Tuesday, May 10, 2011

13 triệu ha rừng bị phá hủy mỗi năm

Thu Nguyên (Tamnhin.net) - Trước năm 1945 Việt Nam có 14 triệu ha rừng chiếm hơn 42% diện tích tự nhiên của cả nước; năm 1975 diện tích rừng chỉ còn 9,5 triệu ha (chiếm 29% diện tích tự nhiên); năm 1985 còn 7,8 triệu ha (23,6%); đến năm 1989 chỉ còn 6,5 triệu ha (19,7%)...

*

Tình trạng phá rừng trên quy mô toàn cầu vẫn tiếp tục ở mức báo động. Hàng năm, 13 triệu ha rừng bị phá hủy.

Rừng che phủ một phần ba diện tích lục địa. Hiện nay, sinh kế của 1,6 tỷ người trên trái đất phụ thuộc vào rừng. Rừng đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu...

Tang vật trong một vụ phá rừng trái phép. Ảnh: internet

Tuy nhiên, bất chấp tất cả lợi ích vô giá của rừng về kinh tế - xã hội, sinh thái và sức khỏe, môi trường, con người vẫn đang tàn phá rất nhiều các khu rừng. Tình trạng phá rừng trên quy mô toàn cầu vẫn tiếp tục ở mức báo động. Hàng năm, 13 triệu ha rừng bị phá hủy.

Rừng Việt Nam là một kho tài nguyên vô cùng quý giá với 12.000 loài thực vật, trong đó có khoảng 10% là loài đặc hữu; 800 loài rêu; 600 loài nấm... Khoảng 2.300 loài cây có mạch đã được dùng làm lương thực, thực phẩm, làm thức ăn cho gia súc. Chúng ta có 41 loài cho gỗ quí (nhóm 1), 20 loài cho gỗ bền chắc (nhóm 2), 24 loài cho gỗ đồ mộc và xây dựng (nhóm 3)..., loại rừng cho gỗ này chiếm khoảng 6 triệu ha.

Đó là chưa kể các loại rừng tre, trúc chiếm khoảng 1,5 triệu ha gồm khoảng 25 loài đã được gây trồng có giá trị kinh tế cao. Hàng nghìn loài dược liệu quý để chữa bệnh và có giá trị kinh tế.

Về động vật cũng rất đa dạng, ngoài các loài động vật đặc hữu Việt Nam còn có những loài mang tính chất tổng hợp của khu hệ động vật miền nam Trung Hoa, Ấn Ðộ, Mã Lai, Miến Ðiện.

Những kẻ phá rừng tại Vườn quốc gia Vụ Quang thả trôi gỗ theo dòng suối. Ảnh: internet

Hiện tại đã thống kê được khoảng 774 loài chim, 273 loài thú, 180 loài bò sát, 80 loài lưỡng cư, 475 loài cá nước ngọt và 1.650 loài cá ở rừng ngập mặn và cá biển; chúng phân bố trên những sinh cảnh khác nhau, trong đó nhiều loài có giá trị kinh tế cao và ý nghĩa khoa học. Nhiều loài quý hiếm có tên trong sách đỏ của thế giới.

Theo số liệu thống kê của Viện điều tra qui hoạch rừng Việt Nam, trước năm 1945 Việt Nam có 14 triệu ha rừng chiếm hơn 42% diện tích tự nhiên của cả nước; năm 1975 diện tích rừng chỉ còn 9,5 triệu ha (chiếm 29% diện tích tự nhiên); năm 1985 còn 7,8 triệu ha (23,6%); đến năm 1989 chỉ còn 6,5 triệu ha (19,7%).

Trong mấy năm gần đây, diện tích rừng có chiều hướng tăng lên, từ 28,2% năm 1995 lên 33,2% cuối năm 1999; và gần đây nhất, độ che phủ rừng đã lên tới 36,7% (2005).

Thế nhưng, có một thực tế: diện tích rừng tăng chủ yếu là rừng tái sinh, rừng trồng, phủ xanh đất trống đồi trọc. Trong khi đó, rừng già, rừng nguyên sinh, thậm chí ở hàng loạt vườn quốc gia, rừng vẫn bị chặt phá ngang nhiên và suy giảm nghiêm trọng.

Điển hình là hàng loạt vụ chặt phá rừng tại nhiều vườn quốc gia đã bị bắt và khởi tố thời gian vừa qua như vụ bắt giữ giám đốc Công ty TNHH Đại Nam (Kontum) trong vụ án phá rừng ở vườn quốc gia Kon Ka Kinh; rồi khởi tố vụ phá rừng tại Vườn quốc gia Chư Mom Ray tháng 6/2009.

Cũng trong năm 2009, hàng loạt vụ chặt phá rừng ở Vườn quốc gia Vụ Quang - Hà Tĩnh, vụ phá rừng cướp gỗ ở Phong Nha... bị phát hiện.

Đốt rừng cũng là một trong những nguyên nhân làm rừng suy giảm nhanh chóng. Ảnh: internet


Đầu năm 2010 đến nay, các đối tượng lâm tặc đã vào khu vực rừng cấm của Vườn quốc gia Bến En, thuộc địa giới hành chính xã Bình Lương, huyện Như Xuân (Thanh Hóa) chặt phá, triệt hạ gần 30 cây gỗ quý có độ tuổi hàng trăm năm, như lim, sến, săng lẻ...

Đến đầu năm 2011, cơ quan chức năng phát hiện tình trạng phá rừng diễn ra nghiêm trọng tại Vườn quốc gia Cát Tiên; tại khu vực rừng Cát Lộc (Lâm Đồng) cũng thường xuyên diễn ra tình trạng đốt rừng làm nương rẫy... Diện tích rừng vùng đệm xung quanh rừng lõi Cát Lộc đã bị đốt phá trên 11ha, riêng rừng lõi tại Cát Lộc đã bị người dân đốt phá khoảng 5ha.

Đứng trước nguy cơ rất lớn về sự biến mất dần đến hoàn toàn của nhiều cánh rừng già, rừng nguyên sinh, để hưởng ứng ngày môi trường thế giới năm 2011 - năm của rừng, Việt Nam lấy rừng làm trọng tâm của mọi hoạt động hướng tới việc quản lý, bảo tồn, phát triển bền vững tất cả các loại rừng, phòng chống phá rừng, suy thoái rừng...

Ngày 5 tháng 6 hàng năm được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) chọn là Ngày Môi trường thế giới. Việt Nam tham gia, hưởng ứng ngày này từ năm 1982 và đã trở thành hoạt động thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Thu Nguyên

http://tamnhin.net/Viet-Nam-Xanh/10790/13-trieu-ha-rung-bi-pha-huy-moi-nam.html

0 comments:

Powered By Blogger