mọi diễn biến sẽ được lập trình, tính toán sẵn sao cho có lợi nhất cho Đảng. Chỉ vừa cách đây không lâu, Đại hội Đảng lần thứ XI đã được tiến hành và kết quả ra sao thi ai cũng đã rõ ràng. Như vậy liệu có thể hi vọng điều gì ở kì bầu cử Quốc hội vào tháng 5 sắp tới?
Nhìn sơ qua vài con số đã đăng trên báo chí trong thời gian vừa qua, thành phần số lượng đại biểu thuộc các lực lượng vũ trang (công an, quân đội) rất đông, cho thấy rằng tư tưởng « Chính quyền trên đầu mũi súng » do Mạo Trạch Đông khởi xướng vẫn đang rất thịnh hành tại Việt Nam. Trong khi đó, những lĩnh vực được xem là mũi nhọn, chủ đạo để xây dựng và phát triển đất nước như y tế, văn hóa và giáo dục thì lại số lượng đại biểu lại quá khiêm tốn.
Sự mất cân bằng này đã tồn tại từ rất lâu và đã có rất nhiều ý kiến phản ánh, tuy nhiên chúng chẳng bao giờ được tiếp thu một cách nghiêm túc. Kết quả là một số nhân dân tiếp tục xem các đại biểu Quốc hội là những ông, bà « nghị gật ». Trên thực tế những « nghị gật » này cũng bù nhìn chẳng kém gì nhân vật « Nghị Quế » trong tác phẩm « Tắt đèn » của nhà văn Ngô Tất Tố. Sự khác nhau duy nhất có lẽ là mốc thời gian, trong đó « Nghị Quế » xuất hiện thời chính quyền Pháp thuộc từ thế kỉ trước, còn « Nghị gật » thì tồn tại ngay trong thời điểm ngày nay.
Sự bù nhìn và bất lực hoành hành trong thời kì đất nước chịu cảnh ngoại xâm, nô lệ mà lại vẫn tiếp tục tồn tại đến ngày nay thì Quốc hội này mang ý nghĩa như thế nào ? Liệu có đúng là cơ quan quyền lực cao nhất, chịu trách nhiệm ban hành Hiến pháp hay không? Liệu đại biểu Quốc hội có đúng là những người đại diện cho nhân dân Việt Nam hay không? Liệu nhân dân Việt Nam có thể yên tâm phó thác trọng trách bảo vệ, xây dựng và phát triển tổ quốc Việt Nam cho họ hay không?
‘Vô công bốc thọ lộc’
Xin được dẫn lại một sự kiện gần đây nhất là phiên tòa xử tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ vì tội “tuyên truyền chống Nhà nước” vào ngày 04/04/2011. Đó có thể được xem là một trong những phiên tòa lố bịch nhất do ngành Tòa án Việt Nam tiến hành. Các luật sư tham gia bào chữa cho ông Cù Huy Hà Vũ đã phải phản ứng lại sự vi phạm pháp luật trắng trợn của những người làm công tác xử án bằng cách hủy bỏ, không tham gia quá trình xét xử. Những đại biểu Quốc hội nghĩ gì về phiên toà này? Tâm trạng của họ sẽ ra sao khi chứng kiến Hiến pháp và pháp luật Việt Nam do họ, những người đại diện nhân dân Việt Nam soạn thảo và ban hành bị coi thường và “không sống theo Hiến pháp” như Nhà nước tuyên truyền lâu nay?
Họ có xác định được họ là đại biểu của nhân dân Việt Nam hay là đại biểu của riêng một đảng hay không? Nếu tự coi mình là đại biểu chỉ cho riêng một đảng thì nên hủy bỏ ngay kì họp Quốc hội sắp tới, vì Đại hội Đảng vừa qua cũng đã kết thúc.
Còn nếu như vẫn xác định được bản thân là người Việt Nam « Máu ta từ thành Văn Lang dồn lại, xương da thịt này cha ông miệt mài »4 thì tôi nghĩ Quốc hội khóa XIII đừng tiếp diễn như một màn kịch cho nhân dân Việt Nam và cho bè bạn quốc tế phê phán.
Người xưa đã từng nói « Vô công bất thọ lộc », do đó mong rằng những con người được ngồi họp trong một tòa nhà lộng lẫy và bề thế mà giá xây dựng lên tới 4,800 tỉ VNĐ5 hiểu được đúng vai trò của họ.
Để có được số tiền đầu tư này, nhân dân Việt Nam sẽ phải oằn lưng ghánh chịu thêm những món nợ vay mượn quốc tế. Sẽ còn phải có bao nhiêu trẻ em không thể đến trường hoặc phải bỏ học nửa chừng vì không đóng nổi học phí hay vì không có trường lớp. Sẽ có thêm bao nhiêu người nghèo phải lang thang, cư trú nơi gầm cầu, bến xe vì không thể có được một mái nhà che nắng, che sương. Sẽ còn có bao nhiêu bệnh nhân phải đối diện với tử thần trong sự tuyệt vọng vì không được bảo hiểm y tế, không đủ bệnh viện để cứu chữa. Sẽ còn phải có thêm bao nhiêu con dân Việt Nam phải đi tha phương cầu thực, sống đời làm thuê nơi đất khách, quê người. Và sẽ còn phải có thêm bao nhiêu là thiếu nữ Việt Nam phải cam tâm đi làm dâu nơi xứ người hòng giúp cho gia đình thoát cảnh nghèo đói, túng thiếu.
Trên đôi vai của mỗi một đại biểu Quốc hội đều mang nặng những gánh nợ lớn lao, khó trả ấy. Nếu không hoàn thành được nhiệm vụ mà quốc dân giao phó hay nếu chỉ biết hèn kém cúi đầu vì lợi ích của bản thân và của riêng Đảng thì nhân dân sẽ tiếp tục thất vọng.
Rất mong các vị đại biểu Quốc hội tương lai nhìn ra được thực trạng đáng buồn hiện nay của đất nước, của dân tộc để hành động một cách tích cực nhất có thể. Chỉ có như vậy họ mới xứng đáng là đại biểu của Quốc hội nước Việt Nam.
Chúc kì họp Quốc hội khóa XIII của Việt Nam thành công theo đúng ý nghĩa tốt đẹp vốn phải có như Hiến pháp đã quy định.
© 2011 Tạp chí Thanh niên PHÍA TRƯỚC
http://phiatruoc.wordpress.com
*
Tài liệu tham khảo :
(2) http://www.trueknowledge.com/q/population_of_vietnam_in_2010
(3) http://www.xaydungdang.org.vn/Home/Dang-vien/2009/1017/Tu-ket-qua-phat-trien-dang-vien-nam-2008.aspx
(4) Ca khúc « Việt Nam quê hương ngạo nghễ » – Tác giả : Nguyễn Đức Quang
0 comments:
Post a Comment